5 tháng 11, 2021

Chỉnh lại lối sống

Bạn thân mến. Tôi thực sự vui mừng khi có mặt Thiền viện Kurnool vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Pujya Lalaji Maharaj, theo Tây lịch là ngày 2 tháng 2. Chúng ta thật may mắn được có mặt ở đây vào dịp này. Phúc lành của Ngài là vô biên, tình yêu của Ngài sâu thăm thẳm và thông điệp của Ngài rất sâu sắc.

Trong lúc thiền, một số từ cứ lặp đi lặp lại về sự tuân theo karmaphala (kết quả của hành động). Cuộc đời của chúng ta được dẫn vào một con đường bất tận gánh nặng karmaphala, sự tuân theo số phận. Đây là những gì tất cả chúng ta đều hiểu được. Sahaj Marg muốn chúng ta làm dừng lại và phá vỡ vòng luân hồi, đang tạo ra ngày càng nhiều samskara hơn, ngày càng nhiều samskara karmaphala hơn. Trong Sahaj Marg, chúng ta có thể làm dừng lại vòng quay bất tận này. Làm thế nào để đạt được điều đó?

Các bậc Đại đức đã trao cho chúng ta con đường và phương pháp: thiền buổi sáng và thanh lọc buổi tối. Xin đừng xem nhẹ điều này, bởi vì những thực hành này rất thâm sâu khi được thực hiện với sự chân thành và một tình yêu trọn vẹn. Nếu bạn muốn ngắt vòng quay không ngừng nghỉ của việc phải tuân theo karmaphala, không chỉ trong cuộc đời này mà toàn bộ vòng tồn tại của linh hồn, thì bạn sẽ phải thực hành các phương pháp này không ngừng nghỉ, không ngắt quãng. Tốt hơn là bạn nên luyện tập hơn bao giờ hết, nhiều nhất là 10 năm, 15 năm, bởi vì Sahaj Marg không chủ trương việc luyện tập như vậy trong suốt cuộc đời bạn. Chúng ta phải luyện tập theo cách mà chúng ta có thể dừng tập sau một thời gian. Sao có thể như thế được? Khi thiền, thanh lọc và cầu nguyện trở thành quá trình suốt 24 giờ, khi đó có trạng thái thiền vĩnh viễn.

Chúng ta đã tán thành ý tưởng rằng bản thân thiền có thể tạo ra sự trói buộc, mặc dù điều này nghe có vẻ nực cười. Có nhiều hình thức thờ phượng, có thể là puja, thờ phượng theo nghi thức, mantra (thần chú) hoặc thiền. Mọi puja và nghi lễ sẽ dẫn chúng ta tới việc trải nghiệm điều gì đó, và chúng ta thường ưa thích hoặc không ưa thích mỗi trải nghiệm này. Giây phút bị cuốn vào sự ưa thích và không ưa thích, chúng ta tạo nên sự trói buộc. Mỗi khi có một trải nghiệm tuyệt vời trong khi thiền, chúng ta muốn nó được lặp lại, chúng ta muốn nó được mạnh hơn và chúng ta muốn nó dài lâu hơn. Đây chẳng phải là sự dính mắc vào trải nghiệm, được tạo ra bởi thiền sao? Vì vậy, chúng ta phải thực hành một cách rất khôn ngoan.

Babuji Maharaj đã nói trong một cuộc trò chuyện với Master (Chariji Maharaj), “Một abhyasi đã đến và ta phải loại bỏ sự hóa đá khỏi trái tim anh ấy, bởi vì anh ấy đang thực hành thờ phượng theo nghi lễ; anh ấy đã tạo ra sự thô trược đến như vậy”. Và hôm nay tôi đủ mạnh dạn để nói rằng ngay cả việc thiền của chúng ta, nếu không được hiểu đúng, cũng có thể là sự trói buộc. Thiền phải được hiểu đúng. Thiền là một quá trình để tạo ra trạng thái thiền. Một khi đạt được trạng thái thiền này, có sự tĩnh lặng, an tĩnh và bình yên, chúng ta có thể làm được nhiều điều với .

Vài ngày trước, chúng tôi gặp một vài abhyasi trẻ, những người mới thiền thông qua chương trình Heartfulness ở trường học. Tôi hỏi họ một câu: Tại sao chúng ta thiền? Những bạn trẻ đã không biết, và tôi không trách họ, vì vậy một abhyasi rất nhiệt tình đã giơ tay và nôn nóng trả lời. “Thiền là để điều tâm,” chị ấy nói.

Tôi đã không muốn đi xa hơn, nhưng câu hỏi tiếp theo sẽ là: Tại sao chúng ta cần phải điều tâm? Rồi: Chúng ta sẽ làm gì với một tâm trí được điều chỉnh? Chúng ta sẽ làm gì với sự bình yên của tâm, sự tĩnhlặng tồn tại bên trong chúng ta ngay lúc này? Với trạng thái như vậy trong tim, liệu chúng ta có thể gây gổ với ai đó không? Với trạng thái đó, khi đọc sách chúng ta sẽ hiểu thấu đáo hơn. Với một trạng thái tĩnh tâm như vậy, khi tương tác với các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai khác, chúng ta sẽ thấu cảm hơn.

Lý do của sự an tĩnh, bình yên và tĩnh lặng là để khiến cho những phẩm tính tuyệt vời này sự mở rộng và làm cho chúng trở nên năng động hơn. Nhờ đó chúng ta sẽ có thể mang lại sự thống nhất và hòa bình trên thế giới. Không có ích gì khi thiền và cảm thấy bình yên, giống như một con chó ích kỷ gặm xương và thấy thích thú với điều đó. Chúng ta cũng không tốt đẹp hơn: “Tôi đã thiền say sưa. Ồ, đó là một buổi thiền thật tuyệt ở Thiền viện Kurnool.” Nhưng bạn sẽ làm gì với trạng thái thiền đó? Bởi vậy, hãy nghĩ xem chúng ta đang thực hiện loại công việc nào.

Lalaji Maharaj đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, cách chúng ta tương tác với nhau (akhlaaq). Cách chúng ta ứng xử với nhau nên là ở mức độ cao nhất, không phải là thấp nhất. Chúng ta phải tôn trọng người khác, như thể chúng ta đang tương tác với chính Master hoặc các bậc Đại đức. Ngài nói rằng sự vĩ đại của linh hồn được thể hiện trong cách hành xử của con người. Nếu một người không có khả năng phân biệt, thì anh ta cũng không có trí tuệ. Khi tôi nói, “Tôi không có sự lựa chọn bởi vì tôi tuân theo số phận, hay tôi tuân theo samskara,” thì chúng ta phải rất biết phân biệt xem đâu là quả của samskara. Khi tôi đang đi trên đường và tôi bị cuốn vào việc thực hiện một hành động nào đó hoặc nghĩ theo một hướng nào đó, thì hành động hoặc suy nghĩ đó là nhân hay quả của samskara? Những điều tôi làm trong cuộc sống thường ngày, là quả của samskara quá khứ, hay tôi đang khiến chúng xảy ra và tạo ra nhiều samskara hơn trong quá trình đó? Chúng ta có đủ sáng suốt để phân biệt giữa hai thứ này không?

Với sự tĩnh lặng, an tĩnh và bình yên trong tim, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được nhữngtốt cho mình, những gì giúp mình tiến hóa, cái gì là nhân và cái gì là quả. Và dựa trên điều này, chúng ta có thể sàng lọc hành động tương lai bằng cách điều chỉnh khuynh hướng của trái tim một cách đúng đắn. Vì vậy, tôi muốn bạn khẳng định một lần nữa với bản thân rằng, “Tôi đang đi trên con đường Sahaj Marg để tiến hóa; sự tiến hóa này chỉ có thể xảy ra thông qua sự thay đổi; tôi phải để cho các Master làm cho sự thay đổi này xảy ra thông qua sự hợp tác.” Làm sao tôi có thể nhận được những thông điệp truyền cảm của các Master khi tôi quá bận bịu với bản thân mình, khi tôi quá bận bịu với các ý tưởng, và khi tôi quá bận bịu với những ham muốn và ý nghĩ?

Vào ngày sinh nhật Pujya Lalaji Maharaj rất tốt lành này, chúng ta hãy quán sát nội tâm và chỉnh lại lối sống để chúng ta ngày càng bình yên hơn trong tim, mãn nguyện hơn trong tim và tiếp tục sự tiến hóa ở cấp độ cá nhân.

Cám ơn các bạn.

Kamlesh D. Patel

Ngày 2 tháng 2 năm 2016, Kurnool, Andhra Pradesh, Ấn Độ

Nguồnhttps://www.sahajmarg.org/literature/online/speeches/kurnool-20160202