12 tháng 2, 2021

Cầu khẩn Cái Tối Thượng

Bạn thân mến. Basant Panchami mang theo sự tươi trẻ của mùa xuân và mọi khả năng cho sự đổi thay. Mặc dù tiếp cận sự thay đổi với niềm lạc quan và lao động chăm chỉ, chúng ta thường thấy nỗ lực của mình chưa đạt được kết quả thỏa đáng.

Có lẽ bạn đã có một quyết tâm Năm Mới là thức dậy trước lúc bình minh, hoàn thành cầu nguyện và thiền trước khi mặt trời mọc, nhưng giờ đây, sau vài tuần, thói quen đó vẫn chưa được tạo lập. Hoặc, có lẽ bạn đã quyết tâm không lãng phí thời giờ và sự quan tâm vào việc lướt web vô ích, nhưng thói quen không mong muốn vẫn còn đó. Đôi khi bạn có thể chết lặng người: “Tại sao mình lại thất bại? Mình đang thiếu thứ gì? Điều gì đang ngăn mình đạt được mục tiêu? Tại sao mình không thể tránh được những đặc điểm và khuynh hướng tiêu cực, mặc dù mình muốn loại bỏ chúng vĩnh viễn?”

Đôi khi, suốt cuộc đời, chúng ta luôn bị bủa vây và ngăn ngại bởi cùng những khuynh hướng và khuyết điểm. Tình huống này được cô đọng trong một tuyên bố được cho là của Duryodhana trong thiên anh hùng ca Mahabharatha: “Ta biết dharma (chánh pháp) là gì nhưng ta không thể tuân theo. Ta biết adharma (phi chánh pháp) là gì nhưng ta không thể tránh”. Nỗi lòng này nhấn mạnh một nỗi đau quen thuộc - nỗi đau của việc bị mắc kẹt trong những khiếm khuyết và khuynh hướng, mặc dù chúng ta khao khát vượt qua chúng và nỗ lực vượt lên chúng. Chúng ta hãy cùng suy ngẫm về hội chứng Duryodhana rất phổ biến này.

Và sau đó là ý nghĩa tâm linh của việc khắc phục những bất toàn về tính cách. Các shastra (thánh thư) nói rằng Đấng Thiêng liêng ngự trị trong trái tim của tất cả sinh linh, nhưng Thần tính đó biểu hiện ở mức độ nào và vẫn ẩn giấu ở mức độ nào? Khi nó ẩn giấu, câu nói, "Bản chất của chúng ta là Thần thánh," chỉ là triết thuyết. Thực tế, Adi Guru của chúng ta, Lalaji Maharaj, đã viết, "Nếu một người tiếp cận Dhruva Pad (Bình yên Vĩnh cửu) nhưng vẫn còn khuyết điểm về tính cách, thì tôi cho rằng người ấy vẫn chưa đạt được cái thực sự quý giá nhất." Một người có thể là một vị thánh, nhưng thời điểm họ cư xử tệ thì họ chỉ đơn thuần là một con người cư xử tệ và không hơn. Ở cấp độ nội tâm, bản chất của họ có thể ở tầm cao; họ có thể đã tiến bộ theo như yatra (hành trình tâm linh), nhưng sự tiến bộ tâm linh ấy là vô nghĩa vào thời điểm đó, bởi một hành động duy nhất đi ngược lại tình trạng tâm linh của họ. Điều đó giống như nhỏ một giọt độc chất vào cốc nước tinh khiết - nó trở thành thuốc độc chết người. Nói cách khác, chính tính cách của chúng ta thể hiện qua các cấp độ hành xử mới thực sự xác định chúng ta.

Khi tiến bộ, chúng ta mở rộng phổ năng lực cho đến khi chạm tới Thần tính. Tuy nhiên, trong một giây phút hành động, khi bản chất bên trong được đo lường thông qua sự biểu hiện bên ngoài, bản chất bất định của chúng ta vụn vỡ và chỉ còn lại hành động - một hành động bộc lộ mức độ nổi bật của ý thức. Chính nó xác định bản chất của chúng ta.

Điều này gợi nhớ đến “cách giải thích Copenhagen”, một cách hiểu hành vi lượng tử do nhà vật lý Niels Bohr và Werner Heisenberg đề xuất. Cách giải thích Copenhagen cho rằng một hệ thống không có bất kỳ thuộc tính xác định nào trước khi được đo lường, khi các kết quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, vào thời điểm đo, tất cả các kết quả có thể xảy ra đó đều vụn vỡ thành một thực tại duy nhất.

Điều này làm bật ý nghĩa to lớn của tính cách trong đời sống tâm linh của một người. Trong những thời điểm quan trọng nhất định, bản chất bất định của chúng ta kết tinh thành tính cách. Nếu không, những thử thách mà các bậc Tiền bối trao cho chúng ta sẽ không có mục đích (cho dù chúng ta có nhận thức được về chúng hay không). Do đó, số phận tâm linh của chúng ta dựa trên khả năng vượt qua những khuynh hướng thâm căn cố đế. Theo một cách nào đó, thước đo ý thức không ngừng tiến hóa là sự đo lường trực tiếp khả năng tự nhiên của chúng ta trong việc làm chủ các khuynh hướng.

Thông thường, nỗ lực thay đổi của bản thân chúng ta chỉ làm thít chặt các sợi tơ của mạng lưới phức tạp mà chúng ta đang bị mắc vào. Khi cố gắng thoát khỏi những khuynh hướng, chúng ta lại bị mắc vào chúng chặt hơn, và điều này khiến khuynh hướng đó trở nên bền chắc hơn. Như thể nỗ lực tự giải thoát của chúng ta chuyển thành một phần của chính khuynh hướng ấy. Như một câu nói được cho là của Albert Einstein, “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng một lối suy nghĩ mà chúng ta đã tạo ra chúng”, khi cố gắng loại bỏ những khuynh hướng xảo quyệt, nỗ lực của chúng ta thường không đủ và còn phản tác dụng. Sự giúp đỡ cao hơn là cần thiết.

Kỹ thuật Thanh lọc được trao tặng bởi Master của chúng ta là hiệu quả chưa từng có trong việc loại bỏ căn nguyên của những khuynh hướng, các samskara (dấu ấn) tích tụ trong thân vi tế (subtle body). Nhưng nó không mấy hiệu quả trong việc loại bỏ những khuôn khổ suy nghĩ theo lối mòn và những khuynh hướng hành vi thoát thai từ những samskara đó. Samskara giống như một dòng sông chảy xiết, mà ngay cả một tay bơi cừ khôi nhất cũng có thể bị nước cuốn trôi. Dòng chảy của nó liên tục đổi chiều, có thể làm chệch hướng hầu hết những người tìm kiếm. Việc loại bỏ samskara là quan trọng, và chúng ta thực hiện điều này bằng Thanh lọc hàng ngày, cũng như thiền với người hướng dẫn hoặc Master. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta loại bỏ dòng chảy samskara khỏi con sông, lòng sông vẫn còn đó. Nếu dòng nước đại diện cho các samskara, thì lòng sông tượng trưng cho thói quen và khuynh hướng.

Lòng sông khô cạn dường như vô hại. Nó không thể cuốn trôi chúng ta. Nó không thể đẩy và kéo chúng ta theo bất kỳ hướng nào. Nó đơn giản là một dòng sông cạn. Đó là lý do tại sao, sau khi Thanh lọc, các khuynh hướng dường như không hoạt động. Nhưng lòng sông đó vẫn còn trong chúng ta. Nói cách khác, các khuynh hướng có thể vẫn còn bất chấp việc Thanh lọc. Và điều gì sẽ xảy ra khi trời mưa? Nước sẽ dâng lên, và các samskara khi đó sẽ bắt đầu làm phiền chúng ta một lần nữa.

“Mưa” này là gì mà làm hồi sinh một samskara? “Mưa” đại diện cho môi trường và hoàn cảnh bên ngoài. Khi chúng ta tiếp xúc với những ảnh hưởng nhất định, tương tự như thứ đã tạo ra samskara ban đầu, khuynh hướng đang ngủ ngầm thôi thúc chúng ta phản ứng lại theo cách tái tạo samskara cũ một lần nữa, ngay cả khi samskara đã bị loại bỏ trước đó. Vì vậy, tác dụng của Thanh lọc là không vĩnh viễn, bởi vì các khuynh hướng và thói quen không bị phá hủy. Đó là lý do tại sao các khuynh hướng tiếp tục xuất hiện trong suốt cuộc đời chúng ta, khiến chúng ta bị sốc vào những thời điểm chúng ta nghĩ chúng không còn nữa. Đây là bản tính thâm căn cố đế của khuynh hướng, và đó là lý do tại sao Babuji nói rằng chúng ta phải “san phẳng lòng sông”.

Là người tìm kiếm, mục tiêu của chúng ta là giữ kết nối với Trung tâm. Những người hướng ra bên ngoài thường không bị quấy rầy bởi những khiếm khuyết của họ và họ không cảm thấy cần phải thay đổi. Ngay cả khi họ đưa ra quyết tâm, chúng chỉ được thực hiện trên danh nghĩa, không có bất kỳ ý định thay đổi thực sự nào. Đây không phải là quyết tâm thực sự. Chúng giống như những ý nghĩ thoáng qua, được hình thành mà không có sự phản tỉnh, và chúng dễ dàng bị lãng quên: “Từ nay trở đi, mình sẽ Thanh lọc vào buổi tối”, nhưng rồi suy nghĩ đó biến mất.

Những quyết tâm hời hợt như vậy thậm chí sẽ không làm khuấy động sự phản kháng mà chúng ta thường cảm thấy trong giai đoạn thực hiện. Đây là lý do phổ biến nhất khiến những quyết tâm không thành công. Liệu có thể dời một tảng đá bằng một cọng cỏ? Chúng ta thậm chí không cảm thấy lực đẩy của tảng đá trong quá trình dịch chuyển cho đến khi chúng ta cố gắng dịch chuyển nó bằng tất cả sức lực của mình. Một người không kết nối với Trung tâm, mà đồng nhất với cái bên ngoài, không tham gia vào cuộc chiến ở bên trong; họ không bao giờ cố gắng dời những tảng đá samskara và những khuynh hướng ra khỏi đường đi của họ. Với sự thiếu cố gắng này, họ thậm chí còn không nhận ra khó khăn của việc thay đổi.

Một chiến sĩ tâm linh quả cảm, tranh đấu với sự bất toàn của mình, chẳng mấy chốc nhận ra sự vô ích của cách tiếp cận bằng sức mạnh. Sức mạnh ý chí cá nhân là một năng lực hạn chế, bởi nó được khởi sinh từ manas (tâm trí) và sự thôi thúc của ahankar (cái tôi). Trong hầu hết các hoàn cảnh, sẽ được thực hiện từ chiều kích của tâm trí, và do đó hành động của nó vẫn chiều kích ấy, không bao giờ vượt ra khỏi chiều kích cảm xúc - cảnh vực của trái tim, nơi các khuynh hướng của chúng ta bừng nở.

Luyện ý chí thể hiện một cách tiếp cận ngoan cố. Ngoan cố có nghĩa là ép buộc và áp đặt. Ép ý chí thực hiện sự thay đổi là một kiểu bạo hành. Ví dụ, điều gì xảy ra khi bạn dùng sức mạnh để tạo nên sự thay đổi ở người khác? Bạn chỉ tạo ra sự phản kháng. Ngay cả khi người ấy làm theo ý bạn, đó cũng chỉ là vẻ bề ngoài. Những nỗ lực của bạn đã không tạo ra sự thay đổi thực sự.

Một cách tiếp cận tốt hơn nhiều là gợi mở sự sẵn lòng hợp tác. Bạn có thể nhã nhặn đề nghị, "Hãy vui lòng làm điều này." Hoặc, như Pujya Babuji, bạn có thể gián tiếp đề cập đến điều đó, "Thật tuyệt nếu điều này được thực hiện." Cách tiếp cận như vậy tạo ra ít gợn sóng hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận tinh tế nhất là không nói một lời nào, thay vào đó, hãy thành tâm và lặng lẽ, "Cầu cho điều đó xảy ra như thế." Hình thành một ý muốn tinh tế như vậy, và rồi thành tâm dâng ý muốn tinh tế đó lên Chúa, hoàn toàn không quyến luyến và nhấn mạnh, cho đến lúc này là cách cầu nguyện hiệu quả nhất. Kết quả có thể đến rất lâu sau đó, nhưng cuối cùng khi nó đến, sự thay đổi sẽ là đích thực và vĩnh viễn. Nó giống như vùi củ hoa tulip trong đất: Sau 6 tháng nó mới nảy mầm, nhưng hoa của nó rất đẹp! Bí mật nằm ở việc hướng về Trung tâm, bỏ rơi cái bên ngoài, và cầu khẩn Cái Tối Thượng.

Thường niệm là nền tảng. Đây không phải là sự rèn luyện tâm trí đơn thuần, như nhiều người hiểu nhầm. Mọi người thường đọc chương “Thường niệm” trong cuốn Reality at Dawn (tạm dịch: Thực tại đầu tiên) và cho rằng nên bắt đầu nhớ đến Master trong đầu. Họ liên tục nghĩ về Ngài, để ý nghĩ đó trở thành thường trực. Tuy nhiên, thực ra, công thức của Babuji là chuyển từ hành động nhớ Master ban đầu này sang trạng thái cảm nhận sâu sắc hơn nhiều về sự hiện diện của Ngài mọi lúc. Trên thực tế, khi bạn nhớ Ngài theo đúng nghĩa, Ngài đã ở bên bạn rồi. Không! Ngài đã ở trong bạn!

Nghĩ liên tục về bất kỳ điều gì cũng là một gánh nặng - một cân luôn là một cân, cho dù đó là sắt hay vàng. Thường niệm có nên trở thành gánh nặng không? Trong trường hợp đó, nó trở thành một sự hành xác, một sự tự trừng phạt, một công việc không có niềm vui; và nếu không có niềm vui thì cũng không có sức sống và không có tình yêu. Nếu thường niệm không tạo ra tình yêu, thì nó là vô ích.

Hạt giống của thường niệm là thiền tốt. Thiền đưa chúng ta từ ý nghĩ đến cảm nhận, chúng ta cảm thấy, trân trọng và tận hưởng các sắc thái của mỗi trạng thái nhận được. Khi sự trân trọng này biến đổi và bừng nở thành lòng biết ơn, nó tạo ra sự liên kết và đồng cảm với Người Trao tặng. Khi đó vị trí môn đồ được hình thành ở người tìm kiếm, đánh dấu sự khởi đầu thực sự của sự tưởng nhớ.

Babuji đã viết rằng một môn đồ “được tự do bày tỏ một cách khiêm tốn trước Master bất cứ thứ gì anh ta muốn,” và điều này ngụ ý sự hợp tác giữa Master và môn đồ. Chỉ có một Master là chưa đủ để loại bỏ các khuynh hướng của chúng ta; chúng ta cũng có một phần vai trò trong quá trình này. Bước đầu tiên là nhận biết được những khuynh hướng bên trong mà chúng ta đang có. Bạn có thể dâng chúng lên Master trong khi chính bạn lại không nhận biết được về chúng không? Điều đó là không thể. Sự nhận thức về khuynh hướng này nảy sinh do sự quan tâm của chúng ta đến việc làm thanh khiết bản thân mình, và sau khi đã Thanh lọc đủ. Chính việc thanh lọc samskara làm bộc lộ các khuynh hướng, giống như việc loại bỏ nước để lộ ra lòng sông.

Trong những năm qua, tôi đã quan sát thấy rằng những người tìm kiếm tiến bộ nhanh nhất là những người nhận thức rõ những khuyết điểm của họ. Khi bạn phát hiện ra một vấn đề bên trong mình, giải pháp không còn xa, nhưng thái độ của bạn cũng phải đúng. Một tâm trí phản ứng chắc chắn có thể nhìn thấy vấn đề, nhưng vẫn bị dính mắc vào nó, trong khi tâm trí ở trong trạng thái saranagati (quy thuận tuyệt đối) đơn giản là dâng khuynh hướng đó lên Chúa, trong sự khiêm tốn tuyệt đối và không đòi hỏi hay thất vọng. Chỉ có một cảm nhận của, "Xin theo ý Người!" Chỉ trong khoảnh khắc hoàn toàn quy thuận như vậy, sức mạnh thần thánh mới có thể chảy vào chúng ta và cuốn trôi những khuynh hướng thẳm sâu nhất. Thái độ này được gọi là “chết khi đang sống” (living dead).

Babuji nói rằng, “Hành lý gọn nhẹ,” giống như người hành hương kiểm tra khối hành lý của họ, giao nó cho người gác tàu quản lý. Tiến bước trên cuộc hành trình với hành lý nặng là không thể, và việc loại bỏ nó cũng không nằm trong khả năng của chúng ta. Do đó, giải pháp duy nhất là giao hành lý của bạn cho Master và tận hưởng cuộc hành trình mà không bị vướng víu.

Yêu thương và trân trọng,

Daaji

Nguồn: Invoke the Highest