DAAJI mang đến một góc nhìn khác về mối quan hệ của chúng ta với thực phẩm. Nó không chỉ cho sức khỏe thể chất, tinh thần và an lạc; mà còn có thể nuôi dưỡng sự phát triển tâm linh nếu chúng ta hiểu khoa học về sự tương hỗ của rung động và cộng hưởng.
Có một nguyên tắc phổ quát đưa
đến cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ của chúng ta với thực phẩm: Bất kể thứ gì có nguồn gốc trực tiếp từ Thiên nhiên đều thanh khiết, bởi nền tảng của
nó là tinh khiết. Trải qua hàng thiên niên kỷ, nguyên tắc này đã khiến các
nhà tư tưởng có sự quan tâm đặc biệt đối với giá trị của thực phẩm trong cuộc
sống. Và đặc biệt, những người quan tâm đến tiến hóa tâm linh đã phát triển sự
tôn trọng sâu sắc đối với vai trò của thực phẩm. Dưới đây là một số khái niệm
quan trọng:
Đầu tiên, đó là vấn đề vệ
sinh. Thực phẩm cần được trồng, bảo quản và nấu nướng sạch sẽ đúng cách. Đây là điều phổ biến đối với tất cả các nền văn hóa và không chỉ giới hạn ở những người
quan tâm đến tiến hóa tâm linh. Những thứ có nguồn gốc Thiên nhiên đều thanh
khiết, nhưng chúng ta có thể làm nhiễm ô chúng nếu phá vỡ sự tinh khiết trong
quá trình trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, nấu và ăn.
Thứ hai, nếu thực phẩm có
tính sattvik, và được chuẩn bị trong sự
tưởng nhớ và tình yêu Thượng đế, tác dụng của nó đối với cơ thể con người sẽ
là đáng kinh ngạc. Thực phẩm sattvik
nhẹ, tươi, đơn giản và tinh tế. Đó là thực phẩm chay. Thịt có thể tốt cho sức khỏe thể chất, nhưng nó là thực phẩm nặng hơn, mang đến năng lượng nặng hơn cho cơ thể. Và không phải tất cả các thực phẩm chay đều là sattvik. Chọn chế độ ăn sattvik
là về rung động của thực phẩm, điều này cũng phụ thuộc vào rung động của chúng
ta. Rung động càng nhẹ và thanh khiết sẽ càng cộng hưởng với các trạng thái
tâm linh vi tế hơn. Có sự tương đồng rất hay trong thế giới vật lý: trẻ sơ
sinh được nuôi bằng thực phẩm nhẹ phù hợp với giai đoạn phát triển của chúng;
người già cũng ăn ít hơn và thức ăn nhẹ hơn so với người trẻ. Thực phẩm cần
phải phù hợp với các hoạt động và sử dụng của một người - tất cả chỉ là vấn đề về sự tương hợp của rung động và cộng hưởng.
Thứ ba, nếu một người ăn
trong trạng thái thiền sẽ chữa được tất cả các loại bệnh
tâm linh và loại bỏ nhiều cản trở trên tiến trình tâm linh. Có phải điều này có
nghĩa là chúng ta cầu nguyện trước khi ăn? Không nhất thiết là như thế. Cả hai đều tốt, và có thể kết nối chúng ta với Đấng Thiêng liêng trước khi bắt
đầu ăn, nhưng điều quan trọng là phải duy trì sự kết nối với trạng thái thiền bên
trong trong suốt bữa ăn. Sẽ hiệu quả hơn khi cảm nhận và trải nghiệm rung động thiêng
liêng của thức ăn thay vì chỉ đơn giản nghĩ là có thức ăn ở đó. Điều này tạo nên sự khác
biệt to lớn.
Thứ tư, hãy vui vẻ ăn bất cứ thức
ăn gì chúng ta nhận được trong sự ý thức thường trực về Đấng Thiêng liêng. Nói
cách khác, thức ăn có thể được thánh hóa thông qua ý định. Đây là điều thực sự
có ý nghĩa về cách tiếp cận sattvik trong
ăn uống. Cho dù được phục vụ pasta hay biriyani trong bữa tối, cho dù thích mùi
và vị của món này hay món kia, chúng ta không còn bận tâm đến các giác quan - vị,
mùi, xúc chạm, hình thức của thức ăn - bởi vì chúng ta cảm nhận bản chất của Đấng Thiêng liêng trong thức ăn. Cuối cùng, chúng ta thậm chí sẽ không có ý thức về
việc làm đó, vì sau một thời gian cách tiếp cận này sẽ trở thành tự động
trong tiềm thức. Nhưng trước tiên chúng ta phải có ý thức rèn luyện bản thân để
trở nên như thế.
Khi nhận thức căn bản của
chúng ta là kết nối với Đấng Thiêng liêng trong lúc ăn, tác động đó thấm vào
thức ăn, đi vào cơ thể và bắt đầu lan tỏa khắp các động mạch và tĩnh mạch.
Chúng ta tận dụng tốt nhất năng lượng tinh khiết của Thiên nhiên từ bên
ngoài và kết quả là các nguyên tử của cơ thể được thanh khiết. Sự thôi thúc trong
ý định của chúng ta kết hợp với thức ăn làm tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần
và tâm linh.
Trái ngược với điều này là một
bữa ăn căng thẳng, ví dụ, khi có một cuộc tranh cãi trên bàn ăn tối. Khi chúng ta
sợ hãi, tức giận hoặc căng thẳng, những rung động tiêu cực mang theo vào thức
ăn cũng ảnh hưởng đến toàn bộ thân tâm. Và khi thức ăn được tiêu hóa đi đến tất
cả các tế bào, tác động cũng là tiêu cực. Nếu chúng ta tránh tranh cãi và căng
thẳng vào lúc ăn, đợi đến thời điểm thích hợp hơn, điều đó sẽ có tác dụng to lớn đối với
sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Thức ăn là nguồn prana hay năng lượng chủ đạo của chúng
ta, vì một khi thức ăn được chuyển hóa thông qua quá trình tiêu hóa, năng lượng được
giải phóng vào cơ thể được sử dụng cho các quá trình hóa học của cơ thể. Những
rung động prana mà chúng ta đưa
vào cơ thể trong lúc ăn vi tế và thanh khiết như thế nào? Chúng có tương hợp với rung động vi tế của các trạng thái tâm linh mà chúng ta cố gắng hấp thu thông
qua thiền không?
Điều này dẫn đến một chủ đề
khác. Hãy tưởng tượng về khoảnh khắc trong bối cảnh sau:
Sự tĩnh lặng đẹp đẽ của bầu không khí sau thiền nhóm hay khi đôi uyên ương đứng đối diện nhau
trong ngày cưới của họ. Đó là một dịp vui mừng khi họ quàng vào cổ nhau những vòng
hoa hồng, và tiếp đó nhẹ nhàng trao nhau những chiếc nhẫn được nạp năng lượng thiêng
liêng. Sau đó, mỗi người nhận một mẩu bánh ngọt đặc biệt từ Guru của họ để đưa lên miệng người
kia.
Đây không phải là thứ bánh ngọt
thông thường; nó đã được thánh hóa, vì nó được nạp tinh túy vi tế nhất. Nó được
gọi là prasad. Ngay cả một mẩu nhỏ nhất
cũng sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui tâm linh cho người nhận. Đôi uyên ương bắt đầu
cuộc sống hôn nhân bằng việc trao nhau món quà này.
Sau đó, họ chia sẻ prasad với những khách mời đến chung vui,
và mang về cho người thân ở nhà.
Những ngày đặc biệt của lễ kỷ
niệm đòi hỏi dâng những tặng phẩm đặc biệt. Chúng ta kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật và
các dấu mốc quan trọng khác bằng việc dâng lời cầu nguyện chân thành và hân
hoan, cùng với việc chia sẻ đồ ăn và những món quà. Truyền thống này tồn tại
trong tất cả các nền văn hóa, tôn giáo và các dân tộc, như một cách san sẻ niềm vui, trước tiên là với Đấng Thiêng liêng, và sau đó với mọi người.
Có rất nhiều ví dụ, như bánh mì
trong lễ ban phước của Eucharist, dâng nước thánh, kẹo, bánh ngọt, hoa, ... Ngay cả
những phong tục cổ truyền ngày nay cũng có nguồn gốc từ việc dâng những tặng phẩm thiêng
liêng trước kia. Ví dụ, truyền thống thắp nến trên bánh sinh nhật được cho là
xuất phát từ người Hy Lạp cổ đại, họ làm những chiếc bánh tròn để
tôn vinh nữ thần mặt trăng Artemis. Những ngọn nến được thắp lên trên chiếc
bánh tượng trưng cho sự tỏa sáng của mặt trăng và khói bay lên từ những ngọn nến
mang theo lời nguyện cầu và mong ước của họ tới nữ thần ở trên trời.
Khi dâng prasad, thái độ là quan trọng: không phải là nghi thức bên ngoài mà
là trạng thái và thái độ bên trong, và cách thức nó thực sự được thực hiện.
Thái độ tốt nhất là tình yêu và sự tôn kính trọn vẹn, với sự khiêm nhường
và hồn nhiên. Theo cách này, có sự hòa quyện giữa tặng phẩm và người được dâng tặng
phẩm. Đó là điều mang lại cho prasad
phẩm tính hân hoan và sự tôn kính của nó: một thứ gì đó thấm nhập Thượng đế sau
đó có thể được chia sẻ với tất cả mọi người.
Mọi người thường tuân theo
nhiều nghi thức văn hóa khi chia sẻ prasad,
và trong thế giới ngày nay, điều này có thể trở nên quá hình thức và lỗi thời.
Nhưng nếu tìm hiểu khoa học ẩn đằng sau nghi thức này, chúng ta tìm thấy một mục
đích bắt nguồn từ các nguyên lý khoa học chính xác.
Ở Ấn Độ, prasad luôn được dâng và nhận bằng tay phải. Khi nghiên cứu về sinh
lý cơ thể người, chúng ta phát hiện ra rằng phần cơ thể bên phải chủ yếu được
điều khiển bởi bán cầu não trái và phần cơ thể bên trái chủ yếu được điều khiển
bởi bán cầu não phải. Ngoài ra, hệ thần kinh tự chủ (autonomic nervous system -
hay hệ thần kinh thực vật) của chúng ta được tạo thành từ các hệ thần kinh giao
cảm và đối giao cảm. Khi hệ thần kinh giao cảm bị kích thích, cơ thể trở nên
năng động và phấn chấn hơn, mức endorphin và cortisol tăng lên. Ngược lại, khi
hệ thần kinh đối giao cảm được kích hoạt, cơ thể thư giãn và bình tĩnh, làm giảm
mức endorphin và cortisol.
Thuận bên Bán cầu Não (Cerebral
Hemispheric Laterality) là trong đó mỗi bán cầu não được kết nối với một trong những
hệ thần kinh tự chủ này. Khi chúng ta kích thích bán cầu não phải, nó tác động
đến hệ thần kinh đối giao cảm, và khi chúng ta kích thích bán cầu não trái, nó tác
động đến hệ thần kinh giao cảm. Vì vậy, khi chúng ta sử dụng tay trái, nó kích
thích bán cầu não phải, kết nối với hệ thần kinh đối giao cảm, vì vậy
chúng ta thấy bình tĩnh hơn.
Điều gì xảy ra khi chúng ta đưa
prasad? Thái độ của chúng ta trong dịp
này là vui mừng và chúng ta muốn duy trì sự năng động và phấn chấn, điều này xảy
ra khi chúng ta đưa bằng tay phải, được kết nối với não trái và hệ thần kinh giao
cảm. Khi nhận prasad, truyền thống
cũng là nhận bằng tay phải, cộng hưởng với sự đáp ứng đồng cảm để chúng ta có thể
đáp lại niềm vui của người trao.
Có một khía cạnh khác về ý
nghĩa khoa học và tâm linh xung quanh prasad:
chỉ một mẩu rất nhỏ được đưa lên miệng và ăn. Điều này là để chút ít ỏi được
đưa vào sẽ vẫn còn ở trong cơ thể chứ không bị bài tiết, giúp thanh lọc toàn bộ thân
tâm.
Nếu chúng ta muốn thanh lọc thân tâm, tất
cả mọi thứ chúng ta ăn có thể trở thành dâng prasad. Bằng cách này, thời điểm ăn sẽ là một hoạt động nữa giúp thanh
lọc và làm cao cả ý thức của chúng ta.