2 tháng 2, 2024

Hãy vui vẻ

“Hãy là abhyasi hạnh phúc, tỏa sáng. Con không chỉ nên để con tim bộc lộ mà còn thể hiện rằng việc đi theo con đường tâm linh là một việc làm cao cả khiến con hạnh phúc, ngay cả khi cuộc sống thế tục của con không hề dễ dàng. Nếu con đã hiểu rõ con đường này dẫn đến đâu, con nên sống với những bất hạnh của mình mà không bị ảnh hưởng sâu đậm…”
— Lalaji Maharaj, Chủ nhật, ngày 27 tháng 6 năm 1999—10 giờ sáng

“Đừng nghĩ rằng tiến hoá tâm linh đồng nghĩa với nỗi buồn; chúng ta vui vẻ, đừng quên điều đó.”
— Lalaji Maharaj, thứ Hai, ngày 14 tháng 8 năm 2000—5 giờ chiều

“Hãy mạnh mẽ và hạnh phúc, con biết rõ rằng 'niềm vui thu hút ân sủng.' Vậy thì hãy bình thản và mỉm cười vì tình yêu của Ta.”
— Babuji Maharaj, Chủ nhật, ngày 14 tháng 6 năm 1998—11:30 sáng


Pujya Babuji đã xác định sự tự nguyện là điều kiện duy nhất để thực hành Sahaj Marg. Đối với tôi, “tự nguyện” có nghĩa là thực hành với niềm vui. Một trái tim vui vẻ, hạnh phúc sẽ tự động thu hút ân sủng. Ngược lại, một trái tim không tự nguyện, bị đè nặng bởi cay đắng, giận dữ và ham muốn, sẽ làm chệch hướng của những cơn mưa ân sủng từ trên cao. Các Master muốn chúng ta vui vẻ tham gia vào sự biến đổi bản thân. Dưới đây là các nguyên tắc được đưa ra với mục đích nuôi dưỡng niềm vui:

1. Tháo bỏ điều kiện của cha mẹ, cộng đồng và bản thân chúng ta.

Trạng thái cảm xúc của chúng ta có xu hướng bị điều kiện bởi thích và không thích, cũng như các giá trị thâm căn cố đế từ các nguồn bên ngoài, chẳng hạn như cha mẹ và cộng đồng, cũng như từ trải nghiệm sống của chúng ta. Làm sao niềm vui có thể bén rễ trong một trái tim chỉ có thể hạnh phúc khi được đáp ứng những điều kiện nhất định?

Babuji nói rằng: “Một người hạnh phúc là người hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh”. Niềm vui là vô điều kiện. Nó bừng nở khi chúng ta không đặt ra yêu cầu nào về việc đáp ứng những điều kiện nhất định. Trong trạng thái ham muốn, hạnh phúc dựa trên mong đợi được thỏa mãn. Nếu ham muốn không được thỏa mãn, chúng ta thất vọng và chán nản. Con lắc cảm xúc của chúng ta chuyển từ hạnh phúc sang khổ đau. Khi hạnh phúc là có điều kiện, nếu điều kiện không được đáp ứng, hạnh phúc sẽ không bao giờ đến. Người khôn ngoan là người nhận ra sự phù phiếm của ham muốn. Cuối cùng, người tìm kiếm nhận ra rằng niềm vui đích thực không phụ thuộc vào bất cứ đối tượng thế tục nào.

Với dòng truyền, ngay từ đầu, người hành thiền trải nghiệm các trạng thái cao hơn, tự động tạo ra sự thiếu hứng thú, sự buông bỏ với những thú vui thấp kém hơn. Sự phân biệt tự nhiên về cái cao hơn và cái thấp hơn là tinh tuý của Viveka. Tiếp đó, sự buông bỏ tự động tiến hoá thành sự từ bỏ, Vairagya. Các phương pháp truyền thống đã thất bại vì chúng không thể tạo ra các trạng thái cao hơn ở người tìm kiếm. Không có trải nghiệm về điều gì đó cao hơn, sự từ bỏ không mang lại niềm vui bởi vì người tìm kiếm thấy rằng sự từ bỏ chỉ tước đoạt của họ thú vui trần tục mà không thay thế nó bằng thứ gì đó tinh tế hơn. Họ không chịu nổi FOMO, “sợ bỏ lỡ cơ hội”. Sự tin chắc rằng con người trần tục có nhiều niềm vui thích hơn và trải nghiệm những niềm vui lớn hơn bắt nguồn từ một trái tim dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện văn hóa và cá nhân. Đó là lý do tại sao theo truyền thống, người xuất gia sống cuộc đời trong rừng, xa lìa mọi cám dỗ bên ngoài có khả năng đánh thức các cơ quan thụ cảm samskara và kéo họ trở lại cuộc đời trần tục.

2. Đừng kỳ vọng!

Đừng tìm kiếm sự hoàn hảo lý tưởng ở người khác. Hãy tưởng tượng các cặp đôi cãi nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Họ không đủ can đảm để chia tay, và cuộc sống của họ không có niềm vui. Tìm kiếm sự hoàn hảo ở người khác, đặc biệt là ở những người thân yêu và không tìm thấy chúng như mong muốn, có thể nhanh chóng dẫn đến sự chán ghét và kết quả là tình cảm lạnh nhạt. Sự lãnh đạm này là một kiểu tự sát. Người kia có thể cố gắng thay đổi hoặc giả vờ thay đổi bằng nụ cười giả tạo, thái độ giả tạo và hành vi sai trái, nhưng sau đó sự dối trá bắt đầu chiếm ưu thế. Điều này tạo ra một môi trường là hình ảnh thu nhỏ của sự giả dối và kiêu mạn. Kết luận là: Để vui vẻ thì ĐỪNG kỳ vọng.

3. Không bao giờ bán chác.

Đây là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Tuyên bố rằng: “Tôi đã làm những gì có thể” và phủ nhận trách nhiệm cao hơn, khiến cho niềm vui tan biến. Hào phóng cho đi tạo ra niềm vui, còn keo kiệt làm cho niềm vui cạn kiệt. Bạn càng làm nhiều điều vì tình yêu cho người khác, bạn càng muốn cho đi nhiều hơn. Khước từ tình yêu hoặc phụng sự cho đến khi đòi hỏi được đáp ứng sẽ tạo ra một trận sóng thần đau khổ. Thật là đáng buồn khi một người nói rằng: “Tôi đã rất yêu cô ấy nhưng cô ấy không đáp lại”. Chúng ta phải hiểu rằng chúng ta chỉ có thể cho đi và không bao giờ được đòi hỏi bất cứ gì từ người khác, nếu không việc cho đi sẽ trở thành sự bán chác. Sự bán chác có thể mang lại niềm vui nhất thời nhưng không bao giờ là niềm vui đích thực. Người ta thậm chí còn không tha cho các vị thần, hoặc nữ thần trong đền thờ. Ở đó, hoạt động chính vẫn là sự mặc cả: “Lạy Thánh thần, nếu Ngài cho tôi cái này, tôi sẽ làm cái kia cho Ngài." Bạn không xấu hổ khi bán chác như vậy với Vị thần mà mình phụng sự và yêu mến sao? Hay bạn làm nó chỉ vì động cơ ích kỷ? Khi trong thâm tâm bạn biết mình là kẻ lừa dối, liệu niềm vui có thực sự nảy nở không? Lừa dối người khác cuối cùng chỉ là lừa dối chính mình.

4. Hãy biết ơn tất cả.

Lòng biết ơn thường nảy sinh khi những gì chúng ta nhận được vượt quá mong đợi. Làm thế nào chúng ta có thể duy trì vĩnh viễn trạng thái biết ơn? Đó là không có bất cứ kỳ vọng nào. Khi đó, chúng ta kinh nghiệm mọi thứ đến như là một phần thưởng và đón nhận chúng với lòng biết ơn. Cảm thấy hài lòng là tốt, nhưng lòng biết ơn còn có tầm quan trọng cao hơn vì nó nhận ra mọi thứ xảy ra đều là một món quà, một cử chỉ yêu thương từ Đấng Yêu dấu. Coi tất cả các món quà như Phước lành Thiêng liêng sẽ tạo ra mối liên hệ sâu sắc với Người tặng và khi đó có niềm vui ngập tràn.

5. Thực hiện đầy đủ cam kết với bản thân và những người thân yêu.

Bạn không thể tận hưởng trọn vẹn đồ trộm cắp. Nếu bạn ăn trộm một quả xoài, hương vị của nó sẽ không ngọt ngào như quả xoài bạn có được một cách chân chính. Cố gắng che đậy sự nặng nề bên trong bằng sự tự hào và thích thú vì đã ăn trộm, nhưng đó chỉ là để thanh minh cho tội lỗi. Tương tự, bỏ bê bổn phận thiêng liêng đối với bản thân và người khác sẽ cướp đi quỹ thời gian cần thiết để hoàn thành trách nhiệm này. Thay vào đó, giờ đây, các hoạt động mà chúng ta tham gia sẽ mất đi sự ngọt ngào và cùng với nó là nỗi buồn vì đánh mất cơ hội tiến hóa.

Ngược lại, việc hoàn thành bổn phận thiêng liêng mang lại niềm vui vô bờ bến. Niềm vui được coi là trạng thái sattva. Nó gắn liền với hoạt động tinh tế, trái ngược với tamas theo đuổi thú vui hoặc rajas theo đuổi tham vọng. Bất cứ hoạt động nào cũng trở thành sattva khi được thực hiện trong ý thức thiêng liêng. Điểm này rất quan trọng bởi vì, là những người khao khát tâm linh, chúng ta đặt một chân trong Cõi sáng và một chân trên Cõi thế. Không phải mọi hoạt động thế tục vốn là sattva, nhưng thông qua Thường niệm, chúng ta có thể tiến hành mọi hoạt động theo cách sattva, với niềm vui. Trong trạng thái buông bỏ bên trong, hành động của chúng ta không có động cơ bán chác. Chúng ta tham gia vào các hoạt động với sự vui tươi, thực hiện chúng vì giá trị nội tại của chúng thay vì mong đợi lợi ích cá nhân hoặc theo đuổi những mục đích ẩn giấu. Cuộc sống của người từ bỏ tràn ngập sự vui tươi và niềm vui. Đây là một khía cạnh của nishkam karma, hành động vô mong cầu.

6. Học cách tha thứ.

Liệu niềm vui có thể cùng tồn tại với cay đắng hoặc báo thù? Chúng ta phải học cách tha thứ. Tha thứ có nghĩa là rộng lượng, một phẩm chất trú ngụ trong trái tim cao thượng của người từ bỏ chân chính. Hãy nhớ đến câu chuyện nổi tiếng về Đấng Krishna, Karna và Arjuna: Arjuna, kẻ thù của Karna, đã hỏi Đấng Krishna về lý do tại sao Karna lại có tiếng là hào phóng. Đấng Krishna đã tạo ra hai núi vàng và yêu cầu Arjuna tặng hết số vàng đó trong vòng một ngày. Arjuna tranh đấu để cho đi số vàng. Dù ông có cho đi bao nhiêu chăng nữa, những núi vàng dường như vẫn không vơi đi chút nào. Đến cuối ngày, hai núi vàng vẫn còn nguyên. Đấng Krishna gọi Karna đến và yêu cầu ông cho đi hai núi vàng. Karna nói với hai người đầu tiên đi ngang qua: “Núi vàng này là của anh, núi vàng kia là của anh.” Ông đã hoàn thành công việc trong vài giây chỉ bằng hành động từ bỏ. Một người từ bỏ chân chính hoàn toàn không có “cái của tôi”, nên sự hào phóng của họ trở nên vô biên.

Tha thứ cũng là một hành động vị tha, ở đó chúng ta không dính mắc với những gì đã bị lấy đi khỏi chúng ta. Khi buông bỏ và từ bỏ, cay đắng không thể tồn tại. Tha thứ trở nên tự nhiên và tự động.

7. Không chứa chấp ghen tị, đố kỵ, cũng không thành kiến.

Chúng ta không được chứa chấp những chất độc đó trong tim. Khi người khác sở hữu những thứ chúng ta muốn, điều đó nhắc nhở chúng ta về những gì chúng ta thiếu, và chúng ta có thể nuôi lòng cay đắng với người đó. Và kết quả là hận thù. Đây cũng là hệ quả của “cái của tôi”, một biểu hiện của cái tôi.

Babuji coi thành kiến ​​là “chướng ngại lớn nhất trên đường đi”. Nó phát sinh từ niềm kiêu hãnh và là một biểu hiện khác của cái tôi. Thay vào đó, Babuji khuyên chúng ta nên nuôi dưỡng sự khiêm tốn, nhắc nhở chúng ta, “Thượng đế ở trong mỗi người, vì vậy không có lý do gì để hận thù ai”.

8. Tìm kiếm nhiều hơn nữa của ít hơn nữa.

Niềm vui là sự nhẹ nhàng. Đó là được trút bỏ gánh nặng, không bị điều kiện, thoát khỏi ham muốn và dửng dưng với các đối tượng của chúng. Đây là sự nhẹ nhàng và tự do mà saranagati mang lại. Không có gì ngoài niềm vui. Toàn bộ dòng chảy của cuộc sống đều hướng tới sự buông bỏ, hay tự do. Chỉ có trái tim vô ham muốn mới không mang theo chút gánh nặng nào. Vì vậy, chúng ta tìm kiếm nhiều hơn nữa của ít hơn nữa.

Phương pháp là quy thuận. Tại sao quy thuận lại cần thiết cho sự bừng nở của một trái tim vui vẻ? Chỉ khi quy thuận, chúng ta mới có thể trút bỏ được gánh nặng, buông bỏ tất cả những gì chúng ta đã phụ thuộc, đang đè nặng trong lòng chúng ta.

Đấng Krishna: “… hãy nương tựa vào một mình Ta. Ta sẽ giải thoát ngươi khỏi mọi tội lỗi…”

Đấng Christ: “Ta là đường đi, sự thật và sự sống”.

Babuji Maharaj: “… hãy bình thản và mỉm cười vì tình yêu của Ta.”

Mặc dù những phát biểu trên có vẻ mang tính tự cao, nhưng bản thân các bậc thầy đã thoát khỏi cái tôi. Trong hành động quy thuận, chúng được biến đổi. Cầu nguyện không thể xảy ra nếu không có lòng biết ơn và saranagati. Thiếu saranagati nghĩa là vẫn còn rào cản nào đó giữa người tìm kiếm và Thượng đế. Bức tường này tạo ra sự ngăn cách giữa Đấng Tạo hóa, Đấng Hằng hữu và cái được tạo ra. Trong tình trạng đó, liệu có sự dung thông giữa hai chiều kích này không? Nếu cơ chế dung thông không thể thực hiện được thì làm sao chúng ta có thể mong đợi có được sự hợp nhất hoàn toàn? Cái toàn thể luôn có sẵn từ Đấng Tạo hóa. Điểm mấu chốt là: “Tôi có sẵn khiêm tốn và tình yêu một cách ngang bằng” không? Sự khai tâm thực sự xảy ra khi chúng ta chuyển từ trạng thái abhyas, một người tu tập, trở thành một người quy thuận hoàn toàn.

Babuji từng viết cho Chariji, “Ta muốn nhìn thấy sự lấp lánh trong trái tim của abhyasi.” Là một người thực hành Sahaj Marg, tôi tự hỏi: “Làm cách nào tôi có thể khiến điều đó xảy ra trong chính mình? Làm thế nào tôi có thể tạo ra sự lấp lánh trong trái tim mình? Tại sao những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời ý thức của tôi vẫn bị mây che khuất?”

Việc hình thành những đám mây với mật độ khác nhau, một số do cái tôi, một số do vô minh, và một số do sự bùng phát không ngừng của đủ loại ham muốn đen như khói. Suốt cuộc đời mình, chúng ta mải miết chạy theo khung cảnh sắc màu của bầu trời ý thức. Bi kịch thay, nó khiến chúng ta mải miết, phụ thuộc vào thứ này hay thứ khác. Khi chúng ta quy thuận, buông bỏ cái tôi, những đám mây tan biến và chúng ta trở thành hoàn toàn bất tuỳ thuộc.

Chúng ta quy thuận như thế nào? Babuji trả lời: “Hãy tạo ra sự phụ thuộc”.

Khi chúng ta chỉ phụ thuộc vào Ngài, tất cả những thứ khác sẽ mất đi ảnh hưởng đối với chúng ta. Sự tồn tại có điều kiện của chúng ta trở thành vô điều kiện và chúng ta được tự do. Khi chúng ta quy thuận theo đúng nghĩa, sự phụ thuộc vào thế giới sẽ tan biến. Chỉ khi đó sự lấp lánh và rực rỡ của trái tim mới xuất hiện. Từ trái tim ấy tỏa ra hương thơm của niềm hân hoan.

9. Hãy hòa hợp với thiên nhiên.

Hòa hợp với Thiên nhiên là kết quả của “nhiều hơn nữa của ít hơn nữa”. Babuji viết: “Thiên nhiên là tinh tuý của sự đơn giản”. Trong khi thanh lọc buổi tối, chúng ta loại bỏ những nhiễm ô và phức cảm. Bằng việc loại bỏ những nhiễm ô, chỉ còn lại sự thuần khiết. Bằng việc loại bỏ sự phức cảm, chỉ còn lại sự giản đơn.

10. Hãy để lòng từ bi dành cho người khác, không chỉ cho riêng bạn.

Vì công lý phải vô tư nên lòng từ bi cũng phải như vậy. Nó phải mở rộng đến tất cả mọi người mà không thành kiến, thiên vị hay phân biệt. Từ bi với bản thân chỉ là một trong những biểu hiện của lòng từ. Nhưng nhiều người chỉ đi xa đến thế, bằng lòng với việc thương xót bản thân trong khi vô cảm với người khác. Đây không phải là “từ bi” theo đúng nghĩa mà chỉ là sự ích kỷ. Liệu chúng ta có thể vui vẻ trong khi những người xung quanh chúng ta đang đau khổ không? Trái tim con người không thể không bị ảnh hưởng bởi đau khổ của người khác. Các truyền thống tâm linh của thế giới đòi hỏi chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi và các thái độ vị tha khác của lòng nhân từ. Ví dụ, trong câu 33 Chương I của Kinh Yoga, Patanjali khuyên chúng ta phát triển sự thân thiện, từ bi, vui vẻ và không phân biệt đối với những người làm điều sai trái. Phật pháp coi bốn phẩm tính tương tự là brahma-vihara, hay vô lượng. Bốn phẩm tính này cũng có trong truyền thống Bhakti và Jain. Chúng được coi là những giá trị phổ quát.

11. Hãy để niềm vui, lòng biết ơn và sự khiêm tốn trở thành bầu không khí nội tại của chúng ta. Chủ ý chọn một bầu không khí như vậy khiến trái tim bạn rộng mở.

Hiền triết Ashtavakra cho rằng những phẩm tính sau đây là đặc điểm nổi bật của khí hậu tiến hóa bên trong:

“Con trai của ta, nếu con tìm kiếm sự giải thoát, thì hãy tránh xa các đối tượng của giác quan như tránh xa tà độc và nuôi dưỡng lòng khoan dung, chân thành, từ bi, hài lòng và trung thực như là thuốc giải.”
— Ashtavakra Gita |I.2|

Niềm vui có nhiều cung bậc khác nhau, mỗi cung bậc nuôi dưỡng chúng ta ở một mức độ cụ thể. Anandam, hay hỷ lạc, là trạng thái thuần khiết, không pha tạp của nó. Trong khi, đối ngược với niềm vui là nỗi buồn, và đối ngược với hoan lạc là đau đớn, thì hỷ lạc không có cái đối ngược. Khi hạnh phúc được phản ánh ở mức độ vật lý, nó được trải nghiệm là hoan lạc nuôi dưỡng thân thô trọng. Khi được phản ánh trong hệ thống vi tế, nó được trải nghiệm là niềm hân hoan, nuôi dưỡng tất cả các thân vi tế. Ở dạng đích thực, anandam nuôi dưỡng thân nguyên nhân, anandamaya kosha. Sự biểu hiện của hạnh phúc trong anandamaya kosha là do nó gần gũi với atman, tiềm năng thuần tuý.

Biểu hiện của hạnh phúc càng thô trọng, sự thỏa mãn càng ít. Ví dụ, ký ức về niềm vui trong quá khứ thường khiến người ta thất vọng. Nó thúc đẩy ham muốn lặp lại trải nghiệm đó. Ngược lại, ký ức về niềm vui trong quá khứ có xu hướng tái tạo niềm vui đó ở hiện tại. Trước khi bắt đầu hành trình tâm linh, chúng ta có xu hướng nhận diện với hoan lạc ở mức độ cơ thể trước khi chuyển sang nhận diện với niềm hân hoan và cuối cùng là nhận diện với hỷ lạc. Nhưng để tiến tới atman, chúng ta phải siêu vượt sự nhận diện với hỷ lạc, vì atman vượt quá hạnh phúc.

Thực hiện quá trình chuyển đổi này là công việc của Master. Không thể từ bỏ hỷ lạc vì càng từ bỏ hỷ lạc tạo ra càng nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta phải phó thác công việc đó cho Master. Chúng ta nên tập trung vào việc tạo ra niềm vui cho bản thân bằng các phương pháp nêu trên. Chỉ bằng cách đạt đến niềm vui hoàn hảo, trạng thái anandam, chúng ta mới có cơ hội siêu vượt anandam, tiến vào cảnh vực của tiềm năng và hư không.

Yêu thương và trân trọng,

Kamlesh

Thông điệp kỷ niệm 151 năm ngày sinh của Lalaji Maharaj

Nguồnhttps://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2024/Basant-Message2024-English.pdf