21 tháng 5, 2021

Người chép Lời thì thầm từ Cõi sáng

Câu chuyện về những thông điệp được biết đến với tên gọi Lời thì thầm từ Cõi sáng

Nguyện cho con không là gì khác ngoài Tình yêu,
Và Ánh sáng để phụng sự Người,
Một cây bút chì nhỏ,
Viết bởi chỉ riêng mình Người …

Hélène, Cannes, 1992


Những lời trên là từ một bài thơ được tìm thấy trong kho tàng những tác phẩm quý hiếm được biết đến với tên gọi Lời thì thần từ Cõi sáng, nổi bật trong truyền thống Sahaj Marg vào đầu những năm 1990. Người chép, người viết chúng, đã tận tụy nhận và ghi lại một tuyển tập đồ sộ những thông điệp trong suốt quãng đời miên trường và khắc nghiệt của bà. Bà đã chép chúng trong im lặng của bụi thời gian, với trái tim yêu thương và quảng đại, và những thông điệp ấy đã tỏa ra ánh sáng của tình yêu thuần khiết. Chúng là món quà dành cho thế giới, và là thứ có một không hai trong lịch sử tâm linh.

Từ xa xưa, dòng rung động siêu phàm đến từ các cõi tâm linh cao hơn - thường từ những linh hồn cao cả - được nhận bởi các thánh và hiền triết cổ đại như là một sự mặc khải. Khi họ hòa vào các rung động, sự giao tiếp đa chiều kích lắng đọng trong trái tim thuần khiết và tri nhận của họ, và sau đó họ chuyển chúng thành ngôn ngữ vì lợi ích của người khác. Qua các thời đại, nhiều tác phẩm ‘được truyền cảm hứng’ được ghi chép, như trường hợp thánh kinh Vệ-đà của Ấn Độ cổ đại. Dạng kiến ​​thức trực tiếp này được gọi là Shruti trong tiếng Phạn, và mặc dù được đặt các tên khác nhau trong các nền văn hóa, nó luôn đề cập đến khả năng khai thác phạm trù vượt ra ngoài giới hạn nhận thức của giác quan con người và chuyển chúng thành ngôn ngữ và hình thức của con người.

Câu chuyện mà tôi chia sẻ sau đây tự đứng trên bệ đỡ của chính nó. Hãy cùng ngược dòng thời gian khám phá cuộc đời của một phụ nữ phi thường được sinh ra để thực hiện một định mệnh hiếm có - Bà Hélène Peyret.

Bà là một linh hồn quả cảm, người đã biến việc chép những thông điệp từ Cõi sáng trở thành công việc của cuộc đời bà. Được sạc rung động của tình yêu thiêng liêng, những thông điệp hoạt động ở mức độ cao hơn của ý thức, tưới Ân sủng lên những trái tim khao khát, những người được nuôi dưỡng và thức tỉnh với từng từ ngữ trong các thông điệp. Đối với Hélène Peyret, chúng trở thành raison d’être (lý do tồn tại, mục đích tồn tại) của bà.

Bà sinh ngày mồng 8 tháng 9 năm 1928 với tên khai sinh Simone Hélène Bisiaux, tại St-Aubin-en-Bray, một thị trấn nhỏ vùng Picardie phía bắc Paris. Ngay từ nhỏ, cuộc đời bà dường như là một gam màu xám với những khó khăn chồng chất tại mỗi ngã rẽ, mà linh hồn quả cảm ấy luôn đứng vững với một niềm tin kiên định và hân hoan.

Từ nhỏ bà đã mất cha và sức khỏe của bà thì tiều tụy vì bệnh lao. Tôi chỉ có thể hình dung bà đã phải lớn lên ra sao trong hoàn cảnh tàn khốc như vậy, sau hậu quả của Thế chiến I tàn phá châu Âu và cuộc Đại Suy thoái sau đó. Cô gái nhỏ giàu nghị lực và sáng dạ đã phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng khi mới lên 6 tuổi. Sau này, bà thường nói rằng khoảng thời gian khó khăn thuở nhỏ đã rèn luyện cho bà đối mặt với những thử thách ngày càng lớn suốt con đường trong cuộc sống của bà về sau. Mẹ của bà chăm chỉ làm việc để nuôi sống gia đình. Trong những ngày tháng bệnh tật, khi mới 6 hoặc 7 tuổi, Hélène bé nhỏ thường bị bỏ mặc ở nhà một mình với những đồ chơi do cô bé tự làm.

Sự kiên cường đã trở thành bản chất thứ hai của bà, sự hồn nhiên của tuổi thơ vụt tắt bởi phải đối mặt với những thử thách khắc nghiệt. Bà bắt đầu lao động từ năm 13 tuổi và tinh thần của bà là sức sống cho nó. Thực ra, không có gì có thể làm lung chuyển khát khao thức tỉnh tâm linh đã bắt đầu nhen nhóm trong trái tim bà. Người ông đã chia sẻ với bà món quà độc nhất của ông về khả năng ngoại cảm và chữa lành và bà nhận thấy bà cũng được ban tặng theo cách của riêng mình.

Khi bệnh tình thuyên giảm, cô gái trẻ Hélène đi dạo một mình trong khu rừng và những cánh đồng gần nhà, được truyền cảm hứng bởi sự giao hòa với thiên nhiên. Bà trò chuyện với Chúa trong trái tim mình, với niềm tin, mà ít hay biết rằng đó là điềm báo về những sự kiện phi thường sắp diễn ra. Thậm chí khi đó, bà đã ghi chép lại những cuộc gặp gỡ và trò chuyện với Chúa.

Vào thời điểm đó, một cú ngã ngựa đã gây tổn hại to lớn và buộc bà phải nằm liệt giường trong nhiều năm. Sự đau đớn khiến bà phải trải qua một năm trong tu viện của các nữ tu dòng Dominican, những người đã nhận ra tâm hồn trong sáng của bà và thậm chí hy vọng bà sẽ tình nguyện chọn gia nhập dòng tu của họ.

Bà vẫn nói rằng mỗi bi kịch tạo cho bà khả năng có một không hai để đối mặt với những nghịch cảnh tồi tệ nhất, chuẩn bị tâm hồn và trái tim của bà cho định mệnh lớn lao đang chờ bà phía trước.

Bà lớn lên trở thành một phụ nữ trẻ tự học, tài năng và nghị lực vào thời đại của mình. Sự tìm hiểu đã đưa bà đến với thế giới nghệ thuật và văn hóa cao quý. Bà đã tiến lên trên con đường sự nghiệp và tìm được một chỗ đứng rất tốt tại Comptoir des Entrepreneurs ở Paris vào đầu những năm 60, đảm nhận những trách nhiệm có phần quan trọng đối với một phụ nữ trẻ thời đó.

Khi làm việc ở Paris, bà đã gặp chồng của mình, ông François Peyret. Sau khi kết hôn, ông đã khuyến khích bà khám phá tính ham tìm hiểu bẩm sinh để theo đuổi tri thức và nghiên cứu nghệ thuật. Những bức tranh màu nước ấn tượng của bà về hoa và cây cỏ sau này đã tô điểm cho các ấn phẩm của tuyển tập Lời thì thầm từ Cõi sáng.

Đất nước Ấn Độ xa xôi đã kích thích sự tò mò và vẫy gọi bà, và bà cảm thấy được kết nối với đất nước và con người Ấn Độ theo một cách bí ẩn. Bà lại đổ bệnh, lần này là căn bệnh ung thư quái ác đã tàn phá vóc dáng thanh mảnh và xinh đẹp của bà, đến nỗi bà phải nằm liệt giường suốt 10 năm ròng. Ông François tận tụy săn sóc bà theo cách tốt nhất có thể, và mặc dù cặp vợ chồng không được ban cho con cái, nhưng gia đình mà họ xây dựng với sự tôn trọng lẫn nhau và tình yêu sâu đậm dành cho nhau đã nảy nở thành một cuộc sống hòa hợp bất chấp những tai họa ập đến. Họ quyết định chuyển đến một nơi có khí hậu ấm hơn, bỏ lại bầu trời Paris u ám để đến Riviera rực nắng, tìm được một căn hộ tuyệt đẹp ở Cannes có thể nhìn ra biển Địa Trung Hải trong xanh. Lúc này, Hélène Peyret đã chuyên tâm theo đuổi tâm linh.

Có lần, bà nói về khoảng thời gian đó, chỉ đơn giản là, "Có hai thứ mà một người sinh ra có hoặc không có: tình yêu dành cho Chúa và là kênh giao tiếp với Đấng Thiêng liêng."

Vị thánh yêu chuộng của bà, Têrêsa thành Lisieux, giao tiếp với bà. Thánh Têrêsa thành Lisieux là một nữ tu dòng Carmelite, người đã được Đức Giáo hoàng Piô XI phong thánh vào năm 1925. Bà còn được gọi là ‘Bông hoa nhỏ của Chúa Giêsu’. Có lẽ một sợi dây đau khổ chung đã đưa hai tâm hồn xích lại gần nhau, vì Thánh Têrêsa thành Lisieux vào tu viện năm 15 tuổi và mất vì bệnh lao khi mới 24 tuổi. Cùng với Thánh Phanxicô thành Assisi, Têrêsa thành Lisieux là một trong những vị thánh Công giáo nổi tiếng nhất. Giáo hoàng Piô XII gọi bà là “vị thánh vĩ đại nhất thời hiện đại”.

Đối với Hélène, Thánh Têrêsa thành Lisieux là người bạn đường thương mến luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của bà. Hélène tin rằng chính sự can thiệp thiêng liêng của Thánh Têrêsa đã chữa lành những căn bệnh trước đây của bà. Trái tim bà giờ đây đã trở nên thiết tha hơn trong việc tìm kiếm những trạng thái ý thức cao hơn. Tình yêu dành cho Đấng Thiêng liêng nảy nở trong bà khi trí tuệ sắc bén của bà đã trở thành một công cụ hữu ích để tiến bước trên con đường tìm kiếm Thượng đế. Bà gia nhập trường phái Yogananda và thực hành Kriya Yoga trong 2 năm, cho đến một ngày chính Swami Yogananda xuất hiện với bà và nói rằng ông không phải là Master của bà và rằng một ngày nào đó bà sẽ gặp Master của mình.

Sau đó, Hélène tham gia dòng Rosicrucian. Nguồn gốc của chủ thuyết Rosicrucian là từ các trường phái huyền bí Ai Cập và châu Âu cổ đại. Có lẽ sức hút về Ai Cập cổ đại đã kích thích sự quan tâm của bà đối với trường phái huyền bí của kiến ​​thức cổ đại và các thực hành tâm linh.

Cùng với chồng bà, ông Francois, bà sưu tập những đồ cổ thời Ai Cập cổ đại để trang hoàng cho căn hộ của mình. Khả năng ngoại cảm tiết lộ cho bà biết rằng bà từng sống vào thời Ai Cập cổ đại trong những hóa thân quan trọng. Bà gần như đã đạt đến sự chín muồi trong dòng Rosicrucian khi bà tìm thấy con đường Sahaj Marg.

Khi còn ở Paris, một đồng nghiệp đồng thời là bạn của bà, bà Jeanine Lancien đã tặng bà một cuốn sách của Shri Ram Chandra ở Shahjahanpur, Ấn Độ, còn được gọi là Babuji, người đã thành lập Hiệp hội Shri Ram Chandra để dẫn dắt người tìm kiếm trên con đường Sahaj Marg. Năm 1972, Jeanine gặp Babuji khi ngài đến thăm Paris vì công việc tâm linh.

Con đường tâm linh vĩ đại thời hiện đại đến thẳng từ mảnh đất nơi trái tim Hélène nương náu - Ấn Độ. Nhiều năm sau, khi sống ở Cannes, Hélène chính thức được khai tâm và bắt đầu thiền theo phương pháp của Sahaj Marg. Bà chưa bao giờ nhìn lại, và từ đó trở đi bà đã đi theo con đường Sahaj Marg với cả trái tim và linh hồn. Ngừng giao tiếp với các Vị thầy tâm linh khác, bà dành trọn trái tim cho duy nhất một người mà bà luôn gọi là Người Yêu dấu vĩ đại của mình, Babuji.

Vào thời điểm chồng bà mất, và bà lại ốm nặng, bà vẫn thường xuyên nhận được thông điệp từ Babuji dấu yêu. Bà nhận ra dấu hiệu rung động của ngài, bởi vì thậm chí trước khi bắt đầu thiền dưới sự hướng dẫn thiêng liêng của ngài, bà đã giao tiếp với ngài, mà không hay biết đó là Babuji. Những thông điệp ban đầu đó đã lạc trôi trong bóng thời gian khi bà chuyển đến Montpellier, với một loạt các sự kiện đáng tiếc thường làm hư hoại lịch sử đẹp đẽ của những tác phẩm như vậy. Đã bao lần nhân loại đánh mất những báu vật vô giá bởi hành động của những con người ngu muội không nhận ra giá trị của chúng. Cần phải có phẩm tính của trái tim để nhận ra sự hiện diện thiêng liêng, vì nếu không có la bàn bên trong, chúng ta không thể nhận biết được những điều cao cả hơn trong cuộc sống.

Giờ đây, khi đã thực hành Sahaj Marg, bà thường xuyên nhận và ghi lại những thông điệp từ Babuji Maharaj. Công việc này được bà giấu kỹ, bởi vì bà biết rằng những điều như thế không dễ gì được người đời chấp nhận. Ở một mặt nào đó, bà là một ví dụ hoàn hảo của sự tương phản: Bà tỏa ra tình yêu mãnh liệt từ trái tim, cao vút về tầm nhìn, nhưng phần thực tế trong tính cách con người bà thì bản lĩnh, thản nhiên trong đời sống hàng ngày. Trong khi nhiều người trở nên cay đắng vì nỗi đau thể xác tột cùng, với bà điều đó chỉ làm khắc sâu và in đậm trong tim đến nỗi trái tim trở nên dung chứa tất cả với một tình yêu lớn lao.

Tiếp theo là những năm tháng phía trước khi các trang viết của bà được chấp nhận vì chính chúng. Bà chép bằng bút chì những thông điệp nhận được từ Babuji Maharaj. Câu chuyện của họ là câu chuyện của những trái tim hát lên bản tình ca của Đấng Thiêng liêng, từ đó chắp cánh cho những ai đọc chúng trong sự say đắm vào một thế giới ẩn sâu bên trong, chờ đợi Ân sủng của Master và khát vọng của chính mình được bộc lộ.

Babuji khuyên bà nên chuyển đến Montpellier ở phía tây nam nước Pháp. Đó là một quyết định khó khăn đối với bà, vì bà phải bỏ lại Cannes với rất nhiều thứ thân thuộc, được bà và chồng bà, ông François, gây dựng trong nhiều năm. Nhưng bà tuân theo chỉ dẫn của Babuji dấu yêu, như bà đã làm trong mọi việc. Bà chuyển đến Montpellier, cách thiền viện vài dãy nhà, nơi nhiều người tìm kiếm của Sahaj Marg tập hợp thiền cùng nhau vào mỗi Chủ nhật.

Căn hộ của bà nằm trên tầng ba của một tòa nhà ẩn khuất trong trung tâm thành phố. Nơi đó đã trở thành thế giới của bà, bởi vì bà hầu như không ra khỏi nhà, trừ những trường hợp đặc biệt, bởi ốm đau và bệnh tật liên tục ập đến. Trong gần hai thập kỷ, trong khi sức khỏe ngày càng sa sút, bà đã dành cả trái tim và linh hồn để trở thành người ghi chép của Babuji dấu yêu. Bà là ‘cây bút chì của ngài’ như đôi khi bà thích tự gọi mình như thế.

Mối liên hệ rung động cần thiết để nhận những thông điệp như thế là sự thuần khiết nội tâm phi thường. Năng lượng hao tổn để chuyển tải các thông điệp đó khiến bà hao mòn, vì thế bà không còn khả năng làm việc gì khác trong ngày. Mỗi ngày, trong nhiều năm liền, vào lúc 8 giờ sáng và sau đó lại vào 10 giờ sáng, bà ngồi vào bàn để sẵn sàng cho Babuji Maharaj bắt đầu đọc cho bà chép.

Sau đó, một số người đồng hành tận tụy của cộng đồng Sahaj Marg bắt đầu chăm sóc cho nhu cầu của bà, giúp bà trong cuộc sống hàng ngày. Bà đã ghi lại những thông điệp bằng vốn tiếng Pháp cổ điển giàu có và trữ tình của mình. Ngôn từ trở nên sống động với những rung động của Babuji Maharaj được khắc như mã trong cách diễn đạt của bà, làm tươi mới trạng thái nội tâm của người đọc. Bởi trái tim bà tỏa ra tình yêu thuần khiết nên trong căn hộ của bà luôn có một bầu không khí thiêng liêng vô cùng đặc biệt. Bà không thể tiếp nhiều khách đến thăm bởi vì bà dễ mệt, nhưng ngay cả khi bà dồn hết năng lượng để cống hiến cho công việc, và chiến đấu với bệnh tật, bà vẫn nỗ lực đặc biệt để giúp đỡ từng người đến với bà. Giống như một người mẹ đối với tất cả, bà mãi mãi là 'Mẹ' đối với tôi và chúng tôi thường xuyên nói chuyện qua điện thoại khi tôi không thể đến thăm bà.

Một nỗi buồn của bà trong cuộc đời là bà chưa từng một lần được đến Ấn Độ, mảnh đất của trái tim bà, ước mơ bà. Vào năm 2005, Babuji Maharaj đã tiết lộ cho tôi rằng bà không ai khác chính là học trò của Swami Vivekananda, Nivedita mạnh mẽ và biểu tượng. Năm 2008, khi tôi thông báo với bà tin này, bà đã rất tò mò muốn biết người biết tiền kiếp của bà là ai, mặc dù bà đã nhận thức được về quá khứ của mình. Bà đã hỏi Babuji yêu dấu về điều đó và tôi được yêu cầu đến để gặp bà. Như vậy, bắt đầu hay nói chính xác hơn là thắp lại một trong những mối quan hệ đẹp nhất, được nuôi dưỡng trên đôi cánh của tình yêu dành cho Babuji vĩ đại, người mãi mãi là Người Yêu dấu của chúng ta.

Vào những năm cuối đời, khi bà thiết tha mong mỏi Ấn Độ, những người trong chúng tôi từ Ấn Độ đến thăm bà đã làm tất cả những gì có thể để mang theo những thứ đơn giản như ổi, xoài, tranh ảnh và đồ lưu niệm từ Ấn Độ, khiến bà rất vui. Với sự háo hức trẻ thơ, bà muốn nghe kể ngay cả những điều nhỏ nhất đang xảy ra ở đó, đặc biệt là thiền viện đang được xây dựng ở Kanha Shanti Vanam, về điều mà Babuji đã truyền tải cho bà trong những thông điệp của ngài. Bà thường nói rằng một ngày nào đó Kanha Shanti Vanam sẽ trở thành một thánh địa.

Khi gặp gỡ một số trẻ em tham gia chương trình Brighter Minds, bà đã tiên đoán sự xuất hiện của một chủng người mới trong tương lai. Chẳng bao lâu sau, ngôn từ của bà, tầm nhìn của bà, chính bản thể của bà hòa vào Babuji dấu yêu. Bà không còn thấy mình tách biệt, vì thế bà hoàn toàn tuân phục. Bà chào đón từng người đến thăm mình bằng đôi mắt xanh sáng ngời, sự thanh lịch hoàn hảo, nụ cười rạng rỡ chưa từng thấy cùng sự dí dỏm vốn có và những tiết lộ đáng kinh ngạc, bởi vì bà luôn háo hức và hào phóng chia sẻ công việc của cuộc đời bà. Lòng hiếu khách cổ điển vẫn được giữ gìn khi bà hướng dẫn những người đồng hành của mình tiếp đón các vị khách với tất cả sự thoải mái và lịch thiệp mà bà có thể nghĩ đến. Giống như một nữ hoàng, bà cai trị những trái tim hồn nhiên mến thương, không hay biết đến sự thống trị mà bà nắm giữ.

Khi bà được nghe kể rằng những thông điệp đã được xuất bản một số tập mang tên Lời thì thầm từ Cõi sáng và được hàng triệu người trên toàn thế giới đón đọc, bà đã rất ngạc nhiên.

“Anh có chắc không?” bà nói. “Những thông điệp mà tôi viết nguệch ngoạc ư? Những thông điệp từ Babu dấu yêu của tôi ư?”

Và bà phải được kể rằng, vâng, đó đúng là sự thật. “Và những người đọc chúng rất biết ơn, họ đều yêu Mẹ rất nhiều.”

Khi đó, bà sẽ làm cho chúng tôi lóa mắt bằng nụ cười rạng rỡ, và đôi khi, trong vài phút, từ đâu đó xuất hiện những đám mây của sự hoài nghi tạt qua con đường của bà. Thậm chí Babuji vĩ đại phải trấn an bà trong những thông điệp của ngài rằng bà thực sự là một kênh dẫn chân thực những lời của ngài; rằng công việc của bà rất quan trọng, bởi vì nó đánh dấu con đường của Sahaj Marg, và thực ra là của nhân loại, theo cách độc đáo nhất trong tương lai.

Cho đến cuối đời, những thông điệp mà bà chép đã lên tới hơn 10.000 và được đọc trên khắp thế giới bằng các ngôn ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tamil và tiếng Hindi, cùng những thứ tiếng khác.

Những năm cuối đời của bà rất khắc nghiệt. Bà đã trở nên rất đặc biệt đối với tất cả chúng ta, những người nhận được món quà từ công việc của cuộc đời bà. Làm sao chúng ta có thể cảm ơn bà cho hết vì điều đó, sự cống hiến của bà, thậm chí những đau đớn tột cùng mà bà phải chịu đựng với sự kiên cường khiến chúng ta phải rơi nước mắt không biết bao nhiêu lần. Viết những lời này, để dựng lên một tượng đài phi vật thể cho biểu tượng cao đẹp của tình mẫu tử, một lần nữa sống lại trong tôi từng kỷ niệm về những lần gặp gỡ và trò chuyện với bà.

Bà là một nhà thơ, một người vợ hiền, một người chữa lành giàu kinh nghiệm, một người chép, một con người ngoan đạo. Bà là Mẹ. Với công việc của cuộc đời mình, bà đã để lại một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới. Mặc dù hầu hết đều ẩn giấu, sự đóng góp ít nhất là về ngôn từ, ý nghĩa và cảm xúc. Phép mầu đó chỉ trái tim của một người phụ nữ mới có thể có được, bởi nó chứa sức mạnh của sinh lực cho đi sự sống của một người mẹ - tình yêu từ trái tim dịu dàng của bà. Bà là một tấm gương hoàn hảo về đức hy sinh và tình yêu trọn vẹn.

Tôi cầu nguyện rằng tất cả chúng ta có thể nhận ra vẻ đẹp trong những thông điệp của bà, lặn sâu vào trong nó, để cho âm nhạc của tình yêu độc nhất ấy hát cho trái tim chúng ta nghe, tinh hoa của nó nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, cho phép những trạng thái thiền cao hơn nảy nở trong ý thức của chúng ta.

Niềm khao khát của Mẹ yêu quý, trái tim tri nhận thuần khiết và dịu dàng của bà, sự đón nhận hân hoan và hoàn toàn quy thuận của bà dành cho Người Yêu dấu, là bệ thờ mời gọi chúng ta dạo bước cùng bà trong cuộc hành trình đầy mới lạ qua Lời thì thầm từ Cõi sáng.

Tôi mời tất cả mọi người cùng bày tỏ lòng tôn kính đối với Mẹ yêu quý và Babuji dấu yêu của bà, Master vĩ đại của tôi, người đã trao cho chúng ta kho báu có một không hai này. Cầu mong ngọn lửa tình yêu trong những thông điệp ấy thắp sáng trái tim chúng ta, để chúng ta cùng nhau trở thành tình yêu và hợp nhất với cội nguồn tối thượng.

Kamlesh Patel

Kanha Shanti Vanam, ngày 30 tháng 4 năm 2021

Nguồnhttps://www.sahajmarg.org/literature/newsletters/whisper-a-day/about-the-scribe