3 tháng 8, 2023

Làm thế nào để không hình thành dấu ấn

Chúng ta đừng bận tâm về những samskara trong quá khứ. Hãy để nó cho Master. Hãy sống tỉnh thức hơn.

Chúng ta đưa ra Sankalpa (gợi ý) – “Tất cả anh chị em trên toàn thế giới đang phát triển suy nghĩ đúng đắn, hiểu biết đúng đắn và cách tiếp cận trung thực đối với cuộc sống.” Sankalpa này áp dụng cho chúng ta đặc biệt là với cá nhân.

Chúng ta thanh lọc hàng ngày là tốt. Nhưng Babuji rất thất vọng. Ngài muốn chúng ta tiến bộ. Làm thế nào để tiến bộ nhanh? Làm thế nào để loại bỏ samkara nhanh hơn? Tôi sẽ nói rằng cần phải thanh lọc, khi samskara đi ra, bạn sẽ tiến rất nhanh. Điều đó có nghĩa là bạn không để cho bất kỳ samskara nào được hình thành trong thói quen hàng ngày của mình. Làm thế nào điều đó xảy ra? Khi bạn nghĩ đúng, hiểu đúng và tiếp cận trung thực với cuộc sống, bạn sẽ không hình thành bất kỳ dấu ấn nào. Nghĩ đúng sẽ không làm bạn phân tâm và làm hỏng trái tim của bạn. Chỉ có suy nghĩ sai lầm mới phá hủy sự bình yên của tâm trí.

Tôi có thể cho bạn một ví dụ – vợ hoặc chồng của bạn đi làm về trễ, bạn bắt đầu nghĩ lung tung. “Tại sao hôm nay anh ấy về muộn?” hoặc “Tại sao hôm nay cô ấy về muộn?” “Anh ấy có mối quan hệ với cô nào khác không? Có phải anh ấy đi uống rượu? Có phải anh ấy ném tiền vào bài bạc?” Và khi anh ấy về đến nhà, bạn bắt đầu tra hỏi người bạn đời của mình. “Anh đã đi đâu? Anh đã làm gì.” Vậy, đây là suy nghĩ sai lầm. Bạn chất chứa trong mình những sai trái trong cuộc sống. Và bạn cần tạo ra một môi trường bên trong hoà hợp đến mức bạn không tạo thành dấu ấn. Suy nghĩ sai lầm làm uế nhiễm tâm. Khi đó, việc thanh lọc trở nên rất khó khăn.

Tương tự đối với hiểu lầm. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một câu chuyện hay. Có một vị thầy nổi tiếng về sự vĩ đại, những giáo huấn và sự chính trực. Một ngày nọ, đức vua đến gặp vị thầy và thỉnh cầu: “Ngài có thể thu nhận tôi làm đệ tử không?” Vị thầy từ chối nhà vua rằng, “Ta không thể nhận ông làm đệ tử. Năm sau ông hãy đến.” Sự việc cứ thế lặp đi lặp lại năm này qua năm khác và vị thầy đã từ chối thu nhận nhà vua làm đệ tử. Nhà vua rất bực bội, “Đây là loại thầy gì vậy? Phải có gì đó sai trái với ông ta. Ta phải tìm cho ra sai trái đó là gì.” Vì vậy, nhà vua cử mật thám theo dõi vị thầy.

Thói quen hàng tuần của vị thầy là sang bên kia sông. Tịnh xá của ông ở bên này sông. Ông thường đến thăm một ai đó ở bên kia sông, mỗi tuần một lần. Ông chèo thuyền qua sông và đợi. Ông ngồi dưới gốc cây, và đến tối, một người đàn bà sẽ tới. Ông ngả đầu vào lòng người đàn bà và bà ta sắp đồ ăn cho ông. Hai người họ không nói nhiều. Ông ấy ngủ trong lòng bà ta một lát, chừng nửa tiếng rồi quay trở về tịnh xá. Nhà vua đã bắt được ông ấy với những cảnh đầy kịch tính. Vua bắt đầu đổ lỗi cho vị thầy, “Ông là loại người gì vậy? Ông hẹn hò với người ta mà lại còn đi rao giảng về đức hạnh! Ông đến đó, ngủ trong lòng bà ta, và ông cũng uống rượu. Ông mới xấu xa làm sao.”

Vị thầy nói, “Thưa đức vua, ngài sẽ hối hận vì hiểu biết của mình và những tuyên bố như vậy đối với tôi. Tuần tới, ngài hãy đi theo tôi.” Nhà vua đã đi theo và nhìn thấy mọi chuyện từ đằng xa. Đó là một bà lão, mẹ của vị thầy. Nhà vua quỳ xuống dưới chân vị thầy và nói: “Xin ngài hãy tha thứ cho tôi.” Vì vậy, hiểu lầm cũng tạo ra rất nhiều dấu ấn. Hiểu lầm và suy nghĩ sai lầm đi đôi với nhau.

Tương tự như vậy, một người tham lam làm điều sai trái, anh ta không trung thực. Và với sự không trung thực, bạn liên tục hình thành dấu ấn. 

Tất cả những điều này ảnh hưởng nặng nề đến bạn. Bất cứ điều gì chúng ta làm theo trật tự tự nhiên hiếm khi gây ra dấu ấn cho chúng ta và do đó dấu ấn không hình thành. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta có suy nghĩ sai lầm thì nó không phải là tự nhiên. Hiểu lầm là phi tự nhiên. Không trung thực cũng là phi tự nhiên. Đó là lý do tại sao Babuji lặp lại một điều đơn giản, “Hãy thuận Tự nhiên” – bản chất của chính chúng ta. Bất cứ hành động nào mang lại cho bạn sự bình yên, bất cứ suy nghĩ nào mang lại cho bạn sự bình yên, đều đáng để suy ngẫm. Bất cứ điều gì lấy đi sự bình yên của bạn đều là không tốt, nó sẽ hình thành dấu ấn.

Daaji