Một trong những sơ đồ này là 23 Vòng tròn, biểu thị các giai đoạn hoặc cấp độ khác nhau mà chúng ta đi qua trên đường vào Trung tâm. Chúng ta bắt đầu từ chu vi ngoài cùng và đi qua các luân xa xác định cấu trúc thân vi tế của chúng ta. Babuji cũng mô tả 3 vùng mà các luân xa này được tìm thấy - Vùng Trái tim, Vùng Tâm trí và Vùng Trung tâm. Đây là tất cả các giai đoạn trên đường đến Trung tâm. Nếu chưa quen với các mô tả của Babuji, bạn có thể muốn đọc sách của ngài về chủ đề này - Reality at Dawn, Efficacy of Raja Yoga, và Towards Infinity. Thậm chí tốt hơn, bạn có thể tự mình trải nghiệm cuộc hành trình. Tất nhiên, 23 Vòng tròn không có thật, cũng như các đường vĩ độ và kinh độ trên bản đồ thế giới không có thật. Chúng chỉ đơn thuần là các điểm tham chiếu.
Giống như tia sáng bị chệch hướng bởi ngay cả thấu
kính trong suốt nhất, tạo ra hình ảnh méo mó, tia tình yêu cũng bị chệch hướng
bởi ngay cả bộ lọc vi tế nhất. Nếu không có những bộ lọc, tất cả chúng ta sẽ trải
nghiệm tình yêu thuần khiết chảy trực tiếp từ Trung tâm, và chúng ta sẽ không cần
đến cuộc hành trình bên trong này. Nhưng bản chất của tồn tại con người là
chúng ta có những bộ lọc, và kết quả là chúng ta phải đi từng bước qua 23 Vòng
tròn, mở rộng năng lực và tiềm năng khi chúng ta tiến về Trung tâm.
Giữa chu vi bên ngoài và Trung tâm là nhiều bộ lọc. Ở
ngoại vi, tình yêu của chúng ta có khuynh hướng hướng ra bên ngoài, đáp ứng những
lôi kéo và thôi thúc của ham muốn. Thí dụ: tình yêu của một đứa trẻ bị ảnh hưởng
bởi cha mẹ và đồ chơi, một thiếu niên bị ảnh hưởng bởi sự lãng mạn và tình bạn,
một người lớn bởi cuộc sống gia đình, sự nghiệp, thể thao, sở thích, tài sản và
các tiện ích kỹ thuật số. Đôi khi sự tham lam, ghen tỵ, đố kỵ, cạnh tranh và
oán giận nắm quyền kiểm soát. Khi đó tình yêu trở thành sở hữu và trục lợi. Khi
điều này xảy ra, tình yêu của chúng ta bị mắc kẹt, giống như cách tia sáng
không thể thoát ra khỏi các lỗ đen trong khoảng không gian giữa các thiên hà. Dần
dần, thông qua luyện tập, chúng ta học cách làm chủ những cảm xúc này và tập
trung vào một quan điểm cao hơn, với sự hiểu biết tốt hơn và suy nghĩ đúng đắn
hơn. Trong khi tiếp tục yêu gia đình, công việc, v.v., chúng ta cũng phát triển
nhận thức cao hơn. Làm chủ cảm xúc đưa chúng ta đến nền tảng đầu tiên. Sau đó,
chúng ta phải đối mặt với chính mình ở những giao lộ khác nhau khi chúng ta tiếp
tục di chuyển.
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trong Trái tim, với 5
vòng tròn của Vùng Trái tim. Mỗi giao lộ đều gắn với một bộ lọc cảm xúc, bắt đầu
từ những ham muốn của chúng ta. Quá trình tiến hóa của chúng ta là quá trình loại
bỏ các bộ lọc.
Các bộ lọc mà chúng ta trải qua thực sự là những thứ
chúng ta biết rõ. Thí dụ, trong mối quan hệ với vợ hoặc chồng hoặc người yêu,
chúng ta thường giam hãm nhau. Trong số hàng trăm cặp đôi, hiếm khi có 3 hoặc 4
cặp may mắn có được tình yêu đích thực. Hầu hết đều là sở hữu. Các bộ lọc khác
bao gồm hệ thống niềm tin của chúng ta, như niềm tin tôn giáo. Những điều này dẫn
đến thành kiến giữa những người có niềm tin khác nhau, cho dù đó là về tôn
giáo, chính trị hay hệ tư tưởng. Rồi, có những nguyên tắc mà chúng ta thường rất
yêu quý, chẳng hạn như sự cần thiết của sự trung thực và công lý. Mặc dù nhiều
nguyên tắc trong số này rất cao cả, nhưng nếu cuồng tín trong các mối quan hệ của
mình, chúng ta sẽ không thể tha thứ và buông bỏ, thay vào đó luôn đấu tranh cho
những gì chúng ta tin là đúng. Điều này tạo ra sự méo mó - thậm chí chúng ta có
thể ghét bỏ mọi người - và điều đó làm chệch hướng tia tình yêu khỏi quỹ đạo của
nó về phía Trung tâm.
Một thí dụ điển hình trong văn hóa đại chúng là Anakin
Skywalker trong Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao). Anakin có tiềm năng trở
thành một trong những Jedi được chọn, sẽ khôi phục lại sự cân bằng cho Thần lực,
anh ta là một thanh niên chu đáo và giàu lòng trắc ẩn. Nhưng sau đó, anh ta
phát triển mối quan hệ với sự căm phẫn sâu sắc về cái chết của người mẹ thân
yêu và Padme yêu dấu của mình, và điều này cuối cùng dẫn đến việc anh ta biến
thành Darth Vader.
Cái tôi là mặt tối của sự tồn tại. Chúng ta càng ở xa
nguồn Ánh sáng tại Trung tâm, vệt tối càng có cảm giác dài hơn. Cái gì hoặc ai
được thỏa mãn bởi cái tôi? Khi ai đó đồng ý với chúng ta trước sự phản đối kịch
liệt của những người khác, người đó sẽ trở thành bạn thân thiết của chúng ta! Tại
sao? Ở một thái cực khác, khi ai đó thực sự thân thiết không đồng ý với chúng
ta, chúng ta thường choáng váng.
Ham muốn dễ xử lý hơn nhiều so với cái tôi, bởi vì một
khi đã được thực hiện, ham muốn sẽ không nảy sinh sau khi đã thỏa mãn. Ham muốn
có thể lặp lại, nhưng khoảng thời gian là có giới hạn. Ngoài ra, ham muốn ăn uống
và thỏa mãn các giác quan khác là điều tự nhiên ở một chừng mực nào đó. Còn với
cái tôi, nó liên tục không ngơi nghỉ. Cái tôi hùng mạnh nhờ quyền lực và chức vị...
đúng hơn là bất cứ thứ gì cũng sẽ thúc đẩy sự tồn tại của nó. Đặc điểm này phân
biệt chúng ta với phần còn lại của giới động vật. Chính điều có ý nghĩa đối với
sự tiến hóa dường như lại chống lại sự mở rộng ý thức của chúng ta.
Mối nguy hiểm của cú ngã như vậy không có đối với động
vật và cây cối, nhưng lợi ích của sự tiến hóa để có ý thức rộng hơn cũng không
có ở chúng. Cách hành xử như thực vật và động vật không mang lại cho chúng ta sự
tiến hóa, mặc dù cái tôi của chúng không tồn tại. Chúng ta chỉ có thể giải
phóng bản thân khỏi những đòi hỏi miên man và sức nặng của cái tôi bằng cách trở
nên nhẹ bẫng, bằng cách trở thành một với Đại dương vô hạn, bằng cách đồng nhất
với Thần tính vô hình. Khi đồng hóa bản thân với thế giới bên ngoài, chúng ta luôn
bị dính mắc vào nó, không trông thấy ranh giới. Điều này cũng giống như việc dệt
một cái lưới và bị mắc kẹt trong đó.
Cái bên ngoài luôn được yêu cầu đáp ứng prakritik hay ham muốn giác quan của
chúng ta; sự phụ thuộc là ở cái bên ngoài. Sự phụ thuộc như vậy khiến chúng ta
trở thành nô lệ của mong muốn. Một con hổ giết con trâu hoặc con nai theo bản
năng sinh tồn. Một con sư tử đực có niềm kiêu hãnh với 6 con cái về khả năng
sinh sản. Đây là bản chất. Nói một cách chính xác, bản chất bên ngoài. Chúng ta
có thể không bị hấp dẫn bởi rasgulla, biriyani, hoặc pizza, nhưng không bao giờ
thoát khỏi nhu cầu về ăn uống.
Còn việc thỏa mãn cái tôi của một người thì sao? Cái
tôi là do Thượng đế ban tặng? Nó được tự sinh ra. Nó sinh ra từ nội giới, vô
hình.
Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được nhu cầu làm dịu cơn
khát và cơn đói cũng như thỏa mãn ham muốn tình dục - chúng là thiết yếu và là
một phần kế hoạch của thiên nhiên. Cái tôi có phải là món quà của thiên nhiên
không? Khi dạ dày bắt đầu cảm thấy nặng và đau, đó là tín hiệu từ bên trong rằng
bất kỳ loại thức ăn nào đưa thêm vào cũng sẽ gây ra phiền toái. Thường có một cảnh
báo về điều không thiết yếu. Cái tôi cũng không thiết yếu, và đáp ứng điều
không thiết yếu là chống lại sức khỏe cá nhân, dù là thể chất, tinh thần, cảm
xúc hay tâm linh.
Mỗi lần, tôi nhận được một bức thư tùy theo sự cần thiết,
tôi sẽ trả lời hoặc xếp lại. Khi tôi không trả lời, người gửi thường viết lại hỏi:
"Daaji, ngài có khó chịu với tôi không?" Bằng cách nào đó, họ buộc
tôi phải trả lời, mong đợi tôi nói, "Không, không, tôi không khó chịu với anh."
Những trao đổi như vậy là vô nghĩa và lãng phí thời gian đối với tất cả những
người có liên quan. Những người phát triển mạnh mẽ việc nâng niu và chiều chuộng
cái tôi như vậy sẽ khó có thể tiến sâu hơn vào bên trong. Cái tôi luôn đòi hỏi
sự chiều chuộng chu đáo từ bên ngoài, tốt nhất là từ người tương đồng, người cùng
phong cách hoặc người mà bạn vô cùng tôn kính.
Tại sao lại cùng một phong cách? Ích lợi của việc mặc com
lê và thắt cà vạt trong quốc hội Ấn Độ là gì? Ai sẽ ghen tỵ với bạn? Có ích gì
khi đeo vòng cổ kim cương và mặc áo choàng dệt bằng vàng đứng trước mặt Swami
Vivekananda hoặc Ramakrishna Paramahansa? Liệu họ có cảm thấy ghen tỵ không?
Thay vào đó, cái tôi của bạn sẽ xẹp xuống vì thiếu đi sự ngưỡng mộ của họ. Cái
tôi là biên giới xa nhất đưa bạn ra khỏi Trung tâm của mình. Từ biên giới xa xôi
đó, thật khó để lắng nghe trái tim của chính mình. Thay vào đó, bạn gần hơn với
những người khác và quan điểm của họ. Một khuynh hướng như vậy là độc hại cho
một người tâm linh.
Cái tôi thường đồng hóa với tập thể: Thí dụ, bạn có thể
phát triển lòng tự hào dân tộc, tin rằng đất nước của bạn là tuyệt hảo cho dù phải
trả giá bằng những người khác. Các nhà khoa học và những người tâm linh cũng có
thể trở nên hẹp hòi, tin rằng quan điểm của họ là duy nhất đúng. Căn bệnh “Tôi
biết. Tôi đúng,” có lẽ là đại dịch lớn nhất mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Nó
là một bộ lọc quan trọng làm chệch hướng tia tình yêu.
Chúng ta càng gắn bó với niềm tin, nguyên tắc và định
kiến của mình, thì chướng ngại cản trở tia tình yêu càng lớn, ngăn tình yêu
đưa chúng ta đến đích. Cái tôi tập thể của chúng ta đặc biệt nguy hiểm vì nó dẫn
đến tâm lý đám đông. Chúng ta thấy điều này trong niềm tin tôn giáo mù quáng và
khi các xã hội trở nên phân cực về chính trị, và những định kiến này dẫn đến hận
thù, bạo lực, và đôi khi là chiến tranh. Trong những môi trường như vậy, những
người xung quanh chúng ta thường củng cố niềm tin của chính chúng ta thay vì
giúp chúng ta nhìn ra những góc nhìn khác. Chúng ta thậm chí còn trở nên hẹp
hòi hơn.
Nhưng mối quan hệ cũng có thể là bạn của chúng ta, đưa
chúng ta đi theo hướng ngược lại đến với sự hòa nhập. Điều này xảy ra khi mối
quan hệ là tình yêu đích thực. Khi đó, nhận thức của chúng ta được mở rộng, và
đó là hành trình tâm linh. Chúng ta tìm hiểu mối quan hệ như thế nào? Chúng ta
bắt đầu trải nghiệm điều đó ngay từ khi còn trong bụng mẹ với mẹ của chúng ta.
Khi lớn lên, chúng ta gặp gỡ những người khác mà chúng ta cảm thấy có duyên.
Chúng ta phát triển tình cảm đối với con trẻ và tình yêu bình đẳng. Chúng ta cảm
thấy yêu mến, tin cậy và tin tưởng vào những bậc cao niên, bao gồm cả Master
đang dẫn đường cho chúng ta. Tất cả đều là sản phẩm phụ của mối quan hệ, và nó
sẽ tàn lụi khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình bên trong. Chúng ta trải nghiệm
tất cả những điều này, tự vấn, "Yêu ai?" "Kết nối với ai?"
"Tin tưởng ai?" v.v... Tình cảm sâu đậm thành tình yêu, và cuối cùng
tan thành trạng thái quy thuận. Đó là khi mối quan hệ chín muồi thành sự sùng
kính.
Tốc độ di chuyển của tia tình yêu nhanh hơn tốc độ ánh
sáng, vì vậy nếu có thể loại bỏ tất cả các bộ lọc, chúng ta sẽ đến Trung tâm
ngay lập tức. Khi chướng ngại vật được tạo ra bởi những bộ lọc này làm chệch hướng
tia tình yêu khỏi Trung tâm, chúng ta đau khổ rất nhiều. Một số bộ lọc, như định
kiến, ghen tỵ, đố kỵ, tham lam và giận dữ mạnh đến mức chúng hoạt động giống
như một boong-ke hạt nhân dưới lòng đất - chúng không cho phép bất cứ thứ gì thâm
nhập. Chúng ngăn chặn tình yêu phát huy tác dụng diệu kỳ của nó.
Gần đây, tôi ngày càng nhận thức rõ hơn rằng các truyền
thống Ấn Độ cổ đại có rất nhiều điều để dạy chúng ta về vấn đề này, đặc biệt là
Kinh Bhakti. Chúng ta thường dịch Bhakti là “tình yêu và sự sùng kính”, nhưng
nó còn căn bản hơn thế. Đó là cảm giác kết nối với vạn vật thông qua trái tim -
kết nối ý thức cá nhân với ý thức thần thánh phổ quát.
Không có Bhakti, mọi thứ chúng ta nghĩ và làm đều thiếu
đi yếu tố sống còn là nhiệt huyết và niềm vui, vì vậy nó thiếu đi mục đích.
Bhakti là huyết mạch của chúng ta trên cuộc hành trình bên trong; nó giữ kết nối
của chúng ta với tình yêu. Sẽ chính xác hơn nếu nói rằng Bhakti là nhiêu liệu
cho tình yêu.
Cái tôi chỉ biết ngôn ngữ của sự thống trị và chiến thắng
cá nhân, không phải của tình yêu. Ngôn ngữ của sự khiêm nhường, ẩn danh và sự linh
hoạt cởi mở là điều xa lạ đối với một người vị kỷ, đơn giản là họ không thể hiểu
được. Hành trình đến Trung tâm đưa chúng ta tiến dần từ một vòng tròn vào vòng tròn
kế tiếp, từ chiều kích này sang chiều kích khác và nếu chúng ta không điều chỉnh
thì chúng ta sẽ phải tranh đấu để thích nghi với mỗi môi trường mới. Đó là lý
do tại sao các hiền triết nói về sự cần thiết phải trau dồi tính cách, akhlaq. Từ kinh nghiệm, họ biết rằng
chúng ta cần điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với môi trường bên trong đang
thay đổi theo địa hình tâm linh, và tình yêu cho phép sự điều chỉnh đó xảy ra. Thí
dụ, khi chúng ta đến luân xa 2 của Vùng Trái tim, lãnh địa thần thánh của bình
yên, an tĩnh và xa lìa thế giới vật chất, khi đó liệu có thích hợp để hét vào mặt
một người thân yêu không? Kiểu hành vi mạnh mẽ đó không còn phù hợp với chiều
kích bên trong của luân xa 2.
Trong cuốn Towards
Infinity, Babuji mô tả sự di chuyển từ luân xa này sang luân xa khác. Tại
luân xa đầu tiên của Trái tim, ngài yêu cầu chúng ta nhận biết trọn vẹn về trạng
thái được Master làm sinh động trong chúng ta trong khi thiền, sau đó thấm nhuần
trạng thái đó, để chúng ta hòa làm một với nó. Thông qua quá trình này, chúng ta
tự nhiên phát triển ái lực ngày một lớn hơn. Ở luân xa thứ 2, ngài nhắc nhở
chúng ta rằng chính Bhakti mãnh liệt của chúng ta đã đưa chúng ta đến chiều
kích tiếp theo này.
Chúng ta có thể nói rằng cường độ Bhakti tỷ lệ thuận với
khả năng tiếp cận luân xa thứ 2. Đây là mức độ sâu sắc hơn của mối quan hệ -
Bhakti. Tại luân xa thứ 3, chúng ta trải nghiệm ngọn lửa của tình yêu đích thực,
từ đó thu hút được Ân sủng thiêng liêng, thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn trên cuộc
hành trình. Trải nghiệm sâu sắc hơn về mối quan hệ mạnh mẽ đến mức nó thu hút
được sự hồi đáp từ chính Trung tâm. Theo cách này, mỗi chiều kích được xây dựng
dựa trên chiều kích trước đó, trong khi chúng ta được du hành bằng tia tình
yêu.
Chúng ta tìm hiểu về tình yêu thông qua các mối quan hệ.
Các mối quan hệ là mảnh đất đào tạo tình yêu của chúng ta. Mối quan hệ thể hiện
như tình cảm với trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình, và tình cảm trở
thành tình yêu giữa những người ngang hàng, nhưng đây cũng là nơi mà cái tôi xuất
hiện trên đường đi. Tu dưỡng bản thân là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tránh
sự tan vỡ mà nếu không sẽ xảy ra. Sự tan vỡ là điều sẽ xảy ra khi chúng ta
không còn yêu.
Trong khi mối quan hệ là một bước cần thiết để vun đắp
tình yêu, nó cũng có thể là một cái bẫy. Nếu chúng ta bị dính mắc ở bất kỳ cấp
độ cụ thể nào, chúng ta bị mắc kẹt. Thí dụ, khi chúng ta chỉ tập trung vào gia
đình, chúng ta không thể mở rộng tình yêu của mình đến với cộng đồng, hoặc cấp
độ tiếp theo là nhân loại nói chung, hoặc tất cả tạo vật. Khi kênh tình yêu hẹp,
chúng ta không thể yêu tất cả. Chúng ta cần phải tiếp tục mở rộng năng lực yêu
thương và để nó nhấn chìm thế giới để có được Bhakti đích thực. Sự quảng đại
chân chính này của trái tim là kết quả của thực hành tâm linh.
Nhìn chung, sự tiến triển diễn ra như thế này: Từ mối
quan hệ đến tình cảm đến tình yêu đến shraddha.
Shraddha là một thành tựu rất cao, nơi đức tin chân chính phát triển thành sự quy
thuận. Chúng ta trải qua tất cả các giai đoạn phát triển này. Nhưng điều gì xảy
ra tiếp theo?
Chúng ta kết thúc ở đâu? Mục đích của Bhakti chỉ là
giúp hành trình của chúng ta suôn sẻ và dễ dàng bằng tình yêu, để chúng ta có
thể hợp nhất với Cái Tuyệt Đối. Trong sự hợp nhất, các bộ lọc của ham muốn, cảm
xúc và cái tôi được xóa bỏ để quỹ đạo trở nên trơn tru. Bạn có thể nghĩ rằng lúc
này chúng ta đã đến được Trung tâm, nhưng còn nhiều điều hơn thế. Chỉ lúc này, khi
đã đạt đến trạng thái hợp nhất, cuộc hành trình đích thực mới thực sự bắt đầu!
Nói một cách đơn giản, một khi bạn vứt bỏ ham muốn, là có được sự giải thoát; một
khi cái tôi bị loại bỏ, sự hợp nhất xảy ra tức thì.
Bây giờ chúng ta bước vào Vùng Trung tâm, và bên trong
vùng này có 7 vòng tròn, được gọi là những Vòng tròn Chói lọi. Chúng ta tiếp tục
tiến về phía trước, trải nghiệm siêu ý thức thuộc loại tốt nhất. Trong Vùng
Trung tâm, ý thức mang diện mạo nguyên thủy của nó. Đây là vương quốc của Thực
tại, vượt ngoài những vòng tròn của ham muốn, cảm xúc và cái tôi. Ở đây chúng
ta chuyển qua các cấp độ khác nhau của bản sắc vi tế đối với không-hiện hữu.
Vùng Trung tâm bắt đầu với giai đoạn của tính tự động - cái biết vi tế rằng mọi
thứ được thực hiện một cách tự động. Không còn ý thức về “người làm” trong bất
kỳ hoạt động nào. Tính tự động lúc này là dễ dàng và hòa hợp với Thiên nhiên.
Ở giai đoạn tiếp theo, cảm giác về tính tự động biến mất.
Cách đơn giản nhất để hiểu điều này là tưởng tượng bạn đang ở trong trạng thái
ngủ sâu trong khi tiếp tục cuộc sống hàng ngày. Trong trạng thái không biết
này, hành động không để lại dấu ấn. Không có sự liên quan đến suy nghĩ hoặc
hành động ở cấp độ tinh thần.
Xa hơn nữa, khi tình yêu đưa chúng ta đến gần Trung
tâm hơn, trạng thái không biết sẽ được tinh chỉnh hơn nữa để trở thành bản sắc
thuần túy. Mọi giới hạn không còn, nhưng nó không phải là dấu chấm hết. Vẫn có
chuyển động tiềm tàng.
Sau đó chúng ta tiếp tục bơi về phía Trung tâm. Babuji
mô tả Trung tâm như là bất động và "Vô hạn bên trong chính nó", nơi
mà sự kỳ diệu và kinh ngạc thuần túy thuộc loại cao nhất được tìm thấy. Chính
Trung tâm bất động này duy trì chuyển động tiềm tàng chịu trách nhiệm về toàn bộ
Vũ trụ.
Babuji cũng mô tả Ánh sáng phát ra từ Trung tâm, di
chuyển đến rìa ngoài của Vùng Trung tâm, tạo ra một “vòng tròn”. Ngài sử dụng từ
"Ánh sáng", nhưng ngài nói rằng thực sự không có từ nào để diễn tả
nó. Có lẽ chính là Ánh sáng đó đã mang đến cho 7 vòng tròn của Vùng Trung tâm
cái tên “Những Vòng tròn Chói lọi”. Bạn nghĩ sao? Những gì chúng ta biết là
cách duy nhất để chúng ta có thể vượt qua vòng tròn đó để vào Trung tâm là nhờ
vào tình yêu, và điều đó đòi hỏi sự phụ thuộc hoàn toàn vào Master.
Lời nguyện cầu chân thành,
Kamlesh
Kanha Shanti Vanam
Thông điệp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 66 của Shri Kamlesh Patel