Bạn thân mến. Một nguyên tắc cơ bản gắn liền với mọi hoạt động theo đuổi tâm linh là việc trau dồi saranagati – trạng thái tuân phục và tin tưởng sâu sắc. Nó tượng trưng cho bản chất tinh túy, cốt lõi quý giá dẫn chúng ta tới chiều cao hùng vĩ của giác ngộ và bình an nội tâm. Ôm ấp saranagati cũng giống như phơi mở bản thân với dòng chảy vũ trụ, buông bỏ sự phản kháng bị điều khiển bởi cái tôi cho phép chúng ta có được mối quan hệ hài hòa với ý chí vũ trụ.
Khác với cam chịu thụ động, tuân phục là sự đan kết
tích cực vào tấm thảm thần kỳ; liên kết với những chân lý siêu vượt là nền tảng
cho tồn tại của chúng ta. Chính trong sự tuân phục thiêng liêng người tìm kiếm
tìm thấy sức mạnh thực sự và sự thanh thản bất khả lay chuyển lan tỏa khắp mọi
khía cạnh cuộc sống của anh ta.
Trong lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Pujya Babuji
Maharaj, tôi ước rằng tất cả chúng ta sẽ phát triển khao khát tích cực về trạng
thái saranagati, được chuyển ngữ một cách sơ sài là tuân phục. Tuân phục không
phải lúc nào cũng dễ dàng; chúng ta thường chống đối. Về mặt lý thuyết, chúng
ta có thể hiểu tầm quan trọng của nó đối với hành trình tâm linh, nhưng trong
thực tế sự phản kháng vẫn xảy ra. Khi đối mặt với cơ hội tuân phục “cái khác”, khuất
phục với sự năn nỉ và buông bỏ những khuynh hướng và niềm tin của bản thân,
chúng ta gặp khó khăn.
Tại sao lại như vậy? Tuân phục là cần thiết để đạt được
mục tiêu tâm linh, vậy điều gì gây ra sự phản kháng? Trên thực tế, điều này rất
dễ hiểu: tuân phục không chỉ là mối đe doạ đối với tự do và ý chí tự do của
chúng ta mà còn là mối đe dọa đối với chính sự sống còn của một phần quan trọng
trong chúng ta, đó là căn cước tính của chúng ta – cái tôi. Cái tôi gắn với nhiều
phẩm tính, thuộc tính và đặc điểm tính cách và chúng trở nên kiên cố theo thời
gian, tạo thành những nút thắt trong thân vi tế. Sự lập trình tiềm thức và mạng
lưới thần kinh cũng trở nên kiên cố, chúng ta phát triển những xu hướng và niềm
tin mà chúng ta nhận diện với. Tất cả những thứ này diễn ra ở cấp độ tiềm thức,
trói buộc linh hồn, vậy có gì ngạc nhiên khi chúng ta luôn phải tranh đấu? Việc
gỡ các nút thắt là trọng tâm của hành trình tâm linh và Master giữ vai trò then
chốt.
Cái tôi ở dạng thuần khiết không phải là vấn đề; sự
dính mắc mà cái tôi hình thành để tạo nên căn cước tính của nó ở thế giới bên
ngoài mới là vấn đề, và chúng ta gọi đấy là sự ích kỷ. Pujya Babuji Maharaj từng
nói: “Theo tôi, tâm trí và cái tôi là hai thứ duy nhất, tốt nhất và hữu ích nhất
trong con người. Trên thực tế, cái tôi hàm ý Bản thể thật và tâm trí tìm kiếm
nó ở bên ngoài. Thật ra chúng ta phải học cách sử dụng đúng đắn mọi thứ trong
con người mình. Không được lạm dụng bất kỳ thứ gì. Đó mới là lòng nhân đạo đúng
nghĩa, là nghĩa vụ của con người.” Trong Heartfulness, chúng ta học cách sử dụng
tâm trí và cái tôi cho sự tiến bộ tâm linh, thông qua sự kết hợp giữa thực hành
tâm linh và điều chỉnh lối sống.
Thuốc giải độc cho sự ích kỷ là gì?
Câu trả lời đơn giản là tình yêu. Khi yêu, chúng ta
vui vẻ phục tùng người mình yêu, dù người chúng ta yêu là con người hay Thượng
đế. Không cần nỗ lực. Khi chúng ta yêu, sự tuân phục không chỉ tự nhiên mà còn
đẹp nữa. Nó mang lại sự hài hòa, một tâm lý “vâng” tích cực và một trái tim rộng
mở. Bạn đã từng quan sát một người mẹ bên đứa con mới sinh của cô ấy, hoặc một
cặp vợ chồng son chưa? Có sự phục tùng hoàn toàn về cảm xúc, thái độ và hành
vi, không nghĩ cho bản thân mình mà chỉ nghĩ cho người kia.
Nó cũng giúp chúng ta hiểu các từ tiếng Sanskrit được
dịch sang tiếng Anh là “tuân phục”. Một là samarpanam, có nghĩa là sự tận
hiến hay sự hiến dâng tối thượng. Có ai lại không tận tâm với người mình yêu? Có
ai lại không dâng hiến hoàn toàn cho người mình yêu? Một từ khác là pranidhan,
được kết hợp với Ishwar thành Ishwar pranidhan, nghĩa là tuân phục
Ishwar, Thượng đế toàn năng. Trung tâm là Thượng đế, đối tượng của sự tuân phục.
Đó là trạng thái vô cùng khiêm tốn và hồn nhiên.
Và còn có từ saranagati, trạng thái dễ bị tổn
thương vô tư lự mang lại cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta được nương náu, được
ôm ấp và được bảo vệ bởi đấng thân yêu. Ở saranagati, tình yêu hiện diện
nhưng ý tưởng về tình yêu vắng mặt; sự tôn kính hiện diện, nhưng ý tưởng về tôn
kính vắng mặt; lòng biết ơn hiện diện, nhưng ý tưởng về biết ơn vắng mặt; và
ngay cả ý tưởng về tuân phục cũng biến mất. Không có cái “tôi” để trải nghiệm những
điều này bởi vì cái tôi trở nên quá tinh tế, ở dạng thuần khiết của nó. Để cái
cây mọc lên, hạt giống phải mất đi. Để nhận thức về linh hồn xuất hiện, cái
“tôi” phải mất đi. Chúng ta tiến tới trạng thái tinh tế, ở đó chúng ta không áp
đặt bất cứ điều gì lên bất kỳ ai. Thay vào đó, mọi thứ chỉ đơn giản xảy ra xung
quanh chúng ta.
Chúng ta đều đã trải qua trạng thái đó. Chúng ta đã từng
là những đứa trẻ chưa chào đời, hoàn toàn hồn nhiên và phó thác cho tình yêu và
sự chăm sóc của mẹ. Mẹ đã sinh ra chúng ta vào thế giới này, chăm sóc chúng ta
lớn khôn và cuối cùng trở nên tự lập. Master có vai trò tương tự. Chúng ta chưa
được sinh ra về tâm linh, và khi chúng ta quy thuận tình yêu và sự chăm sóc của
Ngài, Ngài sẽ sinh chúng ta vào những chiều kích tâm linh. Để sự tiến hóa đó xảy
ra, tuân phục là cần thiết.
Babuji cũng nói với chúng ta rằng: “Bước đầu tiên của tuân
phục là kỷ luật”. Kỷ luật và tuân phục là hai mặt của một đồng xu, chấp nhận và
tuân phục cũng vậy. Bước cuối cùng của tuân phục là trạng thái phủ định.
Làm thế nào để tạo ra tình yêu trong trái
tim, kỷ luật trong con người và chấp nhận trong thái độ?
Pujya Babuji Maharaj chỉ cho chúng ta cách đơn giản nhất
để tạo ra tình yêu trong trái tim mình. Chân ngôn thứ Hai trong Mười Chân ngôn
của Ngài viết: “Hãy bắt đầu thiền bằng việc dâng lời cầu nguyện cho sự tiến bộ
tâm linh. Hãy cầu nguyện với một trái tim ngập tràn yêu thương.” Trong bình giảng
về Chân ngôn thứ Hai, Ngài giải thích về khoa học của cầu nguyện, đó là lấp đầy
trái tim bằng tình yêu – tạo ra khoảng trống để Ân sủng Thiêng liêng tràn vào. Ngài
mời chúng ta thực hiện cầu nguyện này hai lần một ngày, trước khi thiền buổi
sáng và trước khi đi ngủ. Ngôn từ của Cầu nguyện giúp chúng ta phát triển trạng
thái quy thuận rỗng rang trong trái tim. Cầu nguyện giúp tối ưu hoá tuân phục nếu
chúng ta dành thời gian để lấp đầy trái tim mình bằng tình yêu theo cách Babuji
gợi ý. Yêu dẫn đến tuân phục và tuân phục dẫn đến yêu. Trong vòng hồi đáp tích
cực và đẹp đẽ, chúng ta vượt thoát tồn tại thế tục bước vào cảnh vực của tình
yêu đại đồng và ý thức phổ quát.
Mười Chân ngôn của Babuji đặt ra trước mắt chúng ta những
bí mật mà trước đây đã được các bậc thầy tâm linh truyền cho môn đệ từ tâm sang
tâm, hướng dẫn chúng ta cách tạo ra tình yêu, cách trở nên kỷ luật và cách trui
rèn thái độ. Từ cách chúng ta thực hành cho đến cách chúng ta thích ứng với những
thử hàng ngày và quản lý tài nguyên, Ngài cung cấp cho chúng ta một bản đồ hoàn
chỉnh để chèo lái con thuyền cuộc sống. Babuji không chỉ khuyên chúng ta tuân phục;
Ngài còn chỉ cho chúng ta cách thực hiện nó dễ dàng, không có sức ép tinh thần
và hỗ trợ quá trình này bằng dòng truyền yoga.
Chấp nhận hoàn toàn mọi hình thức sống
Babuji cũng thấy rằng việc sẵn sàng khuất phục ý muốn
của Master chỉ là sự khởi đầu của tuân phục. Còn nhiều điều ở phía trước. Để nhận
thức về linh hồn, tuân phục là chấp nhận hoàn toàn mọi hình thức sống.
Ở đầu kia của phổ, một linh hồn vô minh luôn bồn chồn,
bị thôi thúc bởi sự chống đối. Những thử thách hiện diện, những bất công, những
tổn thương và những trở ngại cảm xúc. Người ta thường có quan điểm rằng “Tôi
đúng, tôi biết, và quan điểm của tôi là trên hết” hoặc “Tại sao anh ta lại phản
bội tôi? Thật nhẫn tâm làm sao!”
Tuân phục có khiến chúng ta cảm thấy dễ bị tổn thương
không? Có! Nó có đưa chúng ta ra khỏi vùng an toàn của mình không? Có! Nhưng những
thách thức mà cái tôi mang lại cũng vậy. Ở trong lãnh địa của cái tôi có tốt
hơn không? Không! Chỉ có điều là chúng ta đã quen với nó và phần nào chúng ta cảm
thấy niềm tin và thái độ của mình là chính đáng. Bản chất tiến hóa của yatra
(hành trình tâm linh) là loại bỏ tất cả những mô thức này.
Saranagati phát
triển cùng với hành trình tâm linh, từng chút một, khi các lớp nhiễm ô và phức
cảm tan biến, trước hết là từ 5 luân xa của Vùng Trái tim, sau đó từ mỗi luân
xa kế tiếp trong Vùng Tâm trí. Để làm được điều này đòi hỏi lòng dũng cảm, một
thuộc tính được củng cố ở Luân xa 4, vì vậy chấp nhận, quy thuận, khiêm tốn và
tầm thường sẽ dễ dàng hơn một khi Luân xa 4 được đánh thức. Rất may, điều này xảy
ra trước khi chúng ta đến Vùng Tâm trí, nơi chúng ta phải đối đầu với các vòng của
cái tôi với mọi bám chấp mà cái tôi đã tích tập, hết vòng này đến vòng khác.
Nhưng phải đến khi tới điểm hợp lưu quan trọng tại Luân xa 9, tuân phục mới thực
sự bừng nở. Ở đây chúng ta phó thác hoàn toàn cho Master và không còn khao khát
bất cứ điều gì ở thế giới này hay thế giới bên kia. Bổn phận của Master là kiên
quyết nỗ lực đưa chúng ta tiến xa hơn.
Khi chúng ta tiến sâu hơn vào Vùng Tâm trí, gánh nặng cái
tôi tan biến, cho phép chúng ta tự do bay vút lên cao, cho phép ý thức mở rộng
vô hạn. Năng lượng bị co rút và kìm nén được phép biểu hiện vì vậy chúng ta cảm
thấy hoàn toàn hoà hợp với chính mình và tìm thấy niềm hạnh phúc bên trong.
Nhưng cuộc hành trình tiếp diễn cũng chính là lý do vì
sao đôi khi chúng ta cảm thấy khó chịu với quá trình tuân phục. Tại mỗi luân xa
và luân xa phụ, khi các nút thắt được Master nới lỏng, những ràng buộc của cái
tôi lần lượt tan biến. Sự tuân phục xảy ra với chúng ta không phải do chúng ta làm
thông qua quá trình này, và sẽ luôn có một mức độ va chạm nào đó liên quan đến
việc tháo gỡ các nút thắt. Cách chúng ta phản ứng với sự va chạm mới là quan trọng:
chúng ta chấp nhận nó như một liều thuốc đắng cho hạnh phúc của bản thân hay
chúng ta phản ứng với nó?
Ngoài ra, các giai đoạn trên cuộc hành trình cũng gắn liền
với việc buông bỏ những gì xảy ra trong thiền, cả những gì đạt được và những gì
siêu vượt. Nếu không, việc dành nhiều thời gian hơn mức độ cần thiết với bất kỳ
trạng thái nào sẽ làm trì hoãn hành trình của chúng ta. Đi vào bên trong là
cách duy nhất chúng ta có thể trở nên tuân phục; đó là thái độ bên trong.
Chấp nhận có nghĩa là quy thuận toàn bộ sự tồn tại – cả
những thứ thích và không thích. Trên thực tế, chúng ta vượt lên cảm giác thích
và không thích, có nghĩa là chúng ta vượt ra khỏi nhị nguyên, vượt ra ngoài
Vùng Trái tim. Chúng ta trở nên ôn hòa, trung lập, cân bằng và tĩnh tại bên
trong. Chỉ khi đó những quyết định của chúng ta mới thực sự chính xác. Không
còn quá trình lựa chọn của chấp nhận và tuân phục. Vì vậy, tuân phục là kết quả
do nỗ lực của chúng ta trong tu tập dưới sự dẫn dắt của một Master có năng lực,
chứ không phải là nỗ lực của cá nhân hay của nhóm.
Ích kỷ co hẹp tự ngã, trong khi tiến hóa mở rộng tự
ngã, buông bỏ những ràng buộc của cái tôi. Có một trò chơi giữa co hẹp và mở rộng;
giữa “tôi” và “Ngài”. Điều này xảy ra khi chúng ta đi qua Vùng Tâm trí. Với sự mở
rộng, chúng ta tìm thấy hạnh phúc chân chính, với sự co hẹp bị điều khiển bởi
cái tôi, chúng ta cảm thấy đau khổ. Cuối cùng, khi tuân phục và mở rộng chiếm
ưu thế, chúng ta trải qua sự biến đổi về chất lượng của ý thức.
Lưu ý rằng căn cước tính là sáng tạo của linh hồn cá
nhân; phần còn lại là sáng tạo của Thượng đế. Vì vậy, thứ duy nhất chúng ta thực
sự phó thác cho Thượng đế là cái tôi. Ở hình thức thấp nhất của nó, cái tôi thể
hiện là tự cao, tự ái, kiêu ngạo, thống lĩnh, bướng bỉnh, cứng nhắc về niềm tin
và thái độ, mất cân bằng tinh thần như lo âu và trầm cảm. Nó cũng gắn liền với thích
nổi trội và nỗi sợ gắn liền với sự tự vệ. Vì vậy, chúng ta càng tuân phục, những
tính cách và đặc điểm này càng mất đi.
Một vấn đề khác mà chúng ta có thể gặp phải là sự hoài
nghi, thuốc độc đối với tâm linh. Và vấn đề thứ ba, là sự tò mò thường xuyên và
thiếu kiên nhẫn luôn muốn biết. Chúng ta sẽ tìm hiểu những cách thức mà các
khía cạnh này hạn chế sự tuân phục vào lúc khác.
Từ vị kỷ đến vị tha, từ nghiệp đến phi
nghiệp
Trong Bhagavad Gita, Đấng Krishna đã nói với Arjuna về
việc giao nộp thành quả hành động của chàng cho Đấng Thiêng liêng với sự cống
hiến và hiến dâng. Nếu chúng ta làm theo lời khuyên của Ngài, ý định đó sẽ dẫn
đến hành động vị tha và làm tan biến mọi ích kỷ xung quanh những gì chúng ta
nghĩ, nói hoặc làm. Kết quả là kỹ năng hành động. Nhưng điều làm thay đổi cuộc
sống của chúng ta còn hơn cả hành động vị tha là mọi hành động của chúng ta đều
toả ra hương thơm của tình yêu. Nghiệp (karma) trở thành phi nghiệp (akarma). Tình
yêu (bhakti) được truyền vào mọi yếu tố của nghiệp. Nó chảy qua mọi nguyên tử trong
con người chúng ta.
Ví dụ, chúng ta đều biết sự khác nhau giữa bữa cơm được
nấu bằng tình yêu của mẹ và bữa cơm nấu do bị ép buộc. Tình yêu làm nên sự khác
biệt. Với sự tuân phục, mọi việc nhỏ đều được thực hiện với tình yêu. Thực ra, với
sự tuân phục, ngay cả tình yêu cũng được thăng hoa.
Quy thuận Master chỉ là bước đầu
Đấng Christ đã nói: “Không ai có thể đến được với Cha
Ta mà không qua Ta”. Đấng Krishna nói, "Hãy theo Ta, Ta sẽ dẫn ngươi đến đó."
Trong Phật pháp có “Buddham Saranam Gacchami,” có nghĩa là “Tôi quy y Đức
Phật”. Khi chúng ta nghe những phát biểu như vậy, bề ngoài họ có vẻ kiêu ngạo.
Nhưng hãy nghĩ về nó từ góc độ mối quan hệ cha và con, khi người cha trìu mến
nói: “Hãy làm theo những điều cha căn dặn”. Điều tương tự cũng đúng với mẹ. Mục
đích là mang lại phúc lợi cho chúng ta bằng tình yêu thương và sự trong sáng.
Chỉ khi sự hồn nhiên trong những con chiên của Chúa Jesus phù hợp với sự vô nhiễm
của Ngài thì giả kim thuật mới xảy ra. Ngược lại, khi có sự phản ứng “Tại sao
tôi phải tuân phục? Tại sao tôi phải qua ông ấy?” thì giả kim thuật sẽ không thể
xảy ra.
Tại sao phải tuân phục? Bởi vì yêu nghĩa là tuân phục.
Không phải theo nghĩa thất bại, mà theo nghĩa tiến hóa siêu vượt cái tôi cá
nhân, khi đó, căn cước tính của chúng ta chuyển từ “tôi” sang hoà nhập với “Ngài”.
Lalaji Maharaj nói rằng đây, fana, là giai đoạn
hấp thụ đầu tiên, Ngài mô tả là “hoàn toàn quên mất bản thân và rút sự chú ý khỏi
các giác quan. Sự thu rút này giống như tình trạng chết. Sự khác nhau giữa trạng
thái này và chết là ở chỗ trong sự chết không có gì, không có sự hiện diện của
bất cứ thứ gì trước người chết, còn fana là Trạng thái Hiện diện. Điều
này có nghĩa là trạng thái lãng quên đến mức người tìm kiếm hoàn toàn mất hút trong
cái Một, Mục tiêu, phần còn lại anh ta giống như người đã chết. Đây là Trạng
thái Hiện diện.”
Và Babuji đã viết trong một lá thư, “Một abhyasi đã
quan sát và chia sẻ rằng chị ấy không còn cảm thấy niềm tin cũng như tình yêu
nơi Master. Càng ngày người ta càng cảm thấy trạng thái này giống như chìm đắm
trong sự hòa nhập. Cuối cùng, ‘nó là cái nó là’ còn lại. Chị ấy đã vượt ra
ngoài trạng thái fana-e-fana [trạng thái tâm linh của ‘sự chết của cái
chết’] và ở trong trạng thái Baqa [sự tồn tại vĩnh viễn trong Thượng đế].
Baqa cũng nên được hoà nhập và diễn tiến này tiếp tục đi xa hơn nữa.”
Vì vậy, tuân phục là một diễn tiến liên tục và quy thuận
Master chỉ là bước đầu.
Nhận thức
Tuân phục chỉ có giá trị khi nó xảy ra trong sự nhận
thức, tuân phục không có nhận thức giống như tiêm prasad (thức ăn
thiêng) vào tĩnh mạch của bệnh nhân hôn mê.
Hai câu thơ tuyệt hay của nhà thơ Sufi người Ấn-Ba Tư,
Amir Khusrau (1253-1325):
Ôi Khusrau, biển tình ngang
trái.
Kẻ bơi chết đuối, kẻ chết
đuối dạt vào bờ.
Và câu thơ khác của Kabir Saheb:
Khi tôi thấy tôi, Thượng
đế không ở đó; khi tôi thấy Ngài, chẳng thấy bóng dáng tôi.
Con đường tình ôi sao quá hẹp, không đủ lối cho cả hai người.
Cả hai câu thơ trên đều nói lên thực tế rằng saranagati
là sự lu mờ hoàn toàn của cả trái tim và tâm trí. Nhưng nhận thức vẫn còn vì
linh hồn là nhân chứng: atman (linh hồn cá nhân) tan hòa vào đại dương Brahman,
nhận thức trong ý thức vũ trụ.
Nghịch lý của tuân phục và ý chí tự do
Quay trở lại điểm xuất phát, tuân phục tạo ra nỗi sợ hãi
và chống đối trong hầu hết chúng ta. Nó giống như việc không chuẩn bị cho bài
kiểm tra – chúng ta tự nhiên thấy lo sợ. Trong những thử thách cuộc đời, khi
chúng ta đã làm tốt mọi việc thì còn đâu sợ hãi? Chấp nhận và tuân phục sẽ nảy
sinh một cách tự nhiên.
Nhưng ngay cả khi chúng ta đã được chuẩn bị, nếu không
khao khát trạng thái saranagati thì nó sẽ không đến. Sự tuân phục cũng
chỉ đến khi chúng ta coi mình là bầy tôi tầm thường của Thượng đế.
Chúng ta cần cả ý chí và tuân phục trên hành
trình đạt tới đỉnh cao. Điều này có vẻ khó hiểu và nghịch lý, nhưng trong Lời
thì thầm từ Cõi sáng Babuji nhắc nhở chúng ta rằng tuân phục và ý chí bổ
sung cho nhau chứ không hề mâu thuẫn.
Làm thế nào để có được cả hai? Trong Reality at
Dawn Babuji nói với chúng ta rằng:
“Tuân phục không gì khác
hơn là trạng thái hoàn toàn buông xuôi trước ý muốn của Master, hoàn toàn không
quan tâm đến bản thân mình. Ở lâu trong trạng thái này dẫn đến sự hình thành trạng
thái phủ định.
Khi chúng ta tuân phục Master
vĩ đại, chúng ta liên tục thu hút dòng sức mạnh Thần thánh cao nhất từ Ngài.
Trong tình trạng này, một người chỉ nghĩ hoặc làm những gì theo ý muốn của Master.
Anh ta cảm thấy không có gì trên đời thuộc về mình, mọi thứ đều là sự tin tưởng
thiêng liêng nơi Master, anh ta làm mọi việc nghĩ rằng đó là mệnh lệnh của Master.
Ý chí của anh ta trở nên hoàn toàn phục tùng ý muốn của Master.”
Sự thay đổi nằm ở căn cước tính của chúng ta – cái
tôi. Khi cái tôi nhận diện với Master và Thượng đế, ý chí của chúng ta bắt đầu
phù hợp với ý muốn của Ngài. Trước hết nó phù hợp với ý muốn của Master, và sau
đó nó được nhập vào ý muốn của Ngài. Điều này xảy ra khi chúng ta hoàn toàn tin
tưởng rằng Thượng đế luôn bảo vệ chúng ta.
Vì vậy, hãy quan sát bản thân – suy nghĩ, hành động và
phản ứng của bạn. Nếu bạn muốn thứ gì đó nhưng Master của bạn lại muốn thứ
khác, đó là một dấu hiệu cho thấy rằng bạn vẫn chưa tuân phục. Nếu bạn phản ứng
với quan điểm hoặc hành vi của người khác, đó cũng là dấu hiệu cho thấy bạn vẫn
chưa tuân phục. Tôi không nói rằng bạn phải đồng ý với họ, nhưng bạn đáp lại với
thái độ đồng tình, trung lập, cởi mở lắng nghe và chấp nhận, hay bạn luôn sẵn
sàng thách thức?
4 S
Chúng ta có thể phát triển đức tin, sự khiêm tốn, thu hút ân sủng và phát triển sự hài lòng bằng cách làm theo 4S:
1. Sadhana – thực hành tâm linh
2. Smaranam – thường niệm
3. Satsangh – hạnh ngộ tâm linh (thiền nhóm); ở với Thực tại
4. Shastras – đọc thánh thư
Trong một thông điệp của Lời thì thầm nhận vào
lúc 10 giờ sáng Thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, Babuji nói, “Mọi người đều được
giúp đỡ tùy theo tiếng gọi và mức độ tuân phục của họ trước các quyền năng cao
hơn, cũng như với Master mà họ đã chọn để giúp họ tiến bộ.”
Chúng ta có thể biểu thị điều này về mặt toán học như
sau:
Sự
giúp đỡ ∝ (tỷ lệ với) mức độ tuân
phục
Có một gợi ý trong phương trình này rằng tuân phục
giúp chúng ta tiết kiệm thời gian quý báu; chúng ta được giúp đỡ tùy theo mức
độ tuân phục của mình. Con đường của chúng ta, tuân phục là bắt buộc. Sự
gieo truyền và tất cả các thực hành Heartfulness đều hỗ trợ cho nó. Chúng ta bắt
đầu nhận diện với cái cao nhất, cho chúng ta một góc nhìn khác về cuộc sống. Kết
quả là, chúng ta sẵn sàng giải phóng những ràng buộc với thế giới – những phức
tạp do chính chúng ta tạo ra.
Sự phủ định hoàn toàn
Babuji nói với chúng ta rằng mục đích tồn tại của
chúng ta là sự phủ định hoàn toàn, nó bắt đầu khi saranagati đạt đến tột
đỉnh. Như Ngài gợi ý, “Hãy huỷ diệt sự sáng tạo của bạn và sự sáng tạo của Ngài
sẽ xuất hiện.”
Hãy tự vấn:
Có thể nào Giác ngộ mà
không phủ định?
Có thể nào phủ định mà
không tuân phục?
Có thể nào tuân phục mà
không chấp nhận?
Có thể nào chấp nhận mà
không yêu?
Có thể nào yêu mà không giao
hòa?
Có thể nào giao hoà mà
không mến mộ?
Có thể nào mến mộ mà
không trải qua?
Có thể trải qua mà không
thực hành?
Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này dĩ nhiên là
“không”.
Vì vậy, mọi thứ đều bắt đầu từ thực hành – các phương
pháp thiền Heartfulness đơn giản với dòng truyền, thanh lọc và cầu nguyện. Cũng
giống như nước, ánh nắng mặt trời và phân bón là cần thiết ở mọi giai đoạn phát
triển của cây, từ hạt giống, đến cây non đến cây trưởng thành. Cùng một phương
pháp giúp chúng ta tiến bước ở mọi giai đoạn của hành trình tâm linh.
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh
Thông điệp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Babuji Maharaj
Nguồn: file:///D:/HFN%202023/3-DICH%20HFN/NAM%202024/Thang%204/April-Bhandara-Message2024-EnglishV3.pdf