13 tháng 6, 2024

Từ không ở đây cũng không ở kia đến sự vĩnh hằng

Trishanku là một bậc quân vương cao quý của triều đại Ikshvaku lừng lẫy, còn được gọi là Suryavansha hay triều đại mặt trời. Đây là triều đại mà những cái tên lẫy lừng như Đấng Rama, Dasharatha, Harishchandra và các đấng khác thuộc về. Trishanku được biết đến với mong muốn mãnh liệt là được lên thiên đường trong cơ thể xác phàm. Đó là một ham muốn thách thức trật tự tự nhiên.


Nhưng Trishanku đã tìm đến nhà hiền triết thông thái Vasishtha đề nghị giúp đỡ. Nhà hiền triết từ chối thực hiện yêu cầu, giải thích rằng một nguyện vọng như vậy là trái tự nhiên. Không cam lòng, Trishanku đến gặp các con trai của Vasishtha. Cả họ cũng từ chối yêu cầu và tức giận vì sự ngang ngược và vô lễ của ông. Trong cơn thịnh nộ, họ nguyền rủa Trishanku sẽ bị chính thần dân của mình xa lánh.

Sự thẳng thừng từ chối chỉ làm tăng thêm quyết tâm của Trishanku. Ông đi tìm nhà hiền triết quyền năng Vishwamitra, người có mong muốn duy nhất là chứng minh mình giỏi hơn Vasishtha. Được thôi thúc bởi tham vọng cá nhân, Vishwamitra đồng ý giúp Trishanku. Ông đã làm một nghi lễ (yajna) rất lớn và, sử dụng sức mạnh của mình, bắt đầu nâng Trishanku lên thiên đường. Khi Trishanku bay lên, các vị thần, đứng đầu là Indra (thần sấm sét) – vua của các vị thần, đã phản đối sự phá vỡ quy luật vũ trụ này. Họ từ chối nhận Trishanku vào thiên đường và đẩy ông trở lại hạ giới.

Tức giận vì hành động của các vị thần, Vishwamitra đã sử dụng sức mạnh khủng khiếp của mình để ngăn cú ngã của Trishanku. Không chỉ vậy, ông còn tạo ra một thiên đường giả (Trishanku Swarga) và đưa Trishanku vào trong không gian đó. Trong không gian ngưỡng này, không ở đây cũng không ở kia, Trishanku không được thỏa mãn và không được giải quyết. Truyền thuyết kể rằng nhờ sám hối và ăn năn, Trishanku đã hiểu được những chỉ dẫn của các bậc thầy. Được khai sáng bởi hiểu biết đúng đắn, ông đã trải nghiệm các chiều kích cao hơn.

Câu chuyện này gợi lên nhiều câu hỏi liên quan:

Tôi có bị treo lơ lửng trong không gian ngưỡng của những ham muốn của mình không?

Tôi có đang theo đuổi khát vọng đích thực của bản thể của mình không?

Tôi có đang thỉnh cầu Guru về những điều đúng đắn không?

Trên hết, bài học rút ra là phải có ai đó can thiệp; đưa chúng ta ra khỏi thế giới ở giữa, không ở đây cũng không ở kia, và đặt chúng ta vào một vị trí ổn định. Cần có ai đó giúp chúng ta đạt đến trạng thái cân bằng, để chúng ta có thể duy trì sự ổn định mà không cần thêm năng lượng đầu vào. Trạng thái không có entropy (sự hỗn loạn). Trạng thái Sthitha Pragya (định tĩnh) mãi mãi.

Khát vọng và lựa chọn

Chúng ta có thể cho rằng câu chuyện của Trishanku là một trường hợp cực đoan. Nhưng thực tế là tất cả chúng ta đang tranh đấu trong những không gian (niềm tin), thứ giới hạn chúng ta. Rõ ràng nhất là sự tranh đấu giữa tôn giáo, các giá trị tôn giáo, chủ nghĩa duy vật và sự thoải mái vật chất. Không có gì sai với chủ nghĩa duy vật. Nó mang lại cho chúng ta sự thoải mái và đôi khi, cho chúng ta thời gian để làm những việc cần thiết.

Một ví dụ điển hình là Trí tuệ nhân tạo (AI). Nhiều người đã hỏi về tác hại của AI và tự động hóa. AI có những thách thức, nhưng hãy nhớ rằng AI cho chúng ta sự tự do về thời gian. Chủ nghĩa duy vật, AI,... không phải là những thách thức thực sự. Thách thức thực sự của chúng ta là đưa ra những lựa chọn đúng đắn – những lựa chọn giúp chúng ta tiến hóa, phát triển và bước đi trên con đường trí tuệ. Một tâm trí thiền không lo lắng. Người thiền ở trái tim sẽ có khả năng phân biệt tốt hơn. Càng thiền nhiều, càng sáng suốt (Viveka). Một trái tim sáng suốt cho chúng ta thời gian để soi chiếu những lựa chọn trước mắt. Với sự sáng suốt, chúng ta đưa ra những lựa chọn tiến hóa. Chúng ta đưa ra những lựa chọn giúp ích cho sự phát triển của mình.

Xiềng xích của ham muốn

Thứ ngăn cản sự phát triển của chúng ta là xiềng xích của ham muốn, dù là ở thế giới này hay thế giới bên kia. Những người có tôn giáo, hay còn gọi là người theo đạo, cũng có những ham muốn nhất định. Họ kìm nén ham muốn bằng việc thực hiện sám hối phi thường như theo đuổi đời sống cô độc và những phương tiện phi tự nhiên khác. Họ nghĩ rằng càng đày đoạ thân xác thì thiên đường ở thế giới bên kia càng tươi đẹp. Cho dù là theo đuổi tôn giáo hay vật chất, ham muốn vẫn thắng thế. Thỏa mãn ham muốn ở thế giới vật chất, như kiếm tiền và sự tiện nghi, người ta chỉ hướng đến sự thiêng liêng khi ý tưởng này nảy sinh: “Tiếp theo là gì?” Một người đói sẽ không tìm kiếm tâm linh. Không có gì sai với việc kiếm tiền nếu chúng ta có thể sử dụng tiền một cách khôn ngoan. Một người có trái tim thiền và tâm tỉnh thức có thể sử dụng tiền cho mục đích tốt đẹp hơn. Tôi thường nói rằng nếu những người tốt không khai thác năng lượng của tiền bạc, năng lượng của nó sẽ bị những người xấu sử dụng sai mục đích.

Trước khi đi xa hơn, chúng ta hãy bắt đầu với một sự giải thích cho những ai còn băn khoăn: “Daaji, có phải Ngài gợi ý rằng chúng ta nên từ bỏ mọi ham muốn không? Ham muốn có phải là xấu?” Không. Tất cả chúng ta đều có ham muốn và khát vọng. Ham muốn, khi được hiểu rõ, chính là biểu hiện của khát vọng vượt thoát của linh hồn. Nhưng vì samskara, sự ràng buộc mà chúng ta mang theo, năng lượng của ham muốn bị hướng sai đến những mục tiêu thấp kém hơn trong cuộc sống.

Đạt được hạnh phúc thông qua thỏa mãn ham muốn là không thể. Giống như đặt một miếng sắt cạnh la bàn làm chệch hướng bắc thật. Trong trường hợp hướng bắc thật của linh hồn, la bàn bị loạn bởi các mạt sắt samskara, chỉ chúng ta về các hướng khác thay vì sao Bắc đẩu của linh hồn chỉ về hướng Cái Tối thượng.

Hiểu về tiến trình của ham muốn và nhân chứng

Ham muốn là năng lượng được tạo ra bởi cảm giác thiếu thốn. Ham muốn bắt đầu bằng một mong muốn nhỏ nhoi. Từ mong muốn, chuyển thành ham muốn; từ ham muốn, chuyển thành kỳ vọng, dẫn đến việc người ta đòi hỏi rằng kỳ vọng của họ phải được đáp ứng. Sau đó, sự đòi hỏi dẫn đến việc người ta khăng khăng rằng, “Tôi xứng đáng được như thế.” Khi bạn bắt đầu đòi hỏi, bạn sẽ ngã – bạn ngã thật – trong chính đôi mắt của mình. Câu chuyện về Trishanku là lời nhắc nhở kịp thời cho tất cả chúng ta.

Hiểu về dòng chảy của ham muốn. Đó là lý do tại sao, nếu bạn để ý, trong lời cầu nguyện của Heartfulness có dòng “những ước muốn đang bước con đường tiến bộ”. Trí tuệ ẩn sau dòng chữ này là giải quyết nguyên nhân gốc rễ: ước muốn của chúng ta. Hiểu được dòng chảy từ ham muốn đến đòi hỏi đến cảm thấy mình xứng đáng (và kèm theo cảm giác tội lỗi) giúp bạn có được hiểu biết đúng đắn.

Khi chúng ta hiểu được bản chất của ham muốn, hạt giống của trí tuệ tâm linh bắt đầu bén rễ trong trái tim chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng một người duy vật khao khát hạnh phúc “ở đây”. Một người theo đạo khao khát hạnh phúc “ở kia”. Trí tuệ tâm linh nói rằng khao khát “không ở đây cũng không ở kia” mà, chỉ là. Trạng thái ngộ ra sự tồn tại của mình. Kết quả là, trong khi cách tiếp cận tôn giáo và duy vật khao khát càng nhiều hơn, cách tiếp cận tâm linh khao khát càng nhiều của càng ít (more and more of less and less).

Hành trình hướng tới trí tuệ tâm linh này chính là yếu chỉ của các thánh thư, đặc biệt là Bhagwat Gita. Gita đặc biệt nhấn mạnh đến Karma (hành động) và kiến ​​thức về phạm trù hành động (cánh đồng Kshetra và Kshetrajna). Người ta có thể xác định bản thân trong phạm trù hành động ở nhiều vai, với những vai chính là: người làm, người quan sát và nhân chứng.

Là nhân chứng, chúng ta thu hẹp tính đa dạng trong phạm trù hành động. Chúng ta chỉ nhận thức nhiệm vụ trong tầm tay. Và đó cũng là nhân chứng. Chứng kiến ​​kiềm chế cái tôi vì người làm và người quan sát đều vắng mặt. Kết quả là, người ta có thể tận hưởng đỉnh cao của những chiều cao. Nhưng khi bạn thực hiện hành động, việc chứng kiến ​​niềm vui và nỗi đau của mình là không thể. Một người phải hoàn toàn hòa mình vào dòng chảy của hành động để vượt thoát hành động. Cũng như người yêu và người được yêu trở thành một và chỉ còn lại tình yêu. Người quan sát, đối tượng quan sát trở thành một và chỉ còn lại sự quan sát. Nhưng vẫn có thứ gì đó vượt ngoài nhân chứng. Đó là giai đoạn hoà nhập. Sự hoà nhập của cái thấp hơn với cái cao nhất là đỉnh cao mà ở đó người ta có thể vượt ra ở đây và ở kia.

Hoàn thiện dẫn đến trôi chảy

Làm thế nào để trôi chảy? Hành động hoàn thiện dẫn đến sự trôi chảy. Tầm quan trọng của việc hoàn thiện nhiệm vụ, cho dù bạn thành công hay thất bại, là mang đến cho bạn cảm giác bình yên. Khi bạn thành công, bạn cảm thấy vui. Khi bạn thất bại, bạn có thể cảm thấy buồn. Nhưng quan trọng hơn thành công hay thất bại, niềm vui hay nỗi buồn, là sự trôi chảy.

Hãy xem xét bối cảnh này: Bạn yêu một người, và người đó cũng yêu bạn. Nhưng không ai thể hiện tình yêu với người kia. Hãy tưởng tượng một bối cảnh như vậy. Một mối quan hệ bị bỏ lửng mặc dù có tình yêu giữa hai người. Bây giờ hãy tưởng tượng một bối cảnh khác: Bạn yêu một người, bạn cầu hôn cô ấy, và cô ấy từ chối. Trong bối cảnh này, mặc dù bạn bị tổn thương, nhưng nó mang lại cho bạn chút bình yên vì có sự khép lại. Nhưng trong bối cảnh trước, tình yêu không được tỏ bày, bạn không ở đây cũng không ở kia. Không hoàn thiện khiến cho bạn bất an, trong khi hoàn thiện giúp khép lại và theo thời gian, là sự bình yên. Ở đâu có bình yên, ở đó có sự trôi chảy.

Một tâm trí bỏ lửng không ở đây cũng không ở kia. Nó bất an cả cuộc đời. Để khép lại phải có hiểu biết. Hiểu biết có được thông qua trải nghiệm. Trải nghiệm là chìa khóa. Trải nghiệm giúp chúng ta hiểu được lý do, đối tượng và cách thức của sự kiện và hoàn cảnh. Trải nghiệm mang lại cho chúng ta hiểu biết để hợp lý hóa bằng tâm trí và đáp ứng bằng trái tim. Nó giúp chúng ta đi tới bước tiếp theo. Trải nghiệm càng mạnh mẽ, hiểu biết càng sâu sắc, sáng tỏ càng nhiều, khép lại càng nhanh.

Câu nói được cho là của Emerson “Gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”. Khi chúng ta suy ngẫm về hành trình của mình trong Sahaj Marg, sự phong phú của trải nghiệm trong nhiều năm sẽ lắng đọng thành trí tuệ rằng “bạn không gieo gì cả, và bạn gặt sự vĩnh hằng”. Còn khi “gieo giáo điều và hệ thống niềm tin, bạn cưỡng đoạt sự vĩnh hằng”.

Một tâm trí thiền được hướng dẫn bởi hàng rào bảo vệ của sự sáng suốt và tình yêu không dính mắc ngăn bạn xâm phạm sự vĩnh hằng. Trải nghiệm và những trạng thái có được từ trải nghiệm dang rộng đôi cánh của linh hồn. Với đôi cánh ấy, người ta bay đến vận mệnh đích thực của mình, vượt thoát thiên đường và địa ngục đến bến bờ của thực tại và xa hơn thế. Từ không gian ngưỡng đến những vùng đất vàng của Cõi sáng. Từ không ở đây cũng không ở kia đến sự vĩnh hằng.

Yêu thương và trân trọng,

Kamlesh D. Patel

Atlanta, 9/6/2024

Nguồnhttps://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2024/Neither+Here+Nor+There+-+Lap+of+Eternal+Now.pdf