Bạn thân mến. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường
nói đến không gian và thời gian khi chúng ta xác định bản thân, trong khi
trong tâm linh, chúng ta thường mô tả sự tồn tại liên quan đến cái tuyệt đối vĩnh
cửu. Vậy sự liên quan của thời gian là gì? Và nó có vai trò gì trong cuộc sống
của chúng ta? Khi bạn nghĩ về thời gian, bạn nhận ra rằng nó thật khó nắm bắt;
không bao giờ có thể có một cái “bây giờ” vĩnh viễn. Trên thực tế, nếu bạn nói
về ở đây và bây giờ, nó giống như một trò đùa đối với nhân loại.
Một mặt, thời gian là một khái niệm rất có tính xây dựng. Trong khoa học, nó được định nghĩa là khoảng gian cách giữa hai sự kiện. Khi chúng ta xem xét nó trong mối liên hệ với nhịp sinh học hàng ngày và trong mối liên hệ với chuyển động của các hành tinh xung quanh ngôi sao mẹ của chúng, chúng ta nhận ra rằng thời gian và các sự kiện xác định hành vi hàng ngày, thói quen và mô thức theo mùa của chúng ta; nói cách khác, lối sống của chúng ta, bao gồm cả khi chúng ta thiền, khi chúng ta ăn, khi chúng ta ngủ,... Nhưng hãy tưởng tượng một sự tồn tại mà ở đó không có các vì sao và các hành tinh. Lúc đó thời gian sẽ thống trị như thế nào?
Mặt khác, bánh xe thời gian là bất khả tránh. Luật
nhân quả là bất biến và không ai được miễn trừ. Gieo nhân nào gặt quả nấy. Nếu
nghiệp của chúng ta nặng và thô trược thì ý thức của chúng ta sẽ bị hạn chế,
còn nếu nghiệp của chúng ta nhẹ nhàng thì ý thức của chúng ta sẽ dễ dàng mở rộng
và siêu vượt những giới hạn của thế giới này.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể tối ưu hóa tiềm năng mở
rộng ý thức? Sau khi suy ngẫm và quán chiếu đủ lâu, tôi cho rằng sự siêu vượt
chỉ có thể thực hiện được thông qua hai thứ: vượt qua ham muốn và tận dụng tốt
nhất cái tôi.
Sự mãn nguyện chỉ có thể đạt được khi chúng ta vượt
qua ham muốn. Về bản chất, ham muốn không bao giờ có thể được thỏa mãn; khi
chúng ta thoả mãn một ham muốn, ham muốn tiếp theo lại xuất hiện. Để xác minh điều
này, hãy dành thời gian để đánh giá cuộc sống của bạn từ trước đến nay và xem
liệu nó có đúng không. Bạn sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta đều tuân theo luật
nhân quả.
Khi chúng ta vi phạm luật này, chắc chắn chúng ta sẽ
mang những phiền trược vào cuộc sống của mình, tạo ra điều mà chúng ta gọi là địa
ngục, trong khi nếu chúng ta hòa hợp với luật này, chúng ta trải nghiệm trạng
thái thiên đường. Và tất cả chúng ta đều trải qua những trạng thái tâm lý thiên
đường, địa ngục và thế giới này hàng ngày. Một số giây phút là thiên đường, một
số là địa ngục và một số là ở giữa.
Từ người tìm kiếm đến người hành thiền đến cộng hưởng với Hiện hữu
Khi tôi là sinh viên và còn là một người tìm kiếm tò
mò dấn thân vào cuộc hành trình tâm linh, có những lúc tôi đã nghiên cứu bản
thân mình. Nó giống như việc mua sắm guru. Tôi đã gặp một số vị thầy, nhưng tôi
không bị họ mê hoặc; tôi đọc về triết lý của họ, tính cách của họ và lối sống của
họ. Một số vị thầy đã cuốn hút tôi, nhưng hầu hết họ khiến tôi khó chịu. Sau
đó, khi tôi bắt đầu thực hành Heartfulness, tôi đã trải qua một cảm nghiệm sâu
sắc trong thiền và tôi thấy rằng tôi đã về nhà tại nơi ở của Guru yêu kính của
tôi, người dẫn dắt tôi về ngôi nhà vĩnh cửu. Tôi không còn là người tìm kiếm nữa.
Kể từ đó, trong khi quan sát những người khác, tôi nhận
thấy rằng bất cứ khi nào một người tìm kiếm hoặc người mới thực hành lần đầu
tiên tiếp cận Guru, họ thường gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt. Dần dần,
cùng với sự lắng nghe và tương tác, sự tự ti giảm xuống. Họ cố gắng hiểu những
suy nghĩ, cảm xúc và triết lý liên quan đến phương pháp thực hành mà vị Thầy
đưa ra.
Về sau, họ trở thành abhyasi, siêng năng thực hành những
gì được hướng dẫn. Giai đoạn này – thực hành với sự hỗ trợ của vị Thầy – hiệu quả
hơn so với cách tiếp cận ban đầu của người tìm kiếm. Nhưng ngay cả việc thực
hành dường như cũng không thể thỏa mãn được cơn khát bên trong. Cả người tìm kiếm
lẫn người săn tìm kiến thức đều không thể được thỏa mãn.
Sự thỏa mãn xảy ra khi chúng ta cộng hưởng với bản thể
của vị Thầy. Quan sát lối sống của ông ấy hoặc hiểu triết lý là không đủ. Chỉ
khi cộng hưởng với bản thể của Master, chúng ta mới bắt đầu được chuyển hóa một
cách có ý nghĩa từ bên trong nhờ mối tương giao này. Khi đó, chúng ta không còn
là học trò, người hành thiền hay thậm chí là môn đệ nữa. Chúng ta cộng hưởng với
bản thể của ông ấy, vì vậy chúng ta là một phần bản thể của ông. Chúng ta không
còn là những người tìm kiếm bên ngoài nữa, chúng ta ở bên trong. Master là một
phần không thể thiếu của chúng ta, bất chấp những khác biệt về văn hóa giữa ông
ấy và chúng ta.
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình với tâm của người tìm
kiếm, nghĩa là chúng ta ở trong đầu của mình. Sau đó, khi chúng ta trưởng thành
hơn về nội tâm, chúng ta bắt đầu cộng hưởng với trái tim mình. Và đến một giai đoạn
khi chúng ta bắt đầu cộng hưởng với bản thể của mình – tâm hồn, linh hồn của
chúng ta. Cú nhảy – từ cái đầu tới trái tim và cuối cùng tới hiện hữu, là vũ điệu cộng hưởng với tinh thần vũ trụ bất diệt, với sự chấp nhận hoàn toàn.
Mirabai vừa nhảy vừa chơi Ektara là một ví dụ điển hình cho điều đó.
Chúng ta không thể duy trì ở trạng thái đầu tiên hay
trạng thái ở giữa. Là người tìm kiếm, chúng ta phát triển để trở thành người hành
thiền. Và là người hành thiền, chúng ta phát triển để nhảy vào hiện hữu và tan biến
như một giọt sương tan biến trong không trung.
Đối với một học trò có kỷ luật đã chuyển đến trái tim,
bước tiếp theo là nhảy vọt lên và tan biến như giọt sương. Sự can đảm và cam kết
thực sự là cần thiết vào thời điểm này. Những người nhát gan sẽ lùi lại và tìm
kiếm hết lần này đến lần khác. Đó là lý do tại sao Babuji nói: “Người ta phải lặn
thật sâu để mò được ngọc trai”. Ở giữa, không ở đây cũng không ở đó, không phải
là người tìm kiếm cũng không phải là bản thể cộng hưởng, sẽ không thể tìm được
động lượng để tạo ra vận tốc thoát.
Điều gì ngăn cản chúng ta lặn sâu? Trong Ashtavakra
Gita, Ashtavakra cho chúng ta manh mối, khi ông bảo Raja Janaka hãy coi ham muốn
như visham, nghĩa là thuốc độc. Một lần nữa, giải pháp là vượt qua ham
muốn. Không mong muốn bất cứ điều gì dẫn chúng ta đến sự vô chấp và cuối cùng
là tự do phi thường. Dù bản chất của ham muốn là gì, dù là về thiên đường hay của
cải trần gian, tâm linh nói rằng: “Suy cho cùng ham muốn vẫn là ham muốn, dù đó
là về thế giới bên kia hay hạnh phúc ở thế giới này”. Bạn phải vượt qua tất cả
mọi ham muốn. Chỉ khi đó bạn mới có thể có được một mức độ tự do nào đó. Có
nghĩa là chúng ta không nên có bất kỳ ham muốn nào? KHÔNG phải thế. Nếu ham muốn
được thực hiện, Tồn tại sẽ hiệp lực để thực hiện nó, chỉ đơn giản là không ĐÒI
HỎI.
Bản chất của tự do
Và bản chất của tự do là gì? Tôi chỉ có thể mô tả nó bằng
một ví dụ đơn giản: Một nụ hoa e ấp chờ nở, để nó có thể nở bung và tỏa hương sắc.
Nhưng nếu gánh nặng của ham muốn không cho phép nó nở thì sao? Điều gì sẽ xảy
ra nếu ham muốn của chúng ta không cho phép tiềm năng thực sự của chúng ta được
bộc lộ đầy đủ? Và điều gì sẽ xảy ra nếu ánh nắng của lòng sùng kính trong chúng
ta bảo đảm rằng nó sẽ bung nở để hiện hữu nở hoa?
Tôi nghĩ đây là lý do vì sao hoa sen nở được coi là biểu
tượng cho trạng thái sat-chi-anand. Đây là nơi chúng ta tìm thấy tự do
đích thực, mặc dù cuộc hành trình vẫn còn ở phía trước. Bản thể của chúng ta bừng
nở ở những chiều kích cao hơn, đồng thời chúng ta cũng xuất sắc trong các hoạt
động thế tục, Đấng Krishna đã mô tả sự năng động này trong hành động là
“Kaushalam”.
Sự bừng nở đó đòi hỏi lòng quả cảm từ bỏ ý thức cá
nhân của bản ngã và tan biến như giọt sương tan vào không trung. Đó không phải
là một cam kết hời hợt. Chính ở đây, chúng ta đề cao tầm quan trọng của việc sử
dụng tốt nhất cái tôi trên cuộc hành trình. Một cái tôi tinh tế phục tùng Đấng
Tối cao, không còn ham muốn, nhưng nó có tất cả lòng can đảm, sự tự tin và sự
cam kết của tình yêu đích thực.
Bằng việc không ham muốn thế giới này hay thế giới
kia, chúng ta có thể nhận ra tiềm năng siêu vượt. Mục đích cuộc sống của chúng
ta khi đó đã hoàn thành, nhưng vẫn còn nhiều điều nếu chúng ta muốn đi xa hơn.
Đồng thời, vẫn còn nhiều việc phải làm ở bình diện thế tục, ở đó chúng ta có thể
giúp đỡ người khác và đóng góp cho egregore. Chúng ta không còn bị chia
cắt nữa, chúng ta đã vượt qua tất cả những giới hạn đó.
Siêu vượt thời gian
Và khi chúng ta nói về sự siêu vượt thời gian, nó có ý
nghĩa gì? Chúng ta hiểu rằng khái niệm thời gian được tạo ra để thuận tiện cho
chúng ta, phục vụ cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nếu thời gian được khoa học
định nghĩa là khoảng gian cách giữa hai sự kiện, thì thời gian sẽ ra sao khi
không có sự kiện? Tâm trí của một thiền giả, của một hành giả yoga, ở trong trạng
thái vô định, có vẻ như đứng yên mặc dù nó chuyển động nhanh hơn bất cứ ai có
thể tưởng tượng. Nó giống như các hạt hạ nguyên tử giả định trong vật lý, chuyển
động nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Nếu bạn có thể tưởng tượng họ di chuyển trong
phòng của bạn, họ sẽ di chuyển nhanh đến mức luôn ở bên bạn như thể họ không hề
di chuyển.
Vậy nếu khái niệm thời gian là một ý tưởng thực tế, nó
có thực sự tồn tại không? Đấng Krishna nói: “Kalo’smi,” nghĩa là “Ta là Thời
gian”. Khi chúng ta nói về việc siêu vượt thời gian, có phải chúng ta đang nói
đến việc vượt qua ý thức Krishna? Có thể được không? Tôi không dám nói thêm. Bạn
hãy suy nghĩ về điều đó.
Kamlesh,
Luân Đôn, 18/5/2024
Thông điệp của Daaji tại Hội thảo châu Âu, 17 - 19/5/2024