Alberto và Veronique Nouzille yêu quý - các con biết đấy, anh, chị ấy là những trụ cột xây dựng nên các chương trình đào tạo và ta dám nói rằng nếu không có họ thì sẽ không có khóa đào tạo nào trong Sahaj Marg. Bởi vậy, hãy lắng nghe thật kỹ những gì họ nói, với sự tôn trọng và cố gắng học bất cứ kiến thức nào chúng ta đang cố gắng truyền đạt ở đây.
Có lúc, ta đã cảm thấy tủi thân rằng vào thời của ta, chúng ta đã không
có được lợi ích từ những chương trình học như thế. Thực ra, chúng ta đã không
có bài giảng nào. Babuji đã nói: Hãy thiền và cảm nhận. Sự giáo dục của chúng ta
dưới chân thiêng của Master rất căn bản: Đọc sách; nếu con có bất kỳ thắc mắc
nào, hãy hỏi một người dẫn thiền. Thậm chí tốt hơn là đừng hỏi, có lần Ngài đã kín
đáo nói với ta rằng, “Đừng hỏi những người dẫn thiền bởi vì họ thường không biết
họ đang nói gì. Và trở ngại lớn hơn là để bảo vệ cái tôi của mình, họ sẽ cho con
một số câu trả lời vào lúc đó mà nếu Thượng Đế muốn, có thể đúng; nếu không, vô
ích”. Ta không nói điều này để hạ thấp tầm quan trọng của người dẫn thiền trong
Hiệp hội của chúng ta bởi vì Babuji Maharaj đã nói rằng người dẫn thiền là huyết
mạch của Hiệp hội. Điều đó rất đúng và đây là một hệ thống tuyệt vời mà ta nghĩ
chỉ có Hiệp hội của chúng ta mới có - hệ thống người dẫn thiền trên toàn thế giới,
nhận giáo lý của Master, không phải là học trong sách vở hay phần học thuật của
nó, mà là khả năng truyền. Giống như động mạch không truyền thức ăn, nước uống
hoặc vitamin; nó truyền máu. Đó là chức năng của trái tim. Quá trình lọc máu được
thực hiện thông qua phổi, thông qua một quá trình được gọi là sự thẩm thấu. Các-bon
đi-ô-xít được đưa ra ngoài, ô-xy được đưa vào và máu giàu ô-xy đi khắp cơ thể. Sự
thanh lọc [tương tự như] cung cấp ô-xy.
Yếu tố thiết yếu của giáo lý Sahaj Marg là sự gieo truyền. Tin ta đi, sự gieo truyền
là một quá trình đào tạo, đó là quá trình trao cho con sự sống - pranasya prana [sinh khí của sự sống]. Đó
cũng là quá trình truyền ân sủng và năng lượng của guru vào trong chúng ta. Sự gieo truyền tương tự như truyền
máu được sử dụng trong y tế. Khi cơ thể của tôi không có đủ máu, máu sẽ được lấy từ người hiến tặng, hợp
với máu của tôi, và tôi nhận được máu. Đó được gọi là sự truyền máu.
Là abhyasi, con phải học để hiểu
rằng con không còn phụ thuộc vào nguồn lực của riêng mình nữa. “Máu của tôi” - thứ
đó không tồn tại. Nếu con là một abhyasi
tinh tấn, sinh lực trong cơ thể con, là sinh lực của Ngài, sinh lực của guru, bởi
vì Ngài đã đưa sinh lực đó vào trong máu của con. Những gì con hiểu về
Sahaj Marg một lần nữa là những gì Ngài truyền đạt cho con thông qua
phương tiện dòng truyền. Ngài không bao giờ nói. Ngài nói rằng lời nói không
quan trọng, và lời nói có ảnh hưởng sai lệch bởi vì nó tùy thuộc vào người nói,
nó tùy thuộc vào nội dung nói, nó tùy thuộc vào con (người nghe) - con hiểu lời
nói đó như thế nào. Hầu hết mọi người hiểu những gì họ muốn hiểu, không phải những
gì lời nói truyền tải.
Lời nói là một phương tiện truyền tải sự hướng dẫn, kiến thức, sự giáo
dục rất, rất, rất thô sơ. Nhưng với nhu cầu hiểu biết về Sahaj Marg ngày càng
tăng, Babuji Maharaj ở chừng mực nào đó, ta sẽ không nói là buồn, nhưng Ngài
không hài lòng lắm với ý tưởng rằng chúng ta phải in thậm chí là sách. Ngài nói
rằng những rishi [nhà tiên tri] cổ đại
không có sách. Tất nhiên, dưới các hệ thống tôn giáo, họ có thần chú (mantra) và
thơ (sloka) được truyền miệng, nhưng họ không hiểu ý nghĩa của chúng. Chúng chỉ
phục vụ để gìn giữ cho các thế hệ sau.
Vì vậy, chúng ta phải, trước hết, tin vào dòng truyền mà mình nhận được,
cho dù thông qua người dẫn thiền hay từ chính Master, tin rằng dòng truyền chứa
đựng mọi thứ chúng ta cần. Nó chứa dựng sự hướng dẫn, nó chứa đựng kiến thức,
nó chứa đựng chính sự sống - sinh lực của sự sống, sinh khí của sự sống, sự nâng
đỡ - theo nghĩa là dharma [pháp],
sự bảo vệ.
Ta không muốn hạ thấp tầm quan trọng của những chương trình học này;
chúng là quan trọng, nhưng chỉ xếp thứ 3 hoặc thứ 4. Nếu con nghĩ rằng mình có
thể học được điều gì đó ở đây mà không cần phải nhận dòng truyền, thì đó là điều
rất đáng buồn, bởi vì điều đó giống như đọc báo và cố gắng tìm ra sự thật.
Không có tờ báo nào nói sự thật; chúng chỉ đưa tin về các sự kiện. Sự thật là
gì - con phải tự mình tìm ra. Trong tiếng Phạn, nó được gọi là jijnaasa. Làm thế nào để tìm ra sự thật
là thông qua quá trình quán tưởng, thiền. Đó là những gì chúng ta đang làm ở
đây. "Sự thật của dòng truyền là gì" có nghĩa là con phải ở trong
thiền và nói, "Dòng truyền là gì?" Và con sẽ không nghe thấy mà
sẽ cảm thấy nó.
Các abhyasi của Sahaj Marg phải
học cách không tin vào lời nói, không đặt niềm tin của họ vào lời nói và sách vở,
mà chỉ đặt niềm tin vào một phương tiện liên kết chúng ta với Master - dòng
truyền của Ngài và nếu có thể, tình yêu của abhyasi
dành cho Master. Điều đó có nghĩa là gì? Đó là một chức năng hai chiều: tình
yêu của abhyasi dành cho Master làm giáng
hạ ân sủng của Ngài, sự giáo dục của Ngài, sự chỉ dạy của Ngài, sự sống của
chính Ngài như sự phản chiếu thiêng liêng từ trái tim của Ngài lên trái tim của
chúng ta. Và năng lực thần thánh của Ngài có thể trao tặng thứ mà không ai khác
có thể trao tặng cho chúng ta.
Bởi vậy, hãy chú ý lắng nghe những gì con đang nghe; phát triển khả
năng chắt lọc để xem những gì có giá trị, những gì là cần thiết và những gì có thể bỏ đi.
Vào thời điểm khi ta ở cùng với Master ở Mỹ, Ngài nói, “Từ hôm nay, con không
phải thiền cho con nữa.” Ta nói, "Con không hiểu." Ngài nói,
"Thiền buổi sáng không còn cần thiết với con nữa, miễn là con dành thời
gian đó cho Ta." Điều đó có nghĩa là ta phải dẫn thiền nhiều hơn, nó cũng
có nghĩa là có thời điểm chúng ta nhận và có thời điểm chúng ta cho đi. Giống
như bể nước trên mái nhà chỉ chứa nước để cho đi chứ không giữ lại. Nếu giữ lại,
bể nước đó sẽ bốc mùi. Tương tự như thế, khi chúng ta có khả năng cho đi những
gì Master ban cho chúng ta, giống như một dòng sông chảy, nước lúc nào cũng
trong lành và chính điều đó duy trì sinh mệnh của dòng sông. Nhưng nếu con cố kiềm
chế nó và giữ nó cho riêng mình, thì dòng truyền trở nên vô ích. Nó vô ích với chính
con và những người khác.
Những gì chúng ta nhận được phải chảy qua chúng ta đến những người
khác. Tình yêu Ngài dành cho chúng ta phải chảy qua chúng ta như tình yêu dành
cho tất cả. Những gì Ngài truyền dạy cho chúng ta thông qua dòng truyền phải được
ban trải một lần nữa. Sự sống Ngài trao tặng trong dòng truyền của Ngài phải được
ban trải một lần nữa. Nó như thể một hạt giống phát triển thành cây và sản sinh
ra hàng triệu hạt giống. Cây chỉ cho một hạt thì vô tích sự. Một cái cây không cho quả chỉ thích hợp để làm củi.
Tất cả các con ở đây để học, để tiếp thu phần thiết yếu của những gì con
sẽ nghe hoặc thảo luận và tự mình tìm hiểu, và sau đó bổn phận của con là trở
thành người cấp dưỡng: bây giờ con cho đi. Ở đất nước của chúng ta, phục vụ thức
ăn cho người nghèo được cho là rất tốt. Vào mùa hè, họ có những bình nước để ở bên
ngoài các đền thờ và chợ để phân phối nước cho những người khát. Tất cả đều rất
tốt, nhưng điều đó chỉ duy trì đời sống vật lý. Có đời sống vật lý, có đời sống
tinh thần, và tất nhiên, có một đời sống vĩnh cửu mà chúng ta gọi là đời sống tâm
linh. Đó là đời sống mà chúng ta phải duy trì.
Đời sống vật lý tuân theo luật nhân quả, chúng ta không thể kéo dài nó.
Không một rishi nào có thể kéo dài
nó, không một vị thần nào có thể kéo dài nó. Nếu định mệnh của con là sống x
năm, con sẽ sống x năm. Khi con đọc Puranas,
hoặc xem Mahabharata, Ramayana, tất cả những thứ này, các hiền
triết đã chết, các vị thần đã có kết cục của họ, các hóa thân (avatar) - đã chết.
Vì vậy, đời sống trên trái đất trong thân vật lý (bhautik) có những giới hạn về
không gian và thời gian. Đời sống tâm linh là vĩnh cửu, không bị ràng buộc bởi
không gian và thời gian. Nó siêu vượt mọi thứ.
Khi chúng ta tham gia vào hành trình khám phá Chân Ngã tuyệt vời này -
bởi vì về bản chất khi chúng ta thiền và tiếp cận mục tiêu, Babuji nói, những
gì con khám phá ra không phải là Thượng Đế mà là Chân Ngã của chính con, Chân Ngã đồng
nghĩa với sự tồn tại thiêng liêng. Vì vậy, ta cầu nguyện rằng các con sẽ có trí
tuệ để biết những gì con sẽ làm ở đây, những gì con phải làm ở đây, con phải làm
nó như thế nào, và quay trở về (nước), không phải là những con người có học vấn
hơn hoặc khôn ngoan hơn (tất nhiên, chúng ta cần tất cả những thứ đó), mà là những
con người tâm linh có trái tim rộng lớn như Master của ta đã có, tức là cho đi,
cho đi, cho đi.
Ngay cả trong cuộc sống đời thường của chúng ta khi một con bò ngừng cung
cấp sữa, họ nói bây giờ nó chỉ phù hợp với người bán thịt. Cái gì ngừng sản xuất
thì không còn có ích. Cây qua thời kỳ sung mãn và không thể cho thêm trái sẽ bị
chặt. Thiên nhiên đào thải mọi thứ không cho phép thiên nhiên và những món quà
của nó trường tồn theo thời gian. Nếu con tham gia vào quá trình này, trong chuỗi
hoàn cảnh này, trong chuỗi gieo truyền này, đời sống của con sẽ là một đời sống
tâm linh. Ý ta là thực ra một đời sống tâm linh không có nghĩa là sức khỏe, hạnh
phúc và tất cả những thứ khôi hài này; tất cả những thứ đó đều tùy thuộc vào samskara. Trong đời sống của samskara, sức khỏe của con, định mức hạnh
phúc mà con sẽ có, tổng mức hưởng thụ và lạc thú mà con sẽ trải qua, tuổi thọ,
mọi thứ đều đã được ấn định - không thể thay đổi. Không ai có thể thay đổi nó. Những
gì có thể được thay đổi là trạng thái của tâm, nó nói, “Tuổi thọ không là gì cả.
Ta ở đây, bây giờ,” có nghĩa bất kể là gì, bắt đầu từ 0 tuổi (trẻ con chết vào
lúc mới sinh) có lẽ đến 200 tuổi. Con sống bao lâu không có ý nghĩa gì cả.
Babuji Maharaj nói, đừng cố thêm tuổi thọ vào sự sống, hãy thêm sự sống
vào tuổi thọ. Giống như con đào kênh và nếu không có nước, thì kênh dài 2 km
hay 2.000 km cũng chẳng có ích gì. Con có theo kịp không? Bởi vậy, cái thiết yếu
ở kênh nước là nước chứ không phải kênh. Kênh chỉ là phương tiện dẫn nước.
Tương tự như thế, cái thiết yếu trong con là sự sống
vĩnh hằng. Cõi
tạm mà chúng ta gọi là đời sống vật
lý, đầy những dvandva (những cặp đối lập):
lạc thú và khổ đau, sức
khỏe và bệnh tật, giàu có và nghèo đói - đó là định mệnh của tất cả chúng ta. Cho dù con là một kẻ ăn xin hay một vị vua, một kẻ ngu ngốc hay một nhà bác học, một hiền triết hay một tội đồ, điều đó không quan trọng. Trong một tập phim Mahabharat, con thấy Jamadagni, nhà tiên tri vĩ đại bị sát hại bởi 4 hoàng tử của vị vua trị vì vào thời đó. Vị
thánh vĩ đại, nhưng đó là cái kết của ông ấy. Ravana là một vedavith vĩ đại (bậc thầy của tất cả
kiến thức Vệ-đà), nhưng điều gì đã xảy ra với ông ấy?
Vì vậy, khôn ngoan, giàu có, niềm vui, quyền lực, sức mạnh, chúng
không có gì bảo đảm rằng con sẽ được hạnh phúc hay được bảo vệ.
Thực ra, điều ngược lại có vẻ đúng. Vì vậy, Babuji Maharaj nói: Hãy sống đơn giản
và hòa hợp với
thiên nhiên. Thảo mộc, động vật và cây cối không tìm kiếm sự bảo vệ. Chúng sống hòa hợp với thiên nhiên. Chúng bị ướt khi trời mưa. Chúng khô khi trời nắng. Chúng ăn khi có thức ăn; nếu không chúng đi ngủ
và thậm chí có thể chết trong giấc ngủ đó. Cuộc sống của chúng ta phải ngày càng trở nên đơn giản hơn, ngày càng tự chủ
hơn, không lệ thuộc vào thế giới bên ngoài, bởi vì còn lệ thuộc
vào thế giới bên ngoài, chúng ta còn là nô lệ.
Bởi vì khi có một cái bên trong và một cái bên ngoài, thì cái bên trong muốn cái bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm lạc thú từ bên ngoài, chúng ta tìm kiếm sự giàu có từ
bên ngoài, chúng ta tìm kiếm kiến thức từ bên ngoài, và chúng ta đau khổ. Khi
con hiểu rằng tất cả những thứ này đều ở bên trong con, thì con không còn phụ thuộc vào vũ
trụ bên ngoài. Khi đó cuộc sống đích thực của sự phụ thuộc vào Chân Ngã xuất hiện, từ từ tiến đến sự phụ thuộc vào Master, vào thiên nhiên, vào Thượng Đế; và rồi con sống
thản nhiên, không bị ràng buộc bởi hoàn cảnh bên ngoài, đó là phúc lạc.
Ta cầu
nguyện rằng kiến
thức con nhận được ở đây sẽ
giúp con đạt được điều này - không phải để tuyên bố rằng con hiểu hơn về Sahaj
Marg, bởi vì con sẽ không bao giờ hiểu hơn về Sahaj Marg. Không ai có thể biết
Sahaj Marg là gì. Không ai có thể biết sự sống là gì. Tất cả chúng ta đang sống, chúng ta đều
nhìn thấy những đứa trẻ được sinh ra. Nếu con chết, con sẽ thấy khu hỏa
táng. Nhưng chúng ta không biết sự sống là gì. Cái gì khiến cơ thể
này hoạt động, cười, khóc, đau khổ, trả thù,
nhẫn nại, thân thiện, cho, nhận? Cái gì ở trong sự sống đã biến mất?
Để làm thỏa mãn con, có một câu
hỏi được cậu bé Nachiketas đặt ra. Cha cậu đang thực hiện một số nghi lễ tôn giáo (yajna), ông ấy
là người theo chủ nghĩa nghi lễ, và ông ấy đang làm lễ hiến tế (daan) - “Daan
này tôi hiến cho
người này. Go-daan [tặng bò] tôi hiến
cho người anh
em này”. Nachiketas tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Cậu nói, "Thưa cha, cha hiến tế con cho
ai?", cậu hỏi câu này vài lần. Người cha bực bội nói: "Ta hiến ngươi cho thần chết!" Vì vậy, anh
bạn trẻ, chừng
8 tuổi, đã đi đến cõi chết.
Chúa Yama đi
vắng. Nachiketas phải đợi 3 ngày.
Và khi về, Ngài nói,
“Ta xin lỗi đã để con phải đợi. Với mỗi ngày con đợi, ta cho con một ân huệ
(varaprasadam). Con có thể đưa ra yêu cầu”.
Bởi vậy, Nachiketas nói, "Cầu mong cha con
không còn giận con nữa." Đã xong. Tathaastu.
(Như ước nguyện.)” Sau đó cậu muốn biết ý nghĩa thực sự của các nghi lễ
hiến tế là gì. "Được chấp nhận!" - Đã xong. Thứ ba, "Điều
gì ở bên kia cõi chết?" Và Chúa Yama nói, “Đây là điều
mà ngay cả các
vị thần cũng không biết, các hiền
triết vĩ đại cũng không biết. Thực ra, không ai biết được”.
Cậu nói, "Họ càng không biết, con càng muốn
biết về nó." Yama mỉm cười và câu chuyện kết thúc. Và trong văn học Anh, người
ta nói rằng, ta nghĩ là Shakespeare, có một biên cương [đích đến] mà từ đó không ai quay trở lại.
Ngay
cả chết đi cũng không thể dạy chúng ta điều gì bên kia cõi chết,
bởi vì có lẽ tất cả chúng ta đều đã chết, không phải một lần mà là hàng trăm lần,
hàng nghìn lần. Và chúng ta biết gì về cái chết? Liệu chúng ta đã học được những
gì sau khi chết, chúng ta có muốn chết một lần nữa trong cuộc đời này không? Đó
là minh triết mà hệ thống thiền Sahaj Marg sẽ truyền dạy cho chúng ta, không phải
thông qua cái đầu, mà thông qua trái tim, đó là lý do tại sao chúng ta phải giữ
cho trái tim luôn rộng mở, không bao giờ đóng. Hãy nhớ rằng nếu con đóng cửa sổ
vì có muỗi, thì trong phòng cũng nóng và con không thể ngủ được. Cửa sổ để mở
có nghĩa là bất cứ thứ gì cũng có thể vào: có thể là muỗi vào ban đêm, ruồi vào
ban ngày, cũng có thể là một làn gió mát dịu, tầm nhìn lên bầu trời với các vì
sao, sự yên tĩnh - hòa hợp với thiên nhiên.
Vì vậy, điều quan trọng nhất phải trao gửi cho các con là tai và mắt mở ra là chưa đủ; con cũng phải giữ cho trái tim luôn rộng mở. Ta cầu nguyện rằng điều
đó là như vậy.
Cám ơn các con.
Chennai, Ấn Độ, ngày 16 tháng 4 năm 2011
Chương trình đào tạo người dẫn thiền
Nguồn: https://www.sahajmarg.org/literature/online/speeches/speech-on-16-april-2011