Giới thiệu về Heartfulness

Heartfulness là cách tiếp cận thiền và cuộc sống dựa trên trái tim. Thiền Heartfulness dành cho tất cả mọi người trên 16 tuổi và là miễn phí trên toàn thế giới.


Heartfulness là sự kết hợp các yếu tố thể chất, tinh thần và tâm linh của người thực hành mà không có bất kỳ sự áp đặt nào. Thực hành thiền này không đòi hỏi sự khổ hạnh, sự sám hối, xuất gia hay đời sống cô độc. Heartfulness không có những bài tụng, thần chú hay các tư thế bắt buộc, và hoàn toàn không thực hiện các nghi lễ. 

Đối tượng của Thiền Heartfulness là ánh sáng thiêng liêng nơi trái tim. Chúng ta không hình dung ra ánh sáng cụ thể mà chỉ cho là ánh sáng luôn hiện diện ở đó. Chúng ta biết rằng trái tim là trung tâm của cơ thể, hoạt động như một trạm bơm máu, luân lưu dòng máu nuôi dưỡng từng cơ quan, từng tế bào trong cơ thể. Heartfulness nói rằng trái tim cũng là trung tâm của tâm hồn. Thông qua trái tim chúng ta cảm nhận mọi thứ, thông qua trái tim chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn, thông qua trái tim chúng ta được tạo cảm hứng để hành động và tương tác với thế giới bên ngoài. Bởi vậy, trung tâm của thiền Heartfulness là nơi trái tim, cụ thể là nơi chúng ta cảm thấy nhịp đập. 
 
Một tâm trí không có kỷ luật thường có khuynh hướng hoạt động và phản ứng quá mức, bị chi phối bởi cảm xúc, dẫn đến các hành vi và thói quen thiếu hòa hợp. Tất cả những trải nghiệm của chúng ta - hành động và phản ứng, ý nghĩ và cảm xúc - để lại dấu ấn nơi trái tim. Những dấu ấn này, được gọi là samskara, tích tụ theo thời gian, chi phối cái nhìn của chúng ta về thực tại và để lại hậu quả trong hành động. Kết quả là một vòng luẩn quẩn, cuộc sống mất cân bằng, không có niềm vui và làm chậm tiến bộ tâm linh của chúng ta.

Một vị thầy có năng lực có thể loại bỏ những dấu ấn và phức tạp ở sâu trong trái tim, mở ra cho chúng ta một tương lai mới. Cùng với sự hỗ trợ của vị thầy tâm linh, nỗ lực cá nhân của chúng ta với 3 thực hành thiền hàng ngày mang lại sự thay đổi. Ba thực hành đó là: Thiền buổi sáng, Thanh lọc buổi tối  Cầu nguyện trước khi đi ngủ. Với cách tiếp cận Heartfulness, người mới được trải nghiệm Kỹ thuật thư giãn để cơ thể hoàn toàn thư thái trước khi bước vào thiền. Bên cạnh đó, người hành thiền không cần phải thực hành cả 3 bước ngay từ đầu mà sẽ được hướng dẫn để làm quen và làm chủ từng bước. Nhờ đó thực hành thiền trở nên dễ dàng và gần gũi hơn với cuộc sống của con người hiện đại.
 
Thiền Heartfulness là sự tự trải nghiệm, cho phép chúng ta thiền, quan sát và tự đánh giá hiệu quả của nó đối với bản thân. Thông qua thiền, chúng ta học cách điều chỉnh tâm trí và mở rộng ý thức bằng việc nhẹ nhàng chuyển sự chú ý liên tục vào sự hiện diện thiêng liêng trong trái tim. Bằng thực hành thiền nơi trái tim, trái tim và tâm trí trở nên hòa hợp, nhờ đó người hành thiền có được sự cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần được cải thiện, niềm vui bên trong được tìm thấy, sức mạnh nội tâm được khai phá và sự phát triển cá nhân đạt tới trạng thái tâm linh cao nhất có thể.
 
Đặc điểm quan trọng nhất của thiền Heartfulness là dòng truyền thiêng liêng. Sự truyền vốn rất phổ biến trong đời sống hàng ngày. Chúng ta truyền âm thanh khi nói chuyện. Chúng ta cũng truyền năng lượng của ý nghĩ. Thiền Heartfulness sử dụng dòng truyền yoga gọi là pranahuti (sinh khí của sự sống), để truyền trực tiếp vào trái tim người khao khát. Một người có thể nhận được dòng truyền này trực tiếp hoặc từ xa. Dòng truyền có chức năng như dưỡng chất cho sự phát triển tâm linh và chuyển hóa con người.
 
Thiền Heartfulness thuộc hệ thống yoga cổ xưa nổi tiếng bậc nhất là Raja yoga - yoga cho tâm trí. Thiền Heartfulness xuất hiện vào cuối những năm 1800. Vị thầy đầu tiên của thiền này là Shri Ram Chandra, còn được gọi là Lalaji, đã tìm lại được thuật truyền “năng lượng” thiêng liêng vốn bị thất truyền từ ​​lâu. Từ thuở thiếu thời, Lalaji đã theo đuổi sự thôi thúc nhu cầu tâm linh. Người nhận thấy đặc quyền tự nhiên của mỗi cá nhân là phát triển tới mức cao nhất sự toàn vẹn của con người. Người đã nhìn thấy nhu cầu phát triền một hệ thống tâm linh đơn giản và hiệu quả có thể được thực hành bởi bất cứ ai và ở bất cứ đâu. Kết hợp thuật truyền “năng lượng” yoga với Raja yoga nổi tiếng, Lalaji đã đơn giản hóa và cải biến những truyền thống cổ xưa để phù hợp với nhu cầu của đời sống hiện đại. Bằng cách đó, các nghi lễ và kỷ luật không cần thiết được loại bỏ mà chỉ giữ lại những yếu tố tâm linh cần thiết của một hệ thống dẫn đến mục đích mong muốn: sự toàn hảo bên trong, hay giác ngộ.
 
Thông qua truyền “năng lượng” thiêng liêng, Lalaji đã truyền dạy cho nhiều người khao khát tâm linh. Một trong những môn đệ của Người, cũng tên là Ram Chandra, sau này đã thành công trong việc đưa thiền này ra thế giới. Babuji, tên gọi trìu mến của Ram Chandra, tiếp tục cải tiến và phát triển kỹ thuật này, và đặt tên nó là Sahaj Marg, theo tiếng Sanskrit có nghĩa là "con đường đơn giản" hay "con đường tự nhiên". Năm 1945, Babuji thành lập Hiệp hội Shri Ram Chandra, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm mục đích mang lại sự tiến hóa tâm linh cho con người trên khắp thế giới. Babuji đăng ký tổ chức ở Ấn Độ, đặt tên tổ chức theo tên vị thầy tâm linh tôn kính, Lalaji. Ngài đi khắp nơi, vượt ra ngoài biên giới Ấn Độ, lan tỏa lợi ích của hệ thống tâm linh Sahaj Marg tới tất cả mọi người thông qua việc đào tạo những người hướng dẫn (preceptor) trên khắp thế giới.
 
Một môn đệ tận tâm luôn tháp tùng Babuji trong các chuyến công tác nước ngoài là Parthasarathi Rajagopalachari, tên gọi trìu mến là Chariji. Vào những năm cuối đời, Babuji đã chỉ định Chariji là người đại diện tâm linh và người kế vị của Người để thực hiện công việc tâm linh với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Shri Ram Chandra. Chariji đảm nhiệm trọng trách này từ khi Master của Người, Babuji Maharaj, qua đời vào năm 1983. Người đã cống hiến trọn vẹn bản thân trong từng khoảnh khắc cuộc đời cho tới khi Người qua đời vào năm 2014. Sự cống hiến không mệt mỏi cho công việc tâm linh và các chuyến công tác nước ngoài thường xuyên của Chariji đã thúc đẩy sự lan tỏa các hoạt động của Hiệp hội, bao gồm các chương trình giáo dục cho thanh niên, các chương trình học bổng, các phòng khám chăm sóc sức khỏe miễn phí. Công việc tâm linh của Người luôn hướng đến toàn thể nhân loại, giải quyết những nhu cầu hiện tại cũng như những gì được tiên liệu trong tương lai.
 
Chariji bổ nhiệm Shri Kamlesh D. Patel (với tên gọi trìu mến là Daaji) là người kế vị tâm linh. Kamleshji là môn đệ của Babuji từ 1976. Sau khi Babuji mất vào năm 1983, Kamleshji tiếp tục là môn đệ tận tâm của Chariji. Trong suốt hơn 20 năm qua, Kamleshji đã thực hiện rất nhiều sứ mệnh của Hiệp hội và được tuyên bố là người kế vị Chariji vào tháng 10 năm 2011 và đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hiệp hội vào tháng 8 năm 2012. Sau khi Chariji qua đời vào ngày 20 tháng 12 năm 2014, Kamleshji trở thành người đại diện tâm linh và Chủ tịch Hiệp hội Shri Ram Chandra. Từ đó, thế giới biết đến Sahaj Marg với tên gọi Heartfulness. Thông qua đào tạo những người hướng dẫn, các chương trình hội thảo thiền tại hơn 160 quốc gia và các chương trình thiền trực tuyến trên toàn cầu, Daaji đã mang lợi ích của Heartfulness đến với hàng triệu người tìm kiếm trên khắp thế giới.

Trụ sở chính của Heartfulness là Thiền viện Kanha Shanti Vanam thuộc làng Kanha, quận Ranga Reddy, cách Sân bay Quốc tế Rajeev Gandhi, Hyderabad 25 km. Thiền viện được thiết kế để phát triển các chương trình đào tạo và hướng dẫn tâm linh nhằm thúc đẩy trải nghiệm nội tâm của mỗi cá nhân, đồng thời mang lại cơ hội học hỏi và đóng góp. Nơi đây là sự kết hợp độc đáo của một Thiền viện thanh bình và phúc lạc, cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường sống thân thiện của hàng vạn cây xanh. Thiền đường với sức chứa khoảng 80.000 người được khánh thành vào tháng 2 năm 2020 là nơi tổ chức những cuộc hạnh ngộ tâm linh. Tất cả những người tìm kiếm tâm linh khắp nơi trên thế giới đều được chào đón đến thiền trong sự thanh khiết và thánh thiện của bầu không khí thiêng nơi Kanha Shanti Vanam.