Yogi vĩ đại người Ấn Độ, Paramahamsa Yogananda, trong bình giảng của Ngài về Tân Ước, đã nói: “Trong cơ thể nhỏ bé được gọi là Chúa Giêsu, đã sản sinh ra Ý thức Chúa bao la, trí tuệ toàn thức của Thiên Chúa, hiện diện khắp nơi trong mọi thành phần của tạo vật.”
Vì nhiều lý do, thiền dường như đã tìm được lối đi của
nó trong bối cảnh tôn giáo, nhưng thực tế là, thiền không chỉ là trọng tâm của
các tôn giáo phương Đông mà còn của đức tin Thiên Chúa giáo ngay từ thuở khai
sinh. Kinh thánh có nhiều đoạn khuyến khích sự suy tư về Thiên Chúa, dành không
gian cho Thiên Chúa choán lấy đời sống hàng ngày.
Sáng thế 24:63, Phiên bản Quốc tế Mới: “Một buổi tối,
Ngài ra ngoài đồng để suy ngẫm, Ngài ngước mắt nhìn lên và chợt thấy bầy lạc đà
từ đâu đang tiến đến.”
Thi thiên 19:14, Phiên bản Quốc tế Mới: “Lạy Chúa, là Vầng
Đá và Đấng Cứu Chuộc của con, nguyện lời nói của miệng con và sự suy ngẫm của
lòng con được đẹp ý Ngài!.”
Chúng ta thấy các sứ đồ dùng từ “suy ngẫm” trong tiếng
Hy Lạp trong các bức thư của họ. Thiền không chỉ là điểm chung duy nhất giữa
các truyền thống tôn giáo. Có một sự thống nhất tuyệt vời giữa Bhagavad Gita,
Kinh thánh và hầu hết các thánh thư khác của các tôn giáo khác nhau, một sự
tương đồng đẹp đẽ giữa lời của Chúa Giê-su nói về “Cõi Trời bên trong ngươi” và
lời dạy của Đấng Krishna, “Ngươi thấy Thượng đế ở trong tim."
Chúa Giê-su đã nói bằng tiếng Aramaic. Tiên tri
Mohammad trong tiếng Ả Rập và Đấng Krishna thể hiện bằng tiếng Sanskrit. Những
gì họ nói, có vẻ khác nhau vì sự khác biệt về ngôn ngữ. Nhưng nếu bạn trải nghiệm
những điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả chúng đều nêu lên cùng một sự thật. Thiên
Chúa của Chúa Giê-su, Thánh Allah của Tiên tri Mohammed và Paramatman của Đấng
Krishna chung cuộc đều giống nhau.
Năm tôi 11 hoặc 12 tuổi, tôi vô cùng xúc động trước Lời dạy của Ramakrishna Paramahamsa, nhà
thần bí và tâm linh Ấn Độ. Tôi cũng bị ấn tượng bởi nghi thức thờ cúng trong
các đền thờ Hindu. Cảm nhận được khao khát tâm linh mãnh liệt trong tôi, cha
tôi đã gửi tôi đến một đền thờ Hồi giáo gần nhà để tôi theo học người thủ từ. Ở
đó, tôi đã phát triển kỷ luật chung trong cuộc sống. Tôi cũng được tiếp xúc với
các văn tự Veda cổ và cố gắng hiểu Thượng đế thông qua các thánh thư Phạn ngữ.
Sự hiểu biết của tôi là các đấng cứu thế và các nhà tiên tri trong các tôn giáo
khác nhau đã không đến để thúc đẩy sự phân chia tông phái và sự thù nghịch.
Chúng ta không được sử dụng giáo huấn của họ theo hướng đó. Một số người có thể
tin rằng những hóa thân đến để mở ra một tông phái mới hoặc một tôn giáo riêng
biệt, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu mục đích thực sự của họ là khôi phục giáo lý tâm
linh về sự giác ngộ?
Tôi bắt đầu thiền từ khi lên đại học. Những tiếp cận của
tôi với tôn giáo và các triết thuyết tâm linh khác nhau, cùng với ảnh hưởng của
cha tôi và quan trọng hơn cả là khao khát của chính tôi, đã đưa tôi đến nơi tôi
cảm thấy tình yêu Thượng đế trong tôi được nhận ra. Bạn biết đấy, tình yêu
Thiên Chúa là điều Chúa Giê-su đã cảm thấy, mà Ngài đã chia sẻ nó với tất cả
chúng ta. Tôi cũng đã có cảm giác tương tự như thế khi tôi thiền.
Cảm giác đó giống như những gì viết trong Giăng 15:9-11,
Phiên bản Quốc tế Mới: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy
ở lại trong tình yêu của Thầy."
Một người tìm kiếm tâm linh đã từng hỏi vị yogi Ấn Độ,
Neem Karoli Baba, “Ngài đã nói hãy thiền như Chúa Giê-su. Ngài ấy đã thiền như
thế nào?” Neem Karoli Baba bình thản trả lời, “Ngài đã đánh mất chính mình
trong tình yêu: đó là cách Ngài thiền. Ngài là một với tất cả chúng sinh. Ngài
yêu tất cả. Ngài sống trong trái tim của vạn vật." Thật là một ý tưởng đẹp
đẽ. Trong thiền, chúng ta chuyển từ sự phức tạp của tâm trí sang sự giản đơn của
trái tim. Và tình yêu thực sự là cầu nối thích hợp để tạo ra tiến trình đó. Khi
nhiều người thiền cùng nhau, với những trái tim ngập tràn yêu thương, sự thống
nhất và hòa bình sẽ tự động diễn ra. Trong trạng thái yêu thương đẹp đẽ này,
chúng ta trải nghiệm tâm hồn của nhân loại mỗi ngày.
Vị thầy tâm linh của tôi, Shri Ram Chandra của
Shahjahanpur, được gọi trìu mến là Babuji, đã dạy tôi rằng trong con đường Heartfulness,
yếu tố đặc biệt và duy nhất là dòng truyền năng lượng tâm linh chảy ra từ một
linh hồn cao cả gần gũi nhất với Thượng đế. Năng lượng hoặc dòng truyền tâm
linh này có thể chảy từ nhiều cấp độ và bằng bất cứ phương tiện nào. Thậm chí, ban
đầu trong Yoga Vasishta, khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 14, một công việc thiêng
liêng cổ xưa, vị thầy tâm linh được cho là truyền năng lượng tâm linh cho môn đệ
bằng xúc chạm, lời nói hoặc ánh mắt. Trong Bhagavad Gita, một thánh thư khác, Đấng
Krishna cũng thực hiện điều tương tự với Arjuna trên chiến trường Kurukshetra.
Người Sufi đã sử dụng dòng truyền thiêng liêng, và thậm chí có thể một số tông
phái Do Thái như Essenes, những người đã ở cùng Chúa Giêsu, cũng có nghi thức
tương tự. Chúa Giêsu đã được rửa tội bởi Giăng Báp-tít. Trích dẫn dưới đây từ
Kinh thánh rất phù hợp trong bối cảnh tương tự:
Ma-thi-ơ 3:11-13, Phiên bản Quốc tế Mới: “Về phần ta,
ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có
quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem
cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa.”
Babuji đã giúp tôi thấy sự giao thoa giữa Thiên Chúa
giáo và trí tuệ tâm linh mà tôi nhận ra khi sống ở Ấn Độ. Ngài luôn ca ngợi
Chúa Giêsu vì những lời dạy quý báu. Babuji thường nói,”Ngài ấy mới nhân hậu
làm sao! Và trái tim của Ngài thật quảng đại!” Ngài cũng nói rằng Bài giảng trên Núi đã khiến Ngài rất xúc
động. Sau này, tôi đã có cơ hội đọc lại Kinh thánh và quan sát sự giao thoa thần
thánh giữa lời dạy của Chúa Giêsu và những gì nhiều yogi đã dạy tôi trong suốt
những năm qua thông qua sách và những trải nghiệm tâm linh sâu sắc.
Bằng việc sẵn sàng học hỏi từ các truyền thống khác và
tìm ra mối liên hệ giữa chúng, chúng ta có thể tìm thấy điều mà Chúa Giêsu gọi
là Cõi Trời và sức mạnh của nó để thúc đẩy sự tiến hóa tâm linh của chúng ta. Cõi
Trời mà Chúa Giêsu nói đến ở bên trong, thực sự là ở bên trong mỗi chúng ta và đang
chờ đợi chúng ta. Cõi Trời không chỉ đang chờ đợi, mà tôi tin rằng nó còn vẫy gọi
chúng ta bước vào thực hành thiền và cầu nguyện, mà chúng tôi có thể hỗ trợ bằng
việc truyền tình yêu và ân sủng từ những linh hồn cao cả.
Còn bây giờ, hãy để tôi chia sẻ với bạn một bí mật của
cá nhân tôi: Vào ban đêm, trước khi đi ngủ, khi tôi ngồi xuống và dâng lời cầu
nguyện lên đấng thiêng liêng trong trạng thái thiền và kết nối trái tim mình với
một thứ gì đó sâu thẳm trong tôi, trạng thái rung cảm cao hơn tồn tại của chính
tôi, tôi cảm thấy như toàn thể nhân loại cùng nhau tiến hóa. Sự hứa hẹn về Cõi
Trời được Thiên Chúa ban cho đã ở trong tầm với. Nó khiến tôi cảm thấy trái tim
tôi chính là Cõi Trời.