Các con yêu quý. Đôi khi, ta không
biết phải nói điều gì. Ở Ấn Độ, chúng ta có những giếng nước. Có những giếng nước
sâu 3 mét, có những giếng nước sâu tới 500 mét. Hôm nay ta sẽ xuống độ sâu
500 mét để tìm thứ gì đó!
Bây giờ, ta muốn nói
với các con về nhân cách. Nhiều diễn giả không nói về nhân cách, bởi
vì nó không phải là thứ dễ chịu cho lắm. Đối với cuộc sống hiện đại ở khắp nơi
trên thế giới, nuôi dưỡng nhân cách là vấn đề lớn. Chúng ta có thể bảo
vệ ngôi nhà của mình, tài sản của mình. Thường thì chúng ta khó có thể bảo vệ
tiền bạc của mình; và dĩ nhiên, nhân cách - thật khó để nói rằng liệu chúng ta
có thể bảo vệ nó không.
Vấn đề đầu tiên là,
chúng ta thích vui thú hơn nhân cách. Vui thú chiến thắng nhân cách có vẻ là vấn
đề phổ biến ở khắp mọi nơi. Chúng ta nên làm gì? Nếu các con nói, "Hãy từ
chối vui thú", không chỉ tuổi trẻ mà ngay cả lão niên sẽ nổi
loạn. Lão niên nói, "Chúng ta chỉ có vài thú vui trong cuộc
sống". Tuổi trẻ nói, "Đây giống như một khu vườn; có quá
nhiều vui thú để thưởng thức." Nếu tâm linh nói đến kìm chế ham muốn -
vì đó là mấu chốt của vấn đề - mọi người sẽ không đến với tâm linh. Nhưng có
phải vì thế mà chúng ta không nên nói về điều đó?
Cho đến hôm nay ta đã
có gần 50 năm trong Sahaj Marg. Ta đã có mối quan hệ gần gũi và thân thiết với Master của ta, và ta từng nói chuyện với ngài, thảo luận với ngài
nhiều giờ liền. Có 2 quan điểm: khi một người mới trở thành abhyasi, chúng ta
có nên nói cho anh ấy tất cả những yêu cầu (đạo đức, tâm linh, thể chất) ngay
từ đầu, hay chúng ta nên nói cho anh ấy sau vài tháng hoặc vài năm khi anh ấy
đã trở thành một abhyasi tín tâm? Đây là câu hỏi thường được đưa
ra trong những hội thảo dành cho người hướng dẫn. Nếu con là một người dạy lái
xe, khi nào con sẽ nói cho học viên cách lái xe và những luật lệ đi kèm? Nếu
con muốn cứu mạng anh ấy, bảo vệ mạng sống của anh ấy, con phải nói cho anh ấy
ngay từ đầu. Không phải thế sao? Điều tương tự với một phi công; điều tương tự
với tất cả các ngành nghề gây rủi ro đến tính mạng.
Trong đời sống thường ngày, mọi người không hiểu rằng khi chúng ta đến với tâm linh, hiểm họa lớn
nhất là nhân cách. Nó là vấn đề lớn nhất, mang tính cá nhân và tập thể, bởi vì
con là chủ thể của rất nhiều ham muốn, cám dỗ, và chúng ta đổ lỗi cho samskaras
(dấu ấn hay còn gọi là nghiệp). Ta có những người bạn, những giáo viên
đại học, cả quyết rằng một vài ham
muốn là tốt. Họ không hiểu rằng cám dỗ phải được vượt qua.
Nếu trên đường đi con gặp một rãnh nước, con phải bước qua. Nếu có một ngọn núi
nhỏ, con phải trèo qua. Chúng ta phải ghi nhớ điều Master của ta đã nói,
"Vượt qua chướng ngại làm tăng thêm sức mạnh của chúng ta." Đó là lý
do tại sao mọi người đi bộ, chạy bộ, leo núi. Chúng ta sẵn lòng làm tất cả những
thứ này về thể chất; về tinh thần điều đó khó hơn.
Chúng ta không thể giải
quyết vấn đề tinh thần nhanh chóng và dễ dàng như vấn đề thể chất.
Khi đến với vấn đề đạo đức, chúng ta nản lòng ngay lập tức. Đó là vấn đề lớn
nhất trong cuộc sống. Trong cuộc đời này, trong đời sống vật lý, vấn đề
vật chất rất quan trọng: chúng ta phải không ăn thứ độc hại, chúng ta sợ bị
ốm, nhưng chúng ta có thể uống rượu. Vấn đề lớn nhất ở Nga từng là (ta không
biết nếu nó vẫn đang là) vốt-ca. Nó hủy hoại ý thức và chúng ta gặp
tai nạn; chúng ta trở thành kẻ nghiện ngập. Chúng ta lãng phí tiền bạc
vào rượu. Chúng ta biết mình sai. Nhưng nếu ai đó nói điều này là không đúng, chúng ta tức giận.
Dấu hiệu đầu tiên ở
bất kỳ ai tức giận là cảm giác tội lỗi. Đối với ta, nếu ai đó tức giận nghĩa là anh
ta đã làm điều gì đó sai trái. Những người hướng dẫn phải đủ nhạy cảm để biết phán
đoán điều gì đang xảy ra với abhyasi thông qua một cuộc trò chuyện bình thường.
Nếu con nói, "Anh không nên hút thuốc," và abhyasi đó tức giận, có
nghĩa là anh ấy hút thuốc. Do đó, có rất nhiều dấu hiệu khi chúng ta
nói chuyện với người khác. Điều thứ hai: giả sử một người đến gặp Babuji và nói,
"Con có thể hút thuốc không?" điều đó cho thấy anh ấy thích hút
thuốc. Con sẽ không hỏi câu hỏi đó bởi vì bạn của con muốn hút thuốc.
Không phải thế sao? Những câu hỏi như thế dường như tiết lộ ham muốn. Người khác hỏi, "Có gì không đúng đắn khi chạm vào nhau?" Và họ có
một câu nói cổ trong tiếng Anh, ’Chạm vào nhau, không có gì là tội lỗi’ - ham
muốn lớn nhất, ham muốn vĩ đại. Đâu là câu trả lời?
Nếu con đưa ra câu
trả lời nó trở nên vô nghĩa. Vấn đề là buông bỏ ham muốn. Chúng ta có những ham
muốn nhỏ nhoi, những ham muốn lớn lao, những ham muốn tội lỗi. Có người đã hỏi
đức Phật câu hỏi này. Ngài nói: "Nó như một bánh xe. Con có thể cắt nó ở
bất cứ chỗ nào, bánh xe đó sẽ xẹp xuống." Các con từng thấy guồng nước mang nước từ dưới giếng. Con cắt nó ở bất cứ đoạn nào, nó dừng lại. Và chúng ta
lừa dối - chúng ta chống lại ham muốn bằng việc lừa dối. Chúng ta lừa dối
chính mình; chúng ta không thể lừa dối Thượng đế hay bất cứ ai khác. Hãy nhớ
rằng, mỗi khi con nói dối là con nói dối chính mình. Mỗi khi con lừa dối
là con lừa dối chính mình. Nếu con cảm thấy tội lỗi là con hủy hoại
chính mình, bởi vì sự cám dỗ không nằm trong đối tượng của ham muốn; nó
nằm ở trong chính con. Do đó, nó phải được loại bỏ từ bên trong. Nếu tất cả phụ
nữ được yêu cầu đeo mạng che mặt, các con có nghĩ rằng đàn ông sẽ không thèm
khát phụ nữ nữa không? Nó là không thể. Nếu con nói, "Không được ăn đồ ngọt,"
ai đó muốn ăn đồ ngọt sẽ đi ra ngoài ăn. Không được uống rượu ở nhà; người chồng sẽ
lặng lẽ đi ra ngoài qua lối cửa sau, uống rượu và quay trở vào nhà.
Ham muốn không thể bị
đánh bại ở bên ngoài; chúng ta phải loại bỏ nó từ bên trong. Và như Babuji đã
nói về điều này một cách rất khôn ngoan, "Nếu con đánh nó, nó sẽ đánh lại."
Do đó, chúng ta không thể đánh. Nhưng có phải điều đó có nghĩa là chúng ta phải
đầu hàng ham muốn và nói, "Rồi nó sẽ biến mất"? Rất tiếc là không
phải như thế. Bởi vì nếu có lửa và các con tiếp tục đổ thêm dầu vào, ngọn lửa
sẽ bùng lên ngày một dữ dội. Đó là điều xảy ra với ham muốn. "Không,
không, chỉ hôm nay thôi." "Chỉ hôm nay thôi." "Chỉ hôm nay
thôi." Và nó tiếp tục, ‘chỉ hôm nay thôi’ đó không bao giờ dừng lại.
Chúng ta không thể chống lại ham muốn nhưng chúng ta phải không đầu hàng nó.
Làm gì khác đây? Hãy thanh lọc nó. Hãy đến gặp người hướng dẫn để thanh lọc nó và
tự thanh lọc cá nhân hàng ngày. Không có cách nào khác. Dĩ nhiên có một vấn đề đó
là chúng ta không muốn thanh lọc bởi vì ham muốn lớn nhất là không để đánh mất ham muốn. Điều này thật nguy
hiểm bởi vì nó giống như ai đó để một con rắn hổ mang trong giỏ và nói, "Nó
được nhốt trong giỏ kín rồi", nhưng khi nào nó sẽ bò ra - con không thể
biết được. Bởi vì ham muốn giống như một ngọn đèn âm ỉ cháy cho đến khi nó được thắp
sáng bởi đối tượng của ham muốn.
Vì vậy, trong Sahaj
Marg, thực ra là trong bất cứ đời sống tâm linh nào, thanh lọc là quan
trọng nhất. Đây là bước thiết yếu. Nhiều tôn giáo, nhiều thực hành tâm linh đưa
ra những nghi lễ. Bất cứ tôn giáo nào, bất cứ thực hành tâm linh nào, đều chỉ là
rửa tay với nước như thế này, tắm,... Nó không thể thanh lọc được bên trong, linh
hồn, bởi vì tất cả những lớp phủ, như Babuji từng gọi chúng, chúng hóa đá và chúng bọc lấy linh hồn, vì thế cần một Master để thanh lọc chúng mà
không làm tổn hại đến trái tim của con. Theo những gì ta biết, chỉ Sahaj
Marg có nó - một phương pháp thanh lọc hiệu quả loại bỏ tất cả những thứ này,
mà Babuji Maharaj thường gọi là sự phức tạp. Và nếu các con hợp tác, nếu
abhyasi hợp tác, trong một thời gian rất ngắn chúng ta có thể đạt được những trạng
thái của ý thức và hiện hữu mà kinh sách thường mô tả là trạng thái của các vị
thánh.
Các con biết vai trò của Sahaj Marg và sự quan trọng của thanh lọc. Chúng ta phải
không giống như ai đó từng đến gặp Babuji và nói, "Thưa Babuji, hãy thanh lọc hoàn
toàn cho con, nhưng hãy để lại vài thứ con muốn." Các con chỉ có
thể để cho tất cả mọi thứ ra đi hoặc giữ lại tất cả. Con không thể thanh
lọc theo kiểu hãy để cho Ivan thoát ra, hãy để cho Vladimir thoát ra. Hay một
người đến và nói, "Tôi không muốn Tatiana hay Natasha, nhưng những người
khác, xin hãy để họ lại." [Cười] Thanh lọc có chọn lọc là không thể. Giả
sử con làm đổ cà phê và sô-cô-la lên thảm, rồi ai đó nôn vốt-ca lên đó. Các con không
thể đưa tấm thảm cho người lau dọn và nói, "Hãy để cà phê và sô-cô-la lại;
chỉ làm sạch vốt-ca." Điều đó là không thể.
Babuji từng nhắc đi
nhắc lại, "Nếu con muốn được thanh tẩy, tất cả mọi thứ phải ra đi."
Bởi lẽ không có ham muốn tốt và ham muốn xấu - mọi ham muốn đều xấu, ở đây xuất hiện vấn đề về muốn và cần. Khi
đói chúng ta cần thức ăn. Đây không phải là vấn đề về ham muốn. Và nhu cầu thiết
yếu đó phải được đáp ứng một cách đơn giản. Chúng ta không thể đòi pizza, kem
và tất cả những thứ nực cười như thế - bánh mì và muối cho kẻ đói. Nhưng
chúng ta muốn quá nhiều thứ. Đó là điểm khác biệt giữa cần và muốn.
Babuji Maharaj từng nói
với ta nhiều lần rằng, "Những thứ chúng ta cần luôn được đáp ứng. Những
thứ chúng ta muốn? Rất tiếc!" Những thứ cần là thứ chúng ta phải có
để tồn tại. Chúng ta cần thực phẩm tốt; thực phẩm ở mức tối thiểu là cần thiết.
Chúng ta cần không khí và nước uống là những thứ được Thượng đế ban tặng miễn
phí, chúng ta cần nơi ở và quần áo để che đậy cơ thể trần trụi - không có gì nhiều.
Không phải thế sao? Nhưng nếu chúng ta muốn lụa và xa-tanh, những thứ như các
Sa hoàng mặc, kim cương, khi đó ham muốn này nảy sinh ham muốn kia. Làm thế
nào để có kim cương, lụa và xa-tanh mà không phải đánh đổi nhân cách? Nó giống
như mặc cả ngoài chợ, " Anh muốn kim cương phải không? Được thôi, nhưng
anh trả tôi gì nào?" Các con biết câu trả lời, chẳng phải thế sao? Khi con
vượt qua lằn ranh của cần để bước sang lãnh thổ của muốn là con bước qua
hàng rào an ninh. Babuji Maharaj từng nói, "Hãy sống giản dị và thuận theo
tự nhiên." Hãy gắn với những thứ cần; lời cầu nguyện sẽ đáp ứng những gì các
con cần. Nhưng nếu con cần một căn nhà nhỏ nhưng con cầu
nguyện để có một tòa lâu đài - rất tiếc!
Đây là tất cả những
điều ta muốn nói trong buổi sáng ngày hôm nay. Những thông điệp rất nhiều bởi vì vấn
đề lớn nhất trong cuộc sống là sự tranh đấu giữa cần và muốn, và khi bước sang lãnh thổ của muốn là chúng ta bước vào lãnh địa của kẻ thù nơi mọi hiểm họa rình rập đời sống đạo đức của các con. Khi đó tâm linh trở
thành thứ không thể đạt được. Chẳng phải thế sao?
Chariji Maharaj
Hội thảo dành cho Abhyasi các nước nói tiếng Nga, 19/1/2012, Chennai, Ấn Độ
Nguồn: Maintaining character