Thích ứng với sự uyển chuyển và thoải mái
Bạn thân mến. Cuộc sống giống như một điệu nhảy không ngừng thay đổi. Nó đòi hỏi chúng ta phải di chuyển với sự uyển chuyển duyên dáng, hoà với nhịp điệu của nó thay vì mắc vào những bước chân cứng nhắc.
Sự linh hoạt là một trong những đặc điểm thiết yếu nhất
của cuộc sống. Những gì hiệu quả ngày hôm nay có thể không còn hiệu quả vào
ngày mai. Hãy tưởng tượng bạn đi ra ngoài với bịt tai và khăn quàng cổ vào một
ngày mùa xuân nắng đẹp – cách ăn mặc đó phù hợp vào mùa đông, nhưng lại hoàn
toàn ngớ ngẩn khi mùa thay đổi. Tương tự như vậy, phản ứng của chúng ta phải
thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi.
Bởi vì mục tiêu của chúng ta là trở nên nhẹ nhàng hơn,
tinh tế hơn và đơn giản hơn, chúng ta đang ở trong quá trình buông bỏ những thứ không còn cần thiết, làm vơi bớt gánh nặng và làm mọi việc một cách tự
nhiên và không cần cố gắng. Babuji Maharaj gói gọn quá trình này bằng cụm từ, “càng
nhiều của càng ít”. Để hòa nhập với Đấng Tối cao, chúng ta phải trở nên đơn giản
và tinh tế để giống như Đấng Tối cao, loại bỏ sự phức tạp và ràng buộc. Hãy tưởng
tượng đổ một cốc nước xuống hồ – chúng hòa vào nhau ngay vì chúng giống nhau.
Nhưng đổ dầu vào nước, hai thứ vẫn tách biệt. Đấng Tối cao không thay đổi để phù
hợp với chúng ta ở nơi chúng ta ở; mà chúng ta phải điều chỉnh bản thân để cộng
hưởng với tinh tuý của nó.
Sự điều chỉnh không chỉ áp dụng cho hành trình tâm
linh; đó là những gì chúng ta gặp trong cuộc sống hàng ngày. Một cô dâu mới cưới
thích nghi với gia đình nhà chồng và một nhạc sĩ hòa âm với dàn nhạc đều hiểu
được tầm quan trọng của sự đồng điệu. Việc tăng cường sự cộng hưởng với Đấng
Thiêng liêng là một quá trình liên tục điều chỉnh suy nghĩ, hành động và lối sống
của bạn, như Babuji mô tả trong một đoạn trích từ nhật ký của Ngài:
“Thường niệm về Master đã nảy nở trong tôi ngay từ buổi ban đầu khi Người truyền cho tôi liều truyền đầu tiên. Vì vậy, tôi đã khai triển ba thứ cùng nhau: Thường
niệm về Master; điều chỉnh bản thân để mang lại trạng thái hoà nhập hay
layavastha mà Master của tôi đã có; đọc và trải nghiệm những gì xảy ra trong vùng
mà tôi ở vào thời điểm đó.”
— Babuji Maharaj
Quá trình điều chỉnh liên tục cấu thành sự thực hành
theo nghĩa rộng hơn. Nó cần sự quan tâm, chú ý, nhận thức và khả năng đáp ứng.
Vai trò của nhận thức
Nhận thức và chú ý là nền tảng của sự linh hoạt. Giống
như người lái xe đánh lái theo bản năng để tránh chướng ngại vật, chúng ta chỉ
có thể điều chỉnh theo những gì chúng ta nhận biết được. Khả năng đáp ứng phụ
thuộc vào nhận thức, và nhận thức phụ thuộc vào sự chú ý. Nếu sự chú ý của
chúng ta trôi dạt – bị cuốn hút vào điện thoại hoặc mơ mộng – chúng ta có thể bỏ
lỡ các tín hiệu cần điều chỉnh.
Trong thực hành tâm linh, chú ý dẫn đến nhận thức sâu
sắc hơn về sự thiêng liêng bên trong. Trạng thái chú ý thiêng liêng này, được gọi
là thường niệm, tự nhiên đưa chúng ta đến gần hơn với Mục tiêu, mang theo layavastha
trên hành trình của nó. Babuji đã mô tả tâm linh là “nghệ thuật và khoa học về
thường niệm”, nhấn mạnh sự đơn giản của nó. Nhưng một lối sống đơn giản vẫn đòi
hỏi sự quan tâm. Sự quan tâm của chúng ta đối với Mục tiêu càng lớn, hành trình
càng ngắn lại.
Và những chướng ngại trên hành trình này là những thứ
làm sao lãng, chuyển hướng hoặc suy yếu sự quan tâm của chúng ta đối với Mục
tiêu – những ham muốn và samskara (dấu ấn từ hành động trong quá khứ)
chiếm lấy sự chú ý của chúng ta. Giống như bánh lái của con tàu bị quay bởi các
lực bên ngoài, chúng kéo chúng ta ra khỏi lộ trình. Chúng lấy sức mạnh từ sự
chú ý của chúng ta đối với chúng. Vì vậy, khi chúng ta cố gắng nhổ tận gốc
chúng, thay vào đó, chúng ta củng cố chúng và trở nên vướng víu hơn vào mạng lưới
vật chất.
Lời khuyên của Babuji để vượt qua những sao lãng này
đơn giản đến ngạc nhiên: ngừng nuôi dưỡng chúng. Giống như cây héo úa khi không
được tưới nước, sự dính mắc sẽ phai nhạt khi không được chú ý. Hãy chuyển sự tập
trung của bạn vào Đấng Thiêng liêng, thông qua thường niệm, và mọi thứ khác sẽ
tự đi vào trật tự.
Thực hành với sự linh hoạt
Các bài thực hành Heartfulness được thiết kế để hỗ trợ
quá trình này. Thực hành hàng ngày, khi được thực hiện một cách chân thành,
giúp chúng ta kết nối với Nguồn và giúp chúng ta không bị cuốn trôi. Sự cuốn trôi thường diễn ra rất từ từ đến nỗi chúng ta không nhận ra cho đến khi quá muộn;
không ai thoát khỏi khả năng sa ngã nên không ai vượt qua được nhu cầu về thiền.
Ngay cả khi vị thầy tâm linh của bạn trìu mến gợi ý rằng bạn đã đạt đến giai đoạn
không cần thiền nữa, hãy cứ tiếp tục thiền. Tiếp cận thiền với một góc nhìn mới
mẻ và hồn nhiên, luôn cởi mở với nguồn cảm hứng và sự kết nối sâu sắc hơn. Babuji Maharaj là hiện thân về sự
khiêm nhường của một cái tâm ban sơ, và kết quả là cách tiếp cận của Ngài cực kỳ
linh hoạt.
Sự linh hoạt thực sự trong ý thức nảy sinh từ sự liên
kết có được do thực hành thường xuyên. Nó cho phép bạn tham gia vào cuộc sống bằng
cách đáp ứng những thay đổi của cuộc sống trong khi vẫn kết nối với trạng thái
sâu thẳm nhất của bạn.
Trong bình luận về Maxim 9, “Hãy nhào nặn cuộc sống của
bạn để khơi dậy tình yêu thương và lòng mộ đạo ở người khác”, Babuji viết:
“Do đó, Thiên nhiên biểu hiện bằng
nhiều sắc thái khác nhau, mỗi vật nhận được phần xứng đáng theo khả năng và giá
trị của nó. Nói cách khác, Bà đối xử với chúng theo cách riêng của mình. Ví dụ
này phải được ghi nhớ và tất cả các mối quan hệ của chúng ta phải được nhào nặn
theo đó, với sự quan tâm đúng mực đến nhu cầu và quyền công bằng thích đáng của
mọi người…”
Cho dù là làm dịu giọng của bạn khi một đứa trẻ bước
vào phòng, hay điều chỉnh hành động của bạn để phù hợp với khả năng của ai đó
(như khi một người dẫn hướng dẫn điều chỉnh liều lượng dòng truyền (Pranahuti) để
đáp ứng các yêu cầu của những người thực hành), sự linh hoạt trong hành vi bên
ngoài phản ánh sự hài hòa bên trong.
Bài thực hành
Để hỗ trợ mức độ nhận thức tốt hơn và khả năng đáp ứng,
khi bạn thay đổi các hoạt động trong ngày, hãy tạm dừng một lát để tập trung và
kết nối lại với Cội nguồn. Những khoảnh khắc kết nối có ý thức này sẽ nhắc nhở
bạn về trạng thái thiền và cho phép bạn hoà hợp các khía cạnh bên trong và bên
ngoài của cuộc sống. Theo thời gian, điều này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng thường niệm.
Sự điều chỉnh tối thượng
Hình thức cao nhất của linh hoạt là sự chấp nhận vô
điều kiện – nó không cần bất kỳ sự điều chỉnh nào. Babuji đã dạy rằng khi chúng
ta coi mọi thứ đều là quà tặng từ Đấng Thiêng liêng, chúng ta sẽ tự nhiên trở
nên vui vẻ và nhẹ nhàng. Trạng thái chấp nhận vui vẻ này làm phẳng phiu những
góc cạnh thô ráp của cuộc sống, cho phép chúng ta vượt qua những thử thách một
cách uyển chuyển.
Khi chúng ta bước vào Năm mới, hãy đón nhận sự linh hoạt
dưới mọi hình thức. Hãy điều chỉnh với sự nhận thức, buông bỏ những gánh nặng
không cần thiết và luôn kết nối với Cội nguồn bên trong. Bằng cách đó, chúng ta
sẽ kết nối sâu sắc hơn với Đấng Thiêng liêng, khiến cho hành trình cuộc sống
không chỉ dễ dàng hơn mà còn đẹp đẽ hơn vô cùng.
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh
Thông điệp năm mới 2025