2 tháng 11, 2019

Samadhi: Nhận ra phi hiện hữu - trạng thái cân bằng tuyệt đối tại Trung tâm

Samadhi là bước thứ 8 trong Ashtanga Yoga của Patanjali. Đó được coi là mục tiêu của Yoga, một trải nghiệm bên trong thuần khiết và cân bằng, là một với trạng thái nguyên thủy tồn tại trước sự sáng tạo. Trong quá trình thực hành yoga, chúng ta cũng trải qua những giai đoạn khác nhau hay những cái nhìn thoáng qua của Samadhi khi tiến bước trên cuộc hành trình hướng tới trạng thái nguyên thủy này. Trong bài viết cuối cùng của loạt bài này, DAAJI giải thích trải nghiệm nở hoa này của Samadhi và làm thế nào để chúng ta tới được mục tiêu tối hậu của Yoga thông qua thực hành.


Lúc này, chúng ta đã đạt được mục tiêu thực sự của Yoga, tột đỉnh của thực hành yoga, trạng thái Samadhi được tìm kiếm. Từ ‘Samadhi’ đơn giản có nghĩa là ‘thứ chiếm ưu thế trước khi có sự sáng tạo, trạng thái của cái một cân bằng tuyệt đối hoặc hư không hay sự rỗng không hoàn toàn. Linh hồn luôn luôn khao khát trạng thái cân bằng tối thượng đó, trừ khi và cho đến khi chúng ta có được nó ở bên trong, linh hồn sẽ luôn tìm thấy sự bất toàn trong mọi việc chúng ta làm. Khi chúng ta đạt được trạng thái Samadhi đó trong tất cả mọi hành động, cả vật chất và tâm linh, thì hạnh phúc thực thụ sẽ tự động đến. Ngay cả khi thất bại trong hành động chúng ta vẫn bất lay chuyển.

Samadhi là sự thư giãn tinh thần tột độ và sự tập trung không nỗ lực tuyệt đối, trong Yoga, nó được coi là mục tiêu của tồn tại con người. Bạn thậm chí có thể nói rằng nó là lý do tồn tại của chúng ta với tư cách là một loài. Mỗi loài đều có một mục tiêu trên Trái đất này và mục tiêu của chúng ta là quay trở về trạng thái nguyên thủy. Do đó, chúng ta có phổ ý thức với cấp bậc đủ cao để có thể nhận ra mục tiêu này. Các bước trước đó trong Ashtanga Yoga chỉ là tập dượt và chuẩn bị để giúp chúng ta tới đích. Đó là lý do chúng ta tinh chỉnh tư thế, hơi thở hoặc ý nghĩ, những đầu vào thuộc giác quan và phản ứng hành vi với thế giới bên ngoài. Đó là lý do chúng ta chuyển mọi năng lực vào bên trong và thiền. Chúng ta về nhà.

CÁC GIAI ĐOẠN SAMADHI

Samadhi thuần túy là trạng thái tối hậu nhưng chúng ta cũng trải qua những cái chớp mắt hay các giai đoạn khác nhau của Samadhi trên đường đi, xuyên suốt cuộc hành trình. Những trải nghiệm đó thay đổi tùy theo điểm (luân xa) chiếm ưu thế mà chúng ta có được ở bất cứ giai đoạn nào. Chúng ta nhìn trạng thái tối hậu từ vị trí hiện tại và nó trở thành trải nghiệm hiện tại của chúng ta về Samadhi. Trong Con đường Hearfulness, chúng ta mời gọi những trạng thái Samadhi như thế ngày qua ngày và làm cho chúng trở thành vĩnh cửu. Vì vậy, khi người hành thiền nói về trải nghiệm Samadhi khi thiền, là họ đang nói về những trải nghiệm này, chúng khác nhau đối với mỗi người và với cùng một người cũng khác nhau ở các giai đoạn khác nhau của hành trình. Đó là những hương vị khác nhau của Samadhi tại mỗi luân xa (hay điểm), và trong từng luân xa cũng thế, khi chúng ta bước vào những cảnh vực mới. Nó tiếp tục thay đổi cho đến khi cuối cùng chúng ta có thể trải nghiệm tất cả các trạng thái này cùng một lúc. Ví dụ, khi ở luân xa 12, chúng ta đã trải qua hằng hà sa số sự thay đổi của Samadhi.

Những giai đoạn Samadhi được mô tả theo nhiều cách trong các văn bản yoga cổ. Trong Yoga Sutras, Patanjali mô tả các cấp độ khác nhau, như đã đề cập trong bài viết trước, toàn bộ con đường tiến tới Sahaj Samadhi hay sự đắm chìm tự nhiên.

Như đã đề cập trước đó, Sahaj Samadhi là một trạng thái ở đó chúng ta đắm chìm trong thiền, đồng thời nhận thức trọn vẹn về mọi thứ đang diễn ra. Trong Yoga Shastras, đây được gọi là trạng thái Turiya, hay trạng thái thứ tư. Tất cả mọi thứ ở trong tầm nhìn. Khi học cách đưa trạng thái này vào cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể cùng lúc tập trung vào công việc, vào những thứ xung quanh, xem ti vi, vào những gì đang diễn ra bên ngoài và vẫn duy trì sự kết nối với trạng thái tâm linh bên trong, trạng thái đang chiếm ưu thế bên trong, điều gì đó đến bên trong chúng ta, những ý tưởng xuất hiện và bước tiếp theo chúng ta nên làm. Chúng ta thản nhiên chứng kiến ​​tất cả những thứ này cùng một lúc. Đây được gọi là trạng thái Turiyatit trong Yoga, ở đó chúng ta có tâm thức 360 độ với đôi mắt mở. Không cần tập trung vào bất cứ thứ gì cụ thể. Thời điểm chúng ta tập trung vào một thứ cụ thể, đó không còn là thiền mà là chú tâm.

LÀM THUẦN KHIẾT CÁC THỂ VI TẾ ĐỂ TRẢI NGHIỆM SAMADHI

Cố gắng trải nghiệm Samadhi ở cấp độ vật lý chỉ là cái bóng của Thực tại. Khi các lớp nặng nhất của thân tâm được loại bỏ, và chúng ta vượt ra ngoài các vỏ bọc của cơ thể con người, được gọi là koshas, thì ​​Samadhi có một hương vị khác hẳn. Nó giống sự khác biệt giữa việc nhìn thấy đáy hồ qua làn nước trong veo so với qua làn nước đục. Càng nhiều bùn trong nước, càng nhiều xáo trộn, tầm nhìn càng bị che khuất thì chúng ta càng khó nhận biết được những gì đang diễn ra.

Chúng ta bao vây linh hồn trong sự nặng nề, hỗn loạn và phức tạp do hệ quả từ samskara của mình - những dấu ấn chúng ta tích lũy từ quá khứ và các lớp tạo thành do hạt giống samskara tương lai - cũng như cái tôi của chúng ta. Cho đến khi hành trình bên trong vượt qua luân xa 5 ở vùng trái tim được gọi là Pind Pradesh, chúng ta vẫn bị bủa vây bởi nhị nguyên, bởi những cặp đối lập hay dwandwas, thích - không thích, ưa thích - thờ ơ, thỏa mãn - bất mãn, sáng suốt - bối rối, và trong toàn bộ phổ cảm xúc đặc trưng cho đời sống con người. Những cảm xúc này gồm: tham lam, ganh tỵ, ham muốn, cảm giác tội lỗi, oán giận, than thở và định kiến ​​so với mãn nguyện; bối rối, lo lắng so với bình an; thù ghét và tức giận so với yêu thương và vị tha; sợ hãi so với can đảm. Trong khi tâm trí là miếng mồi cho những cực đối lập, chúng trở thành những hạt giống về sự tái sinh của linh hồn từ kiếp này sang kiếp khác, luân hồi từ cơ thể này sang cơ thể khác trong quá trình mà chúng ta gọi là đầu thai hay tái sinh.

Khi chúng ta vẫn xa cách Nguồn, nguyên nhân sự tồn tại của chúng ta, những mặt đối lập tiếp tục chiếm ưu thế, bởi vì các giác quan tiếp tục bị lôi kéo ra bên ngoài. Các chức năng của tâm trí được gọi là các thể vi tế - chit (ý thức), manas (tâm), buddhi (trí năng) và ahankar (cái tôi) - hầu như hướng đến các vấn đề của thế giới vật lý. Linh hồn bị chôn vùi bên trong các lớp tạp chất và chúng ta không thể kết nối với trung tâm của hiện hữu bên trong. Bởi vì bị chôn vùi, linh hồn không thể dẫn dắt một đời sống vui vẻ và cân bằng bởi vì niềm vui được tỏa ra từ linh hồn. Thực ra, niềm vui là phẩm tính của linh hồn, vậy bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chôn vùi linh hồn và không thể kết nối với bên trong?

Một khi sự chú ý của chúng ta hướng về Nguồn của hiện hữu bên trong, thế giới bên trong bắt đầu mở ra. Ba chức năng của tâm trí là tâm, trí năng và cái tôi bắt đầu thực hiện mục tiêu cao hơn. Chúng trở nên thuần khiết và hòa hợp để giúp ý thức tiến hóa tới một bình diện cao hơn của sự tồn tại. Khi đó, linh hồn nhận được sự chú ý và nuôi dưỡng xứng đáng, và chúng ta có thể thực hiện chức năng toàn diện với cơ thể, tâm trí và linh hồn trong sự hài hòa. Mặc dù ý thức chuyển từ cấp độ này đến cấp độ kia, nhưng trong giấc ngủ sâu, không ai trong chúng ta nhận biết được điều đó. Trí năng và cái tôi không nhận được sự trợ giúp trong lúc ngủ. Trong lúc ngủ chúng ta không là ai. Trái lại, trong Samadhi đích thực, không giống như giấc ngủ, có sự trợ giúp tự nhiên từ Nguồn.

Có lẽ bi kịch lớn nhất của nhân loại đó là hầu hết chúng ta không điều khiển được những thể vi tế này. Thay vào đó, chúng ta để cho ham muốn, cái tôi, lo toan đời thường, si mê, cảm giác tội lỗi và định kiến ​​kéo chúng ta theo mọi hướng. Đây là nguyên nhân cho những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt: xung đột và lạm dụng, các vấn đề môi trường, các vấn đề cảm xúc, bệnh tinh thần và các bệnh liên quan đến căng thẳng. Toàn bộ mục tiêu của Yoga là làm vơi bớt gánh nặng không ngừng được tạo ra bởi các thể vi tế. Nhưng chúng ta không phải là những nạn nhân bên ngoài và thụ động của số phận. Thượng đế trao cho chúng ta trí năng để sử dụng cùng loại công cụ, những thể vi tế, để tìm thấy đường trở về Nguồn. Swami Vivekananda đã giải thích tường minh điều đó trong lời bình của ngài về Yoga Sutras của Patanjali, “Ý thức (chit) biểu lộ chính nó trong tất cả các hình thức khác nhau - phân tán (scattering), u tối (darkening), yếu đuối (weakening) và tập trung (concentrating). Đây là 4 trạng thái mà các cấu phần của tâm trí biểu lộ chính nó. Đầu tiên, hình thức phân tán là hoạt động. Khuynh hướng của nó biểu lộ dưới hình thức vui sướng hoặc đau khổ. Tiếp đó, hình thức trì trệ là u tối, khuynh hướng duy nhất của nó là làm tổn thương người khác. Ekagra, hình thức tập trung của ý thức, là thứ đưa chúng ta tới Samadhi.”

Ekagrata là khuynh hướng hướng vào bên trong của ý thức, mà chúng ta có thể mang vào thiền, được hỗ trợ bởi tất cả các thực hành khác của Ashtanga Yoga. Patanjali tóm tắt nó ở một trong những câu quan trọng và sâu sắc nhất của Yoga Sutras:

4.6: Tatra dhyana jam anasayam

Chỉ có tâm ban sơ, vốn không bị che khuất như kết quả của thiền, là không ham muốn và tự do khỏi những dấu ấn. Tâm ban sơ tồn tại trong chính nó, không cần sự hỗ trợ, nguyên nhân hay động cơ.

CÁC CÔNG CỤ THỰC HÀNH

Trong Heartfulness, chính Pranahuti làm cho thiền vô cùng hiệu quả, vì nó cho chúng ta cái nhìn thoáng qua của tâm ban sơ ngay từ buổi thiền đầu tiên. Giống như cá kinh qua những chiều sâu khác nhau trong hồ bằng cách bơi lên ngụp xuống, Pranahuti đưa chúng ta một cách không nỗ lực đến những chiều sâu của ý thức Samadhi, nếu không chúng ta sẽ không thể trải nghiệm dễ dàng và nhanh chóng. Nó cũng có thể được ví như chiếc thang máy trong một tòa cao ốc - chiếc thang máy một chiều đi tới mục tiêu sự tồn tại của chúng ta.

Cầu nguyện Heartfulness được thực hiện trước khi đi ngủ vào ban đêm và thức dậy vào buổi sáng cũng tác động rất sâu sắc đến trải nghiệm sâu về Samadhi. Được thực hiện đúng đắn, nó kết nối chúng ta với ý thức sushupti sâu thẳm nhất trong trạng thái cầu nguyện, và mang đến nhận thức trong trạng thái ngủ sâu. Chúng ta trải nghiệm lối vào, lối ra và các cấp độ khác nhau của ý thức - được biết đến trong khoa học thần kinh là phổ sóng não tần số từ sóng Delta trong giấc ngủ sâu đến sóng Gamma trong trạng thái tiếp thu cao độ. Ý thức trở nên linh động, mở rộng và có khả năng di chuyển dễ dàng hơn giữ trên mặt và dưới sâu. Dần dần, tất cả các trạng thái này có thể cùng tồn tại trong ý thức 360 độ của Sahaj Samadhi. Nó phải được trải nghiệm để hiểu - đó là một trạng thái năng động, thông suốt và sự đáp ứng của tâm trí.

Thực hành Thanh lọc Heartfulness hàng ngày hỗ trợ mục tiêu của Yoga bằng cách làm thuần khiết các thể vi tế, trường ý thức. Khi tầng tầng lớp lớp samskara được loại bỏ, khi các vỏ bọc (koshas) được làm thuần khiết, khi tâm, trí năng và cái tôi được thanh khiết, và kết quả là sự tĩnh lặng, Samadhi trở nên không cần nỗ lực.

Mỗi sáng khi Thiền, chúng ta tạo ra trạng thái thiền để mang nó vào trong ngày. Mỗi tối khi Thanh lọc, chúng ta tạo ra trạng thái thanh khiết để mang theo và mỗi lần Cầu nguyện, chúng ta tạo ra trạng thái cầu nguyện trong trái tim để giữ kết nối với Nguồn, rỗng rang và tiếp nhận. Khi duy trì và nuôi dưỡng 3 trạng thái này suốt cả ngày, trọng tâm của trạng thái bên trong vững chắc - tạo ra một trạng thái cân bằng tuyệt đẹp. Thực hành này được gọi là Thường niệm, và khi có thể giữ nó suốt cả ngày, chúng ta không chỉ ngừng tạo thành samskara, mà còn phát triển khả năng tự nhiên đối với Sahaj Samadhi.

Thực hiện điều này bằng cách nào? Đầu tiên, hãy thiền tốt. Thứ hai, hãy quy thuận sự tồn tại của linh hồn, Nguồn, Master bên trong. Quy thuận là chìa khóa, bởi vì khi đó không có phản lực trong nỗ lực của chúng ta, và sự không nỗ lực là cần thiết để trải nghiệm Samadhi. Suy cho cùng, làm sao có thể có sức mạnh trong trạng thái hư không nguyên thủy trước khi có sự sáng tạo?

Phẩm tính quy thuận ở người thực hành tâm linh thường không được hiểu một cách tường tận. Cái tôi nổi loạn phản đối sự quy thuận, vì vậy thường có sự kháng cự trong ý nghĩ. Nhưng thiếu phẩm tính thiết yếu này, Samadhi là điều không thể. Đó là lý do tại sao có một Guru có năng lực là tối quan trọng, ngay cả đối với người ở đỉnh cao nhất của tiến hóa tâm linh. Các vị thánh vĩ đại nhất đã luôn có Guru, cũng giống như các tay vợt cừ khôi nhất có huấn luyện viên, bởi vì không có cảm nhận của sự tiếp nhận, khiêm nhường, sẵn lòng đón nhận và trở thành hư không trước Đấng Thiêng liêng, dòng Ân sủng sẽ trôi chảy như thế nào đây? Sự tiến hóa năng động sẽ tiếp tục như thế nào? Ngay khi chúng ta nói, “Đó là tôi”, chúng ta tiêu đời! Vì vậy, điều thứ ba là tạo ra sự phụ thuộc vào Guru có năng lực và xem việc đó đưa bạn đến đâu.

VÀI Ý NGHĨ VỀ TRẠNG THÁI TỐI HẬU

Nhiều người nghĩ rằng Samadhi liên hệ với Ánh sáng Thiêng liêng, với Sat, với Purusha hay Thượng đế, nhưng Samadhi siêu vượt tất cả những thứ này, siêu vượt Satchidananda, thậm chí siêu vượt tiềm năng ở tại nền tảng của ý thức. Trong Samadhi thực thụ, chúng ta vượt ra ngoài nguồn sáng tạo, vượt ra ngoài tâm trí ban sơ của Thượng đế, tới trạng thái Tam hay Prakriti, thứ còn lại trên nền tảng. Chúng ta đến với cái Tuyệt đối, vô tướng, Akasha. Nó là hư không mà từ đó mọi thứ xuất hiện và trở về, giống như khoảng trống ở tâm của hạt giống từ đó một cái cây cổ tùng cao lớn mọc lên.

Nhưng hãy để tôi khép lại với điều gì đó làm bạn suy ngẫm. Có phải cuộc đời đơn thuần là để linh hồn trở về Nguồn hư không giống như chúng ta đã đến thế giới này? Nếu thế, cốt tủy là gì? Trong mỗi cuộc đời, mỗi sự tồn tại, chúng ta đến với một tiềm lực hay tiềm năng nhất định. Chúng ta có trở về với tiềm năng cao hơn, sự giàu có hơn về tâm linh không? Nếu đến với tiềm lực 15X, chúng ta có trở về với tiềm lực 100X hay 1000X không? Chắc chắn chúng ta mong muốn cuộc đời này đóng góp gì đó vào sự tồn tại chung. Có lẽ ngay cả sau khi kết thúc vũ trụ, chúng ta cũng có thể mang tới một tiềm năng về khả năng to lớn hơn để góp phần vào bất cứ thứ gì tiếp theo. Nó đáng để xem xét.

Tôi mong tất cả các bạn trải nghiệm trạng thái Samadhi ngày càng vi tế thông qua các thực hành Yoga, cho đến ngày bạn có thể bơi trong đại dương vô tận đồng thời sống một cuộc đời vui. Và hồ bơi đó cũng là vô tận trong thiên nhiên, vì vậy, thực ra không có đích đến trong hành trình của Yoga.

Nguồn: SAMYAMA - PART 4