9 tháng 10, 2017

HÀNH TRÌNH TỚI TỰ DO

KAMLESH PATEL đưa chúng ta đi qua một cuộc hành trình - hành trình tối thượng hướng tới tự do. Trong bài này, ông sẽ giải thích tại sao tự do lại quan trọng như thế đối với con người trên khắp hành tinh.


Nếu tìm hiểu lịch sử, chúng ta nhận thấy rằng có một số nguyên tắc và giá trị cơ bản mà con người không phân biệt nền văn hoá, xuất thân, tầng lớp xã hội đều coi trọng. Chúng ta có thể gọi chúng là những nguyên tắc phổ quát. Một trong những nguyên tắc có giá trị lớn nhất là tự do.


Theo Ram Chandra ở Shahjahanpur, "Khao khát tự nhiên của linh hồn là thoát khỏi ràng buộc." Khao khát tự do là cốt lõi của mục đích con người. Bạn có thể nói, trên thực tế hành trình tới tự do là mục đích thực sự của con người.

Nhưng tự do mà Ram Chandra nói đến là gì? Nó có phải là giấy thông hành để làm bất cứ điều gì chúng ta muốn vì hạnh phúc của bản thân, gây tổn hại cho người khác, loài khác và môi trường không? Triết gia Hy Lạp cổ đại Plato đã nói "Không phải", và lập luận rằng tự do đưa đến trách nhiệm gắn sự lựa chọn của chúng ta với điều tốt đẹp. John Milton ở thế kỷ 17 cũng đã nói điều tương tự. Trong giáo lý của mọi tôn giáo, triết lý và truyền thống tâm linh, chúng ta thấy ý tưởng lựa chọn điều đúng đắn được đề cao hơn ham muốn. Con đường bát chánh đạo cao cả của Đức Phật đặt nền tảng trên một tiên đề tương tự, như chân ngôn đạo đức của Yoga - yamaniyama - và Mười điều răn của truyền thống Thiên Chúa giáo.

Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn câu nói của Ram Chandra, "Khao khát tự nhiên của linh hồn là thoát khỏi ràng buộc." Sự ràng buộc nào? Sự ràng buộc của linh hồn là gì? Trong loạt bài về tiến hoá ý thức chúng ta đã rất quen thuộc với chủ đề này. Tiến hoá ý thức là sự mở rộng ý thức qua từng bước, khi chúng ta vượt qua những trói buộc của linh hồn. Chúng ta đã tìm hiểu 3 thân của con người: linh hồn là trung tâm tồn tại của chúng ta, và có những lớp phủ bao quanh nó. Có vô số lớp phủ bao quanh linh hồn, chúng đều có thể trở nên nặng nề do nhiễm ô và phức cảm.

Hành trình tới tự do là loại bỏ các lớp phủ đó, để chúng không còn trói buộc linh hồn, cho phép linh hồn thoát khỏi mọi sự nặng nề, để nó có thể vượt thoát lên và hòa nhập vào linh hồn vũ trụ mà chúng ta gọi là Đấng Thiêng liêng hay Thượng đế, để sống trong ý thức vũ trụ.

Hành trình tới tự do là hành trình tâm linh, và có một tấm bản đồ cho chúng ta biết đường đi và hướng đi. Tấm bản đồ này là giải phẫu tâm linh người. Trong các mục trước của loạt bài này chúng ta đã tìm hiểu về giải phẫu tâm linh, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu nó sâu hơn.

Nhiều người có lẽ đã nghe nói về luân xa, thường được mô tả là các trung tâm năng lượng trong thân người. Theo quan điểm truyền thống, có 7 luân xa chính: luân xa gốc ở đáy cột sống, luân xa xương cùng ở ngay dưới rốn, luân xa búi mặt trời ở bụng trên, luân xa tim, luân xa họng, luân xa trán và luân xa vương miện ở đỉnh đầu.


Nhưng giờ đây chúng ta biết rằng giải phẫu tâm linh người được tạo thành từ nhiều hơn 7 luân xa, và chúng kéo dài đến xương chẩm ở gáy.

Ba luân xa phía dưới là phổ biến ở tất cả các loài động vật bậc cao, trong khi con người còn có khả năng đánh thức và phát triển năng lực của các luân xa từ luân xa tim trở lên. 13 luân xa được thể hiện trong hình dưới.


Luân xa tim không chỉ là một ngôi sao; nó là một chòm sao gồm nhiều ngôi sao, và 5 ngôi sao chính thuộc 5 yếu tố thị hiện khắp vũ trụ - đất, không khí, lửa, nước và ê-te (còn được gọi là akash hay không gian). Cơ thể của chúng ta cũng được tạo thành từ 5 yếu tố đó. Chúng có trong luân xa của vùng trái tim. Luân xa 1, ở phía dưới ngực trái gần trái tim vật lý, có yếu tố đất chiếm ưu thế, bốn yếu tố còn lại có mức độ thấp hơn. 

Luân xa 2 là luân xa linh hồn, ở phía dưới ngực phải. Nó có phẩm tính không gian hay akasha chiếm ưu thế. Luân xa 3 ở phía trên ngực trái, là nơi yếu tố lửa chiếm ưu thế. Luân xa 4 ở phía trên ngực phải, là nơi yếu tố nước chiếm ưu thế, và luân xa 5 ở họng là nơi yếu tố khí chiếm ưu thế. Các luân xa này nằm trong vùng Trái tim hay Pind Pradesh, và đây là một vùng rộng lớn.

Thông qua thực hành Heartfulness, bước đầu tiên là thanh lọc và đánh thức 5 luân xa của Vùng Trái tim để ý thức mở rộng bao trùm vùng rộng lớn này.

Điều này có nghĩa là gì đối với chúng ta? Chúng ta học cách làm trong sáng và làm chủ phạm trù cảm xúc. Chúng ta xóa bỏ những lớp phủ do sự méo mó của cảm xúc bao bọc lấy linh hồn và phủ màu nhận thức của chúng ta, để sự thuần khiết, trí tuệ và sự sáng suốt trở thành trạng thái tự nhiên của chúng ta. Chúng ta phát triển sự tự tin để lắng nghe trái tim. Cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn và thanh tịnh hơn.

Trên hành trình đi qua vùng Trái tim, tại luân xa 1, chúng ta học cách làm việc với thích và không thích, sự lôi kéo của ham muốn, bao gồm những lo lắng thế tục, sự tham lam và đố kỵ, sự oán giận và thương thân trách phận, dục thú và ham muốn, tội lỗi và xấu hổ. Khi chúng ta làm chủ những cảm xúc này nhờ quá trình thanh lọc và đi qua luân xa 1, cảm giác viên mãn và sự nhẹ nhàng tự nhiên phát triển. Vẻ đẹp của yếu tố đất ở luân xa 1 là nó hỗ trợ và cho phép mọi điều xảy ra. Nó hoàn toàn chấp nhận mà không phán xét. Ví dụ, trái đất để cho một vụ giết người xảy ra và khi đó cũng không có trận động đất nào. Trái đất không nuốt chửng kẻ sát nhân. Chúng ta đi trên Mẹ Đất và Bà chịu đựng trọng lượng của chúng ta. Chúng ta có thể tạo ra một khu vườn xinh đẹp hoặc phá huỷ khu vườn, và Mẹ Đất chứng kiến tất cả. Bà bao dung với chúng ta. Bà chấp nhận chúng ta. Bà giống như một bà mẹ đối với chúng ta.

Khi người ta phát triển phẩm tính này, ở tột đỉnh của nó, họ trở thành giống như mẹ, yêu thương và chấp nhận mọi thứ.

Luân xa 2 là trái tim tâm linh. Tại luân xa 2, chúng ta trải nghiệm cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, tĩnh lặng và hạnh phúc của linh hồn. Lòng nhân ái đạt đến tột đỉnh ở đây. Ban đầu, rất khó để hòa nhập trải nghiệm ở đây với cuộc sống hàng ngày, bởi vì cảm giác hấp dẫn đến mức tất cả những gì chúng ta muốn làm là thiền và ở trong trạng thái bình yên đó. Một bên là tĩnh lặng và bình yên vô biên, và bên kia là mức độ rất vi tế của khao khát tiến về phía trước. Dần dần, khi đi qua luân xa 2 và cân bằng luân xa 1 và luân xa 2, chúng ta học được cách cùng một lúc vừa tiếp đất ở bình diện vật lý vừa bay vút vào không gian. Chúng ta bắt đầu hòa nhập thân và tâm vào cuộc sống.

Điều này tạo tiền đề để di chuyển tới các luân xa phía trên của Vùng Trái tim, nơi chúng ta gặp các yếu tố khác - lửa, nước và không khí. Lửa là năng lượng thiết yếu, và ở luân xa 3, chúng ta lặn sâu hơn vào yếu tố này.

Lửa tạo ra sự tinh khiết. Người ta nung quặng vàng và tinh luyện nó thành vàng ròng. Điều gì xảy ra khi bạn đun một khối nước đá? Nó chảy ra - trở thành nước, sau đó thành hơi nước, đủ sức mạnh để làm chuyển động đầu máy hơi nước. Hãy chú ý đến hai nguyên tắc của lửa: làm tinh khiết và tan chảy. Sự hóa đá trong chúng ta được tan chảy là gì? Khi tương tác với mọi người, đôi khi, chúng ta sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết, vào lúc khác chúng ta lại cảm thấy không muốn làm gì cả, chúng ta bị đóng băng. Thứ này chính nó. Khi có ngọn lửa của tình yêu, chúng ta dễ dàng tiến bước bởi vì tình yêu khiến cho mọi thứ trở nên dễ dàng hơn và tốt đẹp hơn. Còn sự phức tạp và nặng nề khiến cho chúng ta rất khó di chuyển.

Lửa còn có một phẩm tính khác. Ngay cả khi bạn để que diêm hoặc chiếc bật lửa hướng xuống dưới, ngọn lửa vẫn bốc lên trên. Tình yêu của chúng ta, lửa tình yêu, phải thăng hoa. Khi nói về sự thăng thiên, chúng ta luôn nói về thần tính. Tình yêu kết nối chúng ta với Cội nguồn và với vị Thầy, người đang dẫn dắt chúng ta trở về Nguồn, và vì thế tình yêu thúc đẩy hành trình tới tự do.

Tại luân xa 3, chúng ta học cách sử dụng tình yêu và cơn giận để cả hai cùng trở thành cảm xúc hướng dẫn chuyển hoá cho cuộc hành trình phía trước. Cơn giận ở hình thức thuần túy cũng là vì lợi ích của chúng ta, vì nó cảnh báo cho chúng ta có điều gì đó không ổn, và nhắc nhở chúng ta thay đổi xu hướng và hành vi để đi đúng đường. Khi chúng ta cảm thấy sự va chạm ở bên trong, chúng ta biết rằng có điều gì đó cần phải thanh lọc.

Vì vậy, ở luân xa 3, ảnh hưởng làm tinh khiết của lửa giúp chúng ta biến đổi để khơi dậy tình yêu thương dành cho người khác. Thứ được chuyển hoá trong chúng ta là gì? Thứ tồi tệ nhất trong chúng ta - sự thù hận được chuyển hoá. Nó được chuyển hoá thành tình yêu, và khiến chúng ta thăng hoa. Lửa khiến trái tim ta tan chảy. Ở đây, sự hiến dâng và tình yêu chân chính nảy nở. Chúng ta không còn giả vờ yêu, bởi vì chúng ta không thể không yêu. Tình yêu trở thành chính con người của chúng ta.

Khi cơn giận và tình yêu hướng về nơi khác, khi sự tập trung của chúng ta hướng về người khác hoặc thứ khác, hai cảm xúc này có thể kéo chúng ta vào ràng buộc và phức tạp, dẫn đến sự chệch hướng và rối loạn cảm xúc. Không phải là chúng ta không nên yêu theo ý nghĩa thế tục, hoặc chúng ta không nên sử dụng cơn giận để hoàn thiện bản thân theo ý nghĩa thế tục, mà quan trọng là phải giữ cho ý thức luôn trong sáng và thuần khiết, thay vì làm dơ bẩn nó bởi cảm xúc thất thường. Vì vậy, chúng ta có quá trình thanh lọc trong Heartfulness - làm tươi mới và trẻ hóa ý thức, làm thanh tịnh thân vi tế mỗi ngày.

Tới luân xa 4, yếu tố nước gợi lên điều gì trong chúng ta? Nước có tác dụng xoa dịu và làm yên tĩnh. Nó làm tươi mới tâm trí và xoa dịu trái tim. Trạng thái mà chúng ta trải qua với lửa, yêu trong khắc khoải, giờ đây trở nên sâu lắng hơn. Sự nồng nàn của tình yêu giảm đi đáng kể. Tình yêu trở thành như dòng sông sâu chảy về Nguồn. Nó ít biểu hiện hơn và lắng sâu hơn vào bên trong. Sự rạo rực của tình yêu ở luân xa 3 được làm cao khiết khi nó kết hợp với yếu tố nước và trở nên tinh tế hơn.

Sức mạnh lớn lên từ bên trong khi tình yêu chảy sâu hơn, và điều này thể hiện ở luân xa 4 là lòng dũng cảm và sự tự tin trong mọi việc chúng ta làm. Lòng dũng cảm rất có lợi khi có sự khiêm tốn và quan tâm đến người khác, nhưng khi liều lĩnh và bị điều khiển bởi cái tôi, lòng dũng có thể trở thành phá hoại.

Tại luân xa 4, chúng ta cũng trải nghiệm và học cách làm chủ nỗi sợ. Giả sử bạn chỉ có một mình trên biển với những con sóng trên 30 feet, bạn sẽ cảm thấy sợ. Sợ hãi làm cân bằng lòng dũng cảm, ngăn chúng ta không hành động liều lĩnh. Ở dạng thuần tuý, nỗi sợ giúp chúng ta đi đúng đường. Nhưng khi bị đè nặng bởi những dấu ấn, sợ hãi có thể trở thành tiêu cực và khiến chúng ta tê liệt.

Luân xa 5 bị chi phối bởi yếu tố khí, và có phẩm tính của sự nhẹ nhàng, sáng suốt và trí tuệ. Không khí luôn luân lưu - chúng ta không biết nó đi theo hướng nào. Tương tự như thế, tâm trí, tâm trạng, cảm xúc cũng luôn xáo động. Ở luân xa 5 có thể có rất nhiều ảo tưởng. Khi có sự nặng nề hoặc rối loạn cảm xúc ở trong trái tim, yếu tố khí biểu hiện thành sự hỗn loạn và ảo tưởng. Khi sự hỗn loạn xuất hiện, điều đó có nghĩa là chúng ta phải tạm dừng và đợi cho đến khi hỗn loạn tan biến và trái tim trở nên sáng tỏ để hướng dẫn chúng ta.

Trong hành trình đi qua Vùng Trái tim, chúng ta làm trong sáng tất cả các cảm xúc này. Mỗi cảm xúc đều có mục đích của nó và chúng ta học cách sử dụng chúng một cách khôn ngoan cho sự tiến hóa. Một khi chúng ta đi qua các luân xa ở Vùng Trái tim, cuộc hành trình tiếp tục đi vào các chiều kích cao hơn. Để đi xa hơn, chúng ta cần một phẩm tính quan trọng, đó là bao dung. Sự rộng lượng của trái tim bỏ qua mọi khác biệt, các mặt đối lập (dwandwas) và thấy rõ mọi thứ bằng cái nhìn đúng đắn.

Siêu vượt Vùng Trái tim có nghĩa là vượt qua bình diện vật lý của sự tồn tại để đi vào Vùng Tâm trí, và cuối cùng vượt qua Vùng Tâm trí để đi vào Vùng Trung tâm.

Sau khi làm chủ 5 luân xa của vùng Trái tim, chúng ta tiếp tục, mở rộng ý thức vào vùng Tâm trí, còn được gọi là vùng Siêu Tâm của Thượng Đế. Để bước vào vùng này, có một điều kiện tiên quyết quan trọng: trước tiên chúng ta phải là hiện thân về sự bao dung của trái tim, sự bao dung ấy xuất hiện khi chúng ta thanh lọc trái tim và làm chủ những cảm xúc của đời sống thế tục.

Trong cảnh vực mới này chúng ta trải nghiệm một mức độ tự do khác; chúng ta thoát khỏi vòng sinh tử. Nói cách khác, chúng ta siêu vượt nhu cầu luân hồi, và điều này thường được gọi là giải thoát. Ý thức tự do bay vút lên theo một cách hoàn toàn mới và thực sự chúng ta vượt ra ngoài ý thức tới tiềm năng tạo ra ý thức. Linh hồn trải qua nghi thức vĩ đại đầu tiên trên hành trình trở về Nhà.

Vì vậy, bây giờ hãy tiếp tục cuộc hành trình và xem nó đưa chúng ta đến đâu. Cảnh vực mới của tâm trí vượt ra ngoài tính hai mặt của tồn tại vật lý, và nó luôn ở đó ẩn đằng sau mọi thứ chúng ta làm trong đời sống hàng ngày. Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình bằng việc bước vào vùng Vũ trụ, còn được gọi là Brahmanda Mandal và Virat Desh, bắt đầu từ luân xa 6 giữa hai chân mày. Đây là một vùng rộng lớn mà thường thì mất hàng ngàn năm cũng chưa đi hết, nói gì đến sự kỳ vĩ của nó. Ở đây chúng ta cảm nhận sự thánh thiện và lòng sùng kính, và ý thức được về mọi sức mạnh hiện có.

Vùng Vũ trụ là kho năng lượng vô hạn cấp năng lượng cho bình diện vật lý và duy trì sự sống vật lý của chúng ta. Khi đi xuyên qua vùng này, chúng ta cảm thấy năng lượng mạnh như dòng điện chạy khắp bản thể. Chúng ta cảm thấy có dòng điện.

Ở đây, chúng ta thấy chuyển động co và giãn, đa hướng và đa chiều. Tâm trí mở rộng, và chúng ta phát triển phẩm tính của cái vô biên. Ý thức mở rộng 360 độ. Sự mở rộng ở đây tiếp tục cho đến khi chúng ta nhận ra rằng mình được mở rộng bao phủ toàn thế giới. Vũ trụ dường như quá nhỏ bé khi chúng ta phát triển sự mở rộng tương ứng ở bên trong.

Chính ở giai đoạn này trong cuộc hành trình, vai trò của Vị thầy trở nên vô cùng quan trọng, bởi vì làm thế nào một linh hồn đã giải thoát, một linh hồn thuần khiết có thể ở lại trong một thân xác trừ khi thân xác đó cũng thanh tịnh? Vị thầy giúp chúng ta thanh lọc từng tế bào. Làm thế nào để điều này xảy ra? Đó là vấn đề trải nghiệm, và tôi hy vọng tất cả các bạn sẽ thực hành và tự kiểm chứng.

Trong vùng Vũ trụ, chúng ta thấy luân xa 6 và 7, và nửa đầu của luân xa 8. Luân xa 6 và 7 gần như đan vào nhau, tạo thành vòng số 8, với vòng dưới (luân xa 6) nhỏ hơn vòng trên (luân xa 7) và vòng tròn dưới nhô về phía trước một chút so với vòng tròn trên. Luân xa 7 là kho chứa sức mạnh vĩ đại, và luân xa 6 là nơi phân phát sức mạnh đó.

Một số truyền thống khuyên thiền ở luân xa 6 giữa hai chân mày, và ngay cả trong Bhagavad Gita, Chúa Krishna cũng khuyên Arjuna thiền ở điểm này. Lý do rất cụ thể: Arjuna là một chiến binh trong cuộc chiến tranh Mahabharata. Ông đang nao núng trên chiến trường, để chiến đấu ông cần sức mạnh và năng lượng. Vùng Vũ trụ là kho sức mạnh và Arjuna cần sức mạnh.

Nhưng chúng ta sẽ không chiến tranh. Chúng ta lèo lái cuộc sống gia đình và vì thế chúng ta cần tình yêu, sự hiểu biết, lòng trắc ẩn và sự cảm thông - tất cả những phẩm tính của trái tim. Phần sau trong Gita, Krishna nói rằng Đấng Thiêng liêng ngự trị trong trái tim của mỗi sinh linh. Đây là một gợi ý lớn cho những ai tìm kiếm Giác ngộ. Sự cần thiết lúc này là thiền ở trái tim.

Tôi đặt tên cho luân xa 7 là Durvasa vì Durvasa là một nhân vật trong thiên anh hùng ca Mahabharata, người có sức mạnh siêu phàm và dễ nổi cơn thịnh nộ bằng sự nguyền rủa mọi người. Bởi vì sức mạnh siêu phàm chiếm ưu thế trong vùng này, đôi khi chúng ta có thể trở nên bất cẩn. Khi ai đó làm phiền chúng ta, chúng ta có thể đả kích họ vì chúng ta có sức mạnh để tùy ý sử dụng. Nhưng chúng ta không phải trở thành giống như Durvasa nếu tình yêu nâng bước hành trình tâm linh của chúng ta, và như là sự thận trọng, tôi đã đặt tên này để chúng ta nhận thức được khả năng có thể xảy ra. Sức mạnh có ở đó, nhưng Vị thầy cũng ở đó để bảo vệ chúng ta. Ngay cả như vậy, chúng ta cũng cần phải cảnh giác với cách chúng ta đối xử với người khác.

Nếu nhạy cảm, chúng ta sẽ phát hiện ra sự hiện diện của sức mạnh vĩ ​​đại đó cai quản các phần khác nhau của vũ trụ, nhưng sức mạnh đó không phải để chúng ta tận hưởng. Chúng được tạo ra vì sự tốt đẹp chung, hòa bình chung và phúc lợi của tất cả chứ không phải vì sự bình yên cá nhân.

Đạt đến luân xa 7 tạo ra cảm giác ngây ngất rất dễ chịu. Cảm giác như thể chúng ta đã đến đích, và nó hấp dẫn đến mức ngay cả người tìm kiếm chân thành nhất cũng phải dừng chân. Khi đó, Vị thầy phải đưa chúng ta tiến về phía trước. Trạng thái của luân xa 7 có vẻ tuyệt diệu, nhưng đối với một yogi chân chính thì đó chỉ là trò trẻ con.

Vùng Vũ trụ là nơi chúng ta thực sự có thể thay đổi tính cách từ phản ứng tới đáp ứng. Sự đáp ứng sinh ra từ một trái tim thuần khiết và một tâm trí cân bằng. Dòng truyền điều chỉnh các khuynh hướng của tâm trí và làm biến đổi ý định của trái tim. Ở đây, tự ngã thấp kém trở thành Tự ngã chung, vị kỷ biến đổi thành vị tha.

Với sự chú ý và hỗ trợ của một Vị thầy có năng lực, chúng ta tới luân xa 8. Nửa đầu của luân xa này nằm trong vùng Vũ trụ, và nửa thứ sau nằm ở vùng Trên-Vũ trụ, còn được gọi là Mandal Para-BrahmandaPara có nghĩa là 'ở trên', vì vậy chúng ta siêu vượt vùng Vũ trụ trong luân xa này và cảm thấy cảm giác tươi mát giống như một người say nắng được tắm trong dòng nước mát.

Khi đã vượt qua vùng Vũ trụ, chúng ta không còn say mê kho sức mạnh liên kết với luân xa 7, bởi vì chúng ta nhận ra sự vô giá trị của việc tích chứa sức mạnh. Chúng ta bắt đầu nhảy nhạc điệu khác - đó là làm thanh khiết và siêu vượt bất cứ thứ gì liên quan đến sức mạnh, và tất nhiên đó có nghĩa là cái tôi. Thay vào đó, chúng ta trở nên say mê sự khiêm tốn và mong muốn phục tùng những gì cao hơn bản thân mình, vì chúng ta hiểu rằng mình sẽ chỉ tiếp tục trên hành trình tới những cảnh vực cao hơn với một trái tim khẩn khoản.

Chúng ta thường nghe rằng thế giới là ảo hóa, và ở luân xa 8 chúng ta cảm thấy trạng thái đó, vì vậy chúng ta mất đi sự hứng thú với những gì không cần thiết. Sự từ bỏ này không phải do ép buộc hay áp đặt mà hoàn toàn tự nhiên. Thế giới không còn là một sân chơi, và chúng ta cảm thấy nó giống như một giấc chiêm bao. Mọi thứ cảm thấy ở đây rất nhẹ nhàng. Suy nghĩ mất đi sức nặng của nó và chúng ta bắt đầu tận hưởng sự bình yên và an tĩnh. Ở đây sự bình yên có một tần số khác so với sự bình yên mà chúng ta đã trải qua ở luân xa 2 trong vùng Trái tim. Nó cao siêu hơn, nhưng chỉ một người tìm kiếm cảm thấy thao thức nhận ra cái Tối thượng bên trong sự bình yên này mới có thể làm chủ luân xa 8. Chúng ta cần một trái tim thao thức sẵn lòng bỏ lại sự yên bình của luân xa 8 để tiếp tục tiến lên phía trước.

Tiếp theo, chúng ta chuyển sang luân xa 9, và vùng mới mà chúng ta bước vào đòi hỏi mức độ phục tùng cao hơn, mức độ quy thuận cao hơn. Trong tiếng Phạn, sự quy thận được gọi là Prapanna, là tên gọi của vùng này. Luân xa 9 là về sự quy thuận và khiêm nhường, được tượng trưng bởi hình ảnh Chúa Krishna được vây quanh bởi những chú bò và Chúa Giê-su với chú cừu non trên tay. Chú cừu rất thoải mái ở đó, và đó cũng là trạng thái của chúng ta. Trong trạng thái khiêm tốn chân thành đó, hình ảnh của Thần tính luôn hiện diện trong tim chúng ta, vì vậy chúng ta thấy Thần tính nơi mọi thứ xung quanh.

Chúng ta chấp nhận thế giới, và cảm thấy không hấp dẫn cũng không ác cảm. Chúng ta hoàn toàn quy thuận, giống như Hanuman đã quy thuận Chúa Rama trong thiên anh hùng ca Ramayana, và giống như những chú bò của Chúa Krishna và chú cừu non của Chúa Giê-su. Cái tên 'Hanuman' phản ánh bản chất của ngài: maan có nghĩa là 'tôn vinh và tôn trọng', và hanu có nghĩa là 'không'. Ngài không đòi hỏi sự tôn vinh, sự tôn trọng. Vì vậy, tôi đặt tên luân xa này theo tên Chúa Hanuman. Ở luân xa 9 Chúa ngày càng nhiều và tự ngã cá nhân ngày càng ít.

Trái tim có sự thuần khiết rất cao. Sự phụ thuộc thực sự bắt đầu từ đây, mỗi khoảnh khắc hoài thai với sự hiện hữu của Ngài, và chúng ta tiếc nuối từng khoảnh khắc đã bỏ qua sự hiệp thông với Ngài. Thực ra, đó là ý nghĩa nguyên thủy của tội lỗi: phân ly khỏi sự hiệp thông cao cả với Chúa tể. Chúng ta say đắm tự nhiên trong Chúa tể, và nghỉ ngơi trong trạng thái quy thuận mà không nỗ lực.

Không có ảo tưởng khi tiếp cận Thần tính ở giai đoạn này. Chúng ta đối mặt hoàn cảnh với lòng can đảm, sự tôn trọng và tôn kính, và bất kỳ cảm giác không ưa thích hay hận thù nào đều quá xa vời để phải bận tâm. Chiêu trò của cái tôi trong những cõi giới cao hơn có thể rất lắt léo, nhưng nếu giải quyết được nó, chúng ta được trao tặng phúc lạc phi thường. Và chúng ta chỉ có thể giải quyết nó khi chúng ta bắt đầu hợp nhất với cái Tối thượng.

Ở giai đoạn này, nếu coi mình cao hơn bất kỳ ai khác, chúng ta bị ném vào bóng tối và nhận ra rằng không gì có thể trừng phạt chúng ta hơn lương tâm của chính chúng ta. Và ngay cả ý nghĩ về sự thành tựu hay nói về mối liên hệ với Người Yêu dấu cũng là ngạo mạn và viển vông. Làn gió nhẹ của ý thức thần thánh bắt đầu luân lưu. Cảm nhận về sự tối cao của Chúa tể bị nhấn chìm trong tình yêu. Một cảm giác tự nhiên hoàn hảo. Sự tôn kính dành cho Chúa tể đến nhẹ nhàng.

Ở luân xa này, suy nghĩ và ý chí của chúng ta đồng điệu với suy nghĩ và ý chí của Vị thầy, và chúng ta cảm thấy hoàn toàn phụ thuộc vào ông ấy, trong sự thẩm nhập với ông, và tình yêu của chúng ta dành cho ông rất mãnh liệt. Thế giới xuất hiện không thực và cũng không ảo. Ý thức cá nhân của chúng ta hòa nhập vào ý thức của Vị thầy.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta tự hỏi: "Chúa tể của tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu tôi làm điều này hoặc không làm điều này, nếu tôi nghĩ thế này hay hành xử thế kia?" Chúng ta trở nên cực kỳ nhạy cảm theo cách này ở luân xa 9, vì vậy lúc này hãy tưởng tượng mức độ của nghi thức và sự tôn kính được đòi hỏi để đến luân xa 10, trú xứ của Chúa tể. Thực ra, sự chuẩn bị cho thái độ ‘xin theo ý Ngài' bắt đầu trong những giai đoạn đầu của hành trình tâm linh. Nhu cầu về một nền tảng vững chắc như thế được dựa trên niềm tin.

Luân xa 9 là về sự quy thuận Chúa tể, trong khi ở luân xa 10 là cực kỳ thân cận với Chúa tể. Chúng ta chuyển đến một vùng mới, và một trò chơi diễn ra ở đây, chúng ta quy thuận đến mức Chúa tể chiếm ưu thế trong chúng ta. Chúng ta đung đưa giữa sự hiện diện của bản thân như một tín đồ và sự hiện diện hoàn toàn của Ngài. Trạng thái đung đưa này là một vùng được gọi là Prapanna- Prabhu.

Khi đi qua vùng này, chúng ta bắt đầu cảm thấy rằng mình là một với Chúa tể, và không có sự khác biệt giữa chúng ta và Chúa tể. Mọi thứ Ngài sở hữu đều là của chúng ta. Không phải chúng ta làm chủ thế giới, mà giống như một hoàng tử: tất cả những thứ trong cung điện thuộc về nhà vua, nhưng chúng ta cảm thấy chúng cũng là của mình. Tương tự, không có cảm giác phân ly. Cuối cùng Chúa tể xuất hiện tối cao trong trò đung đưa này, và chúng ta tiếp tục đến vùng tiếp theo Prabhu.

Sự hiện diện của Chúa tể được cảm nhận rất sâu sắc và ở đó có sự gần gũi vượt ra ngoài niềm tin. Nếu giơ bàn tay lên, chúng ta cảm thấy đó là bàn tay của Chúa tể; chúng ta nhìn qua đôi mắt của Chúa tể. Đó là một trạng thái đẹp. Và một thứ tuyệt vời khác xảy ra. Vì đã trở thành là một với Chúa tể và Vị thầy, chúng ta có thể tỏa ra rung động của Chúa tể, rung động của Vị thầy. Chúng ta trở thành phương tiện như gỗ đàn hương. Gỗ đàn hương là gì? Mỗi khi gió thổi qua rừng đàn hương, hương thơm của gỗ đàn hương tỏa đi khắp nơi. Điều tương tự xảy ra với chúng ta khi chúng ta ngập chìm trong Thượng đế.

Đến giai đoạn Chúa tể hòa nhập vào chúng ta, và do đó, rung động của Chúa tể phát xuất từ chúng ta. Đó là vẻ đẹp của luân xa 10. Tuy nhiên chúng ta có xu hướng trở nên thao thức càng nhiều hơn.

Bây giờ người lữ hành đang ở trong cõi giới của Thượng đế. Stephen Hawking đã viết trong cuốn Lược sử Thời gian, "Nếu chúng ta khám phá ra thuyết vạn vật ... thì đó sẽ là chiến thắng tối hậu của lý trí con người - khi ấy chúng ta mới thực sự biết được tâm Thượng đế." Vùng Prabhu là về siêu Tâm của Thượng đế. Nhưng không thể đến được vùng này thông qua cách tiếp cận khoa học thuần túy của lý trí: lý trí quá rườm rà và là cách tiếp cận tâm trí thô sơ. Để biết siêu Tâm của Thượng Đế, đòi hỏi sự nhận thức trực tiếp, thông qua việc đánh thức các trạng thái siêu thức. Lý trí là con đường gián tiếp dẫn đến kiến ​​thức, bị hạn chế bởi các chức năng tâm trí của ý thức, suy nghĩ, trí năng và cái tôi trong trường hợp tốt nhất và bị nhiễm ô bởi các bộ lọc thêm vào của samskara trong trường hợp xấu hơn.

Nhận thức trực tiếp không bị trói buộc bởi bất cứ hạn chế nào trong đó. Thông qua thanh lọc trái tim và đánh thức các luân xa cao hơn, nhận thức trực tiếp là trạng thái tự nhiên của một Yogi chân chính. Điều đó không có nghĩa là một Yogi không thể sử dụng lý trí, vì lý trí là một công cụ hữu ích, mà họ có thể tiếp cận kiến thức mà không có bộ lọc, đó là trí tuệ vũ trụ. Ở giai đoạn này, 'thuyết vạn vật' của Hawking là có thể. Và "chiến thắng tối hậu" mà ông viết thực sự là chiến thắng của Yoga. Yoga là vậy, và nó không chỉ là ‘thuyết vạn vật', mà còn là sự trải nghiệm thực tiễn mọi thứ.

Đó là lý do tại sao nỗ lực to lớn của người lữ hành đối với thực hành tâm linh ở giai đoạn đầu cuộc hành trình là vô cùng quan trọng. Nỗ lực đó là cần thiết để đạt đến cấp độ này. Việc đánh thức các luân xa vùng Tim-Trí là nền tảng để trải nghiệm cõi giới của Thượng đế. Ngay cả khi bắt đầu cuộc hành trình, tại luân xa 1 của vùng Trái tim, mức độ thấp hơn của siêu thức được đánh thức thông qua thực hành Heartfulness, và trong suốt cuộc hành trình, các trạng thái siêu thức vi tế hơn được đánh thức bởi dòng truyền của Vị thầy. Chúng ta có thể hình dung nỗ lực ban đầu như một khoản đầu tư sinh lời ở trạng thái cao hơn này. Đã xây dựng xong nền móng, giờ đây vẻ đẹp của dinh thự lộ ra.

Điều này chỉ có thể xảy ra khi cái tôi giằng co giữa "Tôi" và "Ngài" kiệt sức khi qua vùng Prapanna-Prabhu tại luân xa 9. Nếu không, nhận thức của người lữ hành vẫn bị che lấp bởi giới hạn của tâm, đặc biệt là cái tôi giống như lỗ đen làm hẹp nhận thức của anh ấy - anh ấy phải thoát ra khỏi giới hạn này nếu muốn trực tiếp trải nghiệm Thượng đế và nhận ra tiềm năng vô hạn của cái Tối thượng. Và vai trò của Guru trong quá trình này là rất quan trọng. Bạn có nghĩ ai trong chúng ta có thể tự mình vượt qua vùng này không? Điều đó sẽ giống như leo lên đỉnh Everest mà không có người Sherpa (một tộc người ở phía đông Nepal, trên dãy Hymalaya) dẫn đường, hoặc Frodo Baggins ném chiếc nhẫn quyền năng vào ngọn lửa của Mordor mà không có sự giúp đỡ của Gandalf và Gollum. Liệu cái tôi có thể làm biến mất sự giam cầm nó mà không cần một sức mạnh cao hơn giúp đỡ? Trong cõi giới vi tế này, người lữ hành cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của một Guru biết rõ đường đi.

Đó là lý do tại sao Osho đã nói, "Một bậc thầy sống nhất định phải đến với một người tìm kiếm sự thật, người muốn biết ý nghĩa của cuộc sống, muốn đi đến trung tâm sâu thẳm nhất của bản thể, muốn biết chiều sâu và chiều cao của tồn tại. Anh ta sẽ phải nắm chặt tay vị thầy.”

“Vị thầy là người đã đi qua con đường. Vị thầy là người đã sang bờ bên kia và quay lại bờ bên này để chỉ đường cho bạn. Nhưng chỉ một vị thầy còn sống mới có thể dẫn đường - hãy ghi nhớ điều đó."

Sự hiện diện của Chúa tể được cảm nhận sâu sắc ở luân xa 10 đến mức có sự thân mật vượt ra ngoài niềm tin. Và mối quan hệ rất thiêng liêng giữa Guru và học trò được biểu hiện và nuôi dưỡng thực sự trong vùng Prabhu này, gồm luân xa 10, 11 và 12.

Ý thức giờ đây an trú trong Chúa tể. Người lữ hành ngày càng ít và Ngài ngày càng nhiều. Chúa tể trở thành người làm ẩn đằng sau mọi hành động, và người lữ hành chỉ là một nhân chứng đơn thuần. Điều đó được thể hiện rất hay qua những câu của nhà thơ huyền bí và vị thánh Ấn Độ thế kỷ 15, Kabir:

Đường tình thật là hẹp;

Chỉ đủ chỗ cho một người.

Khi có tôi thì không có Người Yêu đấu.

Giờ đây, có Người Yêu dấu thì chẳng có tôi.

Trước đó, tất cả là về cái "tôi". Sau đó, có một phổ hỗn hợp đan xen giữa "tôi" và "Ngài". Cuối cùng, chỉ có Chúa tể còn lại trong tầm nhìn, một cách tự nhiên, với tình yêu. Đây là vùng Prabhu. Toàn bộ thân thể thuộc về Chúa tể; nó trở nên thiêng liêng và thánh hóa như một đền thờ. Bây giờ cơ thể là trú xứ của Chúa tể, có sự thôi thúc mạnh mẽ để kiềm chế làm bất cứ điều gì hoen ố hoặc hạ thấp ý thức này.

Bởi vì người lữ hành trở nên là một với Chúa tể, và Vị thầy, giờ đây anh ấy tỏa ra rung động thần thánh như hương thơm của gỗ đàn hương. Mỗi khi gió thổi qua rừng đàn hương, hương thơm của gỗ đàn hương tỏa đi khắp nơi. Ngoài ra, nếu lấy bột gỗ đàn hương và bôi lên trán, bạn sẽ mang theo mùi hương đó mọi lúc mọi nơi. Điều gì đó tương tự xảy ra với người môn đồ say đắm Chúa tể đến mức Chúa tể thực sự hòa nhập vào anh ấy. Anh ấy tỏa ra rung động của Chúa tể bất cứ nơi đâu anh ấy qua và trong mọi thứ anh ấy làm.

Trải nghiệm tan hòa vào Người Yêu dấu được thể hiện trong bài thơ tình đẹp nhất, thần bí nhất từng được viết. Đây là một ví dụ từ nhà thơ thế kỷ 13, Rumi:

Khi hoa hồng phôi phai và khu vườn tàn lụi,

em sẽ không còn nghe thấy bài hát của chim sơn ca.

Người được yêu là tất cả; người yêu chỉ là màn che.

Người được yêu sống mãi; người yêu chỉ là vật chết.

Nếu tình yêu chối từ sự chăm sóc ngọt ngào của nó,

người yêu bị bỏ mặc như chú chim không được chăm sóc,

người yêu bị bỏ mặc như chú chim không cánh.

Tôi sẽ thức dậy và nhận biết thế nào đây

nếu ánh sáng của Người Yêu dấu không ở đó?

Tình yêu bằng lòng để Ngôn lời được cất lên.

Cũng có ví dụ về Radha, người đã say đắm trong tình yêu của Chúa Krishna đến mức ngài đã hòa nhập vào bà, và Andal, vị thánh miền nam Ấn Độ thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8, người đã biến mất vào không trung vào một ngày trong đền thờ dưới chân Chúa Krishna dấu yêu của bà. Bản năng hòa nhập hoàn toàn vào Người Yêu dấu là điều sâu thẳm trong tâm khảm mọi con người, cho dù chúng ta có biết về điều đó hay không. Đây là bản năng tự nhiên, căn bản nhất của đời sống con người. Một số người có thể gọi đó là bản năng tâm linh, hoặc sự thôi thúc bản năng trở về Ngôi nhà Xưa. Đó là lý do hàm ẩn tại sao tình yêu lại quan trọng đối với chúng ta đến như thế. Tình yêu và sự hợp nhất luôn song hành với nhau. Đó là sinh quyền tự nhiên của chúng ta như một con người để siêu vượt cái cá nhân và hội nhập vào Cội nguồn của mọi sự sống. Bằng việc đi vào cõi giới Prabhu, bạn có thể làm được điều đó.

Nhưng đây không phải là đích đến. Người lữ hành tới luân xa 10, và anh ấy sẽ tiếp tục cuộc hành trình như thế nào khi anh chết chìm trong Chúa tể? Khi Chúa tể là tất cả, anh ấy không còn mong muốn gì thậm chí là tiến bộ tâm linh. Phải có thứ gì đó đánh thức sự thao thức trong anh ấy để anh ấy tiếp tục, vì vậy, một lần nữa Guru đến để giải cứu.

Tiếp đó, giữa luân xa 10 và 11 là hoa sen ngàn cánh, Sahasra Dal Kamal (SDK). Phúc lạc trải qua trong môi trường này góp phần làm anh ấy cảm giác rằng mình đã tới đích. Trong nhiều truyền thống Yoga, sat-chit-anand (tồn tại-ý thức-phúc lạc) được ca tụng, vì vậy người tìm kiếm Sự thật cảm thấy thỏa mãn với ý nghĩ rằng "Nó đây rồi!" Thật dễ dàng để muốn ở lại trạng thái phúc lạc này, và không mức độ tapasya (khổ hạnh) nào có thể giải phóng người lữ hành. Chỉ có bàn tay quyền năng của Guru mới có thể đưa anh ấy đến giai đoạn tiếp theo trong cuộc hành trình.

Bước ra từ phúc lạc trải nghiệm ở hoa sen ngàn cánh có thể là một cú sốc, bởi vì sự bình yên hoàn toàn biến mất ở luân xa 11 và thay vào đó là sự thao thức về Chúa tể. Ở đây hương thơm tâm linh của Thánh Meera, nhà thơ thần bí thế kỷ 16 và là tín đồ của Chúa Krishna, được cảm thấy rõ. Bà chỉ nghĩ về Người Yêu dấu, khoắc khoải được hòa nhập vào Ngài. Việc vượt qua hoa sen ngàn cánh cũng có nghĩa là trở thành một phần của ý thức cao hơn rất nhiều - Ý thức của Chúa tể. Cái 'người lữ hành' ngày càng ít nhưng vẫn tiếp tục cảm nhận sự khao khát mãnh liệt. Không có gì ngạc nhiên khi Thánh Meera không ngừng cất tiếng hát với niềm hân hoan, "Đối với tôi không có ai khác ngoài Giridhar Gopal!"

Tôi muốn chia sẻ điều gì đó mà Ram Chandra ở Shahjahanpur đã viết về luân xa 11: "Màn che rơi xuống và cái nhìn về Thực tại được đưa ra ánh sáng. Bây giờ chúng ta cảm thấy bất lực, vượt ngoài tầm kiểm soát. Sự khao khát không nguôi ngoai về Ngài, cùng với tất cả sự đau đớn và nhức nhối, xâm chiếm từng khoảnh khắc. Không có sự ngơi nghỉ hay bình yên nào nếu không có Ngài. Thực ra mà nói, lúc này sự bình yên đã rời xa chúng ta. Thay vào đó những gì còn lại có thể tốt hơn được thể hiện như trạng thái bình yên mà từ đó bình yên bị hút cạn. Đó chính xác là trạng thái của luân xa này, mà chúng ta trải qua và cuối cùng làm cho nó được hợp nhất.

"Bây giờ thứ gì còn lại? Mọi thứ dường như biến mất ngoại trừ sự nhức nhối vẫn còn đó và đó là thứ duy nhất giúp chúng ta tiến về phía trước. Sự thao thức kết thúc khi chúng ta nhập vào Thực tại và chuyển sang trạng thái đồng nhất. Khi trạng thái đó cũng được hợp nhất, chúng ta đi tới một trạng thái đồng nhất thuần khiết, đánh dấu sự tiếp cận của chúng ta với luân xa 12."

Sau khi trải nghiệm Đấng Tạo hóa, người lữ hành trở nên nôn nóng thấy những gì ẩn đằng sau Ngài. Sự bình yên của tâm trí biến mất. Sự thao thức mà anh ấy cảm thấy trong vùng Trái tim không là gì so với sự thao thức lạ thường này, mặc dù anh ấy thẩm nhập Chúa tể. Sự cứu viện chỉ đến khi anh ấy tới luân xa 12.

Ram Chandra đã mô tả luân xa 12 như là luân xa kết hợp mọi thứ đạt được ở các giai đoạn khác nhau về sự hội nhập và đồng nhất. Có thứ gì ở nơi tráng lệ này? Ngài nói rằng đó là trạng thái của sự đồng nhất thuần khiết, nơi bức tranh toàn cảnh thanh khiết đến mức ngay cả sự giản đơn cũng có vẻ nặng hơn gấp trăm lần. Có một dạng tồn tại mới. Ở cấp độ này, sự trợ giúp chỉ có thể đến khi cái tôi thực sự được chinh phục. Đến được luân xa 12 là rất hiếm; vượt ra ngoài nó thậm chí còn hiếm hơn.

Và có một thách thức khác ở đây, được tạo ra bởi luân xa Brahmarandra gần như chồng lên luân xa 12. Đó là luân xa mà linh hồn đi vào cơ thể vật lý vào lúc thụ thai và là nơi linh hồn tiến hóa cao rời khỏi cơ thể vật lý vào lúc chết. Vì vậy, khi đi đến luân xa 12, khuynh hướng tự nhiên của linh hồn là ở lại luân xa Brahmarandra.

Nhưng một Guru có năng lực sẽ không cho phép điều này xảy ra, thay vào đó ông giúp người lữ hành vượt qua Brahmarandra và tiếp tục đi đến giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình, được gọi là vùng Trung tâm. Và sự chuyển tiếp này bản thân nó cũng là một hành trình kỳ thú, vì cần phải tích đủ vận tốc thoát để được đẩy tới luân xa 13, vào trong vùng Trung tâm.

Làm thế nào để điều này xảy ra? Trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, Guru đưa người lữ hành đi qua 64 luân xa, khơi dậy lòng sùng kính, sự khao khát và thao thức tại mỗi luân xa. Sự thao thức cộng gộp khi vượt qua 64 luân xa trong khoảng thời gian ngắn như thế tạo ra một lực đủ mạnh để đẩy anh ấy vào vùng Trung tâm. Nếu không có động cơ như tên lửa này của Guru, anh ấy sẽ ở lại vùng Prabhu mãi mãi.

Vậy là kết thúc hành trình ở vùng Tâm trí, ở đây tôi mới chỉ sơ lược và đưa ra cái nhìn tổng quan. Các sắc thái của vùng rộng lớn này chỉ có thể được biết thông qua trải nghiệm.

Bây giờ, cuộc hành trình sẽ đưa chúng ta đến vùng Trung tâm - một vùng chưa được ghi tên và chưa được khám phá cho đến đầu thế kỷ 20, khi Ram Chandra ở Shahjahanpur thêm nó vào bản đồ ý thức loài người.

Hãy điểm lại hành trình cho đến lúc này. Người lữ hành đã đi qua 6 vùng: vùng Trái tim (Pind Pradesh), vùng Vũ trụ (Brahmanda Mandal), vùng Trên-Vũ trụ (Para-Brahmanda Mandal), vùng Quy thuận (Prapanna), vùng chuyển tiếp giữa vùng quy thuận Thượng đế và vùng gần Thượng đế (Prapanna-Prabhu), và vùng gần Thượng đế, hay Prabhu. Anh ấy đã đi từ luân xa 1 lên luân xa 12. Đến giai đoạn này, anh ấy đã trải qua siêu Tâm của Thượng đế và tới được luân xa nơi linh hồn nhập vào và rời bỏ thể xác, vậy còn có thể có gì hơn nữa? Tuy nhiên cuộc hành trình chưa kết thúc ở đây vì nó là vô tận và con đường là năng động. Không có giới hạn về mức độ tiến hóa và trong Thiên nhiên không có thứ gì đứng yên. Chúng ta hoặc tiến hoá hoặc thoái hóa.

Cho đến lúc này, luôn có sự phân cực tại mỗi luân xa. Sự phân cực này biểu hiện trong tính hai mặt, tích cực so với tiêu cực và cao hơn so với thấp hơn. Trong vùng Trái tim, cảnh vực của cảm nhận và cảm xúc, người lữ hành đã nhận diện trò chơi của sự phân cực với các phổ cảm xúc khác nhau, như ham muốn - mãn nguyện, bất an - bình yên, giận dữ - yêu thương, sợ hãi - can đảm và do dự - sáng tỏ.

Trong vùng Tâm trí, trong khi vượt qua các vòng tròn của cái tôi nằm giữa luân xa 6 và luân xa 12, trò chơi của tính phân cực được trải nghiệm giữa cái "Tôi" và Chúa tể - bản sắc cá nhân và bản sắc vũ trụ. Nó bắt đầu với sức mạnh và năng lực to lớn của vùng Vũ trụ, và trở nên ngày càng vi tế hơn khi anh ấy tiến về phía trước. Cuối cùng, nó biến đổi thành trạng thái của tiềm năng trong cõi siêu Tâm của Thượng đế ở luân xa 12. Ở giữa là quá trình làm thuần khiết - sự biến đổi luyện kim thuật từ vật chất thành năng lượng thành cái Tuyệt đối.

Bây giờ, sau tất cả những điều này, người lữ hành đã đến vùng Trung tâm, nơi trò chơi của sự phân cực chấm dứt. Tất cả những gì xảy ra ở vùng Trung tâm là bất khả diễn giải. Ngôn từ đành bất lực, vì vậy xin hãy thông cảm cho tôi khi bạn đọc phần này. Tôi không có ý định giấu giếm bất cứ điều gì, nhưng chỉ có trải nghiệm cá nhân mới có thể bộc lộ tất cả những gì xảy ra ở đây.

Điều kiện tiên quyết để bước vào vùng này là sự khiêm tốn và tầm thường, để ‘hiện hữu’ của tồn tại cá nhân có thể hòa vào 'không hiện hữu' của Thượng đế. Tâm trí con người cá nhân siêu vượt vào 'vô-tâm' của Thượng đế. Bằng việc nuôi dưỡng trạng thái vô-tâm này, anh ấy trở nên giống Thượng đế và bước vào vùng Trung tâm, trạng thái không phân biệt. Trong trạng thái này, anh ấy đánh mất chính mình. Chỉ khi đó anh ấy mới có thể cảm nhận được sự toàn năng của Thượng đế. Người lữ hành tận hưởng cảm giác rằng Thượng đế ở khắp mọi nơi, trong khi ở vùng trên luân xa 1 của Trái tim nặng hơn rất nhiều, và không thể sánh với cảm nhận về sự toàn năng ở khắp mọi nơi của Ngài trong giai đoạn này.

Người lữ hành trải nghiệm phẩm chất thần thánh của sự hiện diện ở khắp mọi nơi, sự toàn trí và toàn năng có được do sự khiêm nhường. Giống như Thượng đế, dù Ngài ở khắp mọi nơi, Ngài không làm cho sự hiện diện của Ngài được chú ý; mặc dù Ngài biết mọi thứ, Ngài không tuyên bố kiến thức của Ngài; mặc dù Ngài toàn năng, Ngài không can thiệp vào tự do của bất cứ ai.

Trạng thái tại luân xa 13 giống như của trẻ sơ sinh - hồn nhiên tuyệt đối. Và cũng giống như một người mẹ phải chăm sóc đứa con mới sinh của mình, bổn phận của Đấng Thiêng liêng là chăm sóc người lữ hành. Lúc này, anh ấy có thể nói rằng cuối cùng mình đã về đến nhà.

Vào năm 1944, Guru đầu tiên của tôi, Ram Chandra ở Shahjahanpur, đã viết về vùng này: "Đây là sự kết thúc mọi hoạt động và bây giờ chúng ta bước vào vùng của Thượng đế ở dạng thuần túy. Mục tiêu đã đạt được và chúng ta được nhận vào đó. Tự ngã được nhận ra. Chúng ta ở trên ý thức trong vùng Trái tim, và tiềm năng của nó, phát xuất từ vùng Tâm trí. Giờ đây, chúng ta thoát khỏi vòng luân hồi bất tận."

Đã đi suốt cuộc hành trình và thu được rất nhiều kiến thức và sự giác ngộ trên đường đi, lúc này người lữ hành chết lặng bởi sự hồn nhiên cao hơn của trạng thái Tuyệt đối. Chỉ có sự hòa hợp bên trong và ở khắp mọi nơi trong Vũ trụ. Anh ấy tìm thấy siêu thức thuộc loại tốt nhất trong vùng này.

Anh ấy đang ở trong trạng thái kinh ngạc và kính phục chứng kiến ​​sự huy hoàng xuất hiện khi bước vào luân xa 13. Có phải cuộc hành trình đã kết thúc? Không! Guru tiếp tục hỗ trợ và mang anh ấy tiến về phía trước giống như kăng-gu-ru mang theo đứa con nhỏ trong túi. Kết quả là, ở đây thiếu cảm nhận về sự hành trình.

Chúng ta có cảm thấy như đang di chuyển với tốc độ rất lớn quanh Mặt trời trong khi sống trên bề mặt của Mẹ Đất không? Trái đất quay trọn một vòng quanh Mặt trời hết một năm, quay với tốc độ 18,5 dặm (hay 30 km) mỗi giây quanh trục của nó, nhưng chúng ta có cảm giác như mình chuyển động không? Sự hỗ trợ của Guru với người lữ hành cũng giống như thế. Cũng như chúng ta quan sát sự chuyển đổi từ ngày sang đêm và chứng kiến ​​các mùa đến và đi, người lữ hành chứng kiến những biến đổi bên trong mình. Tuy nhiên, mô tả của anh ấy về sự thay đổi thường rất mơ hồ, vì chúng rất vi tế: "Nó đơn giản hơn trước", "Có sự thuần khiết hơn trước" hoặc "Nó là cái nó là".

Trong sự hồn nhiên vô biên này, anh ấy không ý thức được về bản thân và Guru. Cảm giác biết hay yêu, được biết hay được yêu, tất cả đều biến mất ở đây. Lúc này anh ấy ở Cội nguồn của giác ngộ, từ nơi đây mọi kiến thức tuôn trào. Anh ấy ở Cội nguồn của tình yêu, từ đây tình yêu tuôn chảy. Anh ấy không còn nhu cầu biết, anh ấy không còn nhu cầu yêu, vì anh ấy chính là tình yêu. Trong trạng thái này, có sự hồn nhiên của phi kiến thức. Đây là trạng thái của sự hồn nhiên cao hơn, Cái không.

Trong Heartfulness, Dòng truyền Yoga chảy từ trái tim của người hướng dẫn vào trái tim của người tìm kiếm. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người hướng dẫn chứng kiến Dòng truyền chảy từ các luân xa cao hơn. Khi Dòng truyền chảy từ luân xa 13, Trung tâm, kết quả của bất cứ gợi ý tích cực nào từ người hướng dẫn không bao giờ có thể thất bại. Ở đây không còn hoạt động, bởi vì ở đây có cái không biết, hồn nhiên, phi kiến thức, vô ngã; sẽ ở lại đây bằng cách nào? Điều đó là không thể. Thay vào đó, công việc của Thiên nhiên xảy ra tự động, thông qua trái tim và tâm trí của người lữ hành. Khi anh ấy đắm chìm và hòa vào Chúa tể, mệnh lệnh của Thiên nhiên đến tự nhiên và cũng được thực hiện theo cách tự nhiên nhất, giống như hơi thở không nỗ lực.

Và nếu anh ấy cần dâng lời cầu nguyện, thì công việc của anh ấy là đi từ Vùng Trung tâm xuống trạng thái cầu khẩn nhất, giống như trạng thái chiếm ưu thế ở luân xa 9.

Người lữ hành không thể vội vàng và nói, "Tôi muốn có trải nghiệm của luân xa 13 hoặc luân xa 8", vì đây không phải là thứ có thể được đặt hàng. Nhưng một khi cuộc hành trình đã hoàn tất, việc quay trở lại con đường theo ý muốn sẽ dễ dàng hơn.

Tôi muốn chia sẻ vài dòng rất sâu sắc và đầy động lực của Ram Chandra ở Shahjahanpur về vùng này, liên quan đến ý thức. Ngài viết, “Ý thức không phải là đích đến của chúng ta. Đó chỉ là món đồ chơi của con trẻ. Chúng ta phải đạt đến một điểm mà ở đó ý thức mang hình dạng thật của nó ... Chúng ta phải tìm kiếm Cồn Gốc mà từ đó các loại thuốc thực sự được pha chế. Chúng ta tìm kiếm tiềm năng, thứ tạo ra ý thức, và nếu chính điều đó cũng không còn thì chúng ta sẽ tìm thấy chính mình ở bên bờ của Thực tại đích thực - thuần khiết và đơn giản."

Chính ở vùng Trung tâm chúng ta vượt ra ngoài tiềm năng để đến với Thực tại đích thực. Chúng ta đạt đến cõi giới của cái Tuyệt đối, trạng thái đã tồn tại trước khi vũ trụ được tạo ra, và cuối cùng chúng ta hiểu sự sống của con người thực sự là gì.

Bạn thân mến, tôi có một mong muốn, rằng tất cả các bạn sẽ thấy cuộc hành trình này đủ hấp dẫn để trải nghiệm nó. Bằng cách nào? Bằng cách đi theo phương pháp thiền có hệ thống đảm bảo sự mở rộng tâm linh. Điều này có thể được cảm thấy hàng ngày, nói đúng hơn là trong từng khoảnh khắc, bởi những người đủ háo hức thực hiện cách tiếp cận đơn giản này của thiền.

Guru, với lòng nhân từ và ân huệ, trao cho chúng ta cái nhìn thoáng qua của vùng Trung tâm rất lâu trước khi chúng ta thực sự đến đó. Đôi khi chúng ta được trao tặng trải nghiệm của trạng thái chiếm ưu thế tại những vòng tròn lộng lẫy trong vùng Trung tâm, nhưng đây là trải nghiệm ảo hơn là thực.

Trong khi hành trình qua các luân xa đến Trung tâm, có một điều thiết yếu khác: chúng ta bắt đầu và kết thúc cuộc hành trình trong trái tim. Mọi thứ đều được bao bọc trong trái tim.

Bản thân vùng Trung tâm có 7 vòng tròn, được gọi là những vòng tròn lộng lẫy. Swami Vivekananda đã thông linh với Ram Chandra về chúng theo cách sau: "Đây là các phần với những đường cong nhất định trong vùng Trung tâm. Nếu ông bắt đầu từ vòng tròn đầu tiên và đến vòng tròn cuối cùng, điều đó có nghĩa là ông đã đến đích và cập bến của các Hiền triết và những linh hồn giải thoát. Đó là gì? Ông bắt đầu từ trái tim và kết thúc trong Trái tim, nhưng cập bến. Ông không vượt qua tất cả các vùng theo cách đó ư?”

Và các vùng nằm trong vùng rộng lớn này là vô kể. Sự mô tả này về cuộc hành trình chỉ là một phác thảo, một bản đồ để theo dõi.

Bây giờ, hãy hiểu rằng tất cả những gì tôi vừa chia sẻ với bạn đều vô giá trị trừ khi bạn tự mình trải nghiệm. Có một bản đồ cho chúng ta biết làm thế nào để đi từ New York đến Washington DC không giống như thực hiện chuyến đi. Mua bản đồ và lên kế hoạch là một phần của sự chuẩn bị, để chúng ta biết phải đi theo hướng nào, đi máy bay nào, bắt tàu nào, và sau đó chúng ta chuẩn bị cho phù hợp. Sau đó, chúng ta quyết định loại quần áo nào sẽ cần, thực phẩm nào cần mua, v.v.

Chúng ta chuẩn bị cho cuộc hành trình bên trong như thế nào? Bằng việc quyết định những gì cần thiết trong lối sống - phẩm chất, thái độ và hành vi nào sẽ giúp chúng ta tới đích. Và sau đó là câu hỏi chúng ta tìm ở đâu ra một Vị thầy đã đi qua toàn bộ hành trình đó và thông thạo đường đi? Làm thế nào để nhận ra Vị thầy như vậy?

Chúng ta có thể hành hương đến những thánh địa, nhưng khi nào cuộc hành hương được thực hiện ở bên trong một cách chân thành, thì đó mới là cuộc hành trình đích thực. Chúng ta phải thay đổi từ bên trong. Chúng ta đã thay đổi đến mức trong mọi hoàn cảnh khổ đau cũng như cực lạc, chúng ta vẫn an định và bình thản chưa? Đó là trạng thái sthit pragya, rất được ca tụng trong Bhagavad Gita. Đó là phép thử thực sự.

Vì vậy, trong khi đi qua các luân xa và các vùng, thước đo tốt nhất để biết mình đã đi được bao xa là mức độ chấp nhận vui vẻ mọi hoàn cảnh, ở đấy không gì và không ai có thể làm lung chuyển sự cân bằng nội tâm của chúng ta.



Là con người chúng ta có cơ hội vàng để trải nghiệm cuộc hành trình đến Trung tâm của mọi sự tồn tại! Chúng ta đã được ban cho khả năng mở rộng ý thức để bao trùm vũ trụ và vượt ra ngoài, khi chúng ta tiến về cái Vô hạn.

Nguồn:
Phần 1: https://www.heartfulnessmagazine.com/the-march-to-freedom-part-1
Phần 2: https://www.heartfulnessmagazine.com/the-march-to-freedom-part-2