23 tháng 8, 2021

Sự viên mãn

Cuộc truy tìm hạnh phúc

Từ xa xưa, viên mãn, hạnh phúc, an lạc… được coi là tiêu chuẩn của một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người từ mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, trong thế giới đầy bất trắc ngày nay, những thứ đó dường như lẩn tránh chúng ta hơn bao giờ hết.

Khi tôi nhớ về ông bà của mình, những người nông dân chân chất từ Gujarat, Ấn Độ, họ có rất ít của cải vật chất, và họ đã sống qua thời kỳ khó khăn vào cuối giai đoạn cai trị của Anh và nền độc lập của Ấn Độ, nhưng họ có mức độ mãn nguyện cao hơn hầu hết những người giàu có đang sống cuộc sống xa hoa ngày nay. Trong ký ức của mình, tôi vẫn hình dung ra cuộc sống giản dị của họ, nụ cười của họ, cách họ ứng xử với các thành viên trong gia đình và những nguyên tắc căn bản định hình lối sống của họ. Những nguyên tắc này đã mang lại cho họ rất nhiều sự ổn định, và đó là những thói quen trong lối sống mà chúng ta sẽ thảo luận trong loạt bài này.

Tôi nghe những câu chuyện tương tự từ những người bạn phương Tây của mình, họ kể cho tôi nghe về ông bà và cha mẹ của họ sống qua Thế chiến I, Đại suy thoái và Thế chiến II, họ dường như cũng có mức độ mãn nguyện cao hơn nhiều người ngày nay. Họ chấp nhận sự thiếu thốn khi tài nguyên khan hiếm, họ trân trọng nhiều thứ rất đỗi bình dị trong cuộc sống hàng ngày, như khẩu phần ăn thời chiến, cảnh bình minh tuyệt đẹp, quà Giáng sinh tự làm, và những lá thư từ người thân ở nhà hoặc trên mặt trận. Họ đã làm nên điều gì đó cho cuộc đời mình bất chấp gian truân mà họ phải chịu đựng. Một ví dụ đáng kinh ngạc và đầy truyền cảm là bộ phim vào năm 1997, Life is Beautiful (Cuộc sống tươi đẹp), kể về một chủ hiệu sách người Ý gốc Do Thái, cả gia đình anh bị Đức Quốc xã bắt và giam giữ, anh đã cố gắng bảo vệ đứa con trai nhỏ của mình khỏi sự khủng khiếp của trại tập trung bằng sự hài hước và niềm hy vọng.

Một ví dụ nổi bật ngày nay đã diễn ra tại một Hội nghị Thanh niên Heartfulness ở Nairobi, Kenya, vào năm 2018. Những người tham dự đều tốt nghiệp chương trình CAP Youth Empowerment Initiative dành cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, và nhiều em không biết bữa ăn tiếp theo đến từ đâu hoặc khi nào mình sẽ tìm được việc làm. Những câu chuyện cuộc đời các em là khó khăn theo tiêu chuẩn của hầu hết mọi người, nhưng ở các em toát lên sức sống và niềm vui đến nỗi nhóm chúng tôi đã phải rơi nước mắt. Sự cởi mở và tham gia chân thành của các em đã được tất cả những người tham dự đánh giá cao.

Chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng mức độ viên mãn của một người không nhất thiết phải liên quan đến hoàn cảnh của họ. Thay vào đó, nó liên quan trực tiếp đến trạng thái bên trong của họ - mức độ chấp nhận hay cách khác, mức độ mong đợi và mong muốn của họ. Ngoài ra, sự mãn nguyện nảy sinh khi chúng ta tiếp xúc với linh hồn. Quan trọng là phải hiểu điểm này: sự mãn nguyện không đến từ thân hay tâm; nó phát xuất từ linh hồn, khi các lớp điều kiện hóa tan biến.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số phương pháp giúp trải nghiệm sự kết nối đó. Nhưng trước tiên, hãy cùng tìm hiểu Kinh Yoga của Patanjali, vị tổ sư cổ xưa của Yoga. Kinh này đã được viết cách đây hàng nghìn năm và vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Ngài nói gì về Niyama thứ hai - sự viên mãn?

Thuần khiết → Viên mãn → Hạnh phúc

Đầu tiên, Patanjali nói rằng viên mãn phát xuất từ sự thuần khiết, Niyama đầu tiên. Ngài định nghĩa 4 phẩm tính phát xuất từ sự thuần khiết, và phẩm tính đầu tiên là viên mãn. Làm thế nào để điều này xảy ra? Khi chúng ta loại bỏ tất cả tạp chất, phức tạp và nặng nề trong thân-tâm, thứ tạo thành các lớp phủ xung quanh linh hồn; thanh lọc trường ý thức, cho phép chúng ta tập trung vào bên trong và kết nối với linh hồn. Chính ở đây, chúng ta trải nghiệm sự viên mãn nội tâm đích thực.

Thứ hai, Patanjali nói rằng hạnh phúc to lớn là kết quả của sự viên mãn sâu lắng. Vì vậy, thuần khiết dẫn đến viên mãn, từ đó dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc to lớn này là trạng thái bên trong - không liên quan gì đến vui thú và niềm đau của tồn tại thế tục, vốn vô thường, đến và đi như thời tiết.

Nếu bạn tự hỏi mình, “Điều gì mang lại cho tôi hạnh phúc và viên mãn?”, nó có thể là mối quan hệ với những người thân yêu, sự nghiệp hoặc một lối sống thoải mái. Nhưng ngay cả khi có tất cả những thứ này, liệu bạn có thực sự hạnh phúc nếu không có sự bình yên và an tĩnh nội tâm? Nếu bạn cũng tự hỏi mình, “Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu hoàn cảnh thay đổi?”, bạn có thể phát hiện ra rằng hạnh phúc của mình tùy thuộc vào các sự kiện và hoàn cảnh bên ngoài. Khi tình huống thay đổi theo chiều hướng xấu hơn, giống như đã xảy ra với nhiều người với đại dịch Covid, bạn có còn cảm thấy hạnh phúc không?  

Người hạnh phúc thực sự là người hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh - những thứ bên ngoài và con người có thể mang lại hạnh phúc tạm thời, mặc dù quan trọng trong cuộc sống hàng ngày nhưng chúng không đảm bảo hạnh phúc bền lâu, bởi vì khi những thứ đó mất đi thì hạnh phúc cũng tan biến. Vậy làm thế nào để chúng ta tạo ra một cái gì đó bền lâu? Làm thế nào để chúng ta trui rèn bản thân để trở nên hạnh phúc dù cho bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta? Đó là lời hứa của Yoga - tìm ra nguồn gốc của sự viên mãn trường cửu bằng cách lặn vào Trung tâm của bản thể. Osho giải thích điều đó như thế này: “Sự viên mãn là nguyên tắc của một yogi. Không gì có thể đưa họ rời xa Trung tâm”.

Tôi thường chia sẻ quan điểm của triết gia người Đức Schopenhauer về hạnh phúc, bắt đầu bằng câu hỏi tu từ của ông, "Làm thế nào chúng ta có thể xác định một người hạnh phúc hay không hạnh phúc?" Ông ấy trả lời bằng cách nói rằng hạnh phúc thực sự là sự thỏa mãn hoàn toàn mọi mong muốn.

Về mặt toán học, nó được thể hiện như thế này:

Nói cách khác, hạnh phúc của chúng ta tỷ lệ nghịch với số mong muốn đã nhân với cường độ của mỗi mong muốn. Về số lượng: nếu chúng ta có 10 mong muốn và 5 mong muốn được thực hiện, thì chúng ta có 50% hạnh phúc; nếu 10 mong muốn được thực hiện, chúng ta có 100% hạnh phúc. Càng nhiều mong muốn, chúng ta càng khó thực hiện tất cả chúng, vì vậy chúng ta càng ít hạnh phúc. Về cường độ: chúng ta có thể chỉ có một vài mong muốn nhưng nếu chúng rất mãnh liệt, chúng ta sẽ không yên cho đến khi chúng được thực hiện.

Những thực hành mang lại viên mãn và hạnh phúc

Làm thế nào chúng ta có thể loại bỏ sự lệ thuộc vào ham muốn để có thể tạo ra sự chấp nhận và viên mãn nội tại? Trong Heartfulness, điều đó xảy ra một cách tự nhiên do kết quả của một bộ thực hành bổ trợ cho nhau:

Thiền: Thông qua luyện tập, chúng ta học cách lờ đi sự lôi kéo của suy nghĩ trong khi Thiền. Chúng không còn làm chúng ta phân tâm nữa. Chúng ta phát triển khả năng làm chủ quá trình suy nghĩ. Khi lặn sâu hơn vào trái tim trong khi Thiền, chúng ta cũng có thể lờ đi sự lôi kéo của cảm xúc và cảm giác trong trái tim. Chúng ta học cách dừng lại trước khi phản ứng với những thăng trầm của cuộc sống. Chúng ta cảm thấy khoan khoái trong yên lặng và rỗng rang. Dòng truyền mang đến chất xúc tác để điều này xảy ra.

Thanh lọc: Chúng ta loại bỏ những dấu ấn rung động tiềm ẩn (samskara) - những cái móc cho ham muốn trong tiềm thức, thông qua thực hành Thanh lọc hàng ngày. Ham muốn thường có gốc rễ từ tiềm thức mà chúng ta không thể loại bỏ ở cấp độ ý thức. Việc thanh lọc loại bỏ gốc rễ từ tiềm thức.

Cầu nguyện: Trước khi đi ngủ, chúng ta mở rộng trái tim, kết nối với Trung tâm, và thừa nhận rào cản do mong muốn và ham muốn gây ra. Chúng ta chấp nhận sự giúp đỡ để loại bỏ những mong muốn đó thay vì cố gắng loại bỏ chúng với cái tôi-ý thức hạn chế của mình.

10 nguyên tắc phổ quát: Tôi đã viết về những nguyên tắc này trong loạt bài “A User’s Guide to Living”. Chúng chứa đựng những bí mật tâm linh đến từ sự tìm hiểu Thiên nhiên, và được bộc lộ thông qua nhận thức trực tiếp.

Thường niệm: Chúng ta hấp thụ trạng thái bên trong được trải nghiệm trong thiền buổi sáng và cho phép nó sâu sắc hơn suốt cả ngày. Điều này tự nhiên dẫn đến việc tưởng nhớ sự kết nối với Trung tâm bên trong. Một phần sự chú ý của chúng ta vẫn tập trung vào bên trong và một phần tập trung ra bên ngoài để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Khi trạng thái này trở thành một dòng liên tục, nó được gọi là thường niệm, và thường niệm này ngăn ngừa việc hình thành dấu ấn. Trạng thái thuần khiết của ý thức được duy trì.

Sau đó, chúng ta cảm thấy viên mãn trong mọi hoàn cảnh và hòa hợp với chính mình. Chúng ta đã tìm thấy hạnh phúc tối hậu.

Cảm xúc và ham muốn

Có thể sống một cuộc sống mà không có bất kỳ ham muốn nào không? Tôi không tin như vậy. Tất cả chúng ta đều có ham muốn và khát vọng. Quan tâm đến cuộc sống, xuất sắc trong bất cứ điều gì chúng ta làm, là tự nhiên và lành mạnh. Chính cách chúng ta liên kết cảm xúc với ham muốn tạo ra sự khác biệt. Làm thế nào để giải được câu đố của việc sống với ham muốn mà không để chúng kéo chúng ta đi chệch hướng? Không có câu trả lời dễ dàng nào, nhưng trạng thái viên mãn nội tại tỏa khắp khi chúng ta thực hiện các thực hành Heartfulness ở trên. Chúng ta phát triển mức độ chín muồi về cảm xúc, và chúng ta quan tâm đến những mục tiêu cao hơn, để ham muốn trở thành khát vọng thay vì tập trung vào sự lôi kéo và xô đẩy của những trói buộc thế tục. Chúng ta học cách hoàn toàn đắm chìm vào bất cứ việc gì chúng ta đang làm, ở hiện tại, không có cái tôi, kiêu căng hay ngạo mạn, và điều này cũng dẫn đến niềm vui và sự viên mãn khi chúng ta làm hết sức mình, với sự quan tâm, với thái độ cải thiện liên tục, coi thất bại như bàn đạp trên con đường tiến hóa.

Và khi chúng ta trải nghiệm trạng thái cân bằng tuyệt đối trong khi thiền, trạng thái Samadhi, và nó lan tỏa trong tất cả các hoạt động khác như kết quả của thường niệm, thì hạnh phúc đích thực tự nhiên xuất hiện, ngay cả khi phải đối mặt với những thất vọng thế tục, chúng ta vẫn an trú bên trong. Chúng ta mời các trạng thái Samadhi này mỗi ngày và biến chúng thành vĩnh viễn. Đó là con đường Heartfulness.

Trái tim là điểm quy chiếu

Trái tim là khí áp kế đo cảm nhận của chúng ta về mọi thứ, bao gồm cả bản thân - chúng ta cảm nhận về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của mình như thế nào và đưa ra lựa chọn ra sao. Khi chúng ta hạnh phúc và thăng bằng, thường thì trái tim không nói nhiều. Khi chúng ta lựa chọn sáng suốt, trái tim là chứng nhân thầm lặng cho những quyết định mà chúng ta đưa ra. Có sự viên mãn tự nhiên. Và khi chúng ta không hài lòng với bản thân, trái tim trở nên bất an, cảnh báo chúng ta rằng có điều gì đó cần thay đổi. Chúng ta học cách lắng nghe trái tim và để nó hướng dẫn chúng ta. Chúng ta mãn nguyện ngay cả khi không thoải mái với sự thay đổi mà trái tim đòi hỏi ở chúng ta, bởi vì chúng ta cảm thấy hòa nhập, đủ đầy và hòa hợp với chính mình - chúng ta đang tiến hóa. Có sự viên mãn trong cuộc tranh đấu để phát triển.

Vùng Trái tim là một vùng của hệ thống luân xa người có liên quan đến tính hai mặt của cuộc sống thường ngày. Có 5 luân xa trong vùng này, và mỗi luân xa đều có một phổ cảm xúc cụ thể. Luân xa đầu tiên nằm ở dưới ngực trái, nơi thấy trái tim vật lý. Phổ cảm xúc ở luân xa này là tính hai mặt của ham muốn và mãn nguyện. Thoạt đầu, có vẻ như mãn nguyện là tích cực và ham muốn là tiêu cực. Ở một mức độ nào đó, điều đó là hữu ích, bởi vì ham muốn thế tục gây trở ngại cho chúng ta và tạo ra sự rối loạn cảm xúc. Nhưng khi luân xa 1 được thanh lọc thông qua rèn luyện, chúng ta không còn hứng thú với sự lôi kéo và xô đẩy của những ham muốn đưa chúng ta rời xa mục đích, và chúng ta nhận ra rằng năng lượng của ham muốn có thể là năng lượng của khát vọng; cả hai đầu của phổ đều có mục đích tiến hóa. Ham muốn ở dạng thuần khiết nhất là khao khát đạt được trạng thái cao nhất, và nó giữ cho chúng ta tập trung vào mục tiêu. Mãn nguyện mang lại sự bình yên và vững vàng trong thực hành tâm linh, cũng như sự đĩnh đạc và kiên nhẫn trong đời sống thế tục.

Với Thanh lọc, chúng ta loại bỏ những luyến cảm gắn với ham muốn thế tục khiến chúng ta bị vướng vào một ma trận. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được mình đang ôm giữ những vướng bận này? Đây là một sự tương đồng. Gần đây, tôi đọc một bài báo về linh trưởng mẹ tiếp tục cưu mang và chải chuốt cho linh trưởng con đã chết. Nghiên cứu từ University College London đã chỉ ra rằng khỉ đầu chó mẹ cưu mang con đã chết đến 10 ngày, trong khi tinh tinh và khỉ mẹ Nhật Bản được quan sát thấy cưu mang con đã chết lâu hơn - đôi khi lên đến một tháng. Chúng chỉ buông con ra khi con đã bị thối rữa. Ngay cả con đực cũng bảo vệ và chải chuốt cho con sơ sinh đã chết của chúng.

Tương tự, khi chúng ta ôm giữ ham muốn và mong đợi, những thứ được thực hiện với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Những điều hy vọng này sẽ xảy ra khiến chúng ta ôm ấp chờ mong giống như linh trưởng cưu mang con đã chết của chúng. Những mong đợi móc vào tâm và chúng ta không để chúng đi. Trên thực tế, linh trưởng có lẽ khôn ngoan hơn chúng ta, vì cuối cùng chúng cũng buông bỏ.

Khi học cách sống trong hiện tại, chúng ta sống trong thực tại, bản chất của Đấng Thiêng Liêng. Đó là lý do tại sao, trong Bhagavad Gita, Chúa Krishna nói, “Kālo ’smi,” có nghĩa là “Ta là thời gian.” Ngài không nói về quá khứ hay tương lai. Khi đắm chìm trong cảm xúc quá khứ, hoặc hy vọng về tương lai, chúng ta đang sống một cuộc đời không có thực. Chúng ta đang rời xa Thượng Đế, Paramatma. Và chúng ta sẽ tìm thấy sự viên mãn ở đâu nếu chúng ta không an trụ trong tinh túy của mình?

Với Cầu nguyện, Thiền và quán sát nội tâm, chúng ta đi sâu hơn vào cảm nhận và tâm thức của trái tim, để cảm xúc trở nên ít phản ứng hơn, tinh tế hơn. Cuối cùng, chúng ta làm chủ phổ ham muốn và mãn nguyện liên kết với luân xa 1, và do đó chúng ta hòa nhập khao khát về mục tiêu và sự viên mãn - chuyển động và đứng yên cùng đồng hành.

Viên mãn mang lại sự trung dung

Viên mãn là cảm nhận của chúng ta khi có sự chấp nhận hoàn toàn và tự nhiên về bất cứ điều gì đang xảy ra. Khoảnh khắc hiện tại đúng như nó là. Điều này không có nghĩa là chúng ta không muốn mọi thứ thay đổi. Viên mãn là bước đầu tiên - nó mang lại cho chúng ta điểm bắt đầu trung dung của sự chấp nhận để từ đó tiến lên phía trước, có thể bao gồm việc bắt đầu thay đổi nếu được yêu cầu. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc đó, chúng ta thuần hiện diện. Sự vĩnh cửu được gói gọn trong khoảnh khắc này, và chúng ta an trú trong Cái Vô Hạn. Quá khứ không thể trở lại. Chỉ những dấu ấn và ký ức còn lại trong thân vi tế, được lên chương trình trong tiềm thức, và khi chúng ta có thể buông bỏ những dấu ấn đó và ở trong khoảnh khắc được thiết định trong sự hiện diện, cái biết, tỉnh thức và vô ham muốn, thì chúng ta ở trong trạng thái chấp nhận hoàn toàn mà không mong đợi.

Mức độ viên mãn này là trạng thái tự nhiên của một yogi. Một yogi càng mãn nguyện, sẽ càng tỏa ra nhiều bình yên và hạnh phúc cho những người khác. Sự mãn nguyện có tính lan truyền, cũng như khổ não có tính lan truyền, và nó tỏa ra từ trạng thái bên trong, tạo ra một bầu không khí. Khi ngày càng có nhiều người trong chúng ta tỏa ra sự viên mãn nội tại, bầu không khí mà chúng ta tạo ra sẽ chuyển đổi nhân loại.

Viên mãn đưa chúng ta đến nền tảng đầu tiên

Luân xa đầu tiên của Trái tim là điểm khởi đầu của cuộc hành trình bên trong, và việc làm chủ được luân xa này dẫn đến giai đoạn đầu tiên của viên mãn. Để đạt được điều này, chúng ta thực hành. Một số người coi việc thực hành thiền là tập trung vào bản thân, nhưng nếu không có điều đó, chúng ta sẽ phát triển bản thân như thế nào để có thể trở nên đủ khả năng phục vụ người khác? Cái biết Chân Ngã dẫn đến cái biết tha nhân; từ bi với bản thân dẫn đến từ bi với tha nhân; chấp nhận bản thân dẫn đến chấp nhận tha nhân; giác ngộ bên trong mang đến ánh sáng cho tha nhân; và Tình yêu Chân Ngã đích thực là tình yêu phổ quát.

Và tất cả những điều này phát xuất từ sự thuần khiết - khi loại bỏ những bộ lọc làm sai lệch nhận thức và sự tri nhận của mình, chúng ta thấy được chân tướng của sự vật. Đó là một cách tiếp cận đơn giản, và chính sự đơn giản này đưa chúng ta đến Trung tâm của bản thể. Tại Trung tâm, chúng ta tìm thấy sự viên mãn thực sự, cũng như hợp nhất với mọi tạo vật và mục đích đích thực của tồn tại con người.

Nguồnhttps://www.heartfulnessmagazine.com/the-art-of-removing-and-creating-habits-part-8/