Cội nguồn của linh hồn và hành trình giải phẫu tâm linh
Hãy suy ngẫm về câu chuyện của linh hồn từ góc độ ý thức. Thuở ban đầu, linh hồn là một phần nhỏ bé tách rời khỏi Cội Nguồn. Từ khoảnh khắc linh hồn còn là ý thức thuần khiết, nhận biết rõ bản chất của mình cho đến hiện tại, khi linh hồn cần được đánh thức để nhớ về ngôi nhà đích thực, dường như chúng ta đã lạc lối trên hành trình ấy.
Tuy nhiên, có một cách nhìn khác giàu cảm hứng hơn. Hãy hình dung cha bạn trao cho bạn một triệu đô và bảo: 'Hãy dùng số vốn này để đầu tư và làm điều gì đó ý nghĩa.' Sau nhiều năm, bạn trở về với một trăm triệu đô, và cha bạn vui mừng trước sự trưởng thành của bạn. Hành trình khám phá tâm linh cũng như vậy; bạn có thể trở về và hợp nhất vào Cội Nguồn, với một linh hồn mạnh mẽ hơn. Bạn có thể phản đối rằng: “Nhưng thưa Daaji! Tôi cũng có thể mất hết tiền và làm cha thất vọng. Chẳng phải giữ lại một triệu đô la sẽ tốt hơn sao?”. Và bạn nói đúng. Khi nói đến tiền bạc, việc thắng, thua và trở nên tham lam là những khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhưng trong cuộc hành trình của linh hồn trở về Cội Nguồn, không có chuyện thắng hay thua, chỉ có hành động. Và khi bạn hành động, Vũ trụ sẽ ủng hộ những ý định của bạn và ban thưởng cho sự tiến bộ của bạn, bởi giờ đây bạn đang hòa mình vào dòng chảy tiến hóa của tự nhiên. Với mỗi buổi thiền, bạn khơi dậy ký ức của linh hồn về trạng thái nguyên sơ ban đầu. Trong chiều sâu của thiền, linh hồn cất lời với bạn. Thông qua sự tĩnh lặng kỳ diệu của nó, linh hồn truyền cảm hứng và dẫn dắt bạn. Và mỗi khi bạn làm theo những cảm hứng từ linh hồn, bạn sẽ tràn ngập một sự bình an và hạnh phúc khôn tả. Thông qua những trải nghiệm ngày càng sâu sắc về sự bình an và hạnh phúc, bạn nhận ra khát khao tự nhiên của linh hồn là được hợp nhất với Cội Nguồn.
Và từ khóa ở đây chính là 'chứng ngộ'. Biết rằng 'Tôi là linh hồn' là một kết luận logic. Tin rằng 'Tôi là linh hồn' là một đức tin mù quáng. Nhưng chứng ngộ 'Tôi là linh hồn' là một điều vô cùng sâu sắc. Đó là lý do tại sao trong các kinh sách tâm linh ở các nền văn hóa, mục tiêu cao nhất là sự chứng ngộ, chứ không phải hiểu biết về bản thân hay niềm tin vào bản thân. Khi bạn hướng vào bên trong, sự chứng ngộ sẽ mạnh mẽ hơn, và bạn đạt đến những tầng mức hợp nhất cao hơn. Càng tiến sâu, bạn càng bồi đắp thêm sức mạnh cho linh hồn.
Phác họa hành trình trở về Trung Tâm
Vào tháng 5 năm 1972, tại Greve Strand, một thị trấn cách Copenhagen ba mươi cây số về phía nam, đài phát thanh địa phương đã phát sóng một cuộc phỏng vấn. Một vị thầy tâm linh đến từ Ấn Độ ghé thăm, mang đến cho người Đan Mạch những bài học về thiền. Nhiều người trong thị trấn cảm thấy ý tưởng này thật cuốn hút, và hai nhà báo trẻ tuổi tên Michel và Toni đã xuất hiện để thực hiện cuộc phỏng vấn (Michel để tóc mai dài, cả hai đều diện quần loe thời thượng). Người họ gặp là Ram Chandra đến từ Shahjahanpur, vị thầy và cũng là người hướng dẫn của tôi. Các học trò của ông kính cẩn gọi ông là Babuji, nghĩa là “Ngài đáng kính”.
Michel mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi: “Mục đích của con người, của sự sống con người là gì?”
Babuji đáp lại nhẹ nhàng: “Mục đích duy nhất là giác ngộ, nhận ra tính thiêng liêng - bản chất của chính mình."
Câu trả lời ấy mở ra một cuộc đối thoại đào sâu vào những thắc mắc như: “Bản chất thiêng liêng có biến chúng ta thành Thượng Đế không?” “Con người nên làm gì với cuộc đời mình?” hay “Liệu nền văn minh này có kết thúc không?” Khoảng mười lăm phút trôi qua, Michel càng lúc càng tò mò về Babuji và lên tiếng: “Giờ tôi có thể hỏi ngài một câu nữa không? Có thể đó là một câu ngớ ngẩn, nhưng ngài có thể giải thích ngài là ai không?”
“Ta là những gì ta nên là," Babuji đáp.
Tôi không có mặt trực tiếp trong cuộc phỏng vấn đó, nhưng tôi đã nghe lại đoạn ghi âm nhiều lần. Mỗi lần nghe, tôi đều cảm nhận được bầu không khí trong căn phòng thay đổi như thế nào với câu trả lời của Babuji, chứa đựng sự chính xác và trí tuệ. Tiếng vỗ tay tán thưởng và những tiếng "a ha" vang lên từ những người có mặt. Cuộc phỏng vấn tiếp tục với những câu hỏi về nhân loại, sự sáng tạo và tự nhiên, cho đến khi Michel quay lại và hỏi: "Babuji, con là ai?"
"Con là chính con," Babuji đáp.
Lại một lần nữa, một câu đáp ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao điều để suy ngẫm. Cuộc phỏng vấn đang trôi chảy bỗng nhiên khựng lại. Lý do thật đơn giản: Michel và Toni hết băng ghi âm! Tôi không nghĩ có một điểm dừng nào tốt hơn sự kết thúc bất ngờ này để tiếp tục cuộc thảo luận của chúng ta.
Hãy suy ngẫm về hai câu nói này, lấy cảm hứng từ câu trả lời của Babuji: “Tôi là chính tôi” và “Tôi đã là người mà tôi nên trở thành chưa?”.
Lời khẳng định “Tôi là chính tôi” giúp bạn nhìn nhận lại vị trí hiện tại của mình. Nó như một tấm gương phản chiếu thực tại đang diễn ra. Còn câu hỏi “Tôi đã là người mà tôi nên trở thành chưa?” lại thách thức hiện trạng ấy. Nó hướng đến chân trời mới. “Nên trở thành” ở đây không phải là áp lực từ xã hội hay gia đình buộc bạn phải tuân theo hay trở thành một ai đó. Nó là tiếng gọi, là nguồn cảm hứng từ sâu thẳm bên trong, thúc đẩy bạn sống một cuộc đời chân thực. Khi bạn dấn thân vào hành trình của linh hồn hướng về Cội Nguồn, bạn bắt đầu thấm đẫm tinh thần của mình vào mọi việc bạn làm. Bạn trở nên tỉnh thức hơn, trách nhiệm hơn, và tận tâm hơn. Không phải trước đây bạn thiếu những điều này, mà giờ đây, ánh sáng của linh hồn mang đến một vẻ đẹp khác biệt cho cuộc sống. Bạn xây dựng một cây cầu nối từ con người bạn hiện tại đến con người bạn nên trở thành: biểu hiện chân thực nhất của tiềm năng sâu kín trong bạn.
Trong vai trò của bạn, dù là một giáo viên, một người nội trợ, một nhân viên bán hàng, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, một bác sĩ, một người con, hay một người lính, bạn đều nhận ra kế hoạch của linh hồn đang được thực hiện. Bạn trân trọng những bài học mình học được trong trường đời và sống với chiều sâu có được từ sự chân thật. Đôi khi trong quá khứ, những trách nhiệm có thể làm bạn cảm thấy nặng nề, nhưng giờ đây bạn đã nhận ra mục đích của chúng là phục vụ cho sự tiến hóa của bạn.
Tư duy của bạn thay đổi. Ánh nhìn của bạn chuyển hướng. Như Eckhart Tolle, một vị thầy tâm linh và tác giả sách, từng nói: "Cuộc sống sẽ trao cho bạn bất kỳ trải nghiệm nào hữu ích nhất để ý thức của bạn tiến hóa. Làm sao bạn biết đây là trải nghiệm bạn cần? Bởi vì đây là trải nghiệm bạn đang có ngay lúc này."
Những chương trước đã hé lộ về câu chuyện của sự sáng tạo, Trung Tâm, mục đích của linh hồn, và sự tiến hóa của ý thức. Có rất nhiều điều để suy ngẫm. Trong thời đại mà việc sử dụng bản đồ bằng giọng nói đã trở nên quen thuộc với hầu hết chúng ta, ý tưởng về một hành trình đi tới Trung Tâm, một đích đến vô định, mà không có bản đồ hay công cụ trực quan nào, điều đó có thể khiến ta cảm thấy mơ hồ và thậm chí là choáng ngợp.
Chính ở đây, những nghiên cứu tâm linh của Heartfulness sẽ giúp chúng ta. Trong cuốn sách này, tôi chia sẻ những khám phá về mười sáu luân xa tạo nên bản đồ mà linh hồn đã mang theo. Đó là bản đồ dẫn lối linh hồn trở về Cội Nguồn. Khi ta thực hành đúng theo chỉ dẫn, mười sáu luân xa này sẽ nở rộ, nâng tầm ý thức chúng ta trở về trạng thái nguyên thủy. Dựa theo bản đồ mười sáu luân xa, ta có thể vượt lên trên những mục tiêu cao quý như sự cứu rỗi, giải thoát, an lạc và các thành tựu khác, để trở về với trái tim vô tận, trở về Trung Tâm.
Khả năng để khai phá và hợp nhất với tiềm năng tối thượng ngay trong kiếp sống này mà vẫn chu toàn mọi trách nhiệm và bổn phận là điều có thể. Đó chính là con đường này.
Bản đồ trở về Trung Tâm
Khi chúng ta tham gia một chuyến leo núi thám hiểm, chúng ta sử dụng bản đồ địa hình để tìm hiểu về ngọn núi ấy. Từ đỉnh cao nhất của bản đồ, những đường đồng mức thể hiện độ cao giảm dần. Bản đồ cũng chỉ ra vị trí của các trạm dừng chân, nơi ta nghỉ ngơi giúp cơ thể dần thích nghi với điều kiện độ cao. Hành trình phát triển ý thức để về với Trung tâm cũng tương tự như vậy.
Mỗi luân xa là một trạm dừng chân, nơi ta trải nghiệm một trạng thái điển hình như: sự mãn nguyện, bình an, kinh ngạc, quy thuận hay cảm giác thuộc về. Mỗi trạng thái đều gắn liền với mức độ ý thức tại luân xa đó. Theo thời gian, mức độ ý thức này trở thành trạng thái bình thường mới, được thể hiện qua những phẩm chất mà chúng ta bộc lộ qua cách cư xử của mình.
Babuji đã tạo ra một bản đồ địa hình của ý thức, một công cụ quý giá dẫn lối chúng ta trên hành trình này. Đó là bản đồ gồm những vòng tròn đồng tâm, mang đến cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về cuộc hành trình. Việc biểu thị hành trình bằng những vòng tròn đồng tâm mang một ý nghĩa sâu sắc. Vòng tròn tượng trưng cho sự thống nhất, toàn vẹn và trọn đầy. Nó không bị phá vỡ và liên tục, không có khởi đầu hay kết thúc, biểu thị cho sự vô tận.
Mỗi luân xa, tự thân nó là một sự vô tận. Ta có thể dành cả đời chỉ để trải nghiệm một luân xa, giống như một người lướt trên bề mặt của đại dương vô tận. Ý tưởng về những vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho việc đi từ sự vô tận này sang sự vô tận khác khi ta vượt qua từng luân xa, như người thợ lặn ngọc trai lặn sâu hơn và sâu hơn để tìm kiếm những con trai quý giá.
Để bạn dễ dàng tham khảo, hãy in bản đồ này từ trang web và dán nó để nghiên cứu.
Trên bản đồ trở về Trung Tâm, bạn có thể thấy Trung tâm là điểm cao nhất. Những vòng tròn đồng tâm tạo thành các dải tượng trưng cho các tầng ý thức, mỗi tầng được đại diện bởi một luân xa. Chẳng hạn, khoảng giữa vòng tròn 1 và 2 là ý thức tương ứng với luân xa thứ nhất, giữa vòng tròn 2 và 3 là ý thức tương ứng với luân xa thứ hai, và cứ thế tiếp diễn. Năng lượng của phần lớn các luân xa chỉ lan tỏa trong phạm vi một vòng tròn, nhưng cũng có những luân xa mà tầm ảnh hưởng trải rộng qua hai hoặc ba vòng. Bạn sẽ nhận ra, ví dụ, luân xa 12 và 13 bao phủ nhiều vòng tròn, cho thấy sự bao la của những cảnh giới ý thức mà hai luân xa này nắm giữ.
Một điều đáng chú ý nữa là trên bản đồ, những dải vòng tròn được đánh dấu để biểu thị một vùng ý thức. Ví dụ, Vùng Trái Tim là tập hợp của năm luân xa nằm ở ngực và cổ. Khi bạn đã vượt qua năm luân xa của trái tim, bạn đã vượt qua Vùng Trái tim. Tương tự, Vùng Tâm Trí bao gồm các luân xa từ 6 đến 12, và Vùng Trung Tâm chính là luân xa thứ mười ba.
Một bản đồ, đa góc nhìn: Tính Con, Tính Người, Tính Thánh và hơn nữa
Khi bắt đầu hành trình, chúng ta tồn tại ở tầng ý thức con người. Với nhiều người, tầng ý thức ban đầu mang tính bản năng. Những nhu cầu vật chất như ăn uống, kết đôi, chăm sóc con cái và mưu sinh, chiếm lĩnh phần lớn sự chú ý của chúng ta.
Khi dành năng lượng cho các thực hành chiêm nghiệm, ta hướng sự tập trung vào bên trong và bắt đầu hành trình trong Vùng Trái Tim. Tại đây, ý thức của ta được nâng từ cấp độ tính con lên tính người. Khi đi qua Vùng Trái Tim, lòng tốt, sự quan tâm và rộng lượng nở rộ. Vòng tròn quan tâm của chúng ta mở rộng ra ngoài những người thân yêu để ôm trọn vạn vật.
Tiếp tục hành trình, ta chuyển hoá từ ý thức nhân ái lên ý thức thiêng liêng. Tầng ý thức thiêng liêng là nơi tình yêu dẫn dắt hành động, và sự vô ngã trở thành bản chất của ta. Khi cảm nhận tình yêu trong tim dành cho vạn vật, ta trải nghiệm một trạng thái mê say và tràn đầy niềm vui. Ý thức thiêng liêng cho thấy ta đã vượt qua những dính mắc và chống đối cá nhân. Việc thánh hóa ý thức là một quá trình từ từ, được thúc đẩy bởi sự diệu kỳ của tình yêu. Quá trình này bắt đầu từ luân xa thứ sáu – điểm khởi đầu của Vùng Tâm Trí – và tiếp tục được tinh lọc khi ta tiến tới những luân xa cao hơn. Những người mang bản chất thiêng liêng ưu tiên tính cân bằng, thể hiện sự điều độ và là biểu tượng của sự chấp nhận.
Sau khi vượt qua Vùng Tâm Trí, ta bước vào Vùng Trung Tâm – vùng rộng lớn nhất trong tất cả. Tại đây, mọi mâu thuẫn tan biến, mọi đối lập hòa hợp, và ta đạt tới trạng thái tồn tại phổ quát. Ở Vùng Trung Tâm, ý thức được siêu vượt. Lúc này, ta đứng tại nguồn cội, hay chính là tiềm năng khởi sinh ra ý thức.
Tóm lại, bản đồ về Trung Tâm là bức tranh toàn cảnh về quang phổ ý thức mà ta trải qua trong cuộc hành trình tâm linh. Nó thể hiện sự tiến triển từ tính con đến tính người đến tính thánh và cao hơn nữa. Bản đồ này là công cụ hữu ích trong thực hành hằng ngày. Chẳng hạn, khi muốn tìm hiểu về các luân xa trong Vùng Trái Tim hay Vùng Tâm Trí, bản đồ sẽ chỉ dẫn cho bạn. Khi đào sâu hơn, nó có thể trở thành bản đồ của những phẩm chất hay thái độ mà ta phát triển. Đây là bản đồ dành riêng cho bạn, và bạn tuỳ ý dùng nó cho hành trình của mình. Tùy thuộc vào cách bạn tiếp cận hành trình giải phẫu tâm linh, bản đồ có thể giúp bạn nhận ra: “Đây là nơi tôi đang đứng” và “Kia là nơi tôi muốn đến.”
Song hành cuộc sống hàng ngày và mục tiêu tâm linh
Trước sự bao la của hành trình bên trong, có lẽ bạn lại tự hỏi liệu hành trình về Trung Tâm có khả thi trong cuộc sống đời thường không. Có lẽ điều đó nghe quá cao xa, quá lý tưởng. Bạn có thể nghĩ rằng, "Đối với Daaji, việc tin tưởng và trải nghiệm thật dễ dàng, vì ngài đã hiến dâng cả cuộc đời cho việc thực hành Heartfulness và hướng dẫn người khác. Nhưng còn tôi thì sao? Cuộc sống của tôi bận rộn. Tôi có nhiều trách nhiệm và lo toan. Liệu tôi có thể làm được không?”
Đó là một băn khoăn chính đáng.
Và để trả lời, tôi muốn kể bạn nghe câu chuyện của mình.
Vào kỳ nghỉ hè năm 1976, khi mười chín tuổi, tôi quyết định trở thành một tu sĩ. Tôi muốn rời xa mọi phiền nhiễu để dồn toàn bộ năng lượng vào mục tiêu giác ngộ. Thế là, vào một buổi sáng đẹp trời, tôi rời khỏi nhà. Tôi không có một xu dính túi, hành trang duy nhất là bộ quần áo tôi đang mặc – một chiếc áo sơ mi cotton, quần dài và đôi dép xăng đan. Tôi lặng lẽ rời đi và đến một ngôi đền cổ thờ Thần Shiva, gần con sông trong làng – nơi tôi chọn làm điểm khởi đầu cho hành trình thiêng liêng của mình.
Khi đến ngôi đền, tôi vui mừng khi thấy một nhóm thầy tu khổ hạnh aghori đang nghỉ ngơi tại đó. Trước đây, tôi chưa từng thấy họ ở quanh đền, và tôi cảm nhận điều này như một dấu hiệu ủng hộ từ Đấng Tối Cao đối với quyết định của mình. Suốt cả ngày tôi loanh quanh bên nhóm người này, và tôi chú ý thấy một người lớn tuổi chính là thủ lĩnh của họ, mọi người trong nhóm đều nghe theo sự chỉ dẫn của ông. Đến cuối buổi chiều, vị thủ lĩnh gọi tôi đến gần. Mặc dù vẻ ngoài của ông trông dữ dội — với mái tóc rối bù và chiếc áo choàng màu cam rực rỡ như máu — nhưng khi ông cất tiếng, tôi bất ngờ bởi giọng nói ấm áp, đầy tình thương ẩn sau vẻ bề ngoài thô ráp ấy. Khi tôi bước đến gần hơn, chẳng cần hỏi han gì, ông nói: “Con yêu dấu, hãy trở về nhà đi.”
Giọng nói của ông tràn đầy sự tự tin xen lẫn niềm hối tiếc. Tôi nhìn vào đôi mắt ông, chúng ngập tràn nỗi buồn thăm thẳm. Ông nói, "Ta đã tu hành khổ hạnh suốt năm mươi năm và ta đã tự lừa dối chính mình. Ta chẳng đạt được điều gì về mặt tâm linh; giờ đây ta chỉ là một kẻ hành khất lang thang trên đường phố từ đền thờ này đến đền thờ khác. Dù có muốn, ta cũng không thể trở về nhà nữa. Mọi người ở nhà đã quên ta rồi. Và giả sử ta có trở về, sau bao nhiêu năm khổ hạnh, ta cũng chẳng có gì để chứng minh."
Tôi im lặng lắng nghe ông. Ông dừng lại một phút và đưa mắt nhìn về phía dòng sông. Rồi lấy lại bình tĩnh, ông nói tiếp, "Con trai à, ta thấy sự tìm kiếm của con là chân thành. Hãy trở về nhà và phụng dưỡng cha mẹ con. Đây không phải là con đường dành cho con."
Những lời nói khôn ngoan và thực tế của ông đã chạm đến một góc sâu thẳm trong trái tim tôi. Tôi không tìm ra được lý lẽ nào để phản bác lại kinh nghiệm sống của người đàn ông này. Tôi nghe theo lời khuyên của ông và quay trở về nhà. Sau mười hai tiếng dài đằng đẵng, cuộc đời tu sĩ của tôi đã kết thúc! Tôi ngượng ngùng lẻn vào nhà và nhận ra rằng không ai để ý đến sự vắng mặt của mình. Mọi người đều cho rằng tôi đang tận hưởng kỳ nghỉ hè! Cùng năm đó, những lời tiên tri của thầy tu lớn tuổi đã ứng nghiệm. Vài tháng sau cuộc gặp gỡ định mệnh, tôi bắt đầu con đường tâm linh với Heartfulness và chưa bao giờ ngoảnh đầu nhìn lại.
Điều này không có nghĩa là tôi chỉ đơn thuần đổi con đường tu hành khổ hạnh này sang một con đường khác. Hãy nhớ đến hình ảnh con chim với hai cánh: một cánh đời thường và một cánh tâm linh. Tôi đã dành gần năm thập kỷ trên con đường này, và cuộc sống liên tục mang đến cho tôi những cơ hội để hòa nhập tâm linh vào từng khía cạnh của cuộc đời mình.
Năm 1981, tôi là một người nhập cư đặt chân đến Mỹ, trong túi chỉ vỏn vẹn hai mươi đô la – câu chuyện điển hình về một người nhập cư đến Vùng đất hứa. Qua nhiều năm, vợ chồng tôi đã nuôi dạy hai cậu con trai, và chúng tôi cũng trải qua những giai đoạn khó khăn để trang trải cuộc sống. Cuối cùng, tôi gây dựng được một chuỗi nhà thuốc gia đình phát đạt ở thành phố New York. Tôi đã hỗ trợ nhiều thành viên gia đình và bạn bè khởi nghiệp. Điều nâng đỡ mọi nỗ lực của tôi chính là thực hành thiền. Những đáp án cho các quyết định phức tạp như quản lý vốn lưu động, đặt hàng tồn kho hay lập kế hoạch năng lực lóe lên trong lúc tôi thiền. Khi bệnh nhân đến với tôi, tôi không chỉ kê đơn thuốc mà còn gửi gắm sự quan tâm chân thành – điều mà nhiều người vẫn còn nhớ dù tôi đã không trực tiếp kê đơn hàng thập kỷ nay. Ở nhà, tâm linh cũng là lối sống, nơi tôi trò chuyện với các con về những chủ đề tâm linh sâu sắc, và chúng thích thú với những cuộc đối thoại ấy. Như bao người khác, tôi đối mặt với vô vàn vấn đề và bất định, và điều đó vẫn tiếp diễn.
Liệu việc thực hành thiền có xóa tan mọi rắc rối thường nhật của tôi không? Không hẳn vậy. Nhưng nó mang cho tôi sức mạnh và sự kiên nhẫn để đón nhận chúng một cách nhẹ nhàng, đồng thời rút ra những bài học mà cuộc sống mang lại.
Trên khắp thế giới ngày nay, hàng triệu người đang thực hành Heartfulness. Mỗi người đều có hành trình riêng biệt, nhưng điểm chung là đích đến và phương pháp đưa ta đến đó. Thực hành giúp ta dễ dàng hòa quyện trái tim vào mọi khía cạnh của cuộc sống. An trú trong trái tim, ta quay về bên trong và trở nên yêu thương, đón nhận và thấu cảm. Việc quay vào bên trong – một trong vô vàn quả ngọt của thiền – giúp ta nhận ra trái tim chính là nơi thiêng liêng, là trung tâm mà ta nên hành động từ đó. Trong đời sống thường nhật, trái tim trở thành nơi nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của ta.
Bí quyết nằm ở việc tìm ra một phương pháp thực hành hòa hợp trọn vẹn với cuộc sống hằng ngày. Sự thấu hiểu đến từ trải nghiệm, và trải nghiệm được hun đúc qua thực hành. Những mục tiêu bạn khao khát đạt được, những câu trả lời bạn tìm kiếm, và sự chuyển hóa bạn mong muốn tạo dựng – tất cả đều có thể đạt được nhờ sự kiên trì thực hành.
HỎI DAAJI
"Con tò mò và khát khao tiến hóa ý thức, nhưng thú thực, sâu thẳm con vẫn mang chút hoài nghi. Con nên bước tiếp trên hành trình này như thế nào?"
Daaji đáp lời:
Chúng ta thường nghĩ rằng tâm linh và khoa học đối lập nhau, nhưng tôi không cho là vậy. Một trong những định nghĩa về khoa học là việc áp dụng lý trí vào trải nghiệm. Cốt lõi của tâm linh cũng là trải nghiệm; và ta có thể thu hoạch được nhiều điều quý giá nếu áp dụng sự quan sát cẩn thận cùng logic vào đời sống tâm linh của mình. Bạn sẽ không theo đuổi một chế độ ăn kiêng vô ích, hay lãng phí thời gian cho một khóa học không mang lại tiến bộ. Vậy tại sao lại khác biệt khi bạn làm việc với hành trình giải phẫu tâm linh của chính mình? Sự tiến bộ nội tại cần phải đo lường được. Để làm điều đó, ta mượn phương pháp khoa học. Trong khoa học, ta đưa ra giả thuyết và tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng.
Hãy mang cách tiếp cận đó vào tâm linh. Những gì tôi chia sẻ, bạn cứ xem như một giả thuyết. Trái tim bạn chính là phòng thí nghiệm. Hãy thử nghiệm trong đó và đo lường những gì xảy ra. Sự thật sẽ lộ diện qua chính những trải nghiệm của bạn. Còn nếu chưa tự mình kiểm chứng, tất cả chỉ là lý thuyết, là niềm tin bạn tạm nắm giữ mà thôi.