13 tháng 5, 2021

Quay vào trong để thấy vị Chân sư

Lễ kỷ niệm hàng năm ngày sinh của Adi Guru, Prampujya Lalaji Maharaj, cho thấy mốc thời gian một năm nữa trôi qua trong sự tồn tại của chúng ta. Vở kịch một năm nữa khép lại.


Trong khi quây quần ở đây kỷ niệm ngày sinh tốt lành của Ngài, việc xem xét sự tiến bộ và tiến hóa tâm linh của chúng ta cũng là cần thiết, và xem liệu một cột mốc nữa có được đi qua trên hành trình tâm linh hướng tới mục tiêu của chúng ta hay không. Các mốc thời gian chắc chắn sẽ đi qua vì thời gian trôi qua là bất khả lay chuyển. Còn đi qua những cột mốc thì tùy thuộc vào tốc độ thăng tiến của chúng ta trên hành trình hướng tới mục tiêu.

Người bình thường lầm lẫn mốc thời gian với cột mốc, và an tâm với cảm giác rằng mọi thứ đều ổn, tưởng tượng một Basant nữa được tổ chức, một lễ kỷ niệm ngày sinh của Master Tôn kính nữa được tổ chức, và nghĩ rằng chúng ta là những người nhận được dòng Ân sủng Thiêng liêng.

Đúng là Ân sủng luôn ở đó đối với những ai tìm kiếm nó. Tìm kiếm có nghĩa là tìm hiểu. Và tìm hiểu trong truyền thống Sahaj Marg là đi vào bên trong. Chúng ta đã thành công như thế nào trong việc quay vào trong hướng tới mục tiêu mà suy cho cùng, nằm sâu bên trong chính chúng ta? Đây là câu hỏi đáng để suy ngẫm bởi vì một người lúc nào cũng hướng ra ngoài trong đời sống thường ngày, thì ngay cả khi họ thiền trong một khoảng thời gian quy định, có thể người đó đã không thành công trong việc quay vào bên trong của truyền thống tâm linh này. Cốt tủy, mấu chốt của vấn đề, là cuộc du hành bên trong, và nó chỉ có thể thành công chừng nào chúng ta ngừng tìm kiếm bên ngoài đối với các giác quan và những khía cạnh khác của đời sống thường ngày.

Có rất nhiều lời bàn tán về Thượng đế, Master, v.v giữa các abhyasis. Như tôi thấy, thường thì khi Thượng đế hoặc Master được nhắc đến, nhìn chung abhyasis vẫn ở trong cái tâm giống như khi họ đang theo một truyền thống tôn giáo hoặc truyền thống thiền khác - tức là, họ nghĩ về Thượng đế hoặc Master như một sự tồn tại nơi nào đó xa xôi, hướng về Thượng đế hoặc Master để đạt được mục tiêu mà Sahaj Marg đưa ra họ phải di chuyển về phương diện vật lý.

Theo kinh nghiệm của tôi, và sự tin chắc của tôi đến từ chính kinh nghiệm của tôi, rằng Thượng đế hay Master - cả hai tên gọi là đồng nghĩa - phi thời và phi xứ, bởi vì Master không bị và không thể bị câu thúc bởi không gian và thời gian. Một sự thật nổi tiếng là bất cứ thứ gì có hình tướng đều phải chấm dứt vào một lúc nào đó. Điều này chỉ có nghĩa là bất cứ thứ gì có hình tướng cũng tự động bị ràng buộc bởi thời gian - tức là nó có một khoảng thời gian tồn tại nhất định.

Rõ ràng để sở hữu thuộc tính của cái Vĩnh cửu, một người phải không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Một người không thể hiểu được tình huống đó với một trí óc thông thường. Nhưng nhờ có thiền, thứ dạy chúng ta nhìn vào bên trong, một người có thể trực cảm cái mà Master hay Thượng đế là. Một người như thế, một cá nhân như thế, phải siêu vượt cả không gian và thời gian bởi vì cái Vĩnh cửu không phải sự kéo dài của thời gian. Nó thậm chí không phải là thời gian vô hạn, thời gian là một khía cạnh của cái Vĩnh cửu. Bởi vì một người không thể chinh phục không gian, hay siêu vượt không gian, bằng việc du hành trong không gian bao la của Vũ trụ vật lý, trong mọi trường hợp là bất khả với một đời người, tương tự như thế, cái Vĩnh cửu không thể được coi như sự kéo dài hạn của thời gian.

Tôi tin rằng khi chúng ta tồn tại trong không gian và mọi không gian đều giống nhau, cách duy nhất để siêu vượt không gian là vượt ra ngoài không gian. Tương tự như thế, tồn tại trong thời gian, chúng ta phải siêu vượt thời gian và tiệm cận cái Vô hạn mà chúng ta gọi là cái Vĩnh cửu. Cá nhân tôi tin rằng điều này chỉ có thể thực hiện được bằng việc đi vào bên trong, hướng vào bên trong, và ở bên trong, cho đến khi chúng ta trở thành Hiện hữu phi thời và phi xứ. Bởi vì, xét cho cùng, thời gian và không gian đều phụ thuộc lẫn nhau. Chính vì lý do đó mà trú xứ của Master không thể là ở trong không gian vật cũng như thời gian mà vượt ra ngoài cả hai, siêu vượt cả hai, sự tồn tại của Ngài là cái Vĩnh cửu phi thời và phi xứ. Chỉ duy nhất một Hiện hữu như thế mới có thể được gọi là, "Ngài không tồn tại cũng không phải là không tồn tại!" Ngài là bất khả xâm phạm, chính vì lý do đó mà Ngài không thể được tìm thấy trong không gian và thời gian. Đối với chúng ta, cách duy nhất để tiếp cận Ngài là đi theo con đường mà Ngài đã đi, và đạt được trạng thái Hiện hữu giống như của Ngài. Trong quá trình này, chúng ta sẽ được trao tặng sTồn tại Vĩnh cửu và rồi, hai là Một, sự hợp nhất không dung hợp, mà chúng ta gọi là Layavastha trong thuật ngữ Sahaj Marg.

Đi vào trong là mục tiêu duy nhất của sự tồn tại bởi vì điều đó mới có thể mang lại cho chúng ta một thực thể tâm linh - mục tiêu của chúng ta. Thiền là con đường duy nhất. Sự hợp tác bằng việc không cho phép bản thân hướng ra ngoài vào các khía cạnh ngoại tại của đời sống là cốt yếu của tu tập. Khi đó, sự vận hành của hai yếu tố này sẽ ban phúc cho abhyasi khi tiếp cận Mục tiêu. Nếu không, thành công chắc chắn sẽ lảng tránh anh ta, mặc dù nhờ Ân sủng của Master, anh ta có thể có được chút lộc rơi lộc vãi.

Tôi cầu nguyện rằng tất cả có thể phát triển trí tuệ và lòng quả cảm cần thiết để theo đuổi con đường tiến hóa với một mục tiêu duy nhất theo cách này, để mục tiêu đó có thể dễ dàng đạt được. Cầu mong cho điều đó thành hiện thực, nhờ Ân sủng và Phước lành của Ngài.

Chariji Maharaj

Thông điệp Basant Utsav - Bombay, 1990