22 tháng 12, 2021

Thanh lọc và điều chỉnh tâm trí

Tôi không biết liệu người phương Tây có nhận ra rằng tất cả các vấn đề ngày nay mà thế giới phải đối mặt, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển về khoa học, về công nghệ - vấn đề ô nhiễm, vấn đề tham nhũng, vấn đề sức khỏe đều bắt nguồn từ tâm trí, và thông qua tâm trí.

Tôi nêu ra vấn đề này bởi vì khi chúng ta nói về yoga, mọi người thường có khuynh hướng nói, "Giá trị của yoga là gì?" Họ muốn biết khả năng ứng dụng của yoga trong cuộc sống ngày nay là gì. Cũng có một khuynh hướng chung làm hạ giá yoga như một thực hành không thể áp dụng cho các xã hội ngoại trừ xã hội cổ đại. Những giáo lý của Thầy tôi được trình bày đặc biệt rõ ràng và chính xác để chứng minh cho thế giới thấy rằng yoga không chỉ dành cho xã hội cổ đại mà cho ngay cả xã hội phát triển cao nhất. Cơ sở cho điều này là thực tế rằng mọi thứ đều bắt nguồn từ tâm trí con người, do đó, trừ khi tâm trí được thanh lọc và điều chỉnh sự hoạt động của nó, và có định hướng xác định mà nó nên vận hành, thì tâm trí mới có thể hoạt động một cách hiệu quả, nhưng không nhất thiết phải vì lợi ích của nhân loại.

Tất cả chúng ta đều quen với việc sử dụng sức mạnh. Bản thân sức mạnh không xấu cũng không tốt. Nhưng dù là sức mạnh vật lý hay sức mạnh tinh thần, thì cách sức mạnh được sử dụng mới quyết định công dụng của nó đối với nhân loại. Và khi chúng ta nhận ra rằng mọi thứ đều bắt đầu từ tâm trí, cho dù phát minh khoa học hay lập luận triết học, dù có thể là bất cứ gì, thì chúng ta sẽ hiểu rằng nếu muốn chữa khỏi căn bệnh mà xã hội ngày nay đang phải đối mặt, thì chúng ta phải bắt đầu làm việc với tâm trí mà không phải ở ngoại vi của sự tồn tại.

Tôi muốn làm sáng tỏ rằng hiện nay yoga bị hiểu lầm nghiêm trọng, đặc biệt là ở phương Tây. Ở phương Tây, những gì mọi người thường nói về yoga, là hatha yoga, tất nhiên hatha yoga là tốt cho cơ thể. Tôi đặc biệt đề cập đến điều này bởi vì chúng ta hoạt động ở cấp độ nào, lực được sử dụng hay sức mạnh được áp dụng chỉ có thể hoạt động ở cấp độ đó. Khi chúng ta làm việc ở cấp độ vật lý, tác động chỉ có thể ở cấp độ thể chất. Vì vậy, trong hệ thống Sahaj Marg của yoga, được đặt trên nền tảng raja yoga, tột đỉnh của hệ thống yoga, sự nhấn mạnh là ở tâm trí và việc rèn luyện tâm trí bằng những phương pháp thích hợp. Master của tôi nói rằng khi chúng ta bắt đầu với cấp độ vi tế nhất của hành hoạt con người, thì tác động của sự thanh lọc hoặc sự điều chỉnh đó tự động thấm vào phần còn lại của thân-tâm, vào các cấp độ thô hơn của thân-tâm. Nó không chỉ là tự động, nó là tự nhiên. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta bắt đầu ở cấp độ thô hơn thì nó không nhất thiết phải tác động đến các cấp độ hoạt động vi tế hơn. Do đó, trong hệ thống Sahaj Marg, chúng ta bắt đầu với tâm trí.

Trong hệ thống Sahaj Marg có hai khía cạnh về việc rèn luyện tâm trí. Khía cạnh quan trọng nhất liên quan đến công việc của Master. Bằng việc liên tục suy nghĩ, bằng việc liên tục hoạt động, chúng ta khắc vào tâm trí những dấu ấn nhất định mà chúng ta tạo ra và những dấu ấn đó được hình thành bên trong chúng ta. Bởi vì thói quen được củng cố bằng sự lặp lại cùng một hành động, tương tự như thế, tâm trí cũng có khuynh hướng đi theo một hướng xác định do sự hình thành của những dấu ấn như vậy. Master của tôi nói rằng, bước đầu tiên trong yoga là thanh lọc tâm trí và loại bỏ những dấu ấn của quá khứ. Bước thiết yếu đó, bước đầu tiên đó, tất nhiên là chấp nhận công việc của Ngài và để cho Ngài làm việc trên chúng ta. Sau khi chấp nhận sự phụng sự của Ngài, bước thứ hai trong yoga là điều chúng ta phải tự làm. Master thường gói gọn điều này trong một từ duy nhất 'sự hợp tác'. Sự hợp tác rất dễ hiểu nhưng lại khó thực hiện. Để hợp tác thực sự, chúng ta phải chấp nhận rằng công việc của Ngài sẽ thành công; và thứ hai, chúng ta phải tuân theo các hướng dẫn và thực hành mà Ngài quy định cho chúng ta. Chúng ta có thể gọi bước thứ hai này là sự nhào nặn một con người tới một mức độ nhất định bằng chính nỗ lực của anh ta. Trong sự nhào nặn đó, dĩ nhiên là có những thực hành yoga mà chúng ta phải tuân thủ. Rồi, có những quy tắc đạo đức và phẩm hạnh thông thường được đặt ra, và giả sử rằng chúng ta có thể thực hiện được tất cả những điều này, thì chúng ta đã có thể bắt đầu thực hành yoga. Vì vậy, hệ thống Sahaj Marg, tên của hệ thống yoga mà chúng tôi thực hành, chấp nhận bất kỳ ai, bất kể điều kiện hay tình trạng tâm trí hiện tại của anh ta là gì, bởi vì quá khứ, gánh nặng của quá khứ, Master loại bỏ, và tương lai được chúng ta tạo ra bằng sự hợp tác với Ngài. Quá trình loại bỏ những dấu ấn ấy được gọi là ‘thanh lọc’.

Tất cả các bạn sẽ nhận ra rằng không có ích gì trong việc loại bỏ những dấu ấn của quá khứ nếu chúng ta cứ tiếp tục tạo ra những dấu ấn sâu hơn bằng suy nghĩ và hành động của mình. Vì vậy, sự tham gia của chúng ta trong giáo lý yoga này là nhào nặn cuộc sống theo cách mà chúng ta không tạo thêm dấu ấn, và do đó chúng ta không nối dài một quá khứ cho tương lai, bởi vì mọi thứ đều trở thành quá khứ. Hôm nay là quá khứ cho ngày mai. Bước tiếp theo là tiến lên trong thực hành thiền, mà khiến cho tâm trí có khả năng trở thành một công cụ thực sự của nỗ lực con người. Vì vậy, hệ thống của chúng tôi rất đơn giản. Đó là lý do tại sao nó được gọi là Sahaj Marg, có nghĩa là 'con đường tự nhiên' hoặc 'con đường đơn giản'.

Chúng ta được hướng dẫn rằng nên thiền khoảng 1 giờ vào buổi sáng. Ngày nay, Master chỉ định nửa giờ, nhưng ban đầu nó là 1 giờ. Và đối với thiền, chúng tôi thường được hỏi, "Chúng tôi không thể tập trung được. Chúng tôi nên làm gì?" Master nói rõ ràng rằng thiền là quá trình và kết quả là sự tập trung. Sự tập trung, tự nó, không có nhiều giá trị trong sự phát triển của chúng ta bởi vì sự tập trung chỉ là việc sử dụng sức mạnh, và sức mạnh, bản thân nó, không dẫn đến sự tiến hóa. Nhưng nó có một lợi ích tích cực trong cuộc sống hàng ngày bởi vì bằng việc thiền, chúng ta có thể làm cho tâm trí tập trung, chúng ta có thể loại bỏ những suy nghĩ mà chúng ta không yêu cầu hoặc không muốn tiếp nhận. Ở đây tôi đi đến một trong những giáo lý quan trọng nhất của Master. Khi chúng ta có suy nghĩ thì chính sự chú ý của chúng ta, và sức mạnh của sự chú ý mang lại sức mạnh cho suy nghĩ. Bản thân suy nghĩ không có sức mạnh. Chính sự chú ý của chúng ta mang lại sức mạnh cho suy nghĩ. Bằng việc thiền, nếu chúng ta có thể loại bỏ những suy nghĩ như vậy mà không tranh đấu với chúng, không dự phần vào chúng, thì tâm trí đạt được trạng thái ¾ trạng thái của sự tồn tại, trạng thái hiện hữu ¾ mà ở đó mỗi thời điểm chỉ có một ý nghĩ tồn tại. Do đó, quá trình thiền mang lại cho chúng ta khả năng tập trung, hoặc làm cho tâm trí ở trong trạng thái tập trung, mà ở Ấn Độ chúng tôi gọi là an trụ vào một điểm.

Thiền phải luôn có một mục đích vì không có thứ gì là không mục đích. Ngay cả khi không đưa yoga vào bức tranh, chúng ta vẫn luôn thiền về thứ này hoặc thứ kia. Khi tìm kiếm một mức sống cao hơn, hoặc khi muốn theo đuổi một công việc tốt hơn, chúng ta không ngừng suy nghĩ về điều đó. Tôi nói điều này bởi vì định nghĩa chính xác về thiền là suy nghĩ liên tục về một điều gì đó. Khi đưa yoga vào bức tranh, chúng ta bối rối không biết thiền thực sự có nghĩa là gì. Ý nghĩa duy nhất mà thiền của yoga khác với thiền thông thường là ở mục tiêu của thiền, mục đích của thiền. Vì vậy, chúng ta phải thiền với một mục đích trong tâm, và khi chúng ta bước vào lĩnh vực yoga, mục đích đó là sự tiến hóa, hay sự hoàn thiện đời sống con người đến trạng thái toàn hảo tột bực của nó.

Master của tôi thường nói rằng chúng ta được sinh ra như con người nhưng hầu hết chúng ta chết như động vật. Chính tôi đã bị sốc khi lần đầu tiên nghe Ngài nói điều này. Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu lúc này bạn đang sốc. Nhưng khi tìm hiểu tâm lý học ẩn đằng sau hệ thống Sahaj Marg, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình không có lựa chọn nào khác về vấn đề này, bởi vì sự tồn tại trong quá khứ, những dấu ấn của sự tồn tại trong quá khứ, là những lực dương và chắc chắn đẩy chúng ta theo một hướng trong đời sống này. Và trừ khi chúng ta có thể tìm thấy một sức mạnh nào đó ở bên ngoài để xóa những dấu ấn của quá khứ, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục bị đẩy vào đúng con đường mà mình đã tạo lập ra trong quá khứ. Tôi nói điều này bởi vì chúng tôi rất hay được hỏi, "Sự cần thiết của việc có một Master là gì?" Rõ ràng rằng nếu không có sự trợ giúp của một sức mạnh bên ngoài - bạn có thể gọi ngài là Master, hay Guru hay bất cứ tên gọi nào bạn thích - việc loại bỏ gánh nặng quá khứ với nỗ lực tự thân là không thể. Do đó, cho dù chúng ta có thiện chí đến đâu, thì hành động của chúng ta từ bây giờ đến tương lai cũng chỉ là chất thêm ngọn lên cái nền quá khứ. Chính vì lý do rất quan trọng này mà tất cả các hệ thống yoga, tất cả các hệ thống thần bí, xác định rõ sự cần thiết của một Vị thầy để giúp đỡ chúng ta. Đó là sơ lược về hệ thống thực hành yoga mà chúng tôi áp dụng, và sự cần thiết của một Master.

Bây giờ đến với sự thực hành, chúng ta nên thiền 3 lần một ngày vào buổi sáng, buổi tối và trước khi đi ngủ. Những gì chúng ta làm là ngồi thoải mái mà không cần bận tâm về tư thế thiền hoặc điều gì đó tương tự. Tôi đặc biệt đề cập đến điểm này, bởi vì mọi người nghĩ rằng không áp dụng tư thế thiền thì thiền không thể thực hiện được. Chính Patanjali, người soạn thảo hệ thống yoga, nói rằng bất kỳ tư thế nào có thể được giữ thoải mái trong một thời gian dài đều là tư thế thiền. Do đó, việc chúng ta ngồi như thế nào, hoặc ngồi trong tư thế nào không quá quan trọng, miễn là chúng ta có thể ngồi ở tư thế đó trong một khoảng thời gian quy định cho việc hành thiền. Sự cần thiết duy nhất là cơ thể không nên làm phiền chúng ta trong khi thiền. Vì vậy, khi đã có một tư thế thoải mái, chúng ta nhắm mắt lại. Đôi khi người ta hỏi chúng tôi, "Chúng tôi không thể thiền với đôi mắt mở hay sao?" Điều đó chắc chắn là có thể khi chúng ta đạt đến trình độ tâm linh cao hơn, nhưng không phải ở những giai đoạn đầu. Mắt chính là cơ quan tiếp nhận hầu hết các dấu ấn từ thế giới bên ngoài. Rõ ràng, tốt hơn là không nhận thêm dấu ấn, bởi vì chúng ta đang cố gắng loại bỏ dấu ấn. Do đó, chúng ta thiền với đôi mắt nhắm lại.

Trong hệ thống này, quá trình thiền rất cụ thể bởi vì chúng ta có một mục tiêu cụ thể, có phần cao hơn những gì thường được quy định cho các hệ thống yoga ở phương Tây. Như tôi đã nói trước đó, mục đích của chúng ta là đạt đến khả năng cao nhất của con người. Chúng ta thiền ở trái tim. Nơi chúng ta thiền là trái tim. Có những hệ thống thiền ở các điểm khác, như điểm giữa hai chân mày, điểm ở chóp mũi, v.v., nhưng chúng ta thiền ở trái tim đặc biệt vì 3 lý do rất xác đáng, rất quan trọng.

Đầu tiên, trái tim là nơi neo đậu của sự sống. Thứ hai là khi chúng ta thiền ở trái tim, tác động của thiền lan tỏa khắp châu thân. Điểm thứ ba là quan trọng nhất, nhưng thường ít được chấp nhận nhất, đó là, trái tim là trú xứ đặc thù của Thần tính mà chúng ta sở hữu.

Vì ba điểm hay lý do quan trọng này, Master của tôi chỉ định thiền ở trái tim. Trong thực hành Sahaj Marg, chúng ta thiền ở trái tim, hình dung rằng có sự sáng ngời hay ánh sáng trong tim. Chúng ta không cố gắng nhìn thấy ánh sáng hoặc phản chiếu bất kỳ ánh sáng nào. Chúng ta bắt đầu với ý tưởng rằng có ánh sáng trong tim, và nếu có suy nghĩ gây phiền nhiễu, như tôi đã nói trước đó, chúng ta chỉ cần phớt lờ chúng, bởi vì chính sự chú ý của chúng ta sẽ mang đến sức mạnh cho suy nghĩ để làm phiền chúng ta.

Lúc này tôi đi đến điểm quan trọng và căn bản nhất trong Sahaj Marg. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể nghĩ Sahaj Marg hoạt động ở ba tầng. Tầng thấp nhất là thanh lọc những dấu ấn quá khứ bằng năng lực của Master. Tầng giữa là nỗ lực của chính chúng ta trong việc thiền và tránh những suy nghĩ hoặc hoạt động có thể tạo thêm dấu ấn. Và tầng thượng chúng ta có, điểm quan trọng nhất, đó là dòng truyền, là thứ có một không hai đối với hệ thống Sahaj Marg.

Khi đường ống được làm sạch, chúng ta phải đưa thứ gì đó vào. Tương tự như thế, khi thân tâm được thanh lọc và làm sạch khỏi tất cả mọi dấu ấn quá khứ, nó rỗng. Khi đó, bước cuối của yoga bắt đầu, cuối ở đây không phải theo nghĩa thời gian, mà cuối theo nghĩa là tột đỉnh. Master bắt đầu lấp đầy chúng ta bằng tự tánh của Ngài. Quá trình này được gọi là pranahuti trong tiếng Phạn, có nghĩa là ‘trao tặng sự sống’ hoặc ‘cho đi sự sống’. Đây là khía cạnh quan trọng nhất của Sahaj Marg. Khi chúng ta bắt đầu yoga này, sự thanh lọc được thực hiện bởi Master. Sự hợp tác của chúng ta là tối thiểu trong việc cố gắng sống một cuộc sống tốt hơn, nghĩ tốt đẹp hơn, hành động tốt đẹp hơn, tránh sự tiêu cực. Khi ấy đến phần quan trọng nhất về công việc của Master. Ngài truyền tinh túy tâm linh của Ngài vào trong chúng ta, từ đó biến đổi chúng ta thành chính Ngài.

Tôi nghĩ rằng tôi đã nói ít nhiều tất cả những gì tôi phải nói về Sahaj Marg. Nếu bất kỳ ai trong số các bạn muốn trải nghiệm dòng truyền này, Master của tôi thường có một thời thiền ngắn với dòng truyền sau khi buổi nói chuyện kết thúc. Vì vậy, nếu bạn muốn thiền trong ít phút, theo cách thức mà tôi vừa giải thích và tôi phải nhấn mạnh rằng không có sự ép buộc nào ẩn đằng sau điều này - những ai muốn ở lại và trải nghiệm dòng truyền được chào đón. Cám ơn các bạn.

Shri P. Rajagopalachari (Chariji Maharaj) 

Nguồnhttps://www.sahajmarg.org/literature/featured-articles/purification-regulation