1 tháng 5, 2021

Tính tự động

Babuji Maharaj truyền cảm hứng cho chúng ta, thông qua những thông điệp của Người, để thiết lập tính tự động trong thực hành của chúng ta. Theo nghĩa cơ bản nhất, Người mời chúng ta điều chỉnh thực hành bằng việc thiền vào cùng một thời điểm hàng ngày. Điều chỉnh thời gian biểu cũng có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả thời gian ăn và ngủ. Bằng việc thực hiện bất kỳ hoạt động nào vào một thời điểm cố định hàng ngày, việc làm đó trở nên tự nhiên và tự động, nhờ đó thiết lập đồng hồ sinh học trong cơ thể. Đây là một thực tế đơn giản của thiên nhiên.


Bước đầu tiên

Khi thực hiện một hoạt động thường xuyên, cơ thể bạn trở nên sẵn sàng cho nó. Tâm trí bạn được chuẩn bị cho nó. Khi thiền thường xuyên, bạn sẽ không phải tranh đấu quá nhiều. Bằng việc nuôi dưỡng thói quen thiền vào mỗi buổi sáng tại cùng một thời điểm, bạn sẽ tự động chìm vào thiền; bạn sẽ không phải sử dụng nhiều nỗ lực. Và theo Chân ngôn Đầu tiên của Babuji, nếu thiền xong trước lúc bình minh, bạn sẽ thấy quá trình này thậm chí còn diễn ra tự nhiên hơn.

Thực ra, vấn đề thủ tục của việc quy định thời gian chỉ là bước đầu tiên; nó thậm chí chưa chạm vào bề mặt của cái mà Babuji Maharaj thực sự nói đến về tính tự động. Tuy nhiên, đối với nhiều người trong chúng ta, ngay cả chấp nhận bước đầu tiên này cũng cần sự giải thích nào đó, bởi vì từ "tính tự động" thường bị hiểu nhầm. Hành động tự động không có nghĩa là người máy, cũng không có nghĩa là hành động máy móc, cơ khí hoặc vô hồn. Thay vì hạn chế tự do, nó thực sự chuẩn bị chúng ta để ngày càng tự do hơn. Thí dụ, nếu quan sát hành hoạt của thiên nhiên, bạn sẽ sớm nhận ra rằng chuyển động của thiên nhiên là tự động. Một đám mây không lựa chọn trút mưa hay giữ hơi nước lại. Trong thiên nhiên không có sự lựa chọn. Mọi thứ đều tự diễn ra theo cách tự nhiên nhất.

Điều này cũng đúng cho các hoạt động của chúng ta. Ví dụ điển hình là việc làm một phi hành gia đòi hỏi tính tự động cao độ trong thói quen để tận hưởng tự do của chuyến du hành ngoài không gian. Nhiều người trong chúng ta có thể liên tưởng đến sự cần thiết của tính tự động khi lái xe ô tô. Nếu không rèn luyện, chúng ta sẽ rất khó thực hiện đa nhiệm vụ - đánh lái, sử dụng chân ga và bàn đạp phanh, sử dụng côn trong khi chuyển số, nhìn trước, nhìn gương chiếu hậu, sử dụng đèn báo, điều hướng và đồng thời nói chuyện hoặc nghe nhạc. Để tự do lái xe đến bất cứ đâu mình muốn, chúng ta phụ thuộc vào tính tự động.
 
Để đạt được phi nỗ lực, cần sự nỗ lực rất lớn

Chúng ta cũng có thể đưa trạng thái ‘vô tâm’ này lên mức độ cao hơn nhiều của sự toàn hảo, điều này được Patanjali diễn tả rất hay và đơn giản như định nghĩa về Yoga ở phần đầu của Kinh Yoga:
 
1.2 योग: चित्त-वचत्त चिरोध:
Yogaścittavrttinirodha

Yoga là trạng thái của hiện hữu mà chuyển động của tâm trí
đưa ra lựa chọn lý tưởng chậm dần rồi dừng hẳn.

Trạng thái toàn hảo lý tưởng đó không yêu cầu đầu vào hiệu chỉnh có ý thức. Đầu vào yêu cầu tâm trí càng nhiều, sản phẩm càng kém toàn hảo. Một nghệ sĩ sáo tài ba sẽ chơi điêu luyện ngay cả khi vừa bị đánh thức. Người nghệ sĩ có thể chưa tỉnh ngủ, tâm trí có thể chưa hoạt bát, nhưng nếu bạn đặt cây sáo vào tay họ, hơi thở của họ sẽ tuôn chảy và các ngón tay chuyển động. Họ có thể không xác định được mình đang chơi bản nhạc nào, nhưng khi nghe thì đó là sự hiện diện của nghệ thuật. Âm nhạc của họ đã trở thành tự động; nó không còn đòi hỏi sự lựa chọn chủ động của tâm trí.

Khi ở trong một trạng thái nhất định, khi không còn nơi nghĩ, người nghĩ biến mất. Tâm lý học mô tả trạng thái này như ‘trạng thái dòng chảy’ hay ‘đang ở trong khu vực’, trạng thái mà một người lão luyện trở nên đắm chìm vào chuyên môn đến mức cảm giác về bản thân tan biến. Họ đã đi đâu? Họ nhập vào công việc của mình.

Một cầu thủ bóng rổ thường không có thời gian để tính toán, "Mình nên chụp cú bóng này hay chụp cú bóng kia?" Vào thời điểm họ lựa chọn, cơ hội vuột mất. Hành động của họ cần phải là phản xạ và tự động. Vậy làm thế nào để họ đạt đến trạng thái tự động này? Chúng ta phải ghi nhận nỗ lực mà họ đầu tư vào sự chuẩn bị để đạt đến trạng thái này. Để đạt được phi nỗ lực, cần nỗ lực rất lớn. Một nghệ sĩ sáo dành nhiều năm luyện tập, đôi khi tranh đấu để làm điêu luyện mọi khía cạnh nghệ thuật của họ. Một cầu thủ bóng rổ luyện hàng nghìn cú ném rổ, từ mọi góc, để hành động đó trở thành tự động vào thời điểm cần thiết.
 
Làm chủ ý thức

Trong tâm linh, sự quan tâm của chúng ta là làm chủ chính ý thức. Hãy coi phổ ý thức như cầu vồng, trong đó mỗi màu đại diện cho một tần số ý thức. Việc hội nhập thực hành tâm linh vào đời sống vật chất được thiết kế để giúp chúng ta đi đến một giai đoạn mà chúng ta có thể tiếp cận bất kỳ tần số ý thức nào, một cách tự động, theo nhu cầu vào lúc đó. Babuji là một ví dụ điển hình cho điều này. Có lúc Ngài chìm trong quên lãng, đồng nhất với Trung tâm. Một lát sau, người ta thấy Ngài trao đổi với abhyasis một cách hoạt bát nhất. Tần số ý thức của Ngài liên tục điều chỉnh theo yêu cầu của công việc. Chúng ta chỉ có thể hình dung Ngài phải tương tác với người mới thiền và người thiền lâu năm như thế nào. Tất cả những điều này đã xảy ra tự động. Sự tự nhiên của Ngài là thế đó.

Để có thể tự động chuyển đến một tần số ý thức nhất định, chúng ta phải làm chủ nó trước. Trừ khi và cho đến khi chúng ta đạt đến một tần số ý thức nhất định và siêu vượt nó, chúng ta không thể dùng nó theo ý muốn. Giống như một cầu thủ bóng rổ phải luyện tập mọi cú đánh để thực hiện cú đánh trúng vào đúng thời điểm, chúng ta phải làm chủ mọi cấp độ ý thức nếu muốn hòa hợp bản thân với tần số cần thiết.

Chuyển đến một tần số nhất định sẽ không xảy ra chỉ bằng việc ước ao hoặc cầu nguyện. Lặp đi lặp lại là tất cả sự quan trọng của thực hành. Không có luyện tập chúng ta không thể tạo ra hành động phản xạ. Giống như đạp xe, đá bóng hoặc chơi nhạc, luyện tập là chìa khóa. Sự luyện tập là gì? Nó là sử dụng nỗ lực để đạt được phi nỗ lực.
 
Nỗ lực, phi nỗ lực và người làm

Nỗ lực nhằm làm chủ ý thức có thể dẫn đến cảm giác, “Tôi là người làm.” Cảm nghĩ này, là sản phẩm phụ của sự nỗ lực, cũng là mô tả chính xác về cái tôi. Chúng ta có thể thấy điều này được phản ánh trong từ nguyên ahamkara, từ tiếng Phạn có nghĩa là ‘cái tôi’. Aham có nghĩa là ‘Tôi’ và kara xuất phát từ gốc kr có nghĩa là ‘làm’. Theo nghĩa này, ahamkara có nghĩa đen là ‘Tôi [là] người làm’. Thiền với nỗ lực, và cảm giác về ‘người làm’, chỉ làm củng cố cái tôi. Điều này làm thủ tiêu chính mục đích của thiền.

Trong thực hành, tính tự động thực sự có nghĩa là giao phó người làm hoặc cái tôi. Làm thế nào để điều đó có thể xảy ra? Nó sẽ xảy ra chừng nào bạn nhận thức được một hành động nhất định, bạn cảm thấy rằng nó xảy ra thông qua cái khác hơn là chính bạn. (Xin lưu ý rằng người làm chỉ là một cảm nghĩ hoặc thái độ. Từ bỏ nó không có nghĩa là bạn trở nên không hoạt động.)

Các hiền triết có khuynh hướng ca ngợi sakshi bhava, trạng thái nhân chứng, ở đó chúng ta không thấy mình là chủ tể của hành động mà chỉ là nhân chứng của chúng. Chúa Krishna, Hiền triết Ashtavakra, và Upanishad đều ca ngợi trạng thái nhân chứng, trạng thái này đã được giải thích đầy đủ ở nhiều kinh sách khác nhau. Nhưng bước vào trạng thái nhân chứng không phải là dễ dàng đối với hầu hết mọi người. Một nhân chứng là đứng tách biệt và bất động, không đồng hóa với kinh nghiệm và môi trường xung quanh họ. Bạn có thể đứng tách biệt và không đồng hóa với gia đình của mình không? Do đó, Babuji đã đơn giản hóa mọi thứ cho chúng ta bằng việc trao tặng một phương pháp dễ dàng để siêu vượt trở ngại của người làm. Trong phương pháp của Ngài, chúng ta là người làm nhưng dâng hiến hành động của mình cho Ngài. Khi làm như vậy, Babuji đưa động cơ vô ngã vào mọi hoạt động của chúng ta. Với thái độ mới này, chúng ta có thể sử dụng nỗ lực một cách an toàn trong đời sống tâm linh và đời sống thế tục mà không tạo ra sự bùng nổ của cái tôi. Đây là hiệu quả của cách tiếp cận bhakti (hiến dâng). Chúng ta cũng gọi nó là thực hành Thường niệm.
 
Làm việc với các tần suất ý thức

Khi học cách làm chủ và hòa nhập một tần số ý thức nhất định, chúng ta cần sử dụng nỗ lực nào? Nhìn chung, chúng ta áp dụng quá trình được mô tả bởi từ viết tắt AEIOU (Có được trạng thái, Tăng trưởng trạng thái, Hòa nhập trạng thái, trở thành Một với trạng thái, và cuối cùng, Hợp nhất với trạng thái). AEIOU là bước thiết yếu trong việc hấp thu bất kỳ trạng thái mới nào để nó được đồng hóa vào tiềm thức, cho phép tính tự động xảy ra. Một nỗ lực quan trọng khác mà chúng ta làm là Thanh lọc hàng ngày đều đặn, bởi vì nếu không có sự thuần khiết của ý thức thì mọi nỗ lực khác chỉ làm cho cuộc sống thêm phức tạp. Chúng ta thậm chí không nhận thức được sắc thái của các tần số khác nhau hoạt động nếu không có sự thuần khiết của ý thức.

Cách chúng ta làm việc với bất kỳ trạng thái mới nào cũng phải mang tính tổng thể. Nếu chúng ta muốn nó năng động, nó phải có sự biểu hiện của mọi cấp độ, kể cả ở cấp độ vật lý. Điều chỉnh sinh lý của chúng ta phù hợp với trạng thái bên trong có thể làm tăng trưởng trạng thái đó. Thí dụ, nếu bạn cho phép hơi thở chậm lại và phù hợp với trạng thái bên trong, trạng thái bên trong đó sẽ mạnh lên. Ngược lại, hơi thở gấp có thể tạo ra cảm xúc gây hấn, điều đó làm tổn hại đến trạng thái bên trong đó.

Babuji đã dùng nguyên tắc điều chỉnh trạng thái bên trong bằng việc điều chỉnh cái bên ngoài. Thí dụ, nó là cơ sở của phương pháp tạo ra tình yêu và sự khao khát. Babuji thấy rằng chúng ta nhớ bất cứ ai mà mình yêu; Ngài gợi ý rằng chúng ta đảo ngược quá trình này để tạo ra tình yêu đối với ai đó bằng việc nhớ đến người mà chúng ta muốn yêu. Trong thông điệp tại Surat năm 1982, Ngài đề nghị nếu sự khao khát thực sự không hiện diện trong abhyasi, họ có thể tạo ra nó bằng việc đơn giản là bắt chước trạng thái khao khát đó. Mặc dù nhân tạo, nó sẽ trở nên chân thật đúng lúc.

Nguyên tắc điều chỉnh bên ngoài để điều chỉnh bên trong có thể được áp dụng cho nhiều khía cạnh của cuộc sống. Cho dù đó là cách bạn giao tiếp, thái độ và suy nghĩ của bạn đối với những thứ bên ngoài, hành vi và hành động của bạn, cách bạn ăn, cách bạn ngủ, cách bạn thở hoặc cách bạn nhìn, tất cả đều ảnh hưởng đến trạng thái bên trong và có thể góp phần vào sự tăng trưởng của nó.

Khi mỗi trạng thái mới được hòa nhập vào bản thể, nỗ lực của bạn sẽ trở nên vi tế hơn. Theo thời gian, thay vì giữ trạng thái đó cho cuộc sống mến yêu, bạn sẽ thấy rằng bạn được hỗ trợ và hành động của bạn được hướng dẫn. Dường như cái gì đó cao hơn là người làm, thay vì chính bạn. Khi điều đó xảy ra một cách tự nhiên, bạn có thể áp dụng phương pháp của Babuji coi cái cao hơn đó như Master của mình, nghĩ rằng, "Ngài là người làm." Với thái độ này, bạn giao phó người làm, cái tôi cho Master và trở thành một nhân chứng đơn thuần để công việc cao hơn mở ra. Đây là trạng thái nhân chứng ​​được mô tả bởi các bậc Cổ đức. Giờ đây, cảm giác “Tôi là người làm” dường như quá xa vời. Tuy nhiên, tính tự động vẫn chưa hoàn thiện.

Biểu hiện vi tế nhất của tính tự động - Turiyatit

Cuối cùng, danh xưng của nhân chứng cũng ra đi, và không còn người làm - thậm chí là Master. Mặc dù không có gì còn lại, hành động vẫn tự động tiến hành. Trạng thái này được gọi là turiyatit, một trạng thái mà bạn đắm chìm trong khi công việc trôi chảy không bị ngăn trở. Nó xuất hiện lặp đi lặp lại, với tần số mỗi lần một cao hơn, khi bạn tiến lên trên cuộc hành trình.
Có kẻ đắm chìm trong cốc,
Có kẻ đắm chìm trong xô,
Có kẻ đắm chìm trong bồn tắm,
Có kẻ đắm chìm trong hồ,
Có kẻ đắm chìm trong sông,
Có kẻ đắm chìm trong biển,
Có kẻ đắm chìm trong đại dương.
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh

Thông điệp Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Babuji Maharaj

NguồnAutomatism