Daaj kính yêu, trở thành người tìm kiếm có nghĩa là gì?
Caroline yêu quý,
Người tìm kiếm là người đi tìm sự thật và say mê với sự tìm kiếm. Nếu không có sự say mê, làm sao một đốm lửa le lói có thể bùng lên thành một ngọn lửa rực rỡ?
Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình từ bất cứ nơi đâu chúng ta đang ở. Liệu cuộc hành trình bắt đầu từ đâu có quan trọng không? Không. Quan trọng là phải bắt đầu. Cho dù chúng ta bắt đầu tìm kiếm Chân lý vĩnh cửu như một người Ấn giáo, người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo, người Do Thái giáo hay người vô thần thì cũng không có gì khác nhau. Điều quan trọng là đích đến – nhận ra nguồn gốc của sự hiện diện vô hạn ở nơi sâu thẳm nhất của trái tim mình, nhận ra bản chất nguyên thủy của chúng ta, sự bừng nở tối hậu của bản thể. Cuộc hành trình hướng tới cái chưa biết luôn được hướng dẫn bởi giọng nói bên trong, ngay cả khi những tín hiệu và sự hướng dẫn dường như đến từ bên ngoài dưới gợi ý thân thiện của một bậc cao niên hay một cuốn sách. Thông thường, các tín hiệu từ cốt lõi bên trong chúng ta vẫn bị chôn vùi và không thể nghe được. Chúng không dễ dàng tiếp cận được. Chỉ những thứ hời hợt mới có thể dễ dàng tiếp cận!
Cuộc hành trình bên trong có nhiều khúc quanh. Đôi khi, chúng ta quay lại để tiếp tục. Con đường tràn ngập sự tín tâm và tin tưởng, nhưng đôi khi chúng ta lại bị xâm chiếm bởi hoài nghi và do dự. Đây chính là điều làm cho tâm linh trở thành một cuộc phiêu lưu.
Tâm linh là gì? Trong tiếng Sanskrit, chúng tôi gọi nó là adhyatmukta. Các gốc từ nguyên, adhi + atma, adhi là di chuyển, vì vậy nó có nghĩa là di chuyển về phía atma, trung tâm hay cốt lõi của bản thể chúng ta.
Nó cũng có nghĩa là không nhận diện với những gì hời hợt và vô nghĩa. Khi chúng ta di chuyển vào bên trong, chúng ta bắt đầu siêu vượt ngoại vi. Chúng ta không từ bỏ cái bên ngoài mà chỉ đơn giản là siêu vượt nó. Chúng ta không cần phải thoát ly đời sống thế tục mà chúng ta gắn bó không dính mắc.
Người tìm kiếm sự thật lúc nào cũng say sưa với việc tìm kiếm tâm linh mà không né tránh bổn phận với gia đình, xã hội, công việc và sức khỏe bản thân. Người tìm kiếm như vậy bay bằng cả hai cánh: cánh của thế giới khách quan và cánh của thế giới chủ quan; bình diện vật chất và cảnh vực tâm linh; thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Khi ở trong thế giới khách quan, chúng ta tích “vận tốc thoát” để phóng mình vào bầu trời vô tận của ý thức vô hạn. Chính xác thì thế giới khách quan là trường đào tạo cho các cõi vi tế hơn.
Làm chủ các cõi vi tế hơn, đồng thời chèo lái con thuyền vượt qua biển cả cuộc đời, giúp chúng ta làm chủ được cõi tâm linh và hơn thế nữa. Chẳng hạn, mối quan hệ với vợ hoặc chồng giúp chúng ta ngày càng khiêm nhường, mối quan hệ với con cháu khiến chúng ta yêu thương hơn, và với bạn bè chúng ta học được ý nghĩa của sự trung tín. Đây là điều kỳ diệu của tâm thiền. Với nó, chúng ta biết ơn Thượng đế vì đã chọn chúng ta bước đi trên con đường tâm linh.
Hãy dành thời gian để quan sát cách chị thể hiện tâm thiền trong cuộc sống hàng ngày. Thế giới bên trong và thế giới bên ngoài của chị có hoà chung một nhịp?
Yêu thương và trân trọng,
Kamlesh