26 tháng 7, 2022

Giải pháp cho vấn đề của cuộc sống

Bạn thân mến. Mục đích chính của yoga là hợp nhất với Đấng Tối thượng, và thách thức của chúng ta là hòa nhập hoàn toàn với mục tiêu này.

Người anh yêu quý của chúng ta, Tiến sĩ Ichak Adizes, một chuyên gia quản lý hàng đầu, đã đưa ra tỷ lệ đơn giản chứng minh khả năng hòa nhập với mục tiêu của chúng ta có thể đạt được như thế nào. Mặc dù tỷ lệ này dành cho tổ chức, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho những abhyasi như chúng ta trong việc tìm kiếm một kết quả thành công trên con đường tâm linh.

Tỷ lệ đó như sau:

Mẫu số thể hiện sự không hòa hợp nội bộ của một tổ chức, những xích mích và bất hòa bên trong tổ chức. Tử số thể hiện sự thành công của tổ chức trong việc hòa nhập với mục đích hoặc mục tiêu thực sự của tổ chức. Thành công tỷ lệ nghịch với mức độ không hòa hợp nội bộ.

Một ví dụ đơn giản: một động cơ xe tạo ra 100 mã lực phanh (bhp) để cung cấp cho bánh xe, nhưng công suất thực sự đến được bánh xe là bao nhiêu? Không phải toàn bộ. Một phần bị tiêu hao do ma sát và tổn thất truyền động. Chỉ phần công suất còn lại sau những tổn thất đó mới được cung cấp cho bánh xe. Nếu một chiếc xe được bảo dưỡng tốt, tổn hao công suất thấp hơn, thì công suất truyền tới bánh xe cao hơn, và do đó xe sẽ đến đích nhanh hơn.

Có thể dự đoán dòng năng lượng bị hạn chế của một tổ chức. Trước hết nó bị tiêu hao do sự bất hòa nội bộ của chính tổ chức đó - những xích mích và sự kém hiệu quả bên trong tổ chức. Càng phải dành nhiều năng lượng cho các nhu cầu nội bộ, thì càng ít năng lượng sẵn có dành cho mục tiêu của tổ chức.

Điều này cũng đúng với những người khao khát tâm linh như chúng ta. Càng dính mắc vào sự phức tạp hoặc bất hòa bên trong, chúng ta càng ít có thể hòa nhập với mục tiêu thực sự của mình. Sahaj Marg đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Trong truyền thống Sahaj Marg, chúng ta thực hiện một cuộc hành trình tâm linh, yatra bên trong, ở đó chúng ta di chuyển qua 13 luân xa liên quan đến ba bình diện tăng dần của sự tồn tại được gọi là Vùng Trái tim (Pinda Pradesh), Vùng Tâm trí và Vùng Trung tâm. Khi tiến hóa qua các vùng này, chúng ta nhận thấy sự hòa hợp gia tăng, trong khi nếu chúng ta thoái hóa, kết quả là sự tan vỡ gia tăng.

5 C và 5 D của Vùng Trái tim

Vùng Trái tim bao gồm 5 luân xa nằm ở ngực và cổ họng. Mỗi luân xa được nhận biết bằng biểu hiện nổi bật của một trong các pancha bhuta, 5 yếu tố thiết yếu của thiên nhiên.

• luân xa 1: đất (prithvi)

• luân xa 2: không gian (akasha)

• luân xa 3: lửa (agni)

• luân xa 4: nước (jal)

• luân xa 5: không khí (vayu)

Mỗi luân xa cũng có một cặp phẩm tính đối lập duy nhất của riêng nó phát sinh từ các pancha bhuta này.

• luân xa 1: Viên mãn (Contentment) so với Bất mãn (Discontentment)

• luân xa 2: Bình an (Calm) so với Bất an (Disturbance)

• luân xa 3: Yên thương (Compassion) so với Giận giữ (Displeasure)

• luân xa 4: Can đảm (Courage) so với Sợ hãi (Discouragement)

• luân xa 5: Rõ ràng (Clarity) so với Mơ hồ (Delusion)

Bạn có thể nhận thấy rằng những phẩm tính tích cực đều bắt đầu bằng chữ C và những phẩm tính tiêu cực bắt đầu bằng chữ D. Chúng ta có thể gọi chúng là “5 chữ C” và “5 chữ D.” 5 chữ C và 5 chữ D luôn ở trong tình trạng dao động, đu đưa liên tục từ dương sang âm và ngược lại. Do đó, chúng ta vẫn ở trong tình trạng bất ổn và bất hòa.

Trạng thái của chúng ta thường là sự phối hợp của C và D. Có thể có sự mãn nguyện ở một mức độ nào đó, ngay cả khi chúng ta đang bất an ở một mức độ khác. Trên thực tế, tình trạng bên trong của chúng ta có thể rất phức tạp.

Điều gì quyết định sự hoạt động của các luân xa? Khi không có gì cản trở, các luân xa có xu hướng hòa hợp theo lẽ tự nhiên; chỉ có tình trạng bất hòa mới có nhiều nguyên nhân. Đứng đầu trong số những nguyên nhân này là sự có mặt của samskara.

Samskara là dấu ấn về những sự kiện trong quá khứ còn đọng lại sâu thẳm trong tâm thức của chúng ta. Một dấu ấn không chỉ chứa ký ức hiển hiện về một sự kiện trong quá khứ, mà còn chứa đựng cảm xúc liên hệ với sự kiện đó. Khi một điều gì đó ở giây phút hiện tại giống với sự kiện trong quá khứ đã in sâu trong chúng ta như một samskara, thì samskara đó giải phóng cảm xúc liên quan vốn đã có khi samskara ban đầu được hình thành. Điều này xảy ra ở cấp độ tiềm thức, cho dù chúng ta có nhớ được sự kiện trong quá khứ đó hay không. Chúng ta chất chồng cảm xúc quá khứ lên tình trạng hiện tiền, và cảm xúc đó làm sai lệch suy nghĩ của chúng ta và khiến chúng ta hiểu sai giây phút hiện tại. Về cơ bản, samskara xúi bẩy chúng ta ưa thích hoặc không ưa thích những sự kiện xảy ra ở hiện tại dựa trên những điều chúng ta ưa thích hoặc không ưa thích trong quá khứ.

Hơn nữa, samskara có thể là tamasic, rajasic hoặc sattvic. Tam, raj và sat là ba guna, hay các thuộc tính của thiên nhiên. Guna là gì? Tự tính, prakriti, rung động ở những tần số nhất định mang ý thức và xác định sự biểu hiện của nó. Ba tần số chính của thiên nhiên là tam, raj và sat. Ba rung động này làm thay đổi biểu hiện của ý thức, khiến nó trở thành tamasic, rajasic hoặc sattvic. Pujya Lalaji Maharaj giải thích tác động của chúng lên ý thức như sau:

Tam được coi như sự ngu dốt, biếng nhác, thô trọng, mơ hồ, v.v. Tất cả những điều này truyền tải ý nghĩa của cơ sở hoặc sự hỗ trợ. Raj được cho là ở giữa, hoặc trạng thái trung tâm. Bản chất của nó là tranh đấu, hay thay đổi, suy nghĩ, v.v. Nó luôn biểu thị bình diện ở giữa. Sat có nghĩa là niềm vui, sự dễ chịu, cao cả, tinh tế, thánh thiện và vĩ đại. Nó là đỉnh cao. Nội hàm này luôn được chấp nhận”.

Sự thiện cảm và ác cảm đối với 3 guna khiến chúng ta thu thập samskara, dẫn đến sự phát triển các khuynh hướng tamasic, rajasic và sattvic.

Khi một samskara trở nên hoạt động, nó sinh ra một mức độ cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực nào đó bởi trường năng lượng do các luân xa vùng trái tim tạo ra. Ví dụ, nếu một ham muốn được thực hiện, luân xa đầu tiên sẽ rung lên với sự thỏa mãn. Tuy nhiên, nếu ham muốn đó vẫn chưa được thực hiện, thì cũng luân xa đó sẽ rung lên với sự bất mãn. Tiếp xúc với một đối tượng có ác cảm sẽ tạo ra một mức độ bất mãn nhất định.

Nếu ham muốn vẫn không được thực hiện trong một khoảng thời gian, sự bất mãn sẽ tăng lên. Cuối cùng, luân xa thứ hai cũng có thể bị tổn hại, sự bình an của nó chuyển thành sự bất an. Sự bất an này có thể phát triển thành sự giận giữ ở luân xa thứ ba và sự sợ hãi ở luân xa thứ tư. Tiếp đến là quá trình suy nghĩ trở nên mơ hồ, đánh dấu sự xáo trộn ở luân xa thứ năm, dẫn đến sự hiểu sai.

C tích cực và D tiêu cực đóng vai trò như sự hồi đáp cho thành công của chúng ta trong việc đạt được một mục tiêu cụ thể. Nếu mục tiêu đó thuộc về samskara - ao ước hoặc ghét bỏ - chúng ta trải nghiệm C hoặc D dựa trên việc đạt được hoặc không đạt được ước muốn hoặc sự ghét bỏ đó. Thực ra, samskara giống như virus máy tính: chúng lây lan sang hệ thống luân xa và giành quyền kiểm soát hoạt động của nó. Khi samskara giành quyền kiểm soát, chúng ta tin vào việc thực hiện samskara để trải nghiệm các trạng thái C. Nếu không, chúng ta vẫn ở trạng thái D, khổ sở.

Sự thỏa mãn, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, là tạm thời và không có thực. Trong sự thỏa mãn chân thực, một người tự nhiên quên hết mọi ý tưởng về thỏa mãn và bất mãn và thay vào đó tuân theo một trạng thái nhẹ nhàng ở đó dao động giữa C và D là tối thiểu. Về thực chất, nó là trạng thái cân bằng, giống như cung của con lắc thu hẹp dần rồi từ từ dừng lại ở điểm chính giữa của quỹ đạo, không di chuyển sang bên này cũng chẳng di chuyển sang bên kia.

Babuji kính yêu đã mô tả trạng thái cân bằng này bằng cụm từ, “bây giờ thứ này và thứ kia không còn,” có nghĩa là một người đã vượt lên sự dao động của các mặt đối lập, hay còn gọi là dvandva. Khi “thứ này và thứ kia không còn”, sự dao động giữa các mặt đối lập là rất nhỏ đến mức các mặt đối lập trở nên gần như giống nhau. Trạng thái đó được gọi là avyaktagati, "trạng thái vô phân biệt." Vyakta có nghĩa là "thị hiện", vì vậy avyakta có nghĩa là "bất thị hiện." Việc các dvandva hoặc các mặt đối lập không được biểu hiện không có nghĩa là chúng biến mất. Các dvandva tồn tại nhưng chúng không được biểu hiện. Điều này cũng có nghĩa là chúng có thể biểu hiện ở dạng tiềm tàng - và đúng như vậy. Chúng xuất hiện vào những thời điểm đặc biệt, tùy theo nhu cầu. Một lý do cho sự biểu hiện của chúng là để hướng dẫn chúng ta, bằng việc lần lượt phát ra C và D để khuyến khích hoặc cảnh báo chúng ta.

Các kiểu rung động ở các luân xa khác nhau có những dấu hiệu đặc thù, ví dụ, khi chúng ta liên hệ với con cái hoặc vợ, chồng hoặc đồng nghiệp. Sự thoải mái và bình yên đặc biệt mà chúng ta có được khi ở bên con cái là duy nhất. Hãy tưởng tượng trong giây lát rằng con trai bạn đang ngồi trong lòng bạn. Hãy quan sát kiểu rung động bên trong của trái tim bạn. Ngay cả khi một đứa trẻ cáu kỉnh vì món đồ chơi, hay sau này là một thiếu niên nổi loạn, thì khi cậu ấy đến và ngồi bên cạnh bạn, hãy quan sát kiểu rung động của trái tim bạn. Bất kể mối quan hệ của cha mẹ và con cái có căng thẳng đến đâu, việc ngồi yên lặng bên con sẽ tạo ra một kiểu rung động nhất định lên luân xa thứ hai, được liên kết với atma, linh hồn. Lý do, trước hết, đó là linh hồn con yêu của chúng ta đã hướng đến chúng ta và chọn chúng ta làm cha mẹ. Trước khi thụ thai rất lâu đã có một mức độ cộng hưởng nhất định.

Đôi khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng, đến mức chúng ta trở nên mất manh mối về mối quan hệ đó, khiến chúng ta phải hét lên, "Tại sao lại là thằng bé hỗn xược này!" Tuy nhiên, cũng mối quan hệ đó là niềm vui, thấm đẫm sự bình yên. Trong cả hai trường hợp, các rung động ở luân xa thứ hai là nổi bật. Khi chúng ta cảm thấy rung động ở luân xa thứ hai và tìm thấy sự tĩnh lặng, chúng ta có thể suy ra rằng có một mức độ cộng hưởng nào đó của linh hồn. Khi đó, tại luân xa này sẽ có sự nhẹ nhàng hoặc cảm giác mềm mại. Trong khi cảm nhận sự yên bình này, nếu chúng ta cảm thấy rung động ở luân xa thứ ba, và cảm giác đó không nặng nề mà như thể đang tan ra, thì chúng ta có thể tự tin suy ra rằng mối quan hệ này là sâu sắc. Sự củng cố thêm là trái tim sẽ cảm thấy tự do, không nặng nề, rộng mở, nhẹ nhàng và vui vẻ, điều này xảy ra bất cứ khi nào điều gì đó tốt cho sự tiến hóa của chúng ta sắp xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy niềm hân hoan vô cùng tận khi ngồi bên cạnh một nhân cách vĩ đại như các Master của chúng ta. Dựa trên những tín hiệu như vậy, chúng ta có thể an tâm kết luận rằng mối quan hệ sẽ đơm hoa kết trái. Ngược lại, nếu có sự nặng nề ở luân xa thứ ba và mức độ nặng nề nào đó ở luân xa thứ nhất, hãy biết chắc rằng mối quan hệ này sẽ không đi đến đâu.

Trước khi đưa ra những quyết định trong cuộc sống, bạn cũng có thể cảm thấy như thể toàn thân đang bị nghiền nát giữa hai quả núi khổng lồ. Dù bạn đang theo đuổi điều gì, hãy bỏ nó đi khi bạn có cảm giác như bị nghiền nát này. Ngoài ra, nếu sự có mặt của ai đó khiến sự bình yên của bạn bị xáo động và bạn cảm thấy sự nặng nề ở luân xa thứ hai, thì hãy tránh mối quan hệ này.

Cả C và D đều phải được quan tâm. Ví dụ, sự thiếu can đảm phát ra từ luân xa thứ tư có thể là một tín hiệu quan trọng để tránh một hành động mà bạn có thể đang cân nhắc. Hãy tưởng tượng nếu bạn luôn đầy dũng khí. Bạn có thể hỏi: can đảm để làm gì? Chẳng hạn, can đảm làm điều gì đó trái đạo đức thì có ích lợi gì? Đôi khi, luân xa thứ 5 mang đến cho bạn sự mơ hồ. Bạn có thể tự hỏi, "Tôi định dùng sự rõ ràng để làm gì?" Ý định của trái tim bạn là gì? Nếu bạn định làm điều gì đó sai trái với sự rõ ràng này, thì hãy cảm ơn Thượng đế vì bạn đã không có sự rõ ràng đó.

Trò chơi “Ngài và tôi” của Vùng tâm trí

Trong khi Vùng Trái tim chứa 5 cặp đối lập (mỗi cặp đối lập tương ứng với một luân xa), thì Vùng Tâm trí chỉ chứa một cặp: Ngài và tôi, nghĩa là Đấng Tối cao và tôi. Tôi càng hiện diện, Ngài càng ít hiện diện, và tôi càng ít hiện diện, Ngài càng phổ hiện. Bài học của Vùng Tâm trí là làm lu mờ bản thân và đảm bảo rằng chỉ có Ngài ngự trị trong cuộc sống của bạn.

Trong một bức thư gửi một trong những cộng sự của mình, Babuji viết, "Ngay cả một phút trôi qua mà không có sự tưởng nhớ Ngài cũng nên sám hối." Điều này gợi nhớ lại khái niệm về tội lỗi của người Do Thái, ngụ ý đi chệch hướng, hoặc rời xa Nguồn cội. Nó giống như để điện thoại di động của bạn ở chế độ máy bay: tín hiệu có đó, nhưng bạn đã tự chặn không nhận tín hiệu. Theo cách tương tự, thứ mà chúng ta có thể gọi là tín hiệu thiêng liêng luôn có sẵn cho chúng ta. Chúng ta chỉ cần tiếp thu nó. Sám hối vì những giây phút trôi qua mà không tưởng nhớ Ngài không có nghĩa là rơi vào tuyệt vọng hoặc cảm giác tội lỗi, hay thất vọng. Sám hối là phải quyết tâm chân thành trở về Nguồn cội. Chính tình yêu sẽ dẫn lối cho chúng ta.

Ở bình diện vật lý, tình yêu biểu hiện thông qua các giác quan như kama, dục. Đồng hóa bản thân với tam, thuộc tính vật chất của tạo hóa, chúng ta tìm kiếm sự hoàn thiện ở cấp độ đó, đó là tamasic. Những thú vui thể xác không bao giờ có thể thỏa mãn trái tim. Thật vậy, sau khi thỏa mãn tình dục, sự thiếu thỏa mãn của con tim tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa hai người, do đó sinh ra sự hối tiếc.

Ở bình diện tinh thần, tình yêu biểu hiện dưới dạng tình cảm. Đồng hóa bản thân với bình diện tâm trí và cảm xúc có tính thay đổi cao, rajasic, chúng ta tìm kiếm sự thỏa mãn ở cấp độ đó. Tuy nhiên, sự thỏa mãn rajasic luôn khó nắm bắt do tính không ổn định vốn có của nó. Do sự không ổn định mà raj tạo ra, tình cảm không chắc chắn, liên tục đánh giá lại mối quan hệ, suy nghĩ về các sự kiện trong quá khứ và khả năng ở tương lai. Sự thỏa mãn ở bình diện tình cảm không bao giờ là an toàn và luôn bao gồm một mức độ bấp bênh nhất định.

Ở bình diện tâm linh, tình yêu có thể thăng tiến tới bhakti, sự gắn bó tối cao với Đấng Thiêng liêng, trong tình trạng vượt lên trên mọi sự ràng buộc vào các thuộc tính hoặc phẩm tính thiêng liêng, nghĩa là satoguna. Chúa Krishna đã nói rằng bhakti là vượt lên tất cả các guna. Chúng ta không thể tiếp cận Thượng đế theo đúng nghĩa trong khi vẫn say sưa với các thuộc tính.

Chúng ta chỉ có thể gặp gỡ cái vô hình tướng (nirakar) và vô thuộc tính (nirguna) khi chúng ta đánh rơi sự dính mắc vào hình tướng và thuộc tính. Ví dụ, nếu chúng ta tiếp cận Thượng đế với mong ước có được các thuộc tính sattvic, bao gồm sự bình yên hoặc thậm chí brahmavidya (kiến thức thiêng liêng), thì mối quan hệ của chúng ta với Đấng Tối thượng sẽ bị uế nhiễm. Do sự có mặt của ước muốn đó, mối quan hệ trở thành đổi chác. Nếu chúng ta làm theo lời khuyên của Hiền triết Ashtavakra và coi những ước muốn như thuốc độc, chúng ta sẽ nhận ra rằng ngay cả một giọt thuốc độc cũng có thể làm uế nhiễm mối quan hệ thiêng liêng và hủy hoại sự chín muồi của bhakti.

Bhakti tác động đến tâm tạng của guru, và nếu bhakti vẫn ổn định thông qua sự gặp gỡ ngập tràn tình yêu, tôn kính, biết ơn, một thực thể mới - Thực thể Tâm linh - được hạ sinh vào Cõi sáng. Nó là thực thể của riêng bạn. Bạn không thể sử dụng thực thể tâm linh của bất kỳ ai khác, cũng như bạn không thể sao chép bhakti của bất kỳ ai.

Mọi người đều có thể và phải tiến hóa để có một Thực thể Thần thánh như vậy - Thần tính của riêng bạn. Điều kiện tiên quyết để Master giữ lại một abhyasi trong tâm tạng của ông là abhyasi yêu vì chính tình yêu, tôn thờ vì chính sự tôn thờ và tôn kính vì chính sự tôn kính - mà không phải vì đáp lại tình yêu, sự tôn thờ, và tôn kính. Không thể có ước muốn hoặc tham vọng cá nhân, cũng không có bất kỳ hy vọng hay yêu cầu nào dưới bất kỳ hình thức nào chờ được thực hiện.

Bhakta (người sùng kính) sống một đời sống saranagati, trạng thái quy thuận hoàn toàn, ở đó họ chọn dễ bị tổn thương một cách vui vẻ. Ở saranagati, tình yêu hiện hữu, nhưng ý tưởng về tình yêu thì vắng bặt; sự tôn kính hiện hữu, nhưng ý tưởng rằng “tôi tôn kính” không còn; lòng biết ơn hiện hữu, nhưng ý tưởng “tôi biết ơn” đã tan biến. Ngay cả ý tưởng về saranagati cũng vắng bặt, vì cái tôi hung hãn hoàn toàn bị khuất phục. Để cây được sinh ra, hạt giống phải biến mất. Để Thực thể Tâm linh được sinh ra, “cái tôi” phải biến mất. Khi đó, chúng ta có thể tiếp cận trạng thái của Babuji Maharaj - tinh tế, không áp đặt bất cứ điều gì lên bất kỳ ai, mà chỉ đơn giản là mọi thứ diễn ra xung quanh ngài.

Trạng thái không hòa hợp nội tại mà đôi khi chúng ta nhận thấy bên trong mình là do sự phức tạp phát sinh từ tương tác của vô số samskara che khuất tầm nhìn của chúng ta, 3 guna tô màu bản chất của chúng ta và 5 cặp đối lập có trong Pinda Pradesh. Có một giải pháp cho sự phức tạp này. Đó là một cặp đối lập duy nhất “Ngài và tôi”. Bằng việc làm tan biến bản chất thấp hơn, tự tính của Ngài nổi bật và cặp đối lập “Ngài và tôi” cuối cùng trở thành duy nhất “Ngài”.

Như Pujya Lalaji Maharaj đã viết: “Thượng đế ẩn bên trong trái tim bạn và thể hiện bạn. Hãy ẩn bản thân mình và thể hiện Ngài! Đây là tu tập chân chính”.

Yêu thương và trân trọng,

Kamlesh

Thông điệp kỷ niệm 95 năm ngày sinh Pujya Shri Chariji Maharaj

Nguồnhttps://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2022/July22BhandaraMessage-English.pdf?fbclid=IwAR00gFCbDRoulJo5jGaCmMG_tfkwbFYDNQB9xeyn3FWqPT8zi3Y9opeEl3I