Bạn thân mến. Chúng ta thường hiểu darshan là thấy sự thánh thiện. Thông thường, mọi người hiểu lầm rằng đó là thoáng thấy một Nhân cách vĩ đại. Nhưng chỉ khi tìm thấy một Nhân cách như vậy bên trong chính mình, bạn mới có thể nhìn thấy Ngài ở bên ngoài.
Bạn đánh giá một vị thầy như thế nào khi mới bắt đầu mối
quan hệ với ông? Khi bạn thực hành trong một thời gian những gì thầy quy định,
hãy xem liệu việc thực hành có bắt đầu mang lại cho bạn bình yên và sự biến đổi
bên trong hay không. Nếu vậy, hãy tiếp tục và xem bạn có được lợi ích như thế
nào thông qua sự biến đổi về tính cách.
Khi đến thăm bất kỳ một vị
thầy nào, vị thầy đó sẽ trông có vẻ chân chính, không chân chính hoặc ở khoảng giữa
dựa trên sự điều kiện hóa và sự sáng tỏ về tầm nhìn của chúng ta. Nhận thức của
chúng ta về sự thánh thiện có xu hướng bị chi phối bởi sự nuôi dạy và hoàn cảnh.
Ví dụ, nếu một người nhìn thấy một quý ông mặc toàn đồ trắng, anh ta có thể
nghĩ, “Quý ông này thật thuần khiết và mộ đạo.” Nhưng một người Vaishnavite hay
một người Hồi giáo có đánh giá tương tự đối với một vị Jain Muni trong hình dạng
loã thể không? Chỉ khi chúng ta thoát khỏi sự điều kiện hóa phát sinh từ
samskara, chúng ta mới có thể thấy. Để có darshan, chúng ta không thể dùng
mắt thường; chiếc áo choàng thánh thiện có thể đánh lừa chúng ta. Tương tự như
vậy, chúng ta có thể dễ dàng bỏ lỡ sự hiện diện của một người thánh thiện trong
số chúng ta. Hãy tưởng tượng một người đang thực hiện yoga jnana hoặc asana
hoàn hảo. Họ quá say mê thực hành đến nỗi phớt lờ sự hiện diện của một người toàn
hảo ở đỉnh cao của bhakti (sùng kính) như Mirabai. Làm sao họ có thể nhận
ra cô ấy khi một người ở rất cao, và một người ở rất thấp?
Có một câu chuyện hay về một vị thánh Sufi. Một vị vua
muốn được vị thánh Sufi khai tâm, nhưng vị Sufi cứ trì hoãn (vị Sufi hẳn đã hiểu
được thực trạng của nhà vua). Thời gian trôi qua, ngày này qua ngày khác, tháng
này qua tháng khác, nhà vua ngày càng thất vọng vì vị Sufi liên tục từ chối
khai tâm cho mình. Cuối cùng, nhà vua quyết định kiểm tra xem vị Sufi này là
chân chính hay giả mạo. Nhà vua cài mật thám để theo dõi hành vi của vị Sufi. Một
ngày nọ, vị Sufi đi sang sông, và các mật thám đi theo, cẩn thận quan sát. Họ
thấy vị Sufi gặp một phụ nữ ở bờ bên kia sông. Vị Sufi trải tấm khăn ra và tựa
đầu vào lòng bà trong khi người phụ nữ vuốt ve đầu ông và đưa thức uống cho ông.
Các mật thám rất vui mừng khi phát hiện ra điều gì đó có thể buộc tội ông và vội
vã về tâu lại với nhà vua. Nhà vua nắm lấy cơ hội này và đối chất vị Sufi, rằng:
“Ngài đã làm gì ở đó? Ngài là chân tu hay chỉ là giả mạo?” Vị Sufi bình tĩnh trả
lời: “Xin đừng nói như thế, nếu không ngài sẽ hối hận. Hãy đi với tôi, và tôi sẽ
cho ngài thấy những gì tôi đã làm.” Ông đưa nhà vua đến bờ sông, và người phụ nữ
đó xuất hiện – một bà lão đeo kính với một bình trà. Đó là mẹ của vị Sufi.
Những samskara mà chúng ta mang theo làm méo mó
suy nghĩ của chúng ta, dẫn đến sự hiểu lầm. Chúng ta tô điểm cho cuộc sống của
mình hoặc làm cho cuộc sống của mình trở nên khốn khổ vì ảnh hưởng của mức độ
hiểu biết hoặc hiểu lầm của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể làm chệch hướng tác
động của samskara trước khi chúng hình thành bằng suy nghĩ đúng đắn, dẫn
đến hiểu biết đúng đắn. Với sự hiểu biết, chúng ta hiếm khi hình thành dấu ấn
dù là nhỏ – đặc biệt là những dấu ấn tiêu cực.
Khi một vấn đề nảy sinh, hãy dừng lại thay vì phản ứng.
Sự dừng lại này cho bạn không gian để suy nghĩ thông suốt trước khi trái tim bạn
bị ảnh hưởng. Bạn sẽ có thể thông cảm với người gây phiền muộn cho mình và
buông bỏ vấn đề. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy được giải phóng ở bên trong. Tương tự
như vậy, sự hiểu biết của bạn về bản chất – cách mọi thứ vận hành trong cuộc sống
– sẽ trở nên dễ dàng hơn. Sự hiểu biết thực sự sẽ dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc
hơn. Ngược lại, một người có xu hướng không hiểu sẽ liên tục không hiểu hoặc thậm
chí cố tình tìm ra những góc độ mới để không hiểu. Hiểu biết đúng đắn phải được
hỗ trợ bởi cách tiếp cận trung thực với cuộc sống.
Một người hiểu biết sẽ hành động theo yêu cầu của tình
huống cụ thể. Không có phản ứng nào giống nhau vì mỗi trường hợp sẽ là duy nhất.
Babuji đã viết trong bình giảng của Ngài về Chân ngôn 9 rằng, các mối quan hệ của
thiên nhiên biểu hiện theo nhiều cách khác nhau và các mối quan hệ của chúng ta
cũng phải phản ánh tương tự các yêu cầu đa dạng của mỗi tình huống duy nhất. Một
người hiểu biết sâu sắc không bao giờ giáo điều, hành xử theo một khuôn mẫu
trong mọi điều kiện. Một người hiểu biết vượt ra ngoài giáo điều và các quy tắc
cứng nhắc. Họ sẽ thích thú sự linh hoạt và tự do. Có sự khác biệt lớn giữa việc
hành động, làm theo và tuân theo xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn và nhận thức
đúng đắn so với việc làm như vậy mà không có sự hiểu biết hoặc nhận thức.
Hơn nữa, với sự hiểu biết, một người sẽ có thể làm chệch
hướng căng thẳng và cảm giác tội lỗi, nhờ đó bảo vệ bản thân khỏi sự hóa đá của
samskara. Làm sao ý chí tự do có thể song hành với một lối sống khuôn mẫu,
giáo điều? Nếu không có ý chí tự do, sự giải thoát là vô nghĩa. Một cuộc sống
giáo điều là đi ngược với một cuộc sống thánh thiện. Một cuộc sống thánh thiện là
được sống hoà hợp với lương tâm của trái tim. Chủ nghĩa giáo điều xuất phát từ
một cuộc sống được điều khiển bởi cái tôi, giống như niềm kiêu hãnh khi nhận diện
với một tôn giáo hoặc một cộng đồng cụ thể.
Đôi khi, hiểu biết có thể là một gánh nặng. Hãy xem xét
trường hợp vào những thế kỷ trước những người Ấn Độ và Châu Phi bị bắt làm nô lệ
bị đưa khỏi quê hương của họ đến một nơi mà họ không hề biết hoặc không hề có ý
niệm gì. Hãy tưởng tượng sự khác biệt giữa mức độ căng thẳng của họ trong suốt hành
trình dài trên biển và mức độ căng thẳng của những kẻ bắt giữ họ. Hiểu được mục
đích chuyến đi của họ chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều căng thẳng hơn nữa! Vì vậy,
chúng ta phải đánh giá cả những hậu quả tích cực và tiêu cực của nhận thức. Trên
quan điểm theo đuổi lối sống yoga, hiểu biết giúp chúng ta thấy được sự vô ích
của việc bạo hành. Bằng cách trở nên thông cảm và yêu thương, chúng ta có thể dễ
dàng nhìn nhận quan điểm của người khác, và do đó chúng ta không thể phạm tội
hoặc bạo lực.
Tương tự như vậy, một người hiểu biết sẽ thấy giá trị
của việc tha thứ. Cuối cùng, một người hiểu biết sẽ thấy giá trị của việc sống
một cuộc sống có kỷ luật, một cuộc sống học hỏi, và một người như vậy sẽ trở
thành một shishya (đệ tử) toàn hảo. Thiền với sự hỗ trợ của pranahuti
(dòng truyền) có thể giúp chúng ta phát triển suy nghĩ đúng đắn và hiểu biết
đúng đắn. Tiếc là, cũng đúng khi pranahuti có thể giúp một tên trộm trở
thành một tên trộm hoàn hảo nếu gánh nặng u ám của những khuynh hướng tiêu cực
thống trị ý thức của anh ta. Đây là lý do tại sao Heartfulness nhấn mạnh đến sự
cần thiết phải trở nên thuần khiết và giản đơn bằng cách loại bỏ những nhiễm ô
và phức tạp. Trải nghiệm kết quả của việc thực hành có kỷ luật, người ta có thể
tăng cường thực hành vì niềm vui thuần túy thay vì sự ép buộc hoặc kiểm soát (mặc
dù ban đầu người ta có thể được hưởng lợi ích từ mức độ kiểm soát nào đó).
Một khía cạnh khác của khả năng thấy là sự chú ý và
quan sát, có thể rèn luyện được. Tốt nhất là nên bắt đầu rèn luyện điều này từ
khi còn nhỏ. Khi trẻ còn nhỏ, hãy hỏi trẻ rằng chúng nhìn thấy gì bằng những
câu hỏi như, “Con nhìn thấy gì ở cánh đồng này? Con nhìn thấy gì trên bông hoa
này? Bông hoa này có bao nhiêu màu? Có bao nhiêu cánh hoa? Những đặc điểm khác
của bông hoa là gì?” Hãy rèn luyện cho trẻ nhìn sâu hơn. “Hôm nay mặt trời mọc
lúc mấy giờ? Hãy xem ngày mai mặt trời có mọc vào giờ này không! Mặt trời mọc ở
hướng nào? Mặt trời lặn ở hướng nào? Mặt trăng mọc khi nào? Khi nào mặt trăng tròn
và khi nào mặt trăng khuyết?” Hãy để trẻ quan sát bằng mắt thường. Khi trẻ đến
nhà ai đó, nhà bạn bè hoặc trường học, hãy hỏi trẻ, “Cửa nhà họ ở hướng nào?
Con vào nhà từ hướng bắc, nam, đông hay tây? Ghế sofa của họ màu gì? Trần nhà
màu gì? Có bao nhiêu cửa sổ?” Trẻ em có thể được rèn quan sát những điều như vậy.
Sau đó, từ những gì có thể nhìn thấy, bạn có thể chuyển
sang những gì có thể nghe thấy: “Sáng nay con có nghe thấy tiếng chim nào
không? Con đã nghe thấy bao nhiêu tiếng chim hót?” Tiếp tục để quá trình rèn
luyện của trẻ phát triển, chuyển sang lĩnh vực cảm xúc. “Con chim đó vui hay buồn?
Nó là con trống hay con mái?” Sau đó, bất cứ khi nào có thể, hãy hỏi trẻ, “Con
cảm thấy thế nào ở bên trong? Con vui vẻ, buồn bã hay không cảm thấy gì cả? Khi
con cảm thấy tồi tệ, con cảm thấy thế nào trong lòng? Nó nặng nề hay nhẹ nhõm?”
Những câu hỏi như vậy sẽ chuẩn bị cho trẻ cảm nhận mọi thứ ở những cấp độ ngày
càng sâu hơn.
Trong thiền, chúng ta rèn luyện bản thân để trở nên tỉnh
thức hơn, linh lợi hơn, nhạy cảm hơn và nhạy bén hơn, với nhiều sắc thái tinh tế
hơn. Ví dụ, trong quá trình hành thiền, màu sắc mà chúng ta quan sát, cảm xúc
mà chúng ta thu nhận, suy nghĩ mà chúng ta chứng kiến, rung động mà chúng ta cảm
thấy và trạng thái mà chúng ta trải qua sau khi thiền xong. Sau khi thiền xong,
hãy chia sẻ những quan sát này với người dẫn thiền của bạn để họ có thể kết nối
các sự kiện và kết luận, “Bất cứ khi nào tôi làm theo cách này, đây là phản hồi
mà tôi nhận được.” Khi đó, chúng ta có thể thiết lập mối liên hệ giữa công việc
và kết quả của nó. Chúng ta có thể cảm nhận môi trường giống như chúng ta quan
sát cảm xúc của người khác. Chúng ta cảm thấy thế nào trong một không gian cụ
thể? Tất cả quá trình rèn luyện này chuẩn bị cho chúng ta có một tầm nhìn giống
như chùm tia laser yêu thương từ bên trong. Tình yêu là yếu tố thiết yếu trong
việc thấy. Chúng ta không bao giờ có thể tìm hiểu ai nếu thiếu vắng tình yêu.
Hầu như tất cả chúng ta đều trải qua bài tập này để nhận
thức về vị thầy của mình với những mục đích khác nhau. Việc nhìn nhận luôn ở cấp
độ của chúng ta. Ví dụ, có hoàng hôn, nhưng những người ở thung lũng không thể nhìn
thấy hết được vì nó không lặn ở đường chân trời. Ngược lại, một người ở trên đỉnh
núi sẽ có tầm nhìn tuyệt đẹp. Độ cao tạo nên sự khác biệt đó. Leo lên nấc thang
ý thức, nơi luân xa là những bậc thang, sự tăng tiến dần của chúng ta mang lại
sự sáng tỏ dần về tầm nhìn của chúng ta, và chúng ta trải nghiệm darshan
ở nhiều cấp độ khác nhau.
Khi bạn ở bên thầy, bạn phải hoàn toàn ở bên ngài.
Nhưng thật không may, ngày nay, mọi thứ đều làm chúng ta mất tập trung, với điện
thoại là thứ gây mất tập trung số một. Một khi bạn không còn ham muốn, không
còn sự mất tập trung và không còn samskara, có lý do gì để bạn không thể
tận hưởng trọn vẹn lợi ích từ sự hiện diện của ngài? Khi bạn ở bên ngài, những
phẩm tính cần có là sự tôn kính, tình yêu, sự khiêm nhường và cởi mở. Nuôi dưỡng
ham muốn, thể hiện chúng thông qua cầu nguyện, hoặc thậm chí chỉ giữ chúng
trong lòng cũng sẽ ngăn bạn trải nghiệm darshan của ngài. Lời cầu nguyện
thể hiện mọi nhu cầu, và dù sao chăng nữa thì bạn có thể cầu xin ai khác? Nhưng
sẽ là quá đáng nếu bạn mặc cả: “Thượng đế ơi, nếu Ngài làm điều này cho con,
con sẽ chi hàng trăm triệu, con sẽ xây thật nhiều nhà cho người vô gia cư, con
sẽ dâng chadar[1]
lên tượng của Ngài...” Việc cầu xin tình yêu, sự tôn kính hoặc khiêm nhường từ Thượng
đế cũng tô điểm thêm cho cái tôi của bạn. Điều đó chẳng khác gì cầu xin Thượng
đế ban cho ngày càng nhiều của cải với lý do là nuôi sống nhiều người đói hơn
hoặc trang bị nhà ở cho nhiều người vô gia cư hơn. Sự hối lộ này dường như
không thể ngăn được. Hãy nghĩ xem, nếu một người sẵn sàng hối lộ Thượng đế, họ
sẽ cư xử thế nào với các viên chức chính phủ và chính trị gia? Chúng ta chỉ có
thể thương hại cho người đó.
Khi bạn mang theo hành lý ham muốn đến gặp thầy để thỏa
mãn những ham muốn của mình, bạn sẽ không có được darshan thực sự của thầy.
Điều kiện tiên quyết đầu tiên cho darshan là sự thuần khiết. Thứ hai, bạn
phải hoàn toàn tĩnh lặng khi ở bên ngài, với pratyahara hoàn hảo (thu
rút các giác quan vào bên trong). Nhưng khi đó, bạn cũng phải cộng hưởng với
ngài. Ví dụ, nếu bạn muốn tham gia một nhóm nhạc, bạn phải chơi cùng một bản nhạc
mà họ đang chơi. Bạn không thể chơi giai điệu của riêng mình và mong đợi hòa âm
với họ. Nhạc phải phù hợp. Nếu không, nó sẽ chỉ là tiếng ồn, và ngay cả khi bạn
nhận được darshan của ngài, nó sẽ bị lãng phí.
Khi Krishna cho Arjuna thấy Vishwaroop – diện mạo
hủy diệt của ngài – ngài đã cho Arjuna thấy rằng công việc phá hủy đã hoàn tất.
Thông điệp gửi đến Arjuna là, “Công việc đã hoàn thành. Bây giờ, con chỉ cần
hoàn tất các bước cuối cùng.” Tuy nhiên, khi nhìn thấy diện mạo hủy diệt của
Krishna, Arjuna sợ hãi và cầu xin Krishna quay trở lại diện mạo thân thiện và
quen thuộc hơn của ngài.
Ngoài ra, Bhishma và Drona, những linh hồn tiến hoá ở phía
bên kia chiến tuyến, đã nhìn thấy diện mạo này của Krishna và vô cùng kính sợ.
Nhưng liệu họ có thực sự kính sợ không? Nếu có, họ đã hạ vũ khí và nói, “Không
cần phải giao chiến”. Nếu Vishwaroop của Krishna thuyết phục được Arjuna cầm vũ
khí, nó cũng phải thuyết phục được Bhishma và Drona hạ vũ khí xuống. Darshan
này không tự động ban cho bất kỳ ai trí tuệ, ngay cả Arjuna. Mặc dù khi đó ông
đã sẵn sàng chiến đấu, ông vẫn nói rằng, “Con không thể chịu đựng được khi nhìn
thấy diện mạo này”. Do đó, việc nhìn thấy diện mạo thực của Thượng đế không tự
động giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Bạn có thể cảm thấy hài lòng khi nói
rằng, “Tôi đã có được darshan của Thượng đế”, hoặc “Tôi đã có được darshan
của murti” (hình ảnh thiêng liêng của một vị thần), hoặc “Tôi cảm thấy một
số phẩm tính thiêng liêng” – nhưng vẫn còn nhiều điều phải đạt đến. Darshan của
Thượng đế chỉ là một trải nghiệm khác mà bạn có thể có. Nó chỉ là tạm thời. Bạn
sẽ làm gì với trải nghiệm đó? “Tôi đã thấy Thượng đế”. Vậy thì sao? Bạn đã trở
thành thứ gì đó vì nó chưa? Để cộng hưởng với thực tại của một Nhân cách vĩ đại,
bạn phải chạm đến cùng một thực tại đó ở bên trong chính mình.
Để trả lời một lá thư, Babuji đã từng viết: “Thật tốt
khi bạn muốn có darshan của Maha-purushas [Những Nhân cách vĩ đại]. Tốt
hơn nữa là cố gắng có darshan của chính mình.” Về sự bộc lộ của Tự ngã, ai là người
thấy và cái gì được thấy? Chúng ta thường sử dụng từ darshak để chỉ người
thấy. Trong cách sử dụng thông thường, darshak thường mô tả người xem hoặc khán
giả quan sát một thứ gì đó. Là chúng sinh hữu tình, tất cả chúng ta đều là
darshak vì chúng ta đều là người thấy: chúng ta nhận thức, nhìn, nghe, trải
nghiệm và hiểu. Yoga sử dụng một từ chính xác hơn – drashta. Drashta đề
cập cụ thể đến purusha hay linh hồn, là nhân chứng thực sự bên trong.
Không giống như từ darshak, mà chúng ta có xu hướng sử dụng cho cả các giác
quan vật lý, các thân vi tế và linh hồn, drashta chỉ đề cập đến khả năng chứng
kiến của linh hồn – không phải mắt, tâm trí hoặc các chức năng khác.
Linh hồn là chủ thể thuần túy – chủ thể chứng kiến mọi
khách thể tri thức và kinh nghiệm. Mọi thứ mà chủ thể nhận thức, kinh nghiệm hoặc
biết đều nằm trong phạm trù “khách thể” – cái có thể nhận thức, cái có thể kinh
nghiệm và cái có thể biết. Vì là chủ thể thuần túy, linh hồn không bao giờ có
thể trở thành khách thể tri thức, kinh nghiệm hoặc kiến thức. Trong trường hợp
đó, làm sao chúng ta có thể có được darshan của linh hồn?
Cũng giống như mặt trời phát ra ánh sáng phản chiếu các
vật thể, khiến chúng ta có thể nhìn thấy chúng, ý thức của linh hồn chiếu sáng
các khách thể kiến thức, cho phép người thấy thấy chúng. Thứ được chiếu sáng
bởi ánh sáng ý thức này được gọi là “phạm trù ý thức”. Thông qua ánh sáng của ý
thức, các khách thể cư trú trong phạm trù này trở nên quen thuộc với chủ thể.
Trong yoga, phạm trù này được gọi là chitta, chứa manas (tâm
trí), buddhi (trí năng), ahankara (bản ngã, cái tôi) và chit
(ánh sáng của ý thức). Mức độ mà chúng ta có thể nhận thức các khách thể trong
phạm trù ý thức (chitta) phụ thuộc vào mức độ mà ánh sáng của linh hồn bị che khuất
bởi samskara, vrittis (biến trạng), cái tôi và những nhiễm ô
khác.
Nhiều người nhầm lẫn linh hồn và bản ngã. Câu hỏi nổi
tiếng “Tôi là ai?” thường được đặt ra để giúp những người khao khát nhận ra rằng
họ không phải là cơ thể hay tâm trí, mà là linh hồn. Tuy nhiên, cơ sở của câu hỏi
này là sai. Kết luận, “Tôi là atman,” hay “Tôi là linh hồn,” là không
đúng; nó cũng sai như suy nghĩ “Tôi là cơ thể,” bởi vì chỉ có bản ngã mới nhận
diện là “tôi,” bất kể “tôi” đó ám chỉ cơ thể, tâm trí hay linh hồn.
Bản ngã là cảm giác về
“tôi”. Patanjali gọi nó là asmita –
“Tôi hiện
hữu”. “Tôi”
này phải được nhận ra là một bản
ngã giả mạo vì nó luôn là khách thể trải nghiệm, không
bao giờ là chủ thể. Mặc dù chúng ta có những suy nghĩ như “Tôi làm”, “Tôi nghĩ”
và “Tôi hiện hữu”, những suy nghĩ này là khách thể được
chứng kiến bởi chủ thể đích thực, tức là linh hồn. Do đó, bất kỳ ý tưởng nào về bản thân
cũng phải được coi là khách
thể, ngay cả khi nó tạo ra ảo tưởng
rằng “Tôi là người thấy” hoặc “Tôi là người kinh nghiệm”.
Do vô minh
(avidya), hay thiếu tỉnh thức, mà chúng ta nhầm lẫn cái “tôi” này với chủ thể đích
thực của kinh nghiệm – linh hồn. Nếu một thứ gì đó có thể được biết hoặc được kinh nghiệm –
bao gồm cả cảm giác về “tôi” –
thì nó phải được hiểu là một khách
thể kiến thức, chứ không phải là chủ thể. Tóm lại, linh hồn là bản chất của
chúng ta, chứ không phải là cảm giác về “tôi”.
Khi chitta (phạm
trù ý thức) bị ngập tràn bởi cái tôi, mọi khách thể khác trong phạm trù này sẽ
được nhìn nhận trong mối liên hệ với “tôi”. Đó là định nghĩa về sự đồng hoá:
nhìn mọi thứ theo cách chúng liên quan đến bản thân mình. Điều thiết yếu để vượt
qua sự đồng hoá là thường niệm, đồng nghĩa với việc thực hành AEIOU. Có ba
phương pháp cơ bản để thực hành thường niệm:
1. Làm mọi việc trong
sự tưởng nhớ Thượng đế.
2. Làm mọi việc
như là sự tận hiến dâng lên Thượng đế.
3. Làm mọi việc
nhân danh Thượng đế.
Bằng việc thực
hành những phương pháp này, sự hiện diện của Thượng đế bắt đầu thấm vào phạm
trù ý thức của chúng ta, và thay vì đồng hoá hành động và kinh nghiệm của chúng
ta với bản thân mình, chúng ta bắt đầu đồng hoá chúng với Thượng đế hoặc Master.
Kết quả là, diện mạo giả của cái “tôi” bắt đầu mất đi sức mạnh của nó.
Liệu sự mất đi cái
“tôi” có làm cho chúng ta thấy được người thấy không? Yoga Sutra 1.3 của
Patanjali nêu rõ:
Khi đó [khi sự hành
hoạt của tâm trí dừng lại], Người thấy sẽ an trú trong bản chất của chính nó.
Chìa khóa cho khẳng
định này là hiểu được rằng bản chất của người thấy là vô minh. Người thấy an
trú trong bản chất của chính nó không ý thức được về chính nó (vì chủ thể không
thể nhìn thấy chính nó) cũng không ý thức được diện mạo giả, cái tôi tan biến
trong sự tưởng nhớ Thượng đế. Babuji đã từng có một ứng khẩu sâu sắc, rằng khi Ngài
thốt ra từ “tôi”, Ngài không biết nó ám chỉ ai. Darshan của Tự ngã không gì
khác ngoài sự quên mình, một trạng thái mà người thấy hoàn toàn mất hút đối với
chính nó. Babuji phản đối việc thực hành hỏi “Tôi là ai?” Thay vì cố gắng biết mình,
Ngài gợi ý quên mình. Nhưng để quên mình, cần có một trung tâm, đó là lý do tại
sao chúng ta thực hành thiền và thường niệm.
Điều quan trọng cần
lưu ý là khi quên mình, người thấy vẫn chứng kiến các đối tượng của thế
gian và những sinh linh khác; chỉ có cảm giác về bản sắc cá nhân tan biến, đồng
thời sự hình thành và làm sâu sắc thêm samskara cũng chấm dứt.
Thông thường,
chúng ta hiểu lầm guru-darshan là thấy diện mạo của guru trong khi thiền.
Khái niệm này chỉ đúng trong phạm vi chúng ta coi diện mạo thật của guru là vô
hình tướng. Cũng giống như darshan của Tự ngã là trạng thái quên mình, tan biến
hoặc phủ nhận, darshan của guru có nghĩa là tan hòa vào cái Tuyệt đối vô hình
tướng, không có bất kỳ đặc điểm hạn chế nào như danh xưng hoặc thuộc tính.
Trong layavastha hay trạng thái hợp nhất với Master, vấn đề “thấy” không
nảy sinh, vì trong sự hợp nhất không thể có mối quan hệ khách thể-chủ thể. Đó
là trạng thái darshan tối thượng.
Yêu thương và trân
trọng,
Kamlesh
Thông điệp kỷ niệm 69 năm ngày sinh của Pujya Daaji, Kanha Shanti Vanam, 28 tháng 9 năm 2024
[1] Chadar là mảnh vải được dâng lên điện thờ thánh. Nó là biểu tượng của lòng sùng tín và kính ngưỡng, và được cho là mang theo những lời cầu nguyện và mong muốn của tín đồ dâng lên một vị thánh.
Nguồn: https://cdn-prod-static.heartfulness.org/September2024_Bhandara_Message_Digital_ef0c3a5d9d.pdf