Bạn thân mến. Người ta nói rằng Ramdas Swami, thầy của Shivaji, thuật lại thiên anh hùng ca Ramayana theo cách thần tình đến nỗi Hanuman đã ngụy trang để có mặt lắng nghe.
Đang say sưa nghe chuyện, Hanuman giật bắn người. Trút
bỏ lớp ngụy trang, ông ấy đứng dậy và nói, “Thưa ngài, tôi rất vui khi nghe câu
chuyện của ngài, vì đối với tôi không gì thích hơn là nghe kể chuyện về Chúa tể
của tôi, nhưng tôi rất tiếc phải nói với ngài rằng có một tình tiết không chính
xác. Những bông hoa trong vườn của Ravana không phải màu trắng như ngài đã tả
mà là màu đỏ. Tôi biết điều này là thật, bởi vì đích thân tôi đã có mặt ở đó và
tận mắt nhìn thấy chúng”.
Cái hay trong lời kể của Ramdas là ông được thiên phú cho
khả năng thấu thị. Ông không chỉ kể lại Ramayana như nhiều người vẫn làm; ông
đã tận mắt nhìn thấy nó, giống như
Sanjaya trong Bhagavad Gita, và tả lại những gì ông nhìn thấy. Với sự tự tin cùng
với khả năng tri giác, Ramdas giải thích với Hanuman rằng ông ấy chắc hẳn đã nhớ
nhầm tình tiết này, bởi vì những bông hoa chắc chắn là có màu trắng.
“Vậy chúng ta hãy đưa vấn đề này lên Chúa Rama,”
Hanuman tuyên bố, và họ bay đi.
Sau khi lắng nghe ý kiến của cả hai, Chúa Rama nói,
“Ta rất tiếc, nhưng ta không thể giải quyết tranh chấp của hai ngươi. Các ngươi
thấy đấy, ta đã không có mặt vào lúc đó”.
Họ rút lui khỏi sự hiện diện của Rama và Hanuman nói,
“Chúng ta hãy đến thăm Mẹ Sita. Bà có thể xác minh những bông hoa đó có màu đỏ."
Họ trình bày vấn đề với Sita, và bà nói, “Ramdas đã nói
sự thật. Những bông hoa đó trắng tinh. Chúng không hề có màu đỏ."
"Làm sao lại như thế được?" Hanuman thắc mắc.
“Bề tôi đã tận mắt nhìn thấy những bông hoa màu đỏ.”
“Đúng vậy, ngươi đã nhìn thấy những bông hoa
màu đỏ,” Sita giải thích, “nhưng lúc đó tầm nhìn của ngươi bị cơn thịnh nộ che khuất,
khi người vừa phát hiện ra rằng ta là tù nhân của Ravana. Đó là lý do tại sao
những bông hoa màu trắng lại được ngươi nhìn thấy là màu đỏ”.
Hanuman tức giận đến nỗi cơn thịnh nộ đã khiến tầm
nhìn của ông ấy bị sai lệch. Ngay cả những bông hoa trắng cũng hiện ra đỏ rực.
Ngay lập tức ông ấy bước vào trạng thái maya,
ảo tưởng, và do đó nhận thức cái thực như là huyễn, và cái huyễn như là thực.
Đó là một trạng thái hiểu sai do suy nghĩ không đúng gây ra.
Tương tự, giả sử một du khách sợ tối đi bộ một mình trong
đêm. Anh ta nhìn thấy một con đom đóm nhỏ đang bay và tưởng nó là ma, sau đó
anh ta nhìn thấy một sợi dây và nhầm nó với con rắn. Một người đàn ông nói chuyện
điện thoại với sếp giữa đêm khuya và vợ anh ta kết luận rằng anh ta không chung
thủy. Trong cả hai trường hợp, thực tế của hoàn cảnh không được nhìn thấy, vì
nó bị nhìn nhận qua bộ lọc của suy nghĩ không đúng. Cả hai viễn cảnh đều bắt đầu
với những ẩn số: không rõ nguồn ánh sáng, không rõ đặc điểm của sợi dây, một
người không rõ danh tính trên điện thoại. Mỗi khoảnh khắc chúng ta đều phải đối
diện với những ẩn số, nhưng không cần thiết phải cho phép ảo tưởng phát triển.
Babuji Maharaj đã nhận ra nguyên nhân của ảo tưởng này. Lý do chúng ta không thể nhìn thấy
cái thực là thực, nguyên nhân của suy nghĩ sai lầm và hiểu biết không đúng, là
hành lý bên trong chúng ta mang theo - samskara
của chúng ta.
Samskara là dấu ấn của những trải nghiệm mang tính cảm
xúc mạnh mẽ đã ăn sâu vào ý thức của chúng ta và lưu dấu trong tiềm thức, gây ảnh
hưởng ngầm lên cuộc sống của chúng ta và khiến chúng ta nhìn thực tại hiện tiền
qua lăng kính của kinh nghiệm quá khứ. Những cảm xúc và khuôn khổ suy nghĩ cũ của
chúng ta chất chồng lên thực tại hiện tiền, vì thế tầm nhìn trở nên sai lệch.
Kho ký ức cảm xúc này giờ đây điều kiện hóa cái nhìn của chúng ta về các sự kiện.
Nó giống như chúng ta nhìn thế giới qua các lăng kính màu.
Tôi nhớ đến bộ phim The Wizard of Oz, mọi thứ trong thành phố Oz được cho là có màu
xanh lục bảo - nhưng đó chỉ là ảo ảnh. Oz cũng giống như bất kỳ thành phố nào
khác. Ảo tưởng màu xanh lục được duy trì bởi vì mọi cư dân đều được phát cho cặp
kính có mắt màu xanh lục, mà lúc nào họ cũng phải đeo. Cặp kính màu khiến người
dân có ấn tượng sai lầm rằng thành phố có màu xanh lục.
Đó là câu chuyện hư cấu, nhưng cái nhìn về đời thực của
chúng ta cũng méo mó như vậy. Những sai lệch mà chúng ta trải qua trong cuộc sống
còn tồi tệ hơn bởi vì, không giống như cư dân Oz, tầm nhìn của họ chỉ bị che khuất
bởi một cặp kính màu, chúng ta có nhiều bộ lọc che mờ nhận thức của chúng ta. Một
cặp kính có thể dễ dàng được tháo ra, nhưng những bộ lọc của chúng ta ăn sâu đến
nỗi linh hồn mang chúng theo cùng với ý thức của chúng ta từ kiếp sống này sang
kiếp sống khác. "Cặp kính" chúng ta đeo không phải là một màu, mà là đa
màu, khiến mắt kính gần như mờ đục. Hơn nữa, các bộ lọc này chỉ đơn thuần là bật
lên không báo trước. Khi ánh sáng của thực tại chiếu vào ý thức bị che khuất,
chúng ta sống trong bóng tối, một kiểu địa ngục.
Samskara làm sai lệch nhận thức của chúng ta, và khiến
chúng ta đánh giá mọi thứ là tốt hoặc xấu. Chúng ta đánh giá thứ này là đẹp và
thứ kia là xấu; một số người là thánh thiện và những người khác là phàm phu.
Chúng ta bỏ lỡ sự thật rằng sự thánh thiện ở khắp mọi nơi, rằng vẻ đẹp ở khắp mọi
nơi. Sự phán xét nằm trong con mắt của người phán xử. Chúng ta chất chồng những
phán xét lên thực tại. Cái nhìn không thiên lệch thực sự là nhìn mọi thứ như chúng
là, không có cộng hoặc trừ, không có phán xét hay diễn giải ở bình diện cảm
xúc. Tầm nhìn xuất hiện khi mọi bộ lọc biến mất và các thánh thư của chúng ta định
nghĩa cái nhìn thuần khiết này là darshan.
Hầu hết mọi người hiểu darshan theo nghĩa giới hạn của
nó, cụ thể là, trông thấy một vị thánh. Nhưng nhiều người đã trông thấy Chúa
Krishna trong suốt cuộc đời ngài và hiếm có một ai nhìn thấy ngài như ngài là. Vậy,
thực chất thì ai đã có darshan của ngài? Điều này nhắc tôi nhớ đến câu nói của
Babuji: "Nhiều người đến gặp tôi nhưng không ai thực sự nhìn thấy
tôi."
Nhiều người căm ghét Chúa Krishna. Chỉ một số ít yêu kính
ngài. Duryodhana hạ bệ ngài, gọi ngài là pháp sư. Arjuna ái mộ ngài, nhưng chỉ
coi ngài như một người bạn. Ngay cả Radha, với tình yêu bao la và sự tôn thờ
dành cho Krishna, cũng không nhìn nhận ngài với đầy đủ tầm vóc của ngài như là
Chủ tể của Vũ trụ. Mọi người nhìn ngài bằng một góc nhìn khác. Không ai nhìn thấy
toàn bộ sự thật.
Điều này là bởi vì mỗi người là duy nhất. Trong số
hàng tỷ người trên thế giới này, hãy tưởng tượng chúng ta cùng mang theo bao
nhiêu dấu ấn, bao nhiêu điều kiện hóa chúng ta mang lại cho thời gian chung của
chúng ta trên Trái đất và có bao nhiêu quan điểm cá nhân. Tựu chung lại, kết quả
là sự bất đồng và chia rẽ.
Chúng ta không phải luôn như thế này. Khởi thủy, mỗi ý
thức là giống hệt nhau. Cái nhìn thuần khiết về thực tại đã toàn nhiên phổ hiện.
Sự khác nhau len lỏi cùng với suy nghĩ sai lầm, và chúng ta bắt đầu tạo ra những
thế giới nhỏ bé của riêng mình. Babuji mô tả những thế giới nhỏ bé của chúng ta
như những ốc đảo - những ốc đảo biệt lập và tách khỏi sự thống nhất, hướng tới tính
cá nhân, sự cô lập và sự tồn tại do cái tôi định hướng.
Cái tôi, về bản chất, tự cho nó là trung tâm, và củng
cố sự tồn tại của nó. Nỗi sợ hãi lớn nhất của cái tôi là danh tính của nó bị hủy
hoại. Từ quan điểm của cái tôi, ngay cả cái chết thể xác còn thích hơn là cái
chết của nó. Bận tâm với việc duy trì sự tồn tại của nó, cái tôi luôn muốn nhìn
thấy nó, như thể soi mình trong gương để đảm bảo rằng nó vẫn còn sống.
Làm sao cái tôi có thể nhìn thấy nó khi bản thân nó
không có diện mạo riêng? Câu trả lời là cái tôi nhận dạng nó với các đối tượng
có thể biết được, có thể nhận thức được và ở bên ngoài đối với người biết chủ quan.
Chỉ vào một cái gì đó bên ngoài, nó tuyên bố, "Tôi là cái đó," và nó hài
lòng. Bằng cách này, cái tôi có thể nhận dạng nó với tâm trí, cơ thể, hoặc thậm
chí những thứ bên ngoài tổ chức con người, chẳng hạn như văn hóa, ngôn ngữ, mùi
vị, tài sản, v.v.
Hồi đáp một bức thư, Babuji từng viết: “Thật tốt khi bạn
muốn có darshana của maha-purushas (các
thánh). Cố gắng có được darshana của chính mình còn tốt hơn." Để có được darshan
của Tự ngã đích thực, người ta phải vứt bỏ những huyễn danh mà cái tôi nhận lấy.
Nhưng cái tôi rất gắn bó với những huyễn danh của nó. Khi những danh tính đó bị
đe dọa, cái tôi có thể lao tới tấn công. Hãy tự hỏi bản thân xem bạn cảm thấy
thế nào khi thứ gì đó mà bạn coi là một phần của mình bị chỉ trích, như tôn
giáo, quốc gia, cộng đồng, gia đình của bạn, v.v. Sức mạnh của cảm giác đó là mức
độ nhận dạng của cái tôi - những chiếc mặt nạ của danh tính đích thực.
Cái tôi bảo thủ là kẻ hủy diệt sự thống nhất. Khi làm
việc trong một nhóm, những người khác có thể muốn làm khác với bạn. Nếu bạn cứ khăng
khăng với ý tưởng của mình, ngay cả những đề xuất mang tính xây dựng của người
khác cũng sẽ giống như sự đe dọa. Hãy tưởng tượng mọi người trong nhóm áp dụng
phong cách làm việc “theo cách của tôi không thì đi chỗ khác”! Hãy tưởng tượng
kết quả sẽ như thế nào! Các quan điểm khác nhau là lành mạnh khi chúng ta linh
hoạt và tránh các cuộc ẩu đả của cái tôi.
Tác phong làm việc tự phụ ngăn dòng năng lượng thần
thánh đến từ công việc của Master. Nếu dòng năng lượng thần thánh đụng phải lực
cản bên trong chúng ta, thì sẽ tạo ra ma sát. Những hiện tượng chẳng hạn như
"giật" trong khi thiền là một dấu hiệu của sự kháng cự trong thân tâm.
Cái tôi và samskara là đối tác của nhau. Samskara hình
thành khi chúng ta phản ứng theo cảm xúc. Cái tôi là yếu tố phản ứng trong
chúng ta, kích hoạt sự hình thành samskara. Tại sao cái tôi phản ứng? Nó phản ứng
khi một trong các danh tính của nó được đề cao hoặc bị đe dọa. Phản ứng này là ưa
thích hoặc không ưa thích. Cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực được tạo ra trong phản
ứng đó sẽ trở thành dấu ấn.
Theo cách tương hỗ, samskara xác định các đối tượng mà
cái tôi nhận dạng. Vì vậy, cái tôi và samskara là đồng sáng tạo maya, lọc nhận thức của chúng ta và bóp
méo cái nhìn của chúng ta về thực tại.
Cây số phận mọc lên từ hạt giống samskara trồng trên mảnh
đất cái tôi. Samskara tạo ra ý định trong trái tim và tâm trí thực hiện ý định
đó. Các khuynh hướng và hoạt động của tâm trí được gọi là những vritti (biến trạng). Những vritti lại điều
khiển pravritti (khuynh hướng) của
chúng ta. Cùng nhau, vritti và pravritti tô màu prakriti (bản chất) của chúng ta với những phẩm tính của ba guna - sattva (tịnh), raja (động) và tama (u tối).
Tùy vào những phẩm tính trong bản chất mà chúng ta tiếp
tục lặp lại các hoạt động nhất định. Một tín đồ ăn uống thích đến nhà hàng. Một
người lướt sóng thích đuổi theo những con sóng. Một người nghiền phim thích đến
rạp chiếu phim. Những hoạt động như vậy tích lũy các loại samkara nhất định,
tùy theo bản chất của mỗi người. Sự hoạt động không ngơi nghỉ và sự tích lũy samskara
từ kiếp sống này sang kiếp sống khác mang lại cho bản chất của chúng ta một
danh tính lớn hơn. Đây là những gì chúng ta hiểu như là prarabdha (số phận).
Chúng ta là người tạo ra số phận cá nhân của mình,
nhưng cũng có một số phận tâm linh - một số phận chỉ có thể được thực hiện khi
chúng ta làm biến mất những thế giới do chính mình sáng tạo và tạo ra pralaya (sự tan biến) của cái tôi.
Chính vì mục đích này mà hiền triết Patanjali vĩ đại
đã đưa ra con đường Yoga, bằng cách đó chúng ta có thể phủ nhận các vritti mà mặc
định sẽ định đoạt số phận của chúng ta và khiến chúng ta quay cuồng trong vòng
xoáy maya. Đó cũng là mục đích mà Pujya Babuji tạo ra các phương pháp để loại bỏ
samskara duy trì các vritti. Chit vritti
nirodh theo một nghĩa nào đó là trạng thái Yoga. Nuôi dưỡng các vritti sẽ
không bao giờ giải cứu được chúng ta, đó là lý do tại sao nó là a-yogya (không thích hợp), không phải
Yoga.
Thật không may, khuynh hướng của cái tôi là bảo vệ sự
sáng tạo của nó và nhận dạng nó với vritti,
pravritti, prakriti và prarabdha. Điều
này làm cho sự thay đổi trở nên khó khăn. Chariji Kính yêu từng nói, phàm phu
chỉ nhận ra sai lầm khi nhìn lại việc đã rồi; người trí thức nhận ra sai lầm
khi đang hành động; và bậc thượng trí nhìn thấy trước sai lầm để tránh chúng.
Làm thế nào để xếp hạng một người nhìn thấy sai lầm của
họ nhưng vẫn cố chấp cho rằng hành động của họ là đúng? Làm thế nào để một người
như vậy có thể thay đổi? Làm thế nào một người có thể tạo ra pralaya của họ khi họ quá bận rộn với những
sáng tạo của họ? Nó giống như đồng biến đổi thành vàng; làm thế nào để điều đó
xảy ra? Điều này có lẽ giải thích tại sao chúng ta thất bại thê thảm trong việc
thay đổi bản thân. Nó cũng có thể giải thích tại sao, trong sơ đồ 23 vòng tròn
của Babuji, các vòng của cái tôi hỗ trợ các vòng của maya.
Sahaj Marg mang đến cho chúng ta phương pháp rèn luyện
nội tâm để làm chủ một lối sống cho phép chúng ta thực hiện những nhiệm vụ cao
cả mà không hình thành samskara. Loại bỏ gánh nặng samskara là dễ dàng. Sự tích
lũy samskra trong ngày được loại bỏ trong quá trình Thanh lọc buổi tối. Samskara
quá khứ của kiếp sống này được người hướng dẫn thanh lọc trong các sitting. Samskara
từ các kiếp sống trước được loại bỏ trong bhandara (lễ kỷ niệm sinh nhật
Master), trong satsangh (thiền nhóm), trong sự hiện diện vật lý của Master, và,
nếu abhyasi tận tâm họ sẽ đến layavastha,
bất cứ lúc nào.
Ngăn chặn sự hình thành dấu ấn là một thách thức lớn
hơn. Để tránh những dấu ấn khi sống trong thế giới này cũng giống như tránh bụi
than khi ở trong mỏ than, hoặc tránh bị ướt khi đi trong mưa bão. Chúng ta
không thể tránh mưa, nhưng chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi bị ướt bằng cách mặc
áo mưa. Điều gì có thể đóng vai trò như chiếc “áo mưa” cho tâm trí và trái tim,
để chúng không bị ảnh hưởng ngay cả khi rối loạn cảm xúc? Thường niệm là bộ áo giáp được
thấm đẫm tình yêu dành cho Chúa tể.
Thường niệm là bộ lọc duy nhất. Nó lọc bỏ những dấu ấn
trước khi chúng làm nhiễm ô ý thức của chúng ta. Với mái che bảo vệ của sự
khiêm nhường, thường niệm liên tục gạn lọc cái tôi và cứu chúng ta khỏi tác động
của những thành kiến, để đích đến tâm linh luôn ở trong tầm nhìn. Ngay cả những
điều thế tục và hão huyền cũng trở nên thiêng liêng và phi thường khi nhận thức
của chúng ta đắm chìm trong tình yêu dành cho Master. Nếu Thượng đế là thần
thánh, thì sự sáng tạo của Ngài cũng là thần thánh, như Nguồn suối và nước suối
là một. Mọi thứ đều trở nên thiêng liêng.
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh
Thông điệp kỷ niệm 123 năm ngày sinh Babuji Maharaj
Nguồn: https://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2022/bhandara-message/Bhandara-April2022-Message-English.pdf?fbclid=IwAR0sO25VFh8VlSV5qxb0MfKoKckukjCPv6dJGN-bHgf8kvKBw9kT-qqawj4