30 tháng 5, 2017

Hướng dẫn thực hành thiền

Cuốn sách nhỏ này giới thiệu những thực hành cơ bản của hệ thống Sahaj Marg gồm Thiền buổi sáng, Thanh lọc buổi tối, Cầu nguyện trước khi đi ngủ và Thường niệm, đồng thời giải đáp những thắc mắc và đưa ra gợi ý cho sự tiến bộ của người hành thiền.


1. THIỀN
 
Tại sao tôi nên thiền?

Từ “thiền”có nghĩa là giữ sự chú ý hoặc tâm niệm vào một ý nghĩ. Các Masters dạy rằng (và điều này đã được các Ngài chứng nghiệm) chúng ta sẽ trở thành thứ chúng ta thiền về. Nói cách khác, chúng ta có được tính chất hoặc trạng thái của ý niệm mà chúng ta đưa ra trong khi thiền.
 
Do đó, khi thiền về cái tinh tế nhất, như Đấng Thiêng liêng, chúng ta sẽ loại bỏ những tạp bẩn và nhận được sự tinh tế của Ngài và do đó trở nên giống Ngài. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể có được sự đồng nhất với Ngài, là mục tiêu cao nhất của đời sống. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua thiền đều đặn hàng ngày với sự thành tâm thông qua sự hướng dẫn và trợ giúp của một vị thầy có năng lực, hay còn gọi  là Master.
 
Tôi chuẩn bị thiền hàng ngày như thế nào?
 
Các bước chuẩn bị thiền vào buổi sáng:

1. Thức dậy trước khi mặt trời mọc. 
2. Đánh răng và rửa mặt. 
3. Tắm nếu bạn cảm thấy không sạch sẽ. (Tốt nhất là bạn bắt đầu thiền càng sớm càng tốt, trước khi thực hiện các thói quen hàng ngày như đọc báo, tập thể dục, v.v)
4. Mặc quần áo thoải mái. 
5. Thiền vào thời điểm và địa điểm cố định. 
6. Thông báo với mọi người trong gia đình để họ không làm phiền bạn trong lúc thiền. 
7. Ban đầu bạn thiền trong 30 phút. Tăng dần thời lượng khi bạn cảm thấy thoải mái và tăng lên đến một giờ. Nếu mở mắt trước khi hết giờ, bạn có thể nhắm mắt lại và tiếp tục thiền. 
8. Ngồi thoải mái, thư giãn, nhưng để lưng và đầu thẳng. Bạn có thể ngồi trên sàn nhà hay trên ghế và có thể tựa lưng (nhưng không tựa đầu). Nếu bạn gục đầu trong lúc thiền (xảy ra một cách vô thức) thì bạn không cần phải lo lắng. Bạn không được nằm khi thiền bởi vì nó dễ làm cho bạn ngủ quên. 
9. Hãy hiểu rằng thiền về Đấng Thiêng liêng trong trái tim là sự tôn kính dành cho Đấng Thiêng liêng. Vì vậy, trước khi thiền, hãy cầu nguyện, với tình yêu và sự thành tâm tuyệt đối cho tiến bộ tâm linh của bạn.
Bắt đầu thiền như thế nào?
 
Nhẹ nhàng nhắm mắt lại, và bắt đầu với ý nghĩ rằng có ánh sáng thiêng liêng trong trái tim bạn (Không hình dung về trái tim hoặc ánh sáng thiêng liêng, mà nhẹ nhàng chuyển sự chú ý tới nơi mà bạn cảm thấy nhịp đập của con tim). Ngồi với tư thế thoải mái, hướng vào bên trong một cách tự nhiên và không cần phải cố gắng để tập trung. Đừng bận tâm đến những ý nghĩ xuất hiện trong lúc thiền.
 
Tôi có nên lặp đi lặp lại ý nghĩ về ánh sáng thiêng liêng?
 
Không, bạn không nên làm như thế. Master dạy rằng ý nghĩ này chỉ cần một lần lúc đầu là đủ. Với ý nghĩ đó, tiềm thức của bạn được kết nối với Đấng Thiêng liêng trong tim khi thiền. Trong khi thiền, tâm trí có thể tạo ra những ý nghĩ, hình ảnh, v.v., nhưng chúng ta không nên để ý đến chúng, bởi vì đó là cách để loại bỏ samskaras (dấu ấn).
 
Lưu ý: Hãy hiểu rằng, với phương pháp thiền của hệ thống này, sau khi bắt đầu thiền, tâm trí bạn không phải làm gì - không tập trung hoặc lặp đi lặp lại bất kỳ điều gì giống như niệm thần chú (mantra). Một số hệ thống thiền sử dụng phương pháp tập trung như niệm thần chú, mục đích là để kìm nén suy nghĩ nhưng kết quả đạt được chỉ là samskaras không thoát ra được mà tiếp tục tạo ra sự tàn phá từ bên trong.
 
Liệu có thể thiền mà tâm trí không làm bất cứ việc gì (trong lúc thiền)?
 
Các Masters dạy rằng suy nghĩ tạo ra năng lượng. Do đó, bạn chỉ cần đưa ra gợi ý về ánh sáng thiêng liêng trong trái tim khi bắt đầu thiền là đủ mạnh để liên kết tâm trí với Đấng Thiêng liêng. Điều đó có thể được so sánh với việc bật đèn. Sự nối kết sẽ diễn ra liên tục mà không cần phải giữ công tắc.
 
Tại sao tôi không cố gắng ‘nhìn thấy’ ánh sáng thiêng liêng trong lúc thiền?
 
Master dạy rằng sự Thiêng liêng quá vi tế đối với các giác quan. Điều đó chỉ có thể được trải nghiệm khi nó soi sáng ý thức của chúng ta. Chúng ta thiền về sự Thiêng liêng không hình tướng, không tên gọi, không thuộc tính. Ngay cả ánh sáng có thể yếu hoặc mạnh và do vậy sự Thiêng liêng không nên được hình dung như ánh sáng mặt trời, ánh trăng hay ánh sáng điện. Bởi vì tâm trí con người không thể thiền về ‘Hư không’, chúng ta giữ sự Thiêng liêng như một thứ trừu tượng và thiền về nó với ý nghĩ rằng nó đang soi sáng ý thức của chúng ta từ bên trong. Master Babuji Maharaj mô tả nó như “Ánh sáng không có độ sáng.”
 
Tôi phải làm gì trong khi thiền?
 
Master dạy rằng bạn không cần phải làm gì khi thiền, bạn không chủ động, bạn bị động khi thiền. Thiền, theo Master là một trạng thái chờ đợi ân sủng của Đấng Thiêng liêng đi vào trái tim chúng ta. Đây là cách thức tự nhiên nhất của thiền bởi vì bạn không có hoạt động nào về thể chất hoặc tinh thần, không gây áp lực lên tâm trí để tập trung, và chúng ta có một thái độ quy thuận (thụ động hoàn toàn) Đấng Thiêng liêng và chờ đợi Ngài trong trái tim chúng ta.
 
Hệ thống Sahaj Marg dạy rằng trên con đường tâm linh, không thể có chỗ cho cả hai - bạn và Đấng Thiêng liêng. Chừng nào bạn vẫn còn nhận thức về bản thân trong lúc thiền và thực hành thiền thì Ngài không thể ở đó. Ngài chắc chắn đến với bạn khi bạn quên bản thân mình trong lúc thiền và đó là cái bạn đạt được thông qua thiền của hệ thống Sahaj Marg, mà trạng thái quên bản thân mình đó được mang lại nhanh hơn bởi dòng truyền (pranahuti) của Master.
 
Tôi sẽ làm gì khi bị những ý nghĩ làm phiền trong lúc thiền?
 
Bạn nên xem chúng như ý nghĩ của một ai khác, nhờ đó tạo ra khoảng cách giữa chính bạn và những ý nghĩ xuất hiện. Master khuyên chúng ta nên đối xử với chúng như khách không mời, chúng sẽ biến mất nếu bạn không chú ý đến chúng. Nếu bạn phát hiện thấy mình đang chủ động tham gia vào suy nghĩ, bạn nên nhẹ nhàng mang nó trở lại ý nghĩ ban đầu - ánh sáng trong trái tim.
 
Tuy nhiên, đây là vấn đề tạm thời của người mới thiền. Khi thiền đều đặn hàng ngày và thiền với người hướng dẫn, bạn sẽ thấy các ý nghĩ mất đi sức nặng của chúng và chúng không còn làm phiền sự tĩnh lặng và thanh thản bên trong bạn.
 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRÁI TIM
 
Đây là yoga của tâm trí, nhưng sự chú ý có vẻ hướng tới trái tim hơn là tâm trí?
 
Đúng thế. Lý do là samskaras mà chúng ta đã nhắc đến ở trên được tích luỹ dưới dạng khó nhận biết trong trái tim. Master dạy rằng trái tim là nền tảng cho hoạt động của tâm trí. Nếu trái tim không thuần khiết, tâm trí cũng không thanh khiết. Nếu trái tim được rũ bỏ tạp bẩn do samskaras tạo ra, tâm trí trở nên trong sáng, tinh tế, sáng tỏ và đồng nhất với Đấng Thiêng liêng và nhận được mọi quyền năng từ Đấng Thiêng liêng trong trái tim.
 
Vì vậy, Master và những người hướng dẫn của Ngài tập trung vào trái tim và thanh lọc samskaras tích tụ ở đấy. Kết quả của việc thanh lọc được nhận thấy trong trạng thái của tâm trí. (Hãy lưu ý rằng trái tim mà chúng ta nói đến không phải là trái tim vật lý mà là trung tâm của tâm hồn nơi ta cảm thấy nhịp đập của tim. Trong lúc thiền, chúng ta không hình dung ra trái tim mà chuyển sự chú ý vào bên trong với sự hiện diện của Đấng Thiêng liêng tại trung tâm của tâm hồn như đã được nói đến trước đó.)
 
Thiền tại các điểm khác thì sao?
 
Master dạy rằng thiền vào điểm giữa hai lông mày có thể đánh thức sức mạnh nhưng không cần thiết cho tiến bộ tâm linh. Tương tự như thế, thiền ở chóp mũi có thể đánh thức sức mạnh như có khả năng nhìn thấu những thứ vô hình v.v. và cũng sẽ làm cho người tu tập sao lãng mục tiêu đích thực.
 
Tất cả các tôn giáo và truyền thống thần bí dạy rằng Đấng Thiêng liêng ngự trị trong trái tim con người. Do đó, Ngài chỉ có thể được trái nghiệm nơi trái tim. Hơn nữa, tình yêu luôn liên hệ với trái tim. Vì vậy, thiền nơi trái tim đánh thức tình yêu tiềm ẩn của chúng ta dành cho Đấng Thiêng liêng và thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu. Cuối cùng, chỉ có tình yêu chiến thắng Ngài.
 
Chúng ta nên hiểu rằng thực hành thiền Sahaj Marg không chỉ là thói quen khô khan và máy móc mà là cách thức tạo ra tình yêu dành cho Đấng Thiêng liêng. Chúng ta thiền nơi trái tim (không phải là trái tim sinh học mà là bản chất thiêng liêng tồn tại trong mỗi chúng ta), chúng ta sống với trái tim và hoạt động thông qua trái tim. Thiền mang lại sự hoà hợp hoàn hảo các khía cạnh của con người với nền tảng thiêng liêng của sự tồn tại.
 
Các Master đưa ra một số lý do khác cho việc thiền nơi trái tim
1. Trái tim là nơi sự tồn tại của con người bắt đầu và kết thúc; nơi có nhịp đập của sự sống và rời bỏ cơ thể khi chết. 
2. Bản chất của mỗi con người xuất phát từ trái tim. Một người có thể có ‘trái tim tốt’ hoặc ‘trái tim xấu’. Nếu bản chất của một người cần thay đổi hoặc chuyển hoá thì nên tập trung sự chú ý vào trái tim. 
3. Ở cấp độ sinh học, trái tim bơm máu tinh khiết đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Vì vậy, việc thanh lọc trái tim thông qua thực hành yoga sẽ có tác dụng làm thanh khiết toàn bộ cơ thể. Theo Master, việc thanh lọc trái tim cũng có tác dụng làm thanh khiết các điểm (luân xa) khác nằm bên dưới và bên trên trái tim trong cơ thể người.
MỘT SỐ CÂU HỎI KHÁC VỀ THIỀN
 
Có lời khuyên nào về chế độ ăn uống không?
 
Master dạy rằng ăn chay là tốt nhất cho thực hành tâm linh. Thịt, cá và trứng thường tạo ra sự nặng nề cho cả thể chất và tinh thần, và do đó, nên từ bỏ thói quen ăn những thức ăn đó. Nhưng không nên để vấn đề ăn uống ngăn trở một người bắt đầu thực hành thiền. Bởi vì khi thiền đều đặn hàng ngày, chúng ta sẽ tự nhiên bỏ dần thói quen ăn mặn mà không cần phải cố gắng hay ép buộc bản thân.

Theo Master, uống rượu và các chất có cồn tạo ra trạng thái xấu bên trong, trong khi chúng ta cố gắng để đạt được trạng thái thiêng liêng và vô cùng tinh tế thông qua thực hành tâm linh. Vì vậy, người hành thiền chân thành nên từ bỏ thói quen này, bằng ý chí, cùng lời cầu nguyện tha thiết tới Master để củng cố ý chí của bản thân.

Có yêu cầu nào về đời sống độc thân cho người hành thiền?
 
Người hành thiền đã kết hôn vẫn nên sống đời sống hôn nhân bình thường. Thông qua thực hành hàng ngày với phương pháp này, tất cả các giác quan và chức năng sẽ được bình thường hoá và mang đến trạng thái điều độ và cân bằng trong tất cả các khía cạnh của đời sống.

Master cho thấy rằng: bất cứ suy nghĩ hoặc hành động nào để lại trong chúng ta cảm giác tội lỗi đều là xấu, và người hành thiền nên tránh cảm giác tội lỗi bất kể người đó đã lập gia đình hay chưa.

Tôi có nên thiền khi đang bị bệnh?

Master dạy rằng nếu bạn đang ốm đến mức không thể ngồi được, thì bạn không cần phải thiền.
 
Tôi thiền thế nào trong khi di chuyển? 
 
Khi đang ngồi trên xe buýt, tàu hoặc máy bay chỉ cần nhắm mắt lại và thiền như bình thường. Hơn nữa, Hiệp hội của chúng ta xuất bản ở Ấn Độ một cuốn sách về danh sách các trung tâm và người dẫn thiền có cập nhật hàng năm. Bạn có thể mang theo một cuốn khi di chuyển, như thế bạn có thể liên hệ với người dẫn thiền, và có thể thiền cá nhân (sitting) với họ, cũng như tham gia thiền nhóm (Satsangh) tại nơi bạn đến.

Nếu tôi làm việc ca đêm, tôi nên thiền vào buổi sáng thế nào?
 
Bạn có thể cố định một thời điểm thích hợp để thiền, sau khi ngủ dậy. Điều này cũng áp dụng với những phụ nữ bận việc gia đình và không thể thiền vào buổi sáng, họ có thể cố định thời gian thiền sau khi làm xong mọi việc.
 
Như vậy, với phương pháp này, không có những quy tắc cứng nhắc nào về hoàn cảnh. Điều quan trọng nhất là thực hành thiền thường xuyên. Địa điểm và thời gian không phải là sự bắt buộc.
 
Nếu có thời gian, tôi có thể thiền nhiều lần trong ngày không?

Bạn có thể thiền nhiều lần trong ngày. Master khuyên rằng chúng ta thiền ít nhất một lần trong ngày. Bạn có thể thiền nhiều hơn. Nhưng Master dạy rằng thời gian thiền không vượt quá một giờ mỗi lần. Nên nghỉ khoảng 10 đến 15 phút giữa hai lần thiền.
 
Tôi có thể ngủ lại ngay sau khi thiền xong?
 
Nói chung là không nên ngủ ngay sau khi thiền. Master dạy rằng giấc ngủ là một trạng thái nặng nề và làm mất tác dụng của trạng thái tinh tế có được qua thiền. Trong trường hợp thiền quá sớm và ngủ lại thì bạn nên thiền lại khi ngủ dậy.

Sau khi bắt đầu thực hành Sahaj Marg, tôi có thể tiếp tục theo các tôn giáo hoặc các thực hành tâm linh cũ?
 
Master dạy rằng đó là điều không cần thiết. Khi bạn tôn thờ trong tâm thông qua thiền, các loại tôn thờ khác là không cần thiết và nên từ bỏ. Bên cạnh đó, nếu muốn đánh giá hiệu quả của phương pháp này, bạn sẽ phải thực hành riêng nó ít nhất là 3 tháng, mà không kết hợp với các phương pháp khác.
 
2. THANH LỌC VÀO BUỔI TỐI

Ý nghĩa của thanh lọc là gì?

Như đã nói ở trên, chúng ta cần sự trợ giúp của Master hoặc người hướng dẫn của Ngài để loại bỏ samskaras tích tụ bên trong chúng ta, samskaras đó là dấu ấn cảm xúc kiên cố và tạo thành các khuynh hướng. Nhưng trách nhiệm của mỗi người hành thiền là không tạo thêm samskaras mới, bằng việc thanh lọc theo phương pháp được quy định bởi Master. Thông qua thanh lọc vào mỗi tối, người hành thiền có thể loại bỏ những dấu ấn hình thành trong trái tim trong ngày hôm đó, được tạo thành do tương tác với môi trường bên ngoài thông qua tâm trí và các giác quan.

Tôi nên thanh lọc vào thời điểm nào?

Sau ngày làm việc kết thúc, khi về nhà, bạn có thể thư giãn và ngồi thanh lọc. Thời điểm để thanh lọc tốt nhất là khi bạn có tinh thần tỉnh táo và không buồn ngủ.

Tôi nên thanh lọc trong bao lâu?

Thời gian quy định theo Master là 30 phút.

Tư thế quy định là gì?

Giống như bạn thiền, hãy ngồi thoải mái, thư giãn, với tư thế ngồi thẳng.

Sự khác biệt giữa thiền và thanh lọc là gì?

Rất đơn giản. Trong lúc thiền, tâm trí không làm gì. Ở đây, chúng ta hình dung ân sủng thiêng liêng đi vào trái tim, và chúng ta chờ đợi. Do đó, thiền là quá trình thụ động.
 
Khi thanh lọc, chúng ta sử dụng sức mạnh ý chí để loại bỏ sự phức tạp ra khỏi trái tim. Vì vậy, thanh lọc là một quá trình chủ động.

Tôi nên thanh lọc như thế nào?

Duy trì ý nghĩ rằng tất cả dấu ấn, sự phức tạp, tạp bẩn, sự tăm tối v.v. đang rời khỏi trái tim, và đi ra từ phía sau lưng dưới dạng khói hoặc hơi. Hình dung năng lượng thiêng liêng từ trái tim của Master tràn vào trái tim của chúng ta, lấp đầy khoảng trống được tạo thành bởi việc loại bỏ sự phức tạp và tạp bẩn. Sau khi thực hiện 30 phút thanh lọc, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, và đó là minh chứng rõ ràng của việc thanh lọc.

Tôi có cần phải nhìn thấy các tạp bẩn mà mình loại bỏ lúc thanh lọc không?

Không. Chúng ta không nên cố gắng để nhìn thấy chúng. Master dạy rằng chúng ta không nên liên hệ với chúng hoặc suy nghĩ về chúng, mà chỉ là phủi chúng đi.

Tôi có nên gợi lại hoặc xem lại tất cả những điều đã xảy ra trong ngày và sau đó loại bỏ chúng trong quá trình thanh lọc?

Master nhắc nhở chúng ta không làm điều đó, vì việc gợi lại hoặc xem lại chỉ làm mạnh hơn những dấu ấn đó trong khi chúng ta lại muốn xoá bỏ chúng. Ngài dạy rằng chú ý đến tạp bẩn sẽ chỉ làm cho chúng thêm bền vững.

Giả sử tôi bị lỡ việc thanh lọc vào buổi tối, tôi nên làm gì?

Có thể thực hiện thanh lọc trước khi cầu nguyện vào trước lúc đi ngủ. Nếu vẫn không thực hiện được vào lúc đó, thì bạn nên thanh lọc 10 hoặc 15 phút vào sáng hôm sau, trước khi bắt đầu thiền.

3. CẦU NGUYỆN TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là sự thỉnh cầu Đấng Tối cao, Đấng Thiêng liêng ngự trị trong trái tim bạn.

Mục đích của cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện Sahaj Marg giúp tạo ra trong chúng ta trạng thái khiêm nhường, niềm tin và sự quy thuận Master Thiêng liêng, nếu không có những điều này thì không thể đạt được tiến bộ tâm linh.

Theo Babuji Maharaj, cầu nguyện (như mọi người thông thường vẫn làm) là cầu xin và thiền là để đạt được. Thông thường, mọi người cầu nguyện Đấng Thiêng liêng để cầu xin về nhu cầu vật chất. Nhưng cầu nguyện theo quy định của Babuji không phải là cầu xin, mà chỉ khẳng định lại rằng một người hành thiền hoàn toàn tin vào Master Thiêng liêng, cho sự tiến bộ của chính mình, hướng tới sự nhận thức về Ngài. Vì vậy, đây là cầu nguyện cao quý nhất, không cầu xin bất cứ điều gì, mà giúp một người tự quy thuận Đấng Thiêng liêng.

Cầu nguyện theo phương pháp Sahaj Marg là gì?
Hỡi Master! 
Người là mục tiêu đích thực của đời sống con người.
 
Nhưng chúng con vẫn còn nô lệ bởi muốn ham, thứ cản bước con đường tiến bộ.
 
Người là Đấng Tối thượng và Quyền năng duy nhất đưa chúng con tới đích.
Tôi nên cầu nguyện khi nào và cầu nguyện như thế nào?

Cầu nguyện một lần vào buổi sáng trước khi bắt đầu thiền. Và thực hiện một lần nữa vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, không cầu nguyện một cách máy móc mà sau đó quên đi. Việc cầu nguyện nên được lặp lại 2 hoặc 3 lần trong tâm với trái tim chân thành, thái độ thành khẩn (khiêm tốn và quy thuận). Sau đó, chúng ta nên thiền về ý nghĩa của cầu nguyện và chìm vào nó trước khi đi ngủ. Vì vậy, nó được gọi là cầu nguyện-thiền và được thực hiện trong khoảng 10 phút.

Cầu nguyện này rất đặc biệt, được đưa ra bởi Babuji Maharaj trong trạng thái siêu thức, và theo Ngài, nó mang sức mạnh và hiệu quả tâm linh. Để có được đầy đủ lợi ích, người cầu nguyện cần có sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của từng câu cầu nguyện.

Ý nghĩa của cầu nguyện

Chúng ta sẽ phân tích ý nghĩa của từng câu cầu nguyện:

Hỡi Master!

Đấng Thiêng liêng trong trái tim của chúng ta là Master đích thực, không phải những ham muốn, vướng bận, cấp trên, vợ, chồng và bạn bè, thậm chí không phải là các vị thần có tên gọi, hình hài và thuộc tính. Điều tinh tế nhất, ngự trị trong trái tim chúng ta, là Master. Mỗi người nhận thức được sự tối thượng của Ngài, trong tất cả khía cạnh của cuộc sống - thể chất, tinh thần, vật chất và tâm linh - sự cần thiết thực sự cho tiến bộ tâm linh nhanh chóng.
 
Cách thức cầu nguyện“Hỡi Master” cũng cho biết thái độ thành khẩn, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống trong trái tim chúng ta, mà sẽ tự động thu hút dòng ân sủng thiêng liêng vào trong chúng ta.

Người là mục tiêu đích thực của đời sống con người

Master nhiều lần nhấn mạnh rằng mục tiêu cao nhất của sự tồn tại phải luôn được chúng ta tập trung cao độ, nếu không chúng ta có thể bị phân tâm bởi những mục tiêu thấp hơn khác vào khía cạnh vật chật của đời sống, và có thể đi lạc hướng.

Ở đây, chúng ta khẳng định rằng Ngài là mục tiêu đích thực chứ không phải là những ham muốn và hấp dẫn trong cuộc sống. Ngay cả những món quà Ngài dành cho chúng ta cũng không phải là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta muốn có Ngài và chỉ riêng mình Ngài. Hiển nhiên, thông qua Ngài chúng ta chắc chắn có tất cả những gì chúng ta cần (không phải chúng ta muốn) cho cuộc sống.
 
Câu cầu nguyện này cũng thể hiện tình yêu của chúng ta với Đấng Thiêng liêng. Khi chúng ta hướng trái tim về những điều ta yêu, thì không gì khác có thể làm cho chúng ta mất đi sự chú ý vào việc theo đuổi mục tiêu đích thực.

"Nhưng chúng con vẫn còn nô lệ bởi muốn ham, thứ cản bước con đường tiến bộ"

Đây là sự thừa nhận khiêm tốn trước Master Thiêng liêng trong trái tim rằng: chúng ta còn nô lệ bởi ham muốn của bản thân, những ham muốn này là nguyên nhân chính tạo ra samskaras; rằng chúng đang ngăn cản tiến trình của ta tới Ngài bằng cách kéo chúng ta lại và làm ta luẩn quẩn trong những thứ đó; mà tự bản thân chúng ta bất lực và không thể tiến thêm một bước nào tới mục tiêu.

Đây là tiếng kêu cứu của những tâm hồn bất lực, mà sự tuyệt vọng đó tự nhiên thu hút sự chú ý của Master thiêng liêng trong trái tim. Việc thừa nhận về trạng thái bên trong của chúng ta thể hiện sự khiêm nhường và phụ thuộc khi chúng ta cầu viện sự giúp đỡ của Đấng Thiêng liêng.

"Người là Đấng Tối thượng và Quyền năng duy nhất đưa chúng con tới đích"

Ở đây, người hành thiền thể hiện sự phụ thuộc hoàn toàn và quy thuận Master thiêng liêng. Chúng ta nhận thức rằng Ngài là Đấng Tối thượng duy nhất và quyền năng của Ngài là quyền năng duy nhất có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Điều này cho thấy niềm tin tuyệt đối của chúng ta đối với Ngài và việc từ bỏ hoàn toàn các vị thần và quyền lực khác, những thứ có thể đem lại cho chúng ta một số lợi ích và quyền hạn về vật chất nào đó, nhưng không thể đưa chúng ta tới sự nhận thức về Đấng Thiêng liêng.

Tại sao cầu nguyện nên được thực hiện vào buổi tối?

Bằng thực hành cầu nguyện, chúng ta có thể duy trì kết nối tâm linh với Đấng Thiêng liêng trong trái tim ở mức độ tiềm thức. Khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng, ý nghĩ về Đấng Thiêng liêng một lần nữa sẽ ở vị trí cao nhất trong tâm trí chúng ta - đó là trạng thái lý tưởng nhất dành cho người hành thiền.

4. THƯỜNG NIỆM

Nếu chỉ đơn thuần thiền, thanh lọc và cầu nguyện, liệu tôi có tự đạt được mục tiêu của cuộc sống?

Ba bước này là những bước chính về thực hành. Nhưng điều tạo nên sinh khí và là nhịp đập của trái tim trong phương pháp này lại chính là sự thường niệm, có nghĩa là liên tục nhớ đến Master thiêng liêng.

Tại sao chúng ta nên nhớ đến Ngài thường xuyên?

Master dạy rằng chúng ta thường nhớ những người (hoặc những thứ) mà chúng ta tin yêu. Nhưng ở đây, Master thiêng liêng không có tên gọi, không có hình tướng và không có thuộc tính, Ngài chỉ là một sự hiện diện tinh tế trong trái tim chúng ta. Sự hiện diện của Ngài lúc đầu có vẻ rất xa lạ. Vì vậy, lúc đầu, khó có thể yêu Ngài. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển tình yêu dành cho Ngài bằng cách trước tiên là nhớ đến Ngài, theo Master vẫn dạy, điều này ngược lại với cách thức yêu thương thông thường. Nhưng Ngài đảm bảo với chúng ta rằng điều đó mang lại kết quả mong muốn là đưa Ngài ngày càng gần hơn với chúng ta, vì thế dần dần, ta đồng nhất hoàn toàn với Ngài.

Chúng ta thực hành phương pháp này như thế nào?

Nó rất dễ. Trong ngày, tất cả các hoạt động khác nhau, bao gồm cá nhân, gia đình, cơ quan, xã hội và tâm linh, chúng ta phải chủ tâm gợi ý trong tâm trí rằng Master thiêng liêng đang thực hiện tất cả các hoạt động đó, ví dụ, chúng ta có ý nghĩ “Ngài đang tắm. Ngài đang ăn. Ngài đang đến văn phòng. Ngài đang bắt đầu một số công việc. Ngài đã hoàn thành nó. Ngài đang thư giãn với bạn bè hoặc chơi với con, thiền, thanh lọc, giải quyết các vấn đề, và Ngài cũng trải qua sự khó chịu về tinh thần”, v.v.

Phương pháp này giúp tôi trong tiến bộ tâm linh như thế nào?

Như đã đề cập trước đó, điều này sẽ giúp phát triển tình yêu dành cho Master thiêng liêng, đó là điều cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh.

Tình yêu dành cho Ngài giải phóng cái tôi của chúng ta ra khỏi suy nghĩ và hành động của chính mình. Khi cái tôi biến mất, chúng ta sẽ không tạo thêm samskaras mới. Khi chúng ta đạt được điều này bằng cách thực hành thường niệm, nó có thể là bước nhảy hướng tới sự nhận thức Đấng Thiêng liêng hay sự tự nhận thức.

Master cũng chỉ ra rằng, thông qua thực hành thường niệm, bắt đầu ở cấp độ ý thức, từ từ thấm vào cấp độ tiềm thức. Và khi điều đó đạt được, tâm trí chúng ta trở nên thánh hóa và vĩnh viễn hài hoà với Ngài. Ở cấp độ đó, việc cố gắng nhớ đến Ngài không còn là quan trọng bởi vì chúng ta luôn bị cuốn hút bởi Ngài.

Định nghĩa của Master về thường niệm là:
“Trước tiên, chúng ta quên để nhớ 
Sau đó chúng ta nhớ để nhớ, 
Và, cuối cùng, chúng ta nhớ để quên.”
MASTER VÀ NGƯỜI HƯỚNG DẪN

‘Master thiêng liêng’ và ‘Master của tôi’ là nói về ai?

Chúng ta hiểu từ Master thiêng liêng ở trong trái tim chúng ta chính là ‘Đấng Tối cao hay Đấng Thiêng liêng hay Thượng đế’ và ‘Master’ trong hình hài con người là đại diện của Ngài. Hệ thống Sahaj Marg tin rằng nếu không có sự hướng dẫn và hỗ trợ tích cực của một Master có năng lực, việc đạt được mục tiêu trong kiếp sống này là không thể đối với hầu hết mọi người. Master trong hình hài con người, là người đã nhận ra Master thiêng liêng bên trong mình thông qua thực hành chuyên tâm và sự thành tâm đối với Master (thầy) của mình.

Với lòng từ, tình yêu thuần khiết dành cho nhân loại và có khả năng tiếp cận với tất cả những người khao khát, Ngài có thể loại bỏ nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi và thiếu niềm tin, và Ngài có thể dẫn dắt chúng ta, từng bước, hướng tới mục tiêu Tối cao. Những ai phát triển tình yêu dành cho Ngài và hợp tác với Ngài bằng việc thực hành chuyên tâm và làm đúng theo hướng dẫn của Ngài, sẽ có thể nhận ra Đấng Thiêng liêng trong chính họ trong kiếp sống này. Đó là sự cam kết của hệ thống Sahaj Marg.

Người hướng dẫn là ai và mối liên hệ của tôi với họ nên như thế nào?

Việc tạo ra người hướng dẫn là một khía cạnh đặc biệt của hệ thống Sahaj Marg, thông qua những người này, sự phục vụ của Master đến được với người tìm kiếm, tại ngay chính nơi họ ở. Hãy nhớ rằng người hướng dẫn không phải là guru (vị thầy), họ cũng là người hành thiền (abhyasi), nhưng đã được Master trao quyền để thanh lọc trái tim và truyền năng lượng thiêng liêng của Master vào người hành thiền khác.

Là người hướng dẫn tâm linh, họ được kỳ vọng sẽ nỗ lực hết mình để hướng dẫn người hành thiền về ba yếu tố thiết yếu của Sahaj Marg - là Phương pháp, Master và Hiệp hội. Do đó, bạn nên coi người hướng dẫn như anh, chị, em của mình, và chú ý đến các hướng dẫn của họ về việc thực hành, cùng với những giá trị tâm linh được thực hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, như Master đã dạy.

Khi một người hành thiền cam kết thực hành Sahaj Marg, đã được thuyết phục về tính hiệu quả của phương pháp, có khả năng giải thích những điều cơ bản của phương pháp và sẵn sàng dành thời gian để làm công việc tâm linh phục vụ Master bằng tình yêu dành cho Ngài thì họ có thể được Master chọn làm người hướng dẫn. Người đó sẽ được trao quyền bởi Master để truyền năng lượng thiêng liêng nhân danh Ngài và phục vụ người tìm kiếm tâm linh và người hành thiền của Hiệp hội. Tuy nhiên, người hướng dẫn vẫn phải thực hành thiền cá nhân hàng ngày, giống như tất cả những người hành thiền khác.

Sau khi thực hành thường xuyên và đã trải nghiệm những lợi ích của nó, bạn cảm thấy sự cần phải giao thiệp trực tiếp với Master, là điều cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh. Bạn được chào đón tiếp cận với Master bất cứ lúc nào, hoặc viết thư cho Ngài để được giải thích về các vần đề tâm linh.

Bạn nên giữ mối quan hệ với người hướng dẫn chỉ với mục đích thực hành tâm linh, bởi vì họ cũng có gia đình với những trách nhiệm đối với cuộc sống và chúng ta không thể kỳ vọng họ sẽ tham gia vào những mối quan hệ xã hội cùng với chúng ta.

Bạn nên coi tất cả những người hướng dẫn giống nhau và tránh nảy sinh bất kỳ sự so sánh hoặc sự gắn bó cá nhân nào với bất kỳ ai trong số họ.

TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

Việc thực hành Sahaj Marg có giúp nâng cao sức khoẻ của tôi không?

Master dạy rằng với phương pháp này, bởi vì tâm trí được thanh lọc và điều chỉnh dần dần nên người hành thiền vốn có vấn đề thể chất do sự căng thẳng tinh thần sẽ thấy sức khoẻ được cải thiện một cách rõ rệt. Bởi vì khi chúng ta thiền ở trái tim và loại bỏ tạp chất trong trái tim, điều này cũng sẽ giúp bạn có một trái tim khoẻ mạnh.

Trong lúc thiền, ý thức của người hành thiền được chuyển từ cấp độ vật lý và giác quan đến sự thiêng liêng trong trái tim, điều này mang đến kết quả là giảm áp lực và căng thẳng đối với cơ thể. Hơi thở, tim mạch và huyết áp cũng sẽ ổn định rõ rệt. Trạng thái thư giãn cơ thể trong khi thiền duy trì năng lượng thể chất và trạng thái này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi thiền, nếu một người hành thực hành thiền thường xuyên.

Người bị khuyết tật hoặc người phát triển trí não không bình thường có thể bắt đầu thiền được không?

Với người khuyết tật về thể chất thì không vấn đề gì. Tuy nhiên với người trí não phát triển không bình thường thiếu đi sự tinh thông (trí tuệ bình thường) thì không thể thiền được.

Với lý do tương tự, người bị tâm thần cũng không thể thiền Sahaj Marg được.

Liệu tất cả những vấn đề của đời sống hàng ngày có biến mất nếu tôi thiền hàng ngày?

Cần phải hiểu rằng mục tiêu của thực hành thiền là sự nhận thức Đấng Thiêng liêng chứ không phải làm biến mất mọi vấn đề trong cuộc sống. Chính những vấn đề đời thường thử thách chúng ta và giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, điều đó là đặc biệt cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều vấn đề xảy ra do chấp ngã và samskaras sẽ không còn nữa bởi vì samskaras đã được loại bỏ. Tuy nhiên, Master cũng nói rằng một số samskaras vẫn còn lại trong chúng ta, vì thế, vấn đề cũng như thách thức cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh thì vẫn được phép xảy ra trong cuộc sống. Do đó, chúng ta cần phải chấp nhận chúng như phúc lành thiêng liêng. Vì thế, việc hành thiền giúp chúng ta mạnh mẽ hơn để tự tin đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống, mà không phải sợ hãi hoặc trốn tránh những vấn đề đó.

LỜI KHUYÊN CHO SỰ TIẾN BỘ

Làm thế nào để một người mới thiền Sahaj Marg có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng?

Bạn nên thực hiện những bước sau đây:
1. Hãy thực hành đều đặn hàng ngày: thiền, thanh lọc, cầu nguyện-thiền và thường niệm. Vì lợi ích của bản thân, hãy loại bỏ sự lười biếng, trì trệ, và những điều tạo nên khuynh hướng trì hoãn, hãy phát triển năng lực và sự nhiệt huyết dành cho thực hành. 
2. Sau khi có 3 buổi thiền giới thiệu, bạn nên sắp xếp để được thiền cá nhân với người hướng dẫn (Một tuần một lần vào thời gian đầu và tiếp đó hai tuần một lần khi việc thực hành của bạn đã đi vào nề nếp) và bạn tham gia các buổi thiền nhóm tại trung tâm địa phương, hoặc trung tâm gần nhất, theo lời khuyên của người hướng dẫn. 
3. Hãy đọc 10 chân ngôn của Sahaj Marg nhiều lần và bạn hãy cố gắng thực hiện nó trong cuộc sống hàng ngày. Master dạy rằng, “Tôi chịu trách nhiệm cho sự thay đổi bên trong của bạn (nếu bạn thực hành phương pháp này một cách nghiêm túc), nhưng sự thay đổi bên ngoài (như tính cách và hành vi) là nhiệm vụ của chính bạn.” 
4. Babuji Maharaj đã chỉ ra rằng một người nên sử dụng sự thông minh và ý chí của mình để có được sự tiến bộ tâm linh. Vì vậy, bạn nên cố gắng hiểu được hệ thống và lời dạy của Master trong khi tâm huyết theo đuổi việc thực hành và mục tiêu. 
5. Bất cứ khi nào trái tim mách bảo, hãy sắp xếp để gặp Master và dành thời gian với Ngài. Hãy tạo cho mình thói quen viết cho Ngài về việc thực hành của bạn, những tiến bộ, trải nghiệm tâm linh và những vấn đề của bạn. Bạn có thể nhận được lịch trình di chuyển và địa chỉ của Ngài từ người hướng dẫn thiền. 
6. Duy trì việc viết nhật ký và tóm lược việc thực hành hàng ngày của mình, những trải nghiệm, trạng thái, những thay đổi có thể quan sát được, các vấn đề gặp phải khi thiền, v.v. 
7. Đừng nản lòng khi bạn mắc lỗi hay thiếu sót. Babuji đã khuyên rằng, “hãy coi lỗi của mình như lỗi của Master và tiếp tục thực hành thiền.” Kết quả là bạn sẽ tiến bộ từng ngày. 
8. Phát triển sự tỉnh thức bên trong và quan sát từng suy nghĩ và hành động. Điều đó sẽ giúp bạn tránh khỏi việc mắc lỗi và giúp bạn đúc kết một cách có ý thức các hành vi và tính cách của mình. 
9. Những suy nghĩ không cần thiết và những cuộc nói chuyện không thích đáng sẽ làm tiêu hao năng lượng của bạn và làm bạn sao lãng mục tiêu của mình. Vì vậy cố gắng duy trì sự im lặng cả bên trong và bên ngoài, bằng cách nối kết tâm trí với Đấng Thiêng liêng mọi lúc. Master dạy rằng người hành thiền duy trì được sự im lặng (trừ khi việc nói là cần thiết hoặc trong khi làm nhiệm vụ) sẽ tiến bộ về tâm linh. 
10. Swami Vivekananda chỉ ra rằng thiên đường không phải dành cho người nhát gan. Babuji Maharaj dạy rằng trong tâm linh, chúng ta nên giống như sư tử, phải tự hào về việc thực hành theo Master quyền năng, phải dũng cảm chống lại mọi trở ngại và rào cản và phải tự tin để đạt được mục tiêu. Vì thế, cảm giác tiêu cực như sợ hãi, nghi ngờ, do dự và thiếu tự tin, nên được tránh một cách tỉnh thức.
GHI CHÚ

Cuốn sách này được thiết kế như một lời giới thiệu về hệ thống thiền Sahaj Marg dành cho người mới bắt đầu. Khi đã theo được việc thực hành trong hệ thống này, bạn sẽ cần giữ kết nối với Master và người hướng dẫn để làm sáng tỏ những câu hỏi phát sinh từ trải nghiệm của bản thân trong quá trình thiền và những thay đổi diễn ra bên trong bạn.

Chúng tôi khuyên bạn nên dần dần sưu tập bộ sách được xuất bản bởi Hiệp hội của chúng ta. Cùng với việc thực hành, bạn có thể đọc nhiều lần để hiểu sâu về 3 khía cạnh của hệ thống: Master, Phương pháp và Hiệp hội. Master hy vọng người hành thiền mới sẽ tham gia và cam kết ngày càng sâu hơn với ba khía cạnh này của Sahaj Marg.