13 tháng 8, 2017

Vật chất, năng lượng và trạng thái Tuyệt đối

KAMLESH D. PATEL khám phá những trạng thái khác nhau của sự tồn tại trong vũ trụ và trong sự hình thành cơ thể người. Vai trò của ý thức trong tất cả những thứ này là gì?

CHUYỂN ĐỘNG VÀ TĨNH LẶNG

Ở đây đáng để chúng ta xem lại sự hiểu biết về 3 thân:

Thân nguyên nhân là trung tâm sự tồn tại của chúng ta, xung quanh có thân vi tế hay còn gọi là tâm trí. Trong thân vi tế, tấm vải nền là ý thức ở trên nó là chức năng khác: cái tôi, trí năng, và tâm trí suy nghĩ, từ trung tâm ra bề ngoài của suy nghĩ có ý thức.

Bên ngoài thân vi tế, là thân vật lý ở ngoài cùng, phần vật chất rắn chắc nhất của các lớp hình thành nên bản thể của chúng ta. Chúng ta có thể hiểu về thân vật lý với sự tham chiếu đến các giác quan: thông qua các giác quan mà thân vật lý liên hệ với thế giới xung quanh.

Chúng ta có thể hiểu tâm trí với khả năng suy nghĩ của nó, bởi vì suy nghĩ là sự biểu hiện năng lượng của thân vi tế. Khi đi sâu hơn vào các cấp độ của tâm trí, chúng ta tìm hiểu cảm nhận, trực giác, cảm hứng, và cuối cùng là bản sắc thuần túy gắn với cái tôi đã được thuần phục.

Chúng ta có thể hiểu linh hồn, thân nguyên nhân thông qua phẩm tính không hoạt động của nó. Điều này có nghĩa là nó cưỡng lại sự di chuyển, nhưng bản chất của linh hồn là chuyển động. Điều này dường như là một nghịch lý: chuyển động và không hoạt động xác định linh hồn. Ý nghĩa của nghịch lý này là gì?

Hãy xem xét nó từ một vài khía cạnh khác. Trước hết hãy xem xét chuyển động của trái đất quanh trục của nó. Nếu bạn ngồi ở xích đạo, bề mặt của Trái đất chuyển động với tốc độ khoảng 1.000 dặm/giờ, vì vậy bạn di chuyển rất nhanh khi trái đất quay. Nhưng nếu bạn ngồi ở Bắc Cực, bạn sẽ rất ổn định.

Một ví dụ khác là con quay - khi chuyển động nhanh nhất nó có vẻ như đang đứng yên. Linh hồn, mặc dù bản chất của nó là chuyển động, hành xử như thể nó tĩnh lặng. Giống như con quay chuyển động rất nhanh, ý thức cũng có thể chuyển chộng rất nhanh. Hay lấy một ví dụ khác: khi bạn di chuyển từ phòng nọ sang phòng kia, nếu đi với tốc độ bình thường, có vẻ như là bạn đang di chuyển, trong khi nếu đi với tốc độ ánh sáng, bạn dường như ở trong tất cả các phòng cùng một lúc.

Nhanh hơn tốc độ ánh sáng là ý nghĩ. Có thể mất nhiều năm ánh sáng để ánh sáng đến một thiên hà khác, nhưng tâm trí có thể đến được đó mà không cần một chút thời gian nào. Và ý thức lại khác: ý thức luôn ở đó. Không cần nỗ lực. Ý thức không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nghịch lý sự tĩnh lặng có thể được hiểu theo cách này.

Khi đi từ thân vật lý đến thân vi tế đến thân nguyên nhân, chúng ta đi từ lớp vật chất đến vi tế đến vi tế nhất. Thân vật lý là ở đây và bây giờ, bởi vì cơ thể không thể đi vào quá khứ hay tương lai, nhưng tâm trí và ý thức thì có thể. Khi chúng ta nghĩ về những điều trong quá khứ hoặc tưởng tượng chúng trong tương lai, ý thức và tâm trí trải qua sự du hành thời gian. Tâm trí đến đó và ý thức ghi lại toàn bộ sự việc.

Bản chất của linh hồn là sự ổn định, tĩnh lặng của cái Tuyệt đối mà chúng ta dần dần phơi bày thông qua thực hành tâm linh. Khi chúng ta muốn lặn sâu vào sự tĩnh lặng đó trong thiền, để bộc lộ linh hồn bên trong, và thể hiện nó ra bên ngoài thông qua tâm trí, chúng ta phải tĩnh lặng. Chúng ta không thể có tâm trí khỉ nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, và đối tượng này sang đối tượng khác. Chỉ khi có ý chí tĩnh lặng tâm trí mới tìm thấy sự cộng hưởng với linh hồn bên trong. Khi đó, chúng ta có thể nói, "Những gì bị che giấu bây giờ được phơi bày."

VẬT CHẤT, NĂNG LƯỢNG VÀ PHI NĂNG LƯỢNG

Hãy cùng khám phá điều này từ một góc độ khác. Xem nguyên tố natri. Khi ở dạng đơn chất nó là thuốc nổ. Bản thân nó rất độc, khi kết hợp với clo, nó trở thành muối chúng ta ăn hàng ngày! Natri được biết đến là nguyên tố khủng bố trong Bảng Tuần hoàn, bởi vì nó phản ứng rất mạnh với độ ẩm có trong không khí, nhưng khi kết hợp với clo nó sẽ tạo thành muối, không có muối thì không thể có sự sống. Vì vậy, hai thứ đối lập kết hợp với nhau tạo thành một hợp chất rất bền.

Hai tần số đến cùng chiều, cùng biên độ, có thể tăng cường lẫn nhau, trong khi đó, một sóng đến theo chiều ngược lại sẽ làm vô hiệu hoặc trung hòa sóng ban đầu. Bây giờ, để bộc lộ linh hồn trong tồn tại của chúng ta, lối sống nên phản ánh và khuếch đại thần tính trong bản thể của chúng ta bằng việc cộng hưởng theo cùng một hướng. Và làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó trong cuộc sống hàng ngày? Và chúng ta nên cộng hưởng cái gì để đưa chúng ta đi theo hướng mình muốn?

Chúng ta phải hòa ý nghĩ, ý tưởng và hành động của mình vào tần số của một người đã đến đích. Đây là vai trò của Vị thầy: chúng ta hòa vào tần số của Vị thầy giống như các nhạc cụ của dàn hợp xướng hòa nhịp với người nhạc trưởng trước khi chơi một bản giao hưởng. Nếu chúng ta đi cùng chiều với tần số của Vị thầy, thì biên độ sẽ tăng lên. Nếu đi theo chiều ngược lại, chúng ta sẽ vô hiệu hóa sự ảnh hưởng, giống như sóng bị vô hiệu hóa. Nó chỉ đơn thuần là vấn đề của sự hòa hợp. Hãy cộng hưởng để tăng sức mạnh.

Có một khái niệm thú vị khác với các nguyên tố của Bảng Tuần hoàn. Có bao nhiêu nguyên tố? Hiện có 118 nguyên tố, trong đó 94 nguyên tố xảy ra tự nhiên, trong khi trong kinh Vệ Đà, người xưa nói rằng chúng ta được tạo thành từ 5 'yếu tố' - pancha bhutas. Rõ ràng 5 bhutas này không phải là các nguyên tố của Bảng Tuần hoàn; chúng giống các trạng thái của vật chất hơn. Chẳng hạn, một trong 5 bhutas là nước, và nước tinh khiết bản thân nó được tạo thành từ hai nguyên tố là hyđrô và ôxy.

Ngày nay, khoa học tinh vi hơn so với hàng ngàn năm trước; như các bạn mong đợi, kiến ​​thức khoa học đã phát triển. Trông có vẻ như khoa học đang bác bỏ kinh Vệ Đà, nhưng không phải như vậy. Khoa học tiếp tục mang đến cho chúng ta ngày càng nhiều kiến ​​thức chắt lọc hơn. Trong vật lý, bạn có bác bỏ lý thuyết hạt khi giới thiệu lý thuyết sóng không? Không, bạn thêm vào thứ gì đó, được xây dựng dựa trên những gì đã được hiểu trước đó.

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn sâu hơn vào vật chất bằng việc tìm hiểu bhutas và các thành phần của chúng - các nguyên tố, rồi các nguyên tử, và các hạt hạ nguyên tử ... Năm bhutas là đất, nước, lửa, không khí và không gian (akasha hay ête). Nước là một hợp chất được tạo thành từ hyđrô và ôxy. Không khí được tạo thành từ rất nhiều khí, như ôxy, hyđrô, nitơ, cácbon điôxit, hêli, agôn ... các khí này được tạo thành từ các nguyên tố, nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tiếp đó, yếu tố đất, thậm chí chứa nhiều nguyên tố hơn. Từ 'đất' chủ yếu được dùng để giúp chúng ta hiểu và mô tả sự ổn định của bhutas này.

Sau đó, đến akasha. Nó được làm bằng gì? Hư không. Nó giống như ý thức, nền tảng của mọi thứ. Cũng giống như thế, akasha là lớp nền, nền tảng căn bản. Nó chưa từng được tạo ra bởi vì nó luôn ở đó. Linh hồn cũng thế. Không ai có thể tạo ra nó. Linh hồn chia sẻ bản chất của akasha.

Bây giờ, điều gì xảy ra khi chúng ta cố gắng tách những bhutas này? Ví dụ khi chúng ta tách nước thành hyđrô và ôxy, và sau đó chúng ta tách hyđrô thành nguyên tử, điều gì xảy ra? Rất nhiều năng lượng được giải phóng đến mức hàng trăm nghìn người có thể bị giết.

Năng lượng đó đến từ đâu? Nó đến từ việc tách hạt nhân của một nguyên tử chứa prôtôn và nơtrôn. Và prôtôn là gì? Nó là điện tích dương. Elêctrôn là gì? Nó là điện tích âm. Họ nói rằng elêctrôn không có trọng lượng, nhưng nó có điện tích, trong khi prôtôn có cả trọng lượng lẫn điện tích. Thứ gì tạo ra trọng lượng và tích điện cho prôtôn? Đó là cách nó quay; cách sự rung động được tạo ra. Nó quay nhanh đến mức trọng lượng được sinh ra. Sự chuyển động của nơtrôn cũng nhanh đến mức sinh ra trọng lượng. Nhưng bên trong nơtrôn, các chuyển động ngược chiều nhau, do đó điện tích bị trung hòa. Như vậy nơtrôn chỉ có trọng lượng.

Khi đi sâu hơn vào vấn đề này, chúng ta thấy rằng nguyên nhân của sự tích điện và trọng lượng trong các hạt hạ nguyên tử là sự rung động. Trong prôtôn, rung động là dương, trong nơtrôn chúng là dương và âm, và trong êlêctrôn, chúng là âm. Vì vậy, năng lượng ẩn đằng sau sự hình thành nguyên tử, và do đó là sự hình thành vật chất. Ẩn đằng sau vật chất không có gì ngoài điện tích dương và âm - cái mà kinh Vệ Đà gọi là PurushaPrakriti. Prakriti là phần rực rỡ, phần sáng chói, điện tích âm của êlêctrôn.

Và sự phân cực âm và dương là cần thiết trong thế giới này. Mọi thứ trong Thiên nhiên đều có các đặc điểm tương phản để tồn tại, di chuyển và mở rộng. Lấy ví dụ về dòng điện: nó đòi hỏi điện tích dương và âm để tạo dòng. Không có các mặt đối lập đóng vai trò của chúng thì không có chuyển động, và không có sự mở rộng.

Chúng ta có thể gọi ý thức là mức độ rung động hạ nguyên tử không? Chưa hẳn, mặc dù ý thức cũng có tần số rung động của một trật tự nào đó.

Hyđrô là nguyên tố đơn giản nhất: trong hyđrô chúng ta chỉ tìm thấy một prôtôn và một êlêctrôn. Trong hêli phức tạp hơn - có 2 êlêctrôn, 2 prôtôn và một hoặc 2 nơtrôn, tùy thuộc vào đồng vị hêli mà chúng ta nói đến. Natri còn phức tạp hơn nữa, và các nguyên tố trở nên ngày càng phức tạp hơn. Trong một nghìn năm nữa có lẽ chúng ta sẽ còn thấy nhiều nguyên tố phức tạp hơn hiện tại, và trên thực tế, chúng có thể đã tồn tại ở đâu đó, đang chờ được phát hiện.

Và đã có thứ gì đó ở đấy trước khi hyđrô xuất hiện, và thứ gì đó tiếp tục hỗ trợ mọi thứ. Và có lẽ ẩn đằng sau tất cả những điều này là ý thức. Và ý thức được hỗ trợ bởi nền tảng căn bản, akasha, hay cái Tuyệt đối. 

NỖ LỰC PHI NỖ LỰC

Bây giờ, hãy quay trở lại với ý tưởng về linh hồn với sự ổn định tuyệt đối của nó. Khi chúng ta quá bận rộn với thế giới vật chất, thỏa mãn hết ham muốn này đến ham muốn khác, tâm trí náo động. Ngay cả ý tưởng "Tôi muốn đến đích của hành trình tâm linh" cũng tạo ra sự xáo trộn bên trong. Tại sao chúng ta bị xáo trộn bởi ý nghĩ này trong khi nó là mục tiêu của chúng ta? Đó là bởi vì chúng ta quá nỗ lực, giống như sử dụng cần cẩu để nâng một cái kim nhỏ lên!

Đó là lý do tại sao Patanjali nói với chúng ta hãy thả lỏng mọi nỗ lực, bởi vì khi nỗ lực, chúng ta quá 'tham gia' và điều đó tạo ra sự chệch hướng, khiến chúng ta bị hạn chế đối với quá trình. Nguyên lý Bất định của Heisenberg cũng nói điều tương tự - nếu cố gắng xác định tốc độ của một hạt, chúng ta sẽ không tìm thấy vị trí của hạt, và nếu tìm thấy vị trí của hạt thì chúng ta sẽ không thể xác định được tốc độ của nó. Nó nằm trong bản chất của sự vật. Tại sao lại như vậy? Để đo một thứ gì đó, dụng cụ đo phải tinh vi hơn thứ được đo để không làm xáo trộn nó. Thứ thô sơ hơn không thể đo được thứ tinh vi hơn, vậy thứ gì có thể đo được vị trí của êlêctrôn? Chỉ có thứ tinh vi hơn và do đó mạnh hơn một êlêctrôn!

Nhưng ai có thể nói rằng nỗ lực là không cần thiết? Chỉ một người đã đạt đến tột đỉnh. Chúng ta cần nỗ lực cho đến khi đạt đến điểm đó, nhưng theo cách mà cán cân của chúng ta không bị nghiêng. Bởi vì khi nó bị nghiêng, trò chơi của dục vọng sẽ chiếm lĩnh. Chúng ta càng có nhiều ham muốn, tâm trí càng nhiều xáo trộn và một tâm trí như thế sẽ phá hoại.

Một cách tốt hơn là giống như nguyên tố natri: nếu bạn để nó ở dạng đơn chất trong không khí, nó sẽ phát nổ, nó là một chất khủng bố, nhưng khi kết hợp với clo nó trở nên ổn định. Và điều đó tương tự với tâm trí; với linh hồn. Không có sự ổn định, không có sự toàn thiện cho đến khi sự Hợp nhất của Yoga xảy ra, nhưng ngược lại sự toàn thiện phát sinh từ sự hợp nhất của Yoga mang đến sự ổn định và cân bằng.

ẢNH HƯỞNG CỦA “PHI NĂNG LƯỢNG” LÊN TRƯỜNG Ý THỨC

Dòng truyền Yoga không có năng lượng trong nó. Như đã mô tả ở trên, các phần tử được tạo thành từ các túi năng lượng và bên trong mỗi phần tử có rất nhiều túi năng lượng dương và âm chuyển động theo nhiều hướng khác nhau với các tần số khác nhau. Khi chúng ta cố gắng loại bỏ dấu ấn ở một luân xa hay đám rối nhất định trong thân thể con người, các phân tử hoặc hợp chất nhất định trong tế bào bị ảnh hưởng và mức độ rung động của các hạt hạ nguyên tử trong các phân tử cũng bị ảnh hưởng theo một cách nào đó. Và dòng truyền này, trong đó không có năng lượng được truyền đi, làm việc với sự nhiệm mầu của nó và loại bỏ mọi thứ.

Vì vậy, tóm lại, chúng ta hiểu rằng thân vật lý được hỗ trợ bởi các thân vi tế. Bên trong các thân vi tế, tâm trí suy nghĩ được nâng đỡ bởi thân vi tế hơn được gọi là trí năng, và trí năng được nâng đỡ bởi một thân thậm chí vi tế hơn được gọi là cái tôi. Tất cả những thứ này đều được hỗ trợ bởi linh hồn, thậm chí còn vi tế hơn nữa.

Tất cả những mức độ vi tế này đều có ở đó; các luân xa hoặc đám rối được hình thành, các hợp chất phức tạp, được nâng đỡ bởi các rung động của một bản chất phức hợp. Dòng truyền không có năng lượng, nó là một lực phi áp lực, vi tế tế hơn ý thức. Chính dòng truyền này có thể chuyển đổi ý thức.

Vì vậy chúng ta có thể nói rằng có 3 trạng thái:

VẬT CHẤT

NĂNG LƯỢNG

PHI NĂNG LƯỢNG (CÁI TUYỆT ĐỐI)

Ngoài ra còn có sự vi tế, vi tế hơn và vi tế nhất. Trong vũ trụ, chúng ta có thể nói rằng vật chất được biểu hiện, và nó được hậu thuẫn bởi năng lượng, được hậu thuẫn bởi trạng thái Tuyệt đối, phi năng lượng.

Trạng thái tối hậu của cái Tuyệt đối không thể được mô tả bằng các ví dụ trần tục. Trên đời này không gì có thể so sánh và toàn hảo như cái Tuyệt đối. Vậy có thể mô tả nó như thế nào đây? Do đó các hiền triết cổ đại đã nói, "Neti! Neti! Neti! "- không phải cái này, không phải cái này, không phải cái này. Hư không. Đây là cõi giới của Thượng đế.