Một vài suy nghĩ về Thiền Heartfulness
Tôi sẽ mô tả phương pháp Thiền Heartfulness cho những ai chưa biết cách thiền, những ai tham gia thiền lần đầu tiên. Nó rất đơn giản thôi: Nhẹ nhàng nhắm mắt lại với sự chú ý hướng về trái tim của bạn, nghĩ về sự hiện diện của Đấng thiêng liêng dưới hình thức Ánh sáng.
Hãy nghĩ rằng ánh sáng đó đang thu hút sự chú ý của bạn vào bên trong, kéo sự chú ý của bạn vào bên trong. Đó là tất cả những gì bạn cần phải làm. Nếu suy nghĩ xuất hiện trong khi thiền, điều đó cũng không sao. Khi bạn ý thức được rằng mình đang trôi khỏi thiền, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân rằng, “Mình đang thiền về sự hiện diện của Ánh sáng thiêng liêng nơi trái tim.”
Trong khi thiền, bạn nhận được Dòng truyền – mà chúng ta gọi là pranahuti– bản thân nó là một trải nghiệm độc đáo. Sự đặc biệt của Heartfulness chính là Dòng truyền này, nhờ Dòng truyền mà nhiều điều xảy ra. Đầu tiên là chúng ta có thể lặn vào thiền sâu hơn, và thứ hai là chúng ta có thể dần dần thoát khỏi cái gọi là những định kiến về nhận thức, còn được gọi là samskara hay dấu ấn, từng chút một, tới mức độ cho phép. Bởi thế, để bắt đầu thiền, hãy nhẹ nhàng tập trung vào “Sự hiện diện của Ánh sáng thiêng liêng trong tim mà đang kéo sự chú ý của bạn vào bên trong,” và tiếp nhận Dòng truyền. Đó là tất cả.
Thiền là rèn luyện tâm trí, điều chỉnh tâm trí. Nhưng bất chấp những nỗ lực chân thành và sự quan tâm của chúng ta, sẽ có lúc bạn cảm thấy thiền thật nhàm chán: “Ôi, chỉ thiền một lần này nữa thôi!” Điều đó là khá tự nhiên. Nhưng nếu tiếp tục thiền, bất chấp sự tẻ nhạt, bạn sẽ có thể đạt đến trạng thái tinh tế hơn. Khi đó, nó là một chiến thắng - bạn đã chịu đựng, nhưng giờ đây bạn có thể thiền. Đó chính là chiến thắng của một cá nhân với tâm trí mình. Tâm trí dở rất nhiều chiêu trò với chúng ta. Nhiều người nói, "Tâm trí là thù." Không, tâm trí không phải là kẻ thù của bạn; tâm trí có thể là người bạn lớn nhất, miễn là bạn biết cách nhận sự trợ giúp từ tâm trí này. Một tâm trí được rèn luyện tốt sẽ phục vụ bạn như một người bạn tốt. Bởi vậy, điều quan trọng là rèn luyện tâm trí dần dần và cho phép nó làm những gì mà trái tim bạn dẫn lối.
Lalaji Maharaj đã nói về điều này trong cuốn sách Truth Eternal của Ngài. Ngài nói rằng không phải chúng ta đến một trạng thái giống như xác sống hay mất ý thức. Không. Heartfulness là đạt đến cấp độ ý thức tinh tế hơn, ở đó chúng ta vẫn đắm chìm trong một ý nghĩ cụ thể hoặc một trạng thái tâm linh. Chúng ta có khái niệm về A (acquiring), E (enlivening) và I (integrating), O (oneness), U (union) - các từ viết tắt của có được, tăng trưởng, hòa nhập hoặc làm nó sâu sắc thêm, hòa làm một, tạo ra nhất thể và thiết lập sự hợp nhất với Đấng tạo hóa. Những gì chúng ta làm là 3 cái đầu tiên – A (có được), E (tăng trưởng) và I (hòa nhập). O (nhất thể) và U (hợp nhất) là hệ quả, kết quả của việc chúng ta thực hành A, E và I.
Để có được (A) một trạng thái, bạn phải thiền. Nếu không thiền, bạn không thể có được một trạng thái tâm linh mới. Khi đã có được nó, bạn cần phải làm cho nó tăng trưởng (E). Mọi người thường hỏi tôi, "Tăng trưởng trạng thái này là gì?" Với tôi, tăng trưởng là khuếch đại trạng thái tâm linh bên trong, mà đã được trao cho bạn dưới hình thức một chủng tử - một cái gì đó giống như một hạt giống.
Bây giờ bạn phải tưới nước cho nó, cho phép nó phát triển và trở thành một cái cây to khỏe - làm tăng trưởng nó. Nếu bạn có một chút bình yên, một chút an tĩnh hay tĩnh lặng của tâm trí sau mỗi buổi thiền, hãy nhận ra nó. Sau khi có được nó, bạn có thể làm nó tăng trưởng; thổi thêm sức sống vào nó bằng việc dành nhiều sự quan tâm hơn để giữ trạng thái đó ngày càng lâu hơn. Hãy hòa vào nó. Hãy viết gì đó về nó trong nhật ký của bạn. Nói về nó với mẹ, cha hoặc bạn bè của bạn và xem nó thực sự tăng trưởng như thế nào bằng những thực hành đơn giản thế này. Tăng trưởng với tôi cũng có nghĩa là đưa nó lên cấp độ tiếp theo của sự hòa nhập (I) với đời sống, làm nó sâu sắc hơn (I).
Ví dụ đầu tiên là một viên kim cương. Một viên kim cương thô sẽ không có độ sáng bóng; nó sẽ không long lanh. Nhưng nếu bạn cắt đúng cách và đánh bóng nó, nó sẽ đẹp long lanh. Và nó sẽ trở nên long lanh hơn khi bạn gắn nó vào một đồ trang sức. Nó trở thành trang sức có thể trưng bày được. Một ví dụ khác là một bức tranh đẹp. Nếu bạn treo bức tranh đó trên tường bằng băng dính hoặc băng keo, trông nó sẽ rất kinh khủng, ngược lại nếu bạn lồng khung cho nó thì bức tranh sẽ rất đẹp. Bức tranh tăng thêm giá trị nhờ có khung phù hợp – sự cân xứng. Bởi vậy, trạng thái tâm linh bên trong của chúng ta cũng đòi hỏi bộ khung bên trong.
Làm điều đó như thế nào? Nó tùy thuộc vào bạn. Mỗi trạng thái đều đẹp, và mỗi trạng thái có thể được lồng khung và tô điểm thêm bằng việc điều chỉnh lối sống của chúng ta xung quanh nó. Chúng ta không thể có được một tâm trí bình yên, đồng thời bắt đầu la hét và trở nên cáu kỉnh – mặc dù những người ôn hòa nhất lại là những người dễ nổi nóng. Họ dễ bị làm phiền bởi vì họ trầm tĩnh và điềm đạm. Ban đầu có thể là như thế, nhưng sau một thời gian, sự bình tĩnh bên ngoài mà chúng ta có được có thể trở nên rất sâu sắc. Điều đó giống như so sánh mặt nước ao yên ả, nơi ngay cả một chiếc lá nhỏ rớt xuống cũng sẽ tạo ra những gợn sóng, với chiều sâu của một hồ nước rộng mênh mông. Ngay cả khi bạn lăn một tảng đá xuống, mặc dù sẽ có những gợn sóng, nhưng ngay lập tức sóng sẽ lặng. Bởi vậy, chúng ta không chỉ cần tạo ra sự bình yên và tĩnh lặng nơi tâm trí mà còn cả chiều sâu nữa.
Một vài suy nghĩ về Cầu nguyện Heartfulness
Để trải nghiệm trạng thái đắm chìm, và thậm chí xa hơn đến cấp độ mà Lalaji muốn chúng ta có được, đó là làm chủ vô thức, nơi sushupti chiếm ưu thế, nơi không có suy nghĩ bởi vì giấc ngủ chiếm ưu thế. Trong khi ngủ, chúng ta không nghĩ gì. Nhiều người trong chúng ta quen thuộc với 3 cấp độ khác nhau của ý thức: ý thức khi thức, ở đó chúng ta tương tác, lắng nghe và trò chuyện; trạng thái giống như giấc mơ của tiềm thức, mà ta trải qua khi chìm vào giấc ngủ trong trạng thái buồn ngủ và trong giấc ngủ chập chờn; và trạng thái ngủ sâu, mà chúng ta gọi là sushupti.
Lalaji nói rằng nếu làm chủ được những cảm xúc của trái tim trước khi ngủ, chúng ta sẽ ngủ với trạng thái đó, có khả năng hiểu được trạng thái mơ và trạng thái ngủ sâu bằng trái tim mình. Bởi vậy, cầu nguyện của chúng ta trở nên rất hữu ích. Vai trò của Cầu nguyện Heartfulness là không thể coi nhẹ. Đó là tiếng lòng.
Thật tuyệt khi để ý đến câu mở đầu của lời cầu nguyện, khi chúng ta nói, "Hỡi Master!" Hãy tưởng tượng khi ta nói, "Hỡi em yêu!" hoặc "Hỡi vợ yêu!" hoặc "Hỡi con trai yêu!" hoặc "Hỡi cha yêu!" Khi nào chúng ta sử dụng câu cảm thán “Hỡi” này? Nó thực sự thể hiện tiếng lòng ta, sự tha thiết của ta. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải nhớ. Chúng ta có tiếng lòng da diết đó không? Ngay mở đầu, với "Hỡi Master!" chúng ta đang xác định mục tiêu: "Mục tiêu của ta là gì?"
Khi chúng ta đi sâu hơn vào những từ ngữ của lời cầu nguyện, cố gắng hiểu ý nghĩa của chúng, ý thức và cảm xúc của ta cũng du hành vào cảnh vực bên trong cùng với những từ ngữ ấy. Khi chúng ta nói, "Nhưng chúng con còn nô lệ bởi muốn ham", có một mức độ bất lực nhất định; chúng ta còn nô lệ bởi muốn ham thứ cản bước tiến trình của ta tới Mục tiêu Tối hậu. Chúng ta có nản lòng vì có quá nhiều ham muốn không? Chỉ có 2 trở ngại: trở ngại thứ nhất là ham muốn, và trở ngại thứ hai là cái tôi. Và bằng cách nào đó cái tôi được thăng hoa khi ta nhận ra sự vĩ đại của Ngài - sự vĩ đại của Master. Vì Master là Thượng Đế, và chúng ta nói, "Chúa của con, nếu không có sự trợ giúp của Người, con không thể tới đích."
Khi thực hành cầu nguyện, chúng ta trở nên rất khiêm nhường - chúng ta trở nên tầm thường khi thể hiện cảm xúc theo cách này. Với một lần, chỉ qua 3 dòng cầu nguyện, chúng ta bày tỏ tiếng lòng mình, nhận ra điều gì đang ngăn trở ta, và cố gắng tạo ra sự hòa quyện bên trong bằng việc cho ta biết, “Ôi, chúng con thật tầm thường. Ngài là Đấng vĩ đại; Ngài là sự trợ giúp. Riêng mình, chúng con không thể đạt được bất cứ điều gì”.
Bởi vậy, chúng ta cầu xin Ân sủng, và nếu không có Ân sủng, cuộc hành trình này sẽ trở nên khô cằn. Thực ra, không thể có bất kỳ cuộc hành trình nào mà không có Ân sủng. Bạn có thể di chuyển mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào không? Bạn có thể đi bộ được bao xa? Cuộc hành trình này là bất tận. Do đó, chúng ta cần sử dụng lời cầu nguyện ban đêm này một cách thuần thục. Chúng không chỉ là ngôn từ. Ngay cả khi bạn lặp đi lặp lại những từ ngữ này và suy ngẫm, nó chỉ là để tạo ra cảm xúc, cộng hưởng với cảm xúc đó, và cho phép chúng tiến thẳng tới trung tâm Tối hậu. Chúng ta đã nghe Babuji nói rằng nếu bạn gõ cửa, Thượng Đế sẽ mở cửa. Chúng ta phải gõ cánh cửa của Ngài, và điều này chỉ có thể xảy ra khi tiếng lòng ta chạm đến nơi đó. Nếu không, bất kỳ âm thanh vô cảm nào cũng sẽ không đến được đó. Bạn có thể nói rằng nó bị bỏ ngoài tai, nhưng đó là bởi bạn không thể truyền tải cảm xúc của mình hoặc bởi vì bạn vô cảm. Vì vậy, hãy tạo ra tiếng lòng đích thực chân thật đó, nhận ra điều gì đang ngăn trở bạn, và hiểu rằng không có sự giúp đỡ của Ngài, không có Ân sủng của Ngài, bạn không thể di chuyển và đến đích.