Bạn thân mến. Lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Pujya Shri Lalaji Maharaj, một cột mốc trong truyền thống Sahaj Marg của chúng ta, là thời điểm hoàn hảo để tạm dừng, xem xét và tìm hiểu xem Lalaji đã bắt đầu hệ thống này như thế nào và hệ thống đó đã tiến hóa ra sao để trở thành Phong trào Heartfulness mà ngày nay chúng ta thấy đang có được động lực ở khắp nơi trên thế giới.
Điểm đặc biệt của Sahaj Marg bao gồm:
Cuộc
sống cân bằng
Giống như con chim bay bằng hai cánh, hoặc một người
chèo thuyền bằng hai mái chèo, lối sống Sahaj Marg chú ý đến việc hòa nhập khía
cạnh tâm linh và thế tục của đời sống. Ở trạng thái cân bằng này, trái tim là yếu
tố chỉ đạo của cả đời sống tâm linh và thế tục, hoạt động giống như đuôi của
con chim hoặc bánh lái của thuyền. Ở mức độ bề ngoài, đời sống vật chất và tâm
linh có thể kéo chúng ta theo các hướng đối nghịch và mâu thuẫn với nhau, nhưng
khi các hiện tượng vật chất được nhìn từ góc độ tâm linh, người tìm kiếm sẽ thấy
rằng chúng tồn tại để hỗ trợ mục đích tâm linh của cuộc đời.
Người tìm kiếm được khuyên không nên bỏ qua vật chất hoặc
tâm linh. Thay vì lối tu khổ hạnh và thoát ly thế tục, người tìm kiếm tham gia
với thế gian nhưng từ góc độ thiền, điều đó cho phép họ luôn gắn bó với mục
tiêu tâm linh của mình. Để làm được điều này, Sahaj Marg không chỉ trao tặng
“cách thức” phát triển nội tâm thông qua các thực hành tâm linh, mà còn “cách
thức” điều chỉnh hành vi thông qua 10 Chân ngôn, nhờ đó, hỗ trợ hai bước Yama
và Niyama trong Ashtanga Yoga và hỗ trợ người tìm kiếm trong việc duy trì mối
liên kết của họ với Đấng Thiêng liêng.
Phương
pháp thực hành
Các hệ thống tôn giáo và tâm linh thường nói về các trạng
thái cao quý - Stithaprajna của Chúa
Krishna, Kaivalya của Patanjali, Tình
yêu và sự Khiêm cung của Chúa Giê-su, Hòa bình và Tình huynh đệ của Prophet. Họ
nói về cái gì. Sahaj Marg tập trung
vào như thế nào - làm thế nào để đạt
được những gì mà các thánh và hiền triết vĩ đại này đã đạt được. Phương pháp thực
hành của Sahaj Marg bao gồm thiền, thanh lọc và cầu nguyện. Những thực hành này
giúp chúng ta tăng tiến nhờ công việc Master thực hiện trên chúng ta bằng cách
truyền Ân sủng thiêng liêng vào trái tim của chúng ta.
Thiền
Thiền là đặt tâm trí yên bình trên một đối tượng duy
nhất và đắm chìm trong suy nghĩ đó. Phương pháp thiền Sahaj Marg là đặt tâm trí
của một người vào nguồn ánh sáng thiêng liêng trong trái tim của người đó, một
quá trình cho phép chúng ta hợp nhất với bản chất tâm linh đích thực của mình.
Sau khi thiền, chúng ta có thể duy trì trạng thái thiền ngay cả khi chúng ta thực
hiện các hoạt động hàng ngày. Dần dần, trạng thái thiền trở nên kiên cố trong cuộc
sống của chúng ta. Để giúp người tìm kiếm thiền sâu, Master sử dụng khả năng
tâm linh của mình, chuyển hướng khuynh hướng hướng ra bên ngoài của tâm trí,
thay vào đó, hướng nó vào bên trong.
Thanh
lọc
Samskara
(dấu ấn tinh thần) là hạt giống của sự trói buộc của nghiệp lực được lưu giữ
trong các chiều sâu tiềm thức. Đây là rào cản chính đối với sự tiến bộ tâm linh
và giải thoát. Truyền thống cho rằng, mặc dù samskara có thể yếu đi hoặc mạnh
lên, hoạt động hay ngủ ngầm, nhưng chúng không thể bị loại bỏ khỏi tâm thức của
một người. Tuy nhiên, Pujya Lalaji và Pujya Babuji đã đổi mới nhiều phương pháp
để loại bỏ vĩnh viễn samskara khỏi thân-tâm của người khao khát, cho phép bất kỳ
người nào cũng có thể đạt được giải thoát trong một phần của cuộc đời.
Cầu
nguyện
Cầu nguyện Sahaj Marg là duy nhất. Chúng ta cầu nguyện
cho tất cả mọi người đạt được mục tiêu của đời người, tập trung vào sự tiến hóa
tâm linh tập thể. Cầu nguyện không có nghĩa là cầu xin hay đòi hỏi bất cứ điều
gì từ Thượng đế, mà đúng hơn, nó bao gồm 3 câu liên quan đến hành trình tiến
hóa của chúng ta. Khi hành trình đó mở ra, nội hàm của các câu chữ phát triển
và sâu sắc thêm. Hàng thập kỷ thực hành Sahaj Marg sẽ không làm cạn kiệt các sắc
thái được tìm thấy trong lời cầu nguyện đơn giản này; sự hiểu biết của chúng ta
đối với các câu chữ đó phản ánh giai đoạn chúng ta đã đạt được. Khi ý thức của
chúng ta mở rộng, chiều sâu ý nghĩa chứa đựng trong lời cầu nguyện cũng tăng
lên.
Hành
trình tâm linh
Yatra
hay cuộc hành trình thông qua giải phẫu tâm linh các luân xa Vùng Trái tim, Vùng
Tâm trí và Vùng Trung tâm được lập bản đồ theo 4 cách, cho thấy rằng hành trình
của chúng ta tiến triển đồng thời qua 13 luân xa chính, 23 vòng tròn, 7 vùng và
5 kosha. Một hành giả có thể trải nghiệm trực tiếp tất cả những điều này. Hành
trình tâm linh mô tả pralaya cá nhân
của người tìm kiếm, hoặc sự tan hòa vào Nguồn gốc nguyên thủy, hoặc Trung tâm,
và sự hợp nhất sau đó của người tìm kiếm với nguyên lý tồn tại chính yếu đó.
Master kích hoạt và hỗ trợ hành trình này khi chúng ta
di chuyển từ luân xa này sang luân xa kia. Ông không chỉ thanh lọc và đánh thức
từng luân xa, mà còn đưa chúng ta đi qua các khoảng không giữa hai luân xa kế
tiếp. Đây được gọi là các vùng đệm hay barzak.
Trong khi đi qua khoảng không ở giữa hai luân xa bất kỳ,
chúng ta trải qua một số loại bhoga,
hay trải nghiệm. Ở giai đoạn này, chỉ nỗ lực của bản thân là không đủ để giúp
chúng ta đi tiếp, vì chúng ta bị vướng vào những phức tạp và trải nghiệm của
nơi này, và có thể ở trong tình trạng lấp lửng vô thời hạn. Nhưng Master không
mất nhiều thời gian để dẫn chúng ta đi qua tất cả các luân xa - chỉ một giây là
đủ nếu chúng ta trong sáng và tiếp thu.
Sự
kết hợp của Dayal và Kaal Shakti
Trước đây, việc rèn luyện tâm linh yoga được thực hiện
thông qua phương pháp Dayal Shakti hoặc
phương pháp Kaal Shakti, nhưng Lalaji
và Babuji đã cùng phát triển phương pháp Sahaj Marg, tích hợp cả hai. Trong
Sahaj Marg, hành trình tâm linh tuân theo hệ thống Dayal Shakti, ở đó, cuộc
hành trình bắt đầu từ luân xa tim và tịnh tiến qua các luân xa của Vùng Trái
tim, Vùng Tâm trí và Vùng Trung tâm. Tuy nhiên, quá trình thanh lọc hàng ngày,
bao gồm việc loại bỏ những nhiễm ô và phức tạp từ sau lưng, liên quan đến các
điểm của cột sống là trọng tâm của phương pháp Kaal Shakti. Việc tích hợp phương
pháp Dayal và Kaal Shakti nảy sinh từ nghiên cứu ban đầu của Lalaji và Babuji.
Ví dụ, Babuji viết:
“Một
người đến gặp tôi và than phiền về những đam mê của anh ta. Khi đó, tôi bắt đầu
tìm kiếm một trung tâm nào đó mà ý chí có thể được sử dụng để hóa giải đam mê.
Tôi tìm thấy một trung tâm và chạm vào nó bằng sức mạnh ý chí. Lần sau đến, anh
ta nói rằng những đam mê đó đã không còn.
Sau
đó, Master nói, 'Đây là phương pháp Kaal Shakti.'”
Sẽ rất hữu ích khi tìm hiểu một số đặc điểm này chi tiết
hơn. Không phải tất cả đều có thể được đề cập ở đây, vì vậy, chúng ta có thể đề
cập đến những đặc điểm khác sau.
Dòng
truyền Yoga
Chúng ta thường nói về pranahuti hay Dòng truyền yoga như là chỉ dấu của Sahaj Marg. Dòng
truyền là khí cụ chính cho công việc của Master và sự tiến bộ của người tìm kiếm.
Ngày 7 tháng 3 năm 1946, Hiền triết Yajnavalkya đã thông
tri với Babuji, nói với ngài rằng, Dòng truyền được phát hiện ban đầu bởi một
hiền triết vĩ đại sống trước thời của Raja Dasharatha (cha của Chúa Rama) 72 thế
hệ. Hiền triết đó được coi là Raja Yogi chúa.
Xuyên suốt các thời đại, nhiều cấp độ của Dòng truyền của
các vị thầy và các thánh vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng Chúa Krishna đã tiết lộ
cho Babuji rằng kiến thức thực sự về khoa học này là cực kỳ hiếm. Babuji giải
thích rằng hầu hết các vị thầy và các thánh không có khả năng truyền một cách hữu
thức Ân sủng của Thượng đế cho người tìm kiếm.
Trong Sahaj Marg, Master sống là người truyền hữu thức,
tạo ra những người hướng dẫn (preceptor) và cho phép họ cũng là người truyền hữu
thức. Hệ thống đào tạo này dựa trên nguyên tắc, người hướng dẫn thay mặt cho
Master làm công việc gieo truyền. Khả năng truyền ân sủng thiêng liêng từ Trung
tâm đã được Lalaji phát hiện vào cuối thế kỷ 19 khi ngài vẫn còn là một cậu bé.
Babuji mô tả về Lalaji:
“Nhân cách Đặc biệt này,
một thần đồng của Thiên nhiên, Thực tại Tối thượng, đã trao lại cho nhân loại nghệ
thuật Truyền pranasya pranah của
Upanishad vốn bị lãng quên từ lâu, và tạo ra một phương pháp tu tập mới lạ giúp
hành giả giảm tải được gần như tất cả mọi trách nhiệm.
“Một kỷ nguyên mới về rèn
luyện yoga thông qua Dòng truyền đã mở ra với ngài, mà ngài là Master. Ngài có
thể đưa một người đến sự toàn hảo chỉ trong nháy mắt. Chính ngài đã khiến một con
người có thể đạt được sự toàn hảo trong một cuộc đời - đúng hơn là một phần của
cuộc đời - chỉ cần sống một đời sống gia đình bình thường. Ngài đã đơn giản hóa
rất nhiều phương pháp tu tập và điều chỉnh nó cho phù hợp với yêu cầu của thời
đại.
“Phương pháp Truyền yoga mang lại một sự thay đổi trong ý thức. Cho đến nay đã có những kết quả phi thường. Ảnh hưởng của Dòng truyền đang được nghiên cứu một cách có hệ thống, thông qua nghiên cứu về tác động tâm sinh lý của Dòng truyền. Tất nhiên, những gì chúng ta đang cố gắng đo lường vượt ngoài các thiết bị đo đạc và các giác quan. Làm sao người ta có thể đo được sự tinh vi của Thượng đế?”
Trong nhật ký của Babuji ngày 28 tháng 10 năm 1944, chúng
ta biết được rằng cả Lalaji và Babuji đều được sinh ra từ Trung tâm với Dòng
truyền thuần khiết mà không vấy một chút ảo hóa (maya) nào.
Nguồn gốc của Ân sủng
Những người tìm kiếm đã hỏi về nguồn gốc của Ân sủng.
Dưới đây là một số câu trả lời của Babuji:
“Bây giờ hãy nói cho tôi
biết, không khí anh đang thở được chứa đựng ở đâu? Tôi không cho rằng anh có thể
trả lời được. Câu hỏi anh nêu ra chỉ được giải đáp nếu người ta có thể mô tả trọn
vẹn triết lý của Sahaj Marg.”
“Thật khó có thể trả lời
câu hỏi của anh về Ân sủng. Từ 'bhandar',
có nghĩa là kho chứa hoặc kho dự trữ, bản thân nó đã là quá rộng lớn. Khi chúng
ta sử dụng từ này, toàn bộ sự vật, tức là, Trung tâm bao gồm cả chuyển động vô
hình xung quanh nó, hiện ra trước mắt. Đó là lý do tại sao rất khó phán đoán Ân
sủng đến từ điểm nào.
“Không mấy ai chú ý đến một
điều: rằng mọi hạt hoặc nguyên tử đều có trong nó tất cả các tâm, ở đó, trong
vòng tròn. Do đó, cùng một Ân sủng có thể đến từ một nguyên tử cũng đến từ Nguồn
gốc thực sự hay bhandar. … một người mà trạng thái và sự liên kết đã trở nên rất
tốt hoặc tập trung đến mức anh ta thấy Thực tại trong mọi thứ, có thể nhận được
Ân sủng ngay cả từ một nguyên tử.”
“Ân sủng thậm chí còn tốt
hơn ê-te (thinh không), vì vậy một người tìm kiếm có cách tiếp cận vượt ra
ngoài ê-te sẽ nhận được phần của họ tùy theo cách tiếp cận của họ.”
Vai
trò của Master
Những đoạn trên đây gián tiếp ám chỉ điểm trọng yếu rằng
Master sống là kênh dẫn Ân sủng thiêng liêng. Tầm quan trọng về vai trò của Master
sống đối với sự tiến hóa của chúng ta cũng được nhấn mạnh trong cuộc giao tiếp
của Lalaji với Babuji vào ngày 15 tháng 8 năm 1944. Sau Mahasamadhi của Lalaji
vào năm 1931, thân vi tế của ngài đã đi theo ngài. Do đó, ngài không còn có thể
chăm sóc cho thân vi tế của các môn đệ. Khi Babuji đảm nhận vai trò người đại
diện của Lalaji vào năm 1944, ngài bắt đầu công việc chăm sóc họ. Do 13 năm ngắt
quãng, các cộng sự đã phát triển “độ cong”, nghĩa là họ đã chuyển hướng khỏi mục
tiêu tối thượng của cuộc đời. Điều này có khuynh hướng xảy ra khi một người không
có Master sống dẫn dắt.
Vài năm sau, Babuji có lưu ý trong thư từ của ngài rằng
mối liên hệ có thể được duy trì sau khi Master qua đời nếu người tìm kiếm phát
triển “khả năng tiếp thu phù hợp”. Ở đây, chúng ta thấy rằng có hai điều quan
trọng đối với sự phát triển tâm linh: Ân sủng được Master truyền cho người tìm
kiếm, và người tìm kiếm phát triển khả năng tiếp thu phù hợp.
Sự chăm sóc của Master là tối quan trọng khi người tìm
kiếm khởi hành từ luân xa tim đến các luân xa kế tiếp. Sự chăm sóc của ông thậm
chí còn quan trọng hơn khi người tìm kiếm di chuyển từ vùng này sang vùng khác.
Vượt ra ngoài luân xa Sahasra Dal Kamal (SDK) và tiến xa hơn tới trạng thái Satyapad là bất khả nếu không có sự hỗ
trợ của Master vì lúc này người sùng đạo không còn mong muốn tiến bộ. Khi Master
nhận thấy môn đệ không còn nôn nóng tiến bộ tâm linh, ông can thiệp và ẵm họ giống
như kangaroo mẹ bồng con. Càng tiến bộ, chúng ta càng dựa vào sự hỗ trợ của
Master. Sự phụ thuộc này phát triển thông qua thường niệm, trạng thái đến thông
qua thiền. Trong trạng thái tưởng nhớ này, Ân sủng của Thượng đế tuôn chảy
không bị cản trở.
Master tồn tại chỉ vì người khác và ông tạo ra những người
hướng dẫn như những ống dẫn để làm việc thay mặt ông, sử dụng khí cụ sankalpa (sự gợi ý thành kính cho một điều
gì đó thành hiện thực), truyền và thanh lọc. Sahaj Marg dành cho sự tiến hóa ý
thức tập thể, dẫn đến sự hài hòa và thống nhất giữa mọi người từ bất kỳ tầng lớp
hay hoàn cảnh nào. Cũng như thực hành cá nhân, các trung tâm và những người hướng
dẫn Sahaj Marg tổ chức thiền nhóm ít nhất hai lần một tuần, thiền cá nhân thường
xuyên với người hướng dẫn và các cuộc hạnh ngộ lớn giống như bhandara này, tất cả đều miễn phí. Tham
gia thiền nhóm là cách đơn giản nhất và hữu ích nhất để người tìm kiếm nhận được
Ân sủng thiêng liêng.
Lalaji đã phát hiện ra khả năng truyền năng lực tâm
linh và cho phép những người hướng dẫn làm công việc thay cho Master. Hiện có
hơn 15.000 người hướng dẫn trên toàn thế giới, trao tặng thực hành Sahaj Marg
cho mọi người trên khắp thế giới.
Sự
hợp tác
Thực hành Sahaj Marg giúp chúng ta phát triển “khả
năng tiếp thu phù hợp” mà Babuji đã đề cập đến. Vai trò của chúng ta với tư
cách người tìm kiếm rất đơn giản và dễ hiểu: hợp tác với Master và công việc của
ông. Sự hợp tác bắt đầu với 3 thực hành: thiền, thanh lọc và cầu nguyện.
Chúng ta không chỉ được trao cho những thực hành này
mà còn nhận được nhiều gợi ý về thái độ cần thiết để trở nên dễ tiếp thu hơn. Ví
dụ, Chân ngôn đầu tiên trong Mười chân ngôn của Babuji, chúng ta được khuyên
nên ngồi thẳng thiền vào mỗi sáng trước lúc bình minh, để dòng Ân sủng thiêng
liêng giáng hạ thẳng xuống chúng ta. Bằng cách ngồi trong tư thế thẳng đứng, ổn
định, bạn sẽ nhận được lợi ích tâm linh lớn nhất. Trong Chân ngôn thứ hai, ngài
khuyên chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện bằng một trái tim tràn đầy yêu thương
và sùng kính để tạo ra trạng thái rỗng rang trong tim. Khoảng trống này sẽ tự động
khiến Master hướng dòng Ân sủng thiêng liêng tuôn chảy vào trái tim của chúng
ta. Việc thực hành thường xuyên dẫn đến trạng thái cầu nguyện thường trực suốt
đời người, sợi dây liên kết vĩnh viễn của lòng sùng đạo, giúp cho Ân sủng
thiêng liêng tuôn chảy. Chính Ân sủng tạo ra khát vọng thực sự trong chúng ta.
Thông qua thực hành và sự hỗ trợ của Master, một vòng tiến bộ tâm linh tốt lành
được tạo ra.
Thực hành liên quan đến nỗ lực của bản thân để tạo ra
những trạng thái bên trong thu hút dòng Ân sủng thiêng liêng. Tuy nhiên, chỉ nỗ
lực bản thân thôi thì chưa đủ, vì Ân sủng thiêng liêng mới thực sự cần thiết
cho sự tiến bộ, và những nhiễm ô và phức tạp bên trong thường khiến chúng ta
không thể tự thu hút được Ân sủng. Trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình, Ân
sủng thiêng liêng chỉ chảy vào chúng ta thông qua trung gian Master dưới hình
thức Dòng truyền. Ông không chỉ là kênh dẫn Ân sủng, mà còn, theo lời của
Babuji, "Ông là Đại dương Ân sủng Vô hạn mà tất cả chúng ta phải hòa nhập
vào." Babuji tiếp tục, “Điều đó có thể xảy ra như thế nào trong hoàn cảnh
hiện tại có thể được làm rõ qua ví dụ sau đây. Hãy coi bạn là C và tôi là B.
Bây giờ C được hòa nhập vào B, trong khi B đã được hòa nhập vào A. Khi đó, C có
được đảm bảo hòa nhập vào A, mục tiêu tối hậu không?”
C
= B và B = A,
do
đó C = A
Cho đến thời điểm hợp nhất, Master phải điều chỉnh “liều
lượng” chính xác cho chúng ta để chúng ta có thể nhận và hấp thụ Ân sủng tùy
theo khả năng tiếp nhận của chúng ta. Ông cũng có thể chỉ huy Ân sủng cho công
việc cụ thể.
Một ví dụ về cách Master chỉ huy công việc được đưa ra
vào ngày 22 tháng 5 năm 1944, khi Babuji hỏi Lalaji, “Thưa Master, làm thế nào
để truyền cho một người mới?”
Lalaji trả lời, "Hãy làm cho dòng chảy của con hẹp
lại, và đánh dấu điểm trên trái tim, để tất cả sóng của đại dương không thể ùa
vào. Dòng chảy nên được mở rộng dần tương ứng với sự tiến bộ dự định dành cho
anh ta."
Một ví dụ khác là chỉ dẫn của Lalaji về việc hướng dẫn
phụ nữ (ngài đưa ra chỉ dẫn này vào thời điểm mà nhìn chung ở bắc Ấn chỉ có đàn
ông mới được tham gia hội đoàn). Ngài mô tả cách truyền cho phụ nữ, bao gồm nhu
cầu về sự dịu dàng và mềm mại trong dòng chảy.
Khi người tìm kiếm phát triển khả năng thu hút Ân sủng
một cách trực tiếp, thì trên thực tế công việc của Master đã xong, mặc dù ông vẫn
luôn canh chừng để bảo vệ. Đôi khi, người tìm kiếm nhận được Ân sủng một cách tự
động, và điều này thường xảy ra khi Master bị tác động của cú giật do suy nghĩ
của người tìm kiếm gây ra. Sự giật mình này xảy ra bởi tình yêu và lòng sùng
kính mà người tìm kiếm dành cho Master. Khi người tìm kiếm được hòa nhập hoàn
toàn vào Master, mọi thứ mà Master nhận được sẽ tự động dành cho người tìm kiếm.
Ngày nay, Ân sủng thiêng liêng đang tràn trề sức mạnh,
một cơ hội hiếm có mà có thể hàng nghìn năm sau mới có trở lại hoặc không. Mọi
người đều nhận được phần tương ứng với khả năng tiếp thu của họ, và chúng ta phải
phát triển khả năng tiếp thu đó. Luyện tập là giải pháp.
Năng
động và tiềm năng
Sahaj Marg là một con đường năng động. Nhiều người đến
với con đường này với một hệ niềm tin cá nhân, một tâm lý kiên cố mà có thể áp
dụng cho tôn giáo hoặc thậm chí khoa học. Thông qua thực hành, chúng ta chuyển
sang tâm linh, ưu tiên trải nghiệm trực tiếp. Sau đó, chúng ta có thể vượt ra
ngoài tâm linh và tiệm cận cái không biết. (Tiến trình này được mô tả trong biểu
tượng của Sahaj Marg. Babuji đã mô tả nó như là sự chuyển từ tôn giáo đến tâm
linh đến Thực tại đến phúc lạc và cuối cùng, đến không.)
Một ví dụ khác về tính năng động của Sahaj Marg là Dòng
truyền của các Master Sahaj Marg tiếp tục phát triển. Ví dụ, vào ngày 25 tháng
10 năm 1944, Lalaji thông báo rằng một loại dòng truyền mới bắt đầu thông qua
Babuji, hợp nhất dòng truyền của Lalaji và Chúa Krishna. Sau đó, vào ngày 10
tháng 5 năm 1945, do một phát hiện mới của Babuji, Lalaji tuyên bố rằng hệ thống
Dòng truyền đã được thay đổi hoàn toàn, gọi kỹ thuật mới này là “tinh hoa (Sar Tattva).” Kể từ thời điểm đó, Dòng
truyền tiếp tục phát triển theo nhu cầu hiện tại. Tôi nhớ lần tôi đến ashram Satkhol
nhân dịp hội thảo dành cho thanh thiếu niên, tháng 10 năm 2015, và phát hiện ra
rằng trong satsangh đầu tiên, tiềm năng của dòng truyền đã tăng lên gấp 10 lần.
Mỗi liều truyền đều quý giá, và chúng ta phải học cách
hấp thụ nó trọn vẹn. Vì lý do này, sau khi thiền, chúng ta thực hành AEIOU (Nhận
được trạng thái đã được truyền cho chúng ta, Mở rộng nó, Hấp thụ nó, trở thành
Một với nó và cuối cùng là Hợp nhất hoàn toàn với nó).
Mỗi ashram của chúng ta đều phát ra Ân sủng thiêng
liêng vì mọi hạt trong nó đều được nạp đầy để mang lại lợi ích cho bất kỳ ai đến
đó. Các Master rất hào phóng, muốn chia sẻ Ân sủng thiêng liêng cho cả thế giới.
Sự
bức xạ
Ngoài dòng truyền và Ân sủng thiêng liêng, người tìm
kiếm còn được hưởng lợi từ sự bức xạ mà họ nhận được khi ở cùng với Master. Họ thoát
khỏi những suy nghĩ bởi vì họ được trải nghiệm trạng thái sttha của Master khi ngồi gần ông, giống như chúng ta cảm thấy ấm
áp khi ngồi bên bếp lửa. Điều này là do bức xạ của các hạt tốt lành, paramanu, phát ra từ Master. Trước sự có
mặt của Master, người tìm kiếm nhận được cả ba - Dòng truyền, Ân sủng thiêng
liêng và bức xạ. Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta nên cố gắng luôn gần
gũi với ông? Đó sẽ là sự hiểu biết sai lầm. Bức xạ là tác động tạm thời không
có tính biến đổi theo cách thức của dòng truyền hoặc Ân sủng. Việc nhận được Dòng
truyền và Ân sủng không phụ thuộc vào sự gần gũi với Master, mà phụ thuộc vào mức
độ tiếp thu của một người, do các thực hành của Sahaj Marg mang lại.
Sự
điểm đạo
Có nhiều cấp độ điểm đạo trong Sahaj Marg. Điểm đạo
vào hệ thống là bước đầu tiên trong hành trình của người tìm kiếm. Ở giai đoạn
này, trái tim được thanh lọc đủ để người tìm kiếm có thể chạm vào ánh sáng
thiêng liêng trong trái tim, và mối liên kết giữa trái tim của Master và trái
tim của người tìm kiếm được thiết lập. Một cấp độ điểm đạo khác xảy ra ở giai
đoạn sau khi trạng thái quy thuận và đức tin tuyệt đối đã phát triển ở người
tìm kiếm. Vẫn còn một mức độ điểm đạo cao hơn, trực tiếp từ Thượng đế, như đã xảy
ra với Pujya Babuji Maharaj. Ngài là trường hợp đầu tiên được điểm đạo trực tiếp
từ Thượng đế kể từ khi sáng thế.
Thuần
khiết và giản đơn
Sahaj Marg minh họa cho sự đơn giản của con đường tâm
linh, vì Thượng đế đơn giản và do đó, đường đến với Ngài cũng phải đơn giản.
Trong Sahaj Marg, chúng ta loại bỏ những nhiễm ô và phức tạp ở mọi giai đoạn,
cuối cùng dẫn đến sự thuần khiết và đơn giản tuyệt đối. Sahaj Marg không dựa
trên bất cứ giáo điều nào, nó dựa trên trải nghiệm thuần túy. Hiểu được những
khả năng do thực hành Sahaj Marg mang lại có thể thôi thúc chúng ta bắt đầu luyện
tập. Kiến thức bên ngoài có thể hữu ích trong cuộc hành trình của chúng ta,
nhưng chân kiến thức là những gì đến từ bên trong, kết quả của trải nghiệm tâm
linh.
Làm
chủ bản thân và hợp nhất với Thượng đế
Master nhằm mục đích tạo ra các bậc thầy, không phải các
môn đệ. Nhờ khả năng hướng dòng Ân sủng thiêng liêng vào trái tim của mỗi người
tìm kiếm, phương pháp Sahaj Marg có thể dẫn đến việc đạt được mục tiêu tối hậu trong
một đời người, thay vì mất vô số cuộc đời, như truyền thống mô tả. Hơn nữa, mục
tiêu tâm linh không phải là samadhi như mọi người thường hiểu; trên thực tế, những
liều lượng samadhi thường được một người trải nghiệm ngay trong lần truyền đầu
tiên. Mục tiêu của Sahaj Marg là hợp nhất hoàn toàn với Thượng đế.
Thực
thể tâm linh
Cuộc hành trình này vượt ra ngoài tồn tại vật lý của
chúng ta, như Babuji mô tả trong cuốn sách Reality
at Dawn của ngài:
“Chức
năng của một người mẹ và một Guru chân chính gần giống nhau. Người mẹ mang đứa
con trong bụng của mình trong một thời gian nhất định. Guru cũng cưu mang đứa
con tinh thần trong tâm tạng của ông trong một thời gian nhất định. Trong giai
đoạn này, người môn đệ, giống như bào thai trong bụng mẹ, hút năng lượng của
ông và được nuôi dưỡng bằng sóng tâm linh trong tư tưởng của Guru. Khi thời điểm
chín muồi, môn đệ được hạ sinh vào Cõi sáng và từ đó đời sống tâm linh của họ chính
thức bắt đầu.
“Nếu
người môn đệ ở trong tâm tạng của Guru, giao phó tất cả mọi thứ cho ông, thì chỉ
mất 7 tháng để được sinh hạ vào Cõi sáng. Nhưng quá trình này thường bị gián đoạn
trong một thời gian đáng kể, bởi vì khi ở trong tâm tạng của Guru, môn đệ vẫn
giữ ý thức về suy nghĩ và cảm xúc của họ. Vì vậy, chúng ta thấy rằng vị trí của
Guru cũng giống như vị trí của người mẹ. Quan niệm về Guru như người mẹ tinh thần
nảy nở bên trong chúng ta tình cảm yêu thương, tôn kính và quy thuận, đó là những
yếu tố chính yếu của đời sống tâm linh.”
Thực thể được sinh vào Cõi sáng (cõi của những linh hồn
giải thoát) trong khi chúng ta vẫn hiện
thân trên Trái đất được gọi là Thực thể Tâm linh. Nếu chúng ta được giải
thoát vào lúc chết, thì linh hồn của chúng ta sẽ hòa nhập vào Thực thể Tâm linh
của chúng ta ở Cõi sáng. Đây là tột đỉnh của cuộc hành trình tâm linh của chúng
ta ở cõi hồng trần, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của những hành trình mới
trong các cõi khác.
Sự
phân chia của linh hồn
Trong nhiều truyền thống tôn giáo và tâm linh, linh hồn
được coi là bất biến. Nhưng Lalaji cho chúng ta thấy rằng linh hồn có thể phân
chia được, ngài nói:
“Từ
‘atman’ trong tiếng Sanskrit được hình thành từ ath và ma(na)n. Ath có
nghĩa là chuyển động, và ma(na)n có nghĩa là suy nghĩ và quán tưởng. Cái mà
trong đó có chuyển động và suy nghĩ là atman. Bản thân linh hồn là thân nguyên
nhân ở dạng hạt giống và là một phức chất. Điều tương tự cũng thể hiện ở cấp độ
thân vật lý và thân vi tế. Khi nó thức dậy và đi vào cấp độ ý thức, chuyển động
bắt đầu trong các cơ quan cảm giác và cơ quan nhận thức, do sự chuyển động dòng
của nó; khi đến cấp độ tinh thần (trạng thái ngủ mơ) nó vẫn có suy nghĩ; và khi
nó thu rút dòng chảy của nó về trạng thái ngủ sâu, nó vẫn hấp thụ ở dạng nguyên
thủy và tận hưởng phúc lạc. Vậy, làm sao một thứ trong đó có chuyển động, suy
nghĩ và hấp thụ lại có thể là đơn và không thể phân chia được? Nó nhất thiết phải
là phức.”
Nếu khái niệm này có vẻ xa vời, hãy tự hỏi mình những
câu hỏi sau:
Điều gì đã xảy ra khi
nhiều linh hồn đã sinh ra và tiếp tục sinh ra từ Nguồn gốc nguyên thủy? Đó chẳng
phải là một dấu hiệu của sự phân chia sao?
Điểm sáng tạo là gì
trừ khi có sự tiến hóa cho mỗi linh hồn cá nhân trước khi nó trở về Nguồn? Nếu
một linh hồn giáng hạ với tiềm năng X, thì nó không nên trở về với tiềm năng
cao hơn, chẳng hạn 100 X sao?
Quá
trình chết
Lalaji đã mô tả chi tiết tuần tự từng bước của quá
trình thu rút sự sống khỏi các luân xa trong thân người vào lúc chết. Ngài cũng
chia sẻ về việc dòng truyền được trao tặng vào lúc hấp hối như thế nào để tiếp
tục hỗ trợ cuộc hành trình của người tìm kiếm.
Hạt
tâm linh
Năm 1944, khi Babuji bắt đầu tìm ra các phương pháp, với
sự hỗ trợ của Lalaji từ Cõi sáng, ngài đã phát triển lý thuyết về hạt tâm linh
vì sự tiến bộ của người tìm kiếm. Lalaji khen ngài rằng, "phương pháp này
bao hàm toàn bộ và là bản chất của tu tập." Trong những chuyến du hành của
mình, Babuji cũng chỉ huy dòng Ân sủng thiêng liêng chiếu sáng các hạt ở một địa
điểm cụ thể. Bằng cách đó, ngay cả khi những người ở nơi đó không thể hưởng lợi
trực tiếp từ công việc tâm linh, các hạt được chiếu sáng sẽ ảnh hưởng đến họ theo
thời gian.
Đây là tóm tắt một vài điểm đặc biệt của hệ thống
Sahaj Marg tuyệt vời nhưng đơn giản của chúng ta - chiều sâu thực sự của nó
không thể được diễn tả trong vài trang giấy. Món quà của Lalaji cho kỷ nguyên
tâm linh mới này thật đặc biệt. Sự hào phóng và akhlaaq (phẩm tính) của ngài tạo thành nền tảng của hệ thống Sahaj
Marg, một hệ thống không ngừng tiến hóa, mỗi Master đều cố gắng tạo ra những cộng
sự vượt qua chính họ và vượt qua những khả năng hiện có. Chúng ta vô cùng hân
hoan kỷ niệm ngày sinh của Lalaji và cố gắng phát huy di sản của ngài.
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh
Tiếng Anh: https://drive.google.com/file/d/1oGJqCoa6nDGd6x_WMXSZcfa8XeN_KM_o/view?usp=share_link