29 tháng 4, 2023

Trở thành con Người đích thực của bạn

Bạn thân mến. Mục tiêu tâm linh chúng ta hướng đến thông qua thực hành Heartfulness, như Pujya Babuji đã định nghĩa, là “hoà nhập hoàn toàn với Thượng đế”. Thực tế của mục tiêu này vượt xa mô tả trên, bởi sự mô tả chỉ thể hiện được giới hạn khả năng nhận thức của chúng ta về nó. 


Mục tiêu, sự hợp nhất với Thượng đế, ngụ ý sự hoà nhập giữa Thượng đế và con người. Để sự hợp nhất xảy ra, phải có một mức độ đồng nhất giữa hai thực thể: Chỉ những gì giống nhau mới hoà được vào nhau. Do đó, con người phải đạt đến một trạng thái có phẩm tính giống hệt Thượng đế. Đó là lý do tại sao con đường tâm linh đòi hỏi chúng ta phải tập trung vào sự biến đổi con người, tức là, dần dần trở nên tinh tế hơn để cuối cùng tương xứng với sự tinh tế tối thượng của Thượng đế. Sự hoà nhập chỉ có thể xảy ra trong phạm trù tinh tế của chúng ta, loại bỏ sự thô trược hoặc các khía cạnh thấp hơn của con người. Do đó, các Master vĩ đại khuyên chúng ta trau dồi phẩm hạnh của mình. Chúng ta coi sự tiến hóa như là một tiến trình phát triển từ ý thức động vật sang ý thức người và cuối cùng là ý thức thần thánh. Để đạt được phương vị ý thức cao hơn, những khuynh hướng thấp hơn, cảm xúc và ham muốn - ở một mức độ nào đó, có trong mọi con người do quá khứ tiến hóa tập thể - phải mất đi.

Hiểu về nhu cầu vượt lên những phẩm tính thấp hơn không chỉ dành riêng cho tâm linh; mà toàn bộ nền văn minh nhân loại dường như nhận ra đây là nhu cầu bức thiết. Xã hội loài người, dưới ảnh hưởng của khuynh hướng động vật, hung dữ và huyên náo. Tôn giáo hoạt động như một lực lượng điều tiết với bộ đôi công cụ, sợ hãi và cám dỗ, khiến chúng ta sợ hãi những lời dọa dẫm về địa ngục và cám dỗ chúng ta bằng những lời hứa hẹn về thiên đường. Xã hội thế tục cũng sử dụng bộ đôi công cụ sợ hãi và cám dỗ, ban thưởng cho lòng vị tha bằng sự tôn vinh, trừng phạt thói hư tật xấu và ích kỷ bằng sự sỉ nhục của xã hội. Bằng cách này hay cách khác, cùng một thông điệp đến với chúng ta từ mọi phía: Hãy vượt lên những khuynh hướng cơ bản của bạn. Cho dù động lực của chúng ta là xã hội hay tâm linh, chúng ta vẫn chịu áp lực lớn phải vượt lên những khía cạnh thấp hơn và chỉ phô ra phần đức hạnh của mình. Vì thế, một gánh nặng lớn đè lên vai cá nhân không biết cách nào vượt qua những khuynh hướng mà họ tìm cách thoát ra. Chúng ta trở nên sợ hãi những khía cạnh thấp nhất của bản thân đến mức chúng ta có khuynh hướng đàn áp chúng. Cái tôi không thừa nhận những phẩm tính đáng sợ này và tách chúng ra khỏi con người xã hội, thay vào đó, cất chúng vào tiềm thức. Tuy nhiên, những phẩm tính này vẫn còn bên trong chúng ta.

Cái tôi tạo nên tính cách của chúng ta, định nghĩa diện mạo của chúng ta hay con người hữu thức. Cái tôi là một từ ngữ được dùng để chỉ cái biết có mình hoặc bản sắc cá nhân của một người. Trong Yoga Sūtras, khái niệm này được gọi là asmitā, có nghĩa là “Tôi là”. Trong Bhagavad Gītā, tập trung vào hành động, cái tôi được gọi là ahaṅkāra, một từ ngữ để chỉ “người hành động” cá nhân, một tính năng được duy trì bởi cái biết về diện mạo. Cả hai từ ngữ - amsitāahaṅkāra - là những tên gọi khác nhau của cái tôi. Điều quan trọng cần lưu ý là, cái tôi cung cấp cho chúng ta cái biết về diện mạo cá nhân, nhưng bản thân nó lại không có diện mạo thật. Diện mạo thật là linh hồn - purusa hay ātman. Nhưng diện mạo thật này bị che khuất bởi diện mạo hư giả - con người do cái tôi dệt nên. Con người (persona) là một từ ngữ, trong tiếng Latin cổ, có nghĩa là "mặt nạ". Mặt nạ phô ra diện mạo hư giả trong khi che lấp khuôn mặt thật ở bên dưới nó. Do đó, con người cá nhân có thể được hiểu là sự mạo danh con Người thật - linh hồn. Theo Yoga, nhầm lẫn con người cá nhân với con Người đích thực là vô minh căn bản cần phải vượt qua. Yoga là quá trình chuyển từ con người cá nhân sang con Người. Ý tưởng của yoga cho rằng cái tôi tạo ra con người cá nhân thông qua quá trình đồng hoá hay nhận diện nó với các thuộc tính, đối tượng và hành động - các yếu tố của tính cách hoặc con người hư giả. Ví dụ, khi chúng ta nhận thấy sự có mặt của lòng hào phóng trong tim, cái tôi nhận diện nó với phẩm tính cao quý này và tuyên bố, “Tôi hào phóng.” Vì thế, sự hào phóng được cho là của con người và chúng ta cảm thấy rằng tôi hào phóng. Tin rằng tôi hào phóng biến sự hào phóng bản nhiên của chúng ta thành hào phóng giả tạo.

Nhà tâm thần học người Thụy Sĩ, Carl Jung, đã dành nhiều tâm huyết tìm hiểu về bản chất của con người do cái tôi bịa đặt ra. Cái hiểu của ông về con người là nó bao gồm cả cách chúng ta nhìn nhận bản thân và cách chúng ta thể hiện bản thân với người khác, giống như nhân vật được diễn viên thủ vai, có thể được nhận diện bằng mặt nạ của nó. Chúng ta là những diễn viên quá nhập tâm vào vai diễn và quên đi mất thân phận thực của mình.

Cái tôi dựng lên một hàng rào ngăn cách phạm trù ý thức và vô thức của con người. Một trong những đóng góp quan trọng của Jung là cái nhìn sắc sảo của ông rằng, cái tôi có tính chọn lọc cao đối với những gì nó chọn nhận diện với và những gì nó từ chối đưa vào con người. Điều gì xảy ra khi chúng ta nhận thấy một phẩm tính đáng ghét trong con người mình - chẳng hạn như sự tàn ác? Đối với một người khao khát tâm linh, cái tôi “tâm linh” của họ sẽ không muốn nhận diện nó với phẩm tính tiêu cực này. Vì thế, phẩm tính tiêu cực đó sẽ không được phép có một chỗ đứng trong con người hữu thức. Thay vào đó, điều gì xảy ra? Phẩm tính tiêu cực này, sự tàn ác, sẽ bị chối bỏ và bị đàn áp. Nó được cất vào những góc khuất tiềm thức, ở đó nó được ôm ấp và củng cố. Cuối cùng, nó sẽ bùng nổ, có lẽ gây ra cú sốc lớn cho cá nhân liên quan. Những gì bị chối bỏ đưa vào con người chắc chắn sẽ đi vào tiềm thức, cho dù đó là tính chất động vật thấp hơn, ham muốn không thể chấp nhận được, hành động cấm kỵ hoặc sự nghi ngờ Master, hệ thống hay Thượng đế. Jung gọi tập hợp những cảm xúc bị chối bỏ và bị đè nén này là “cái bóng” và nhấn mạnh sự cần thiết phải thừa nhận sự có mặt của nó, hoà nhập nó với con người hữu thức.

Có một cảnh trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, tập Đế chế phản công, ở đó Luke Skywalker được thầy của mình, Yoda, hướng dẫn đi vào một khu rừng âm u để đối diện với nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất của anh ta. Khi ở trong rừng tối, Luke chạm trán với một kẻ thù, người mà chẳng mấy chốc được bộc lộ là cái bóng của chính anh ta - con người trong bóng tối của anh ta - kẻ mà anh ta đánh bại trong trận chiến. Bài học rút ra là, chúng ta chỉ có thể vượt qua khoảng tối bên trong mình bằng cách đối diện với nó, chiếu ánh sáng của sự tỉnh giác vào góc khuất tiềm thức.

Ý tưởng này mang lại chiều sâu mới cho mô tả của Swami Vivekananda về tâm linh, khi mở rộng lớp màng nhận thức hữu thức xuyên qua đại dương tiềm thức và siêu thức bao la. Mở rộng nhận thức hữu thức của chúng ta xuyên qua vô thức có nghĩa là biết được nội dung của vô thức. Chúng ta không được phép đàn áp những phẩm tính tiêu cực của mình mà thay vào đó, hãy đối diện với chúng, thành thật chấp nhận sự có mặt của chúng; chúng ta không được sợ nhận diện mình với chúng. Dĩ nhiên, không cần phải lăng xê cái bóng của bạn. Thay vào đó, hãy âm thầm chấp nhận sự có mặt của chúng bên trong bạn như là bước đầu tiên để vượt lên những phần của con người bạn, mà khiến bạn sợ hãi hoặc lấn át bạn. Sự cần thiết phải đối diện với cái bóng không thường xuyên được đề cập trong các đàm luận yoga. Ví dụ, một trong những lý do mà Osho vẫn còn gây tranh luận cho đến ngày nay là vì ông khảng khái công nhận và nói về sự có mặt của những khuynh hướng cơ bản của con người và những phương tiện mà ông sử dụng để giải quyết chúng. Tuy nhiên, chúng ta có thể chấp nhận và vượt qua cái bóng bên trong mình mà không cần dùng đến các phương pháp có vấn đề về đạo đức hoặc củng cố những phẩm tính đó thông qua sự phô bày chúng.

Trong bình giảng về chân ngôn thứ mười của mình, Babuji đề nghị chúng ta nên dành một chút thời gian trước khi đi ngủ và với đôi mắt rưng rưng, thành khẩn đặt những bất toàn của bản thân dưới chân Master vĩ đại, cầu xin sự giúp đỡ và tha thứ. Hãy xem điều gì xảy ra trong tình huống này: Đó chẳng qua là sự nhận ra sâu sắc những lỗi lầm của mình, đến mức khiến chúng ta phải rơm rớm nước mắt. Hành động thuần tuý này đạt được lý tưởng của Jung trong việc hoà nhập cái bóng vào con người. Với cảm giác, “Thưa Master kính yêu, đây là những gì con là,” chúng ta giao phó con người hiện tại cho sự săn sóc của ngài để tan hoà vào dòng chảy thiêng liêng. Đây là nghĩa thực của khái niệm vô diện mạo trong yoga.

Mọi người thường hiểu lầm gợi ý của Yoga rằng, chúng ta ngừng nhận diện với bất cứ thứ gì ngoại trừ con Người đích thực. Kết quả là, họ đàn áp những gì họ cho là phi đạo đức hoặc phi tâm linh. Vô diện mạo có nghĩa là, bất kể chúng ta là gì, chúng ta luôn nhận diện nó trong mối liên hệ với Master vĩ đại - một mối quan hệ phụ thuộc.

Trong mọi tình huống và tâm trạng, chúng ta luôn khắc ghi sự phụ thuộc của mình vào Đấng Thiêng liêng. Với sự thẳng thắn, hãy dâng trọn bản thân cho Ngài: “Đây là những gì con là. Xin hãy giúp con biến đổi bản thân con.” Babuji gọi đây là sự sám hối. Sám hối vượt lên trên việc đối diện với những lỗi lầm của mình và dâng chúng cho Master. Sám hối chân thật cũng là dâng những đức hạnh và phẩm tính cao quý của chúng ta cho ngài, bởi vì nếu chúng ta muốn bước vào cõi thanh tịnh tối thượng, chúng ta không thể mang theo bất cứ thứ gì, dù xấu hay tốt. Babuji khuyến khích chúng ta đạt đến tình trạng nghèo nàn bằng cách chuyển toàn bộ gánh nặng của chúng ta cho ngài, cho dù gánh nặng đó là sự giàu có hay thiếu hụt tâm linh. Như Babuji đã viết, khi di chuyển bằng tàu hoả, bạn giao hành lý nặng của mình cho người gác tàu để không vướng víu và tiện lợi; tương tự như vậy, trên hành trình tâm linh, chúng ta phải giao hành lý nặng của con người hữu thức và vô thức - con người và cái bóng - cho Master.

Thiền mở rộng nhận thức của chúng ta, cho phép chúng ta nhận ra cái bóng trong góc khuất tiềm thức. Nhưng nó đòi hỏi lòng can đảm để đối diện với những cái bóng bên trong chúng ta và thừa nhận rằng chúng là một phần của chúng ta, cũng như những phẩm tính thanh tịnh (sattvic) mà chúng ta sở hữu. Hãy nhớ rằng bạn có sức mạnh của Master vĩ đại hậu thuẫn. Khi bạn liên tục hướng về ngài và giao phó cả lỗi lầm và điểm mạnh của mình cho ngài săn sóc, cả con người và cái bóng sẽ tàn lụi, cho phép con Người đích thực nhập vào Cội nguồn và cuối cùng về đến ngôi nhà xưa của nó.

Yêu thương và trân trọng,

Kamlesh

Thông điệp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Babuji Maharaj