23 tháng 7, 2024

Từ hòa hợp cá nhân đến hòa hợp thiêng liêng

“Chúng ta có được sức mạnh suy nghĩ khi chúng ta tạo ra sự hòa hợp hoàn hảo giữa những sáng tạo của chúng ta và sáng tạo của Đấng Thiêng liêng.”

—Babuji Maharaj

Anh chị em thân mến,

James Allen từng nói, “Một người nghĩ như thế nào, anh ta sẽ trở thành như thế đó.” Đức Phật đã dạy, “Những gì chúng ta là là kết quả của những gì chúng ta nghĩ.” Chúng ta hiểu rằng suy nghĩ có sức mạnh, và chúng ta bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của suy nghĩ. Suy nghĩ tiêu cực có thể dẫn đến hiểu lầm và mâu thuẫn trong các mối quan hệ. Phỏng đoán điều tồi tệ nhất về ý định của ai đó có thể gây ra những tranh cãi không đáng có. Có những suy nghĩ tiêu cực như, “Tôi không thể làm được việc này,” hoặc “Tôi sẽ thất bại,” làm giảm hiệu suất lao động hoặc học tập, dẫn đến kết quả không như mong đợi.

Hơn nữa, suy nghĩ tiêu cực khiến chúng ta đánh mất niềm vui đối với các hoạt động hàng ngày. Lo lắng triền miên hoặc luôn nghĩ đến kết quả tồi tệ ngăn chúng ta dấn thân vào các mưu cầu mong ước. Tiêu cực kéo dài dẫn đến thất vọng đối với cuộc sống nói chung, khiến những trải nghiệm tích cực cũng bị lu mờ bởi cái nhìn tiêu cực.

Suy nghĩ tiêu cực thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng miễn dịch của chúng ta. Suy nghĩ tiêu cực triền miên dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng như lo âu và trầm cảm. Những suy nghĩ như “Tôi không đủ tốt” hoặc “Mọi thứ sẽ không bao giờ có thể tốt lên” tạo ra vòng lặp lo lắng và tuyệt vọng. Liên tục dằn vặt bản thân và suy nghĩ tiêu cực làm xói mòn lòng tự trọng, khiến người ta cảm thấy không xứng đáng.

Suy nghĩ tích cực giúp kiểm soát căng thẳng và giảm lo âu, thúc đẩy tư duy bình tĩnh hơn. Từ đó cải thiện tâm trạng và tạo ra sự phục hồi tinh thần, chuẩn bị cho chúng ta đương đầu với những thách thức hàng ngày của cuộc sống. Người lạc quan thường sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn do sức khỏe tổng thể tốt hơn và mức độ căng thẳng thấp hơn. Hơn nữa, những người được ban tặng tư duy tích cực luôn tràn đầy hy vọng. Người mất hy vọng là mất tất cả, và tồi tệ hơn, thậm chí có thể tự tử.

Suy nghĩ của chúng ta được tạo thành bởi nhiều yếu tố, bao gồm samskara, cách nuôi dạy và môi trường do cộng đồng, gia đình và phương tiện truyền thông mà chúng ta tiếp nhận tạo ra. Di truyền học biểu sinh cũng đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, sự phát triển của vỏ não trước trán ở giai đoạn phôi thai phần lớn phụ thuộc vào môi trường tiếp xúc trong tử cung. Khi chúng ta lớn lên, cách nuôi dạy tiếp tục định hình môi trường, ảnh hưởng hơn nữa đến suy nghĩ.

Matthew Killingsworth đã tiến hành một thí nghiệm thú vị tại Đại học Harvard bằng cách sử dụng các công nghệ hiện đại để đo lường chất lượng tập trung. Một ứng dụng di động liên lạc với những người tham gia thông qua điện thoại vào những thời điểm ngẫu nhiên trong thời gian thức của họ, đưa cho họ những câu hỏi để báo cáo tình trạng suy nghĩ, cảm xúc và hành động của họ theo thời gian trong các hoạt động hàng ngày. Nó cũng ghi lại câu trả lời của họ trong một cơ sở dữ liệu.

Cơ sở dữ liệu chứa gần một phần tư triệu mẫu từ khoảng 5.000 người ở 83 quốc gia khác nhau, có độ tuổi từ 18 đến 88 và đại diện cho 86 loại nghề nghiệp chính.

Trong nghiên cứu của ông ấy có tên “Tâm trí dao động là tâm trí không hạnh phúc” (dựa trên dữ liệu lấy từ 2.250 người), ông phát hiện ra rằng:

  • Tâm trí dao động xảy ra 47% thời gian,
  • Mọi người ít hạnh phúc hơn khi tâm trí dao động, và
  • Không phải bất hạnh khiến chúng ta mất tập trung; mà là, thiếu tập trung dẫn đến bất hạnh.

Sáng tạo là trạng thái tập trung tích cực. Một tâm trí dao động, không được chế ngự có thể sáng tạo không? Tâm trí tiêu cực, theo cách của nó, cũng tập trung bằng cách liên tục lắng xuống nhiều kênh tiêu cực. Xu hướng này lấy đi sự sáng tạo của tâm trí. Một tâm trí dao động và không tập trung không thể nắm bắt hạnh phúc. Đó là lý do tại sao Đấng Krishna đã đưa ra tuyên bố vĩ đại:

Làm sao có thể hạnh phúc khi tâm không định tĩnh?

—Bhagavad Gita || 2.66 ||

Tất cả chúng ta đều có những vấn đề riêng. Có thể có một giải pháp cho tất cả những vấn đề này không? Tìm kiếm một giải pháp cho tất cả các vấn đề của tồn tại là cuộc truy tìm bất tận của con người. Chúng ta hãy xem câu hỏi được đặt ra trong Mundaka Upanishad. Trong câu 1.1.3, một gia chủ đến hỏi bậc thầy:

Thưa ngài, thứ gì mà biết nó sẽ biết mọi thứ khác?

—Mundaka Upanishad || 1.1.3 ||

Tôi cho rằng cuộc tìm kiếm này không bao giờ có thể kết thúc trong kiến ​​thức. Vì vậy, tôi sẽ diễn đạt lại câu hỏi này như sau: “Thưa ngài, thứ gì mà giải quyết được nó sẽ giải quyết được mọi thứ khác?”

Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này là: Suy nghĩ đúng đắn và hiểu biết đúng đắn được hỗ trợ bởi cách tiếp cận trung thực với cuộc sống có thể xoay chuyển tình hình. Kết quả này được thiết lập thông qua các thực hành Heartfulness là Thiền, Thanh lọc và Cầu nguyện thường xuyên, giúp điều chỉnh và định nghĩa lại cuộc sống của chúng ta.

Đầu tiên, thông qua các thực hành tâm linh, chúng ta có thể tạo ra sự hòa hợp bên trong. Sự hòa hợp cá nhân thúc đẩy sự hòa hợp giữa những sáng tạo của chúng ta và sáng tạo của đấng thiêng liêng. Bây giờ, cả hai khía cạnh này của tồn tại có thể cộng hưởng và hòa trộn theo cách tự nhiên.

Một người hành hương ôm trọn cả hai chiều kích, điều khiển cả hai khía cạnh như con chim bay bằng cả hai cánh và được dẫn dắt bởi đuôi lái, có thể bay cao bay xa, và được truyền cảm hứng bay vút vào bầu trời tâm linh. Một người hành hương như vậy sẽ chỉ có ý định đúng đắn và do đó, suy nghĩ đúng đắn và hiểu biết đúng đắn, nhờ đó, sẽ luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống. Một cá nhân như vậy sẽ hòa hợp với Thiên nhiên. Hơn nữa, lối sống của một người như vậy sẽ tác động tích cực đến những người ngoài cuộc không nắm bắt những thiết yếu của tồn tại con người. Những người ngoài cuộc sẽ sớm nhận ra tầm quan trọng của việc kết hợp khát vọng tâm linh với thoả mãn thế gian. Do đó, một người hành hương chân thành có thể tạo ra cảm giác mộ đạo ở người khác bằng cách noi gương.

Cuộc sống tâm linh có thể bao trùm tồn tại vật lý, tô điểm cho các hoạt động thế tục. Khi đó, chúng ta bắt đầu biết trân trọng cuộc sống thế tục nhỏ bé tồn tại trong cuộc sống thiêng liêng vĩnh cửu và vô hạn. Ý nghĩa câu nói của Pujya Babuji “cuộc sống trong cuộc sống” bấy giờ được nhận ra.

Nếu người bình thường có thể chú ý đến cuộc sống của một người hành hương như vậy, làm sao Thượng đế có thể bỏ qua anh ta? Theo Babuji, “Khi một người đến với Thượng đế sau khi hoàn thiện bản thân, Ngài [Thượng đế] sẽ có cái nhìn khác về anh ta [người sùng đạo]. Điều này giải thích rằng chúng ta nên tác động đến việc hoàn thiện bản thân theo cách có thể giúp chúng ta trở thành tâm điểm trong mắt Ngài.” Suốt thời gian qua, người sùng đạo đóng vai trò là người yêu, còn Thượng đế là người được yêu. Nhưng bây giờ các vai trò đảo ngược: Thượng đế trở thành người yêu, và người sùng đạo trở thành người được yêu.

“Tiến về phía cái không biết,” Babuji đã nói trong chuyến thăm Nam Phi của Ngài, vào năm 1981. Trong hành trình tâm linh, người hành hương không bao giờ nhìn thấy những chiều kích ở phía trước mà chỉ thấy những đoạn đường đã đi qua. Giống như ngắm sao trời: Ánh sáng từ các vì sao mất nhiều năm mới đến được với chúng ta, vì vậy khi ngắm sao trời, chúng ta thấy chúng như đã xuất hiện từ trước đấy rất lâu. Tương tự như vậy, những gì được trải nghiệm hoặc nhận thức luôn ở phía sau vị trí hiện tại của người nhận thức—một điểm cần được giải thích thêm để nắm bắt đầy đủ.

Kiến thức đòi hỏi sự hiện diện của chủ thể người biết, nhìn thấy hoặc trải nghiệm, và đối tượng bị biết, bị nhìn thấy hoặc bị trải nghiệm. Hơn nữa, chủ thể luôn tinh vi hơn đối tượng. Ví dụ:

  • Các giác quan có thể nhận thức được các đối tượng của giác quan thô trược hơn nó, nhưng các đối tượng của giác quan không nhận thức được các giác quan tinh tế hơn nó.
  • Tâm trí nhận thức được các giác quan thô trược hơn nó, nhưng các giác quan không thể nhận thức được tâm trí tinh tế hơn nó.
  • Trí năng nhận thức được tâm trí thô trược hơn nó, nhưng tâm trí không thể nhận thức được trí năng tinh tế hơn nó.
  • Ý thức nhận thức được trí năng thô trược hơn nó, nhưng trí năng không thể nhận thức được ý thức tinh tế hơn nó.

Người biết luôn tinh vi hơn cái bị biết; cái bị biết luôn thô trược hơn người biết.

(Điều thú vị cần lưu ý, thực tế là, người biết tinh vi hơn cái bị biết song song với cuộc đấu tranh mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt khi cố gắng đo hoạt động của hạt: Trừ khi dụng cụ đo tinh vi hơn hạt được quan sát, còn không hành động đo lường sẽ can thiệp vào hành vi của hạt, gây thách thức cho việc quan sát.)

Vì người biết luôn tinh vi hơn cái bị biết, chúng ta có thể hiểu như sau: Nếu một người có thể nắm bắt được Brahman, thì nhân chứng ​​phải vượt quá Brahman, tức là Para-Brahman, như nhiều người thực hành Heartfulness từng trải nghiệm. Và nếu một người có thể nhận thức được mọi cấp độ của tồn tại ngoại trừ Trung tâm thì sao? Điều đó có nghĩa là người đó đã được thiết định trong Trung tâm.

Tất cả những gì chúng ta thấy là ở phía sau chúng ta. Chúng ta phải mãi mãi tiến về phía cái không thể biết—cái không thể thấy. Thái độ nào tạo điều kiện cho quỹ đạo tích cực này?

Quan niệm về Thượng đế là nirguna, “không có thuộc tính”, được hiểu là cao hơn quan niệm về Thượng đế là saguna, “có thuộc tính”. Người ta chỉ có thể biết một thứ gì đó thông qua các thuộc tính của nó. Nếu một thứ gì đó không có thuộc tính, nó không thể bị biết hoặc bị trải nghiệm. Những gì chúng ta thường hiểu là trải nghiệm thiêng liêng thực chất là trải nghiệm về các thuộc tính thiêng liêng. Đây là những phẩm tính và trạng thái mà chúng ta gặp ở nhiều giai đoạn khác nhau của hành trình tâm linh, cụ thể là sự mãn nguyện, bình yên, tình yêu, lòng can đảm, sự sáng tỏ,... Cuộc sống của một abhyasi tràn ngập những trải nghiệm về các phẩm tính và thuộc tính thiêng liêng như vậy. Những điều này phải được coi là sự phản ánh của Thần tính bên trong chúng ta vì Thần tính không có thuộc tính và không bao giờ đóng vai trò là đối tượng của kiến ​​thức hoặc trải nghiệm.

Nếu mục tiêu là cao nhất, cách tiếp cận đối với những trải nghiệm nên như thế nào? Chúng ta nên chào đón những biểu hiện thấp hơn của Đấng thiêng liêng hay xem tất cả những trải nghiệm đó với thái độ từ bỏ neti neti [không phải cái này, không phải cái này], thay vào đó tập trung vào cái cao nhất?

Nhìn chung, chúng ta thất bại khi cố gắng ấn định Thực tại Tối thượng là mục tiêu của mình. Vì nó là cái không thể biết, chúng ta không thể nắm bắt được nó hoặc vạch ra lộ trình cho nó. Chúng ta mô tả nó bằng những từ ngữ quen thuộc như “Trung tâm”, “hợp nhất với Thượng đế” và “giác ngộ”, nhưng mặc dù hiểu những từ này, chúng ta không biết chúng có ý nghĩa là gì. Chức năng của những từ này giống như chức năng của ‘x’ trong một phương trình toán học.

Một mục tiêu phải rõ ràng và có thể định nghĩa được, nếu không nó không thể phục vụ chúng ta. Trong khi Cái Tuyệt đối vô hạn chắc chắn là đích đến, nó làm chúng ta thất vọng khi chúng ta coi đó là mục tiêu cá nhân. Sức mạnh của bhakti-marga, con đường tình yêu và hiến dâng, là sự hiện diện của một đối tượng và mục tiêu rõ ràng—Đấng Yêu dấu mà người yêu có thể trao gửi tình yêu của họ, Đấng Thần linh mà người sùng đạo có thể trao đi sự hiến dâng của họ.

Sự chỉ trích truyền thống đối với bhakti-marga là những người theo bhakti-marga có xu hướng bám chấp vào hình tướng, thuộc tính và nghi lễ, và không có ý định vượt lên chúng. Tuy nhiên, nếu đối tượng sùng kính của bhakta (người sùng đạo) là một Master có năng lực—người vừa là saguna vừa là nirguna—thì con đường bhakti có thể đóng vai trò như một cây cầu, dẫn chúng ta từ cái có thể biết đến cái không thể biết. Đó là cách tiếp cận saguna dẫn đến kết quả nirguna.

Trên cuộc hành trình, chúng ta khám phá ra nhiều thuộc tính thiêng liêng bên trong có ảnh hưởng đến trạng thái tâm linh của chúng ta. Tuy nhiên, không có gì tác động sâu sắc đến trạng thái tâm linh của chúng ta như bhakti. Cách hữu ích nhất để tiếp cận những trải nghiệm về các thuộc tính thiêng liêng là củng cố mối quan hệ của chúng ta với Master, người đóng vai trò là cầu nối đến Cái Tối thượng. Bằng cách đồng nhất những trải nghiệm này với Master và coi chúng như những món quà, chúng ta củng cố sợi dây tình cảm mà với nó Ngài đưa chúng ta đến Vô cực. Tương tự như vậy, nếu chúng ta tiếp cận những trải nghiệm cay đắng trong cuộc sống với tình yêu và lòng biết ơn đối với người trao tặng, nan đề của cuộc sống sẽ được giải quyết một cách triệt để.

Yêu thương và trân trọng

Kamlesh

Thông điệp kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Pujya Chariji Maharaj

Nguồnfile:///D:/HFN%202023/3-DICH%20HFN/NAM%202024/Thang%207/July-bhandara-Message2024_English.pdf