22 tháng 9, 2023

Sự sẵn sàng

“Để phụng sự đòi hỏi cuộc sống của một người không còn là của họ, và theo một cách nào đó, người đó sẵn sàng trao nó đi. Nhiều hơn những lĩnh vực khác, trong tâm linh, người ta nên đưa ra những lựa chọn đáp ứng khát vọng sâu xa của họ là cống hiến hết mình để phụng sự mà không có bất kỳ động cơ vật chất nào.”

—Babuji Maharaj

Thứ Tư, ngày 26 tháng 10 năm 2005 – 10 giờ sáng.


Trong Lời thì thầm từ Cõi Sáng, những thông điệp thiêng liêng được truyền từ Babuji Maharaj đến người chép của Ngài, bà Hélène Peyret, Babuji thường ca ngợi sự sẵn sàng và cam kết phụng sự của bà. Bà không có ưu tiên nào khác ngoài Babuji dấu yêu. Nhờ sự sẵn sàng tuyệt đối, bà đã tiến hoá đến mức độ cao nhất của sự thản nhiên - ngay cả khi gặp phải những khó khăn to lớn và sức khỏe sa sút.

Sẵn sàng ám chỉ một sự cởi mở để phụng sự Master và để cho công việc được thực hiện bởi ông. Ví dụ điển hình về sự sẵn sàng là Babuji Maharaj. Không có một giây phút nào sự chú ý của Ngài chuyển hướng khỏi Master của Ngài, Lalaji. Nếu giây phút đó từng xảy ra, Ngài sẽ coi đó là nguyên nhân dẫn đến sự hối hận sâu sắc. Lalaji không chỉ là tâm điểm nhận thức của Babuji; đúng hơn, nhận thức của Babuji đã được hợp nhất với của Lalaji đến mức ý thức hợp nhất của các Ngài minh họa cho nguyên tắc dung thông trong tâm linh. Bất cứ xung động suy nghĩ nào nảy sinh trong ý thức của Lalaji sẽ ngay lập tức truyền vào nhận thức của Babuji, và chính điều này là cơ sở cho sự phụng sự vĩ đại dành cho nhân loại mà định mệnh của Babuji phải thực hiện. Những người ngồi dưới chân Babuji trong sân nhà Ngài ở Shahjahanpur khi hookah (bát điếu) của Ngài sủi bọt bên cạnh Ngài đều có vinh dự được chứng kiến sự sẵn sàng có một không hai của Ngài dành cho công việc, nhờ sự sẵn sàng của Ngài dành cho Lalaji. Cơ thể của Babuji nằm im, cuộn tròn trên ghế, nhưng sự chú ý của Ngài bay vút tới bất cứ nơi nào cần thiết. Lalaji đã xác định tổng thể và bản chất sự tồn tại của Babuji.

Trong tâm lý học, có một khái niệm được gọi là “định kiến sẵn sàng”. Định kiến sẵn sàng là một định kiến nhận thức. Chúng ta có khuynh hướng ưa thích những thông tin nóng hổi, dễ tiếp cận hoặc nói cách khác là những thông tin “được quan tâm hàng đầu”. Khuynh hướng của chúng ta là dự trữ toàn bộ sự sẵn sàng của mình và điền đầy nó bởi những thứ gần gũi nhất với chúng ta. Những hiện tượng phù du trở thành ưu tiên của chúng ta - những đối tượng hữu hình của suy nghĩ và giác quan, sinh động nhất đối với trải nghiệm hàng ngày của chúng ta - thu hút sự chú ý của chúng ta và thúc đẩy hành động của chúng ta. Ví dụ, giả sử gần đây bạn xem nhiều tin tức về các vụ cướp trong khu phố của mình. Trong trường hợp đó, bạn có thể nghĩ ngay đến khả năng rất cao là mình cũng sẽ bị cướp. Tâm trí bạn quá coi trọng những tin tức này, bởi vì chúng sốt dẻo và tràn lan, dẫn đến việc hiểu sai.

Những nhận thức như thế góp phần tạo nên định kiến sẵn sàng không chỉ tạo thành những ký ức gần đây mà còn là toàn bộ sự sáng tạo của chúng ta - những xung động samskara, mong muốn và ác cảm, mạng lưới suy nghĩ, cảm xúc và khuynh hướng, và tất nhiên, cả những đầu vào giác quan của chúng ta. Tất cả những điều này có vẻ gần gũi, cấp thiết và trở thành những biến dạng trong nhận thức của chúng ta, dẫn đến những ưu tiên mâu thuẫn và sai lạc về mục đích.

Giả sử bạn nghe 12 ca khúc khác nhau cùng một lúc được 12 nghệ sĩ biểu diễn, mỗi ca khúc có một âm hưởng và nhịp điệu khác nhau. Âm thanh phát ra sẽ như thế nào? Mỗi ca khúc dù có hay đến đâu, dù nghệ sĩ có tài ba đến đâu, nó cũng sẽ chỉ tạo ra tiếng ồn. Tương tự như vậy, tâm trí của chúng ta quan tâm đến nhiều thứ và trở thành trung tâm của sự hỗn loạn. Tâm trí không có gì sai; nó thích nghĩ, nghĩ, nghĩ! Nhưng nó có khuynh hướng đắm chìm trong sự sáng tạo của nó và trở nên phức tạp.

Chúng ta phải rèn luyện tâm trí. Ý định của chúng ta phải được tập trung. Chúng ta phải học cách biểu diễn từng ca khúc một, từng nhạc cụ một, từng ý nghĩ một. Nếu không sẽ không có vẻ đẹp mà chỉ có sự bất hòa. Năng lượng sẵn sàng của chúng ta chỉ dành cho một thực hành.

Việc thực hành bất kỳ phương pháp nào cũng đòi hỏi một mức độ tin cậy và tự tin nào đó đối với phương pháp. Thực hành nhiều phương pháp sẽ tạo ra nhiều kênh trong tâm trí. Điều đó có nghĩa là bạn không hài lòng với phương pháp bạn đang thực hành. Cũng giống như nói, “Tôi đã có vợ nhưng sẵn sàng với tất cả.” Bạn không hoàn toàn sẵn sàng cho bất cứ ai. Sẵn sàng cho nhiều người là không sẵn sàng cho ai. Saranagati và sự hiến dâng có nghĩa là dâng trọn bản thân. Nếu bạn trao bản thân cho nhiều người, bạn có trao bản thân hoàn toàn cho bất kỳ ai không? Bạn luôn giữ lại một phần nào đó cho riêng mình: “Đây là của tôi! Tôi sẽ không chia sẻ nó!” Bạn không thực sự dâng trọn bản thân cho bất cứ thứ gì.

Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cổ mà Swami Vivekananda đã chia sẻ tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới Chicago năm 1893 (Trong tiếng Phạn, câu chuyện này có tên là kupamanduka). Thuở xưa, có một con ếch sống trong một cái giếng nhỏ. Nó được sinh ra ở đó và chưa từng rời khỏi cái giếng. Con ếch chưa bao giờ nghĩ rằng lại có thể có một thế giới bên ngoài cái giếng bé nhỏ của nó. Cho đến một hôm có một con ếch khác nhảy vào giếng. Con ếch này đến từ biển cả và nó kể cho con ếch giếng nghe về sóng biển, dòng hải lưu, chiều sâu và sự mênh mông của biển cả. Nhưng con ếch giếng không thể tin được điều này, vì đối với nó không đại dương nào có thể rộng lớn bằng cái giếng của nó. Vì vậy, chú ta cười nhạo con ếch biển cả và đá nó một cú.

Vivekananda kể câu chuyện này để giải thích sự khác nhau giữa các tôn giáo, nghĩa là một số người bị mắc kẹt trong những cái giếng đạo Hindu của họ, một số khác bị giam cầm trong những cái giếng đạo Cơ đốc của họ, v.v. Ví dụ này còn khai triển thành: Tất cả chúng ta đều là ếch ngồi đáy giếng bị giam cầm dưới giếng do sự sáng tạo của chúng ta và của tập thể. Chúng ta rất coi trọng nội dung trong cái giếng của mình nhưng thậm chí còn coi trọng hơn đối với cư dân của nó, bản thân chúng ta. Hiếm khi chúng ta xem xét việc nhìn xa hơn nhà tù tăm tối này của bản thân. Cái giếng tượng trưng cho sự tiếp cận thông tin kích hoạt khuynh hướng sẵn sàng của chúng ta đối với những thứ phù du, ngăn cản mối liên kết của chúng ta với cái vĩnh cửu.

Sahaj Marg là một con đường siêu vượt. Có thể nói, nó cung cấp phương tiện để phá huỷ hoàn toàn mạng lưới cá nhân, để trở thành con ếch biển. Với việc thanh lọc, chúng ta loại bỏ ký ức cảm xúc - những samskara làm méo mó hiểu biết của chúng ta và định hướng sai ý định của chúng ta - vì vậy chúng ta chỉ còn lại những ký ức về các sự kiện. Không có ký ức, chúng ta không thể học hỏi từ quá khứ. Ký ức trở thành kiến thức của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn ở trong phạm vi của cái giếng kiến thức đó, vì đó là kiến thức bắt nguồn từ quá khứ.

Thiền trao cho chúng ta khả năng nhận được nguồn cảm hứng siêu thức, một tầm nhìn hứa hẹn không dựa trên bất cứ gì đã có trước đó. Nó không phải là sản phẩm của quá khứ cũng như hiện tại. Vì vậy, với thanh lọc và thiền, chúng ta có khả năng thoát khỏi cái giếng ở đây và bây giờ và bước vào ánh sáng ban ngày của hiện tại vĩnh cửu.

Tôi từng nghe một ví dụ rất hay: Hãy tưởng tượng bạn đang ở trên một con phố nhộn nhịp và có một tòa nhà chọc trời. Tầm nhìn của bạn bị hạn chế, chỉ trong một khoảng cách ngắn theo mỗi hướng trước khi con phố biến mất khỏi tầm nhìn của bạn. Ở cuối phố, một chiếc ô tô màu đỏ đang đi tới nhưng nó vẫn chưa lọt vào tầm mắt của bạn.

Ở trên tầng 20 của tòa nhà chọc trời, có ai đó đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Vị trí của người đó mang lại cho họ tầm nhìn rộng lớn hơn, có thể trải dài một dặm theo mỗi hướng. Họ có thể phát hiện ra chiếc xe màu đỏ ở khoảng cách rất xa trước khi bạn nhìn thấy nó. Đối với bạn, chiếc ô tô vẫn ở tương lai, nhưng đối với người ở trong tòa nhà chọc trời, nó đã là một phần của hiện tại. Và cuối cùng khi chiếc xe đi khuất tầm nhìn của bạn, nó trở thành quá khứ của bạn, trong khi nó vẫn tiếp tục tồn tại ở hiện tại đối với người ở tầng 20.

Một người tiến hóa giống như người ở tầng 20 của tòa nhà chọc trời. Từ tầm nhìn trên cao này, một người có thể quan sát những gì là quá khứ và tương lai đối với hầu hết chúng ta, với sự rõ ràng giống như chúng ta nhận thức khoảnh khắc hiện tại.

Có một ví dụ trong cuộc chiến Mahabharata khi Bhishma nằm bị thương nặng trên một giường mũi tên. Đấng Krishna đến bên ông, và Bhishma hỏi Ngài, “Điều gì đã dẫn con đến định mệnh này? Con đã soi chiếu hàng trăm kiếp trước, nhưng không tìm ra sự biện minh nào cho số phận này.”

Krishna nói, “Hãy nhìn xa hơn nữa.”

Bhishma trả lời: “Con không thể nhìn xa hơn”.

Đáp lại, Krishna đã ban cho Bhishma món quà là thoáng thấy quá khứ xa hơn của ông. Giờ đây, nhận thức của Bhishma có thể vượt ra ngoài giới hạn thời gian trước đây và ông đã chứng kiến một kiếp nào đó ông là một hoàng tử. Trong một chuyến đi săn định mệnh, ông gặp phải một con rắn, tóm lấy đuôi nó, quay nó rồi quăng nó vào một bụi gai, nó chết ở đó. Giờ đây Bhishma phải đối mặt với hậu quả của hành động này, lý giải tại sao những mũi tên lại trở thành nơi an nghỉ cuối cùng của ông.

“Quy thuận đòi hỏi sự sẵn sàng và chấp nhận tuyệt đối; đó là cái giá phải trả để mọi thứ có được ý nghĩa trọn vẹn và mang tính xây dựng.”

—Babuji Maharaj

Thứ Bảy, ngày 13 tháng 8 năm 2005 – 10 giờ sáng.

Cứng nhắc, bảo thủ và đòi hỏi là đi ngược lại với sự sẵn sàng. Sẵn sàng thực sự là vô điều kiện. Sẵn sàng là biến mình thành tặng phẩm mà không quan tâm đến sự đáp lại. Có ước muốn là bình thường, nhưng đòi hỏi nó phải được thực hiện là gắn điều kiện vào việc cho đi bản thân mình. Sẵn sàng có điều kiện không phải là sẵn sàng thực sự. Những mong muốn chưa được thực hiện, cả hữu thức và vô thức, khiến chúng ta bị ấn định và mắc kẹt trong những kiểu cảm xúc khác nhau và tạo ra ý thức trì trệ (tamasic). Sự thất vọng nhất thời là dễ hiểu, nhưng ý thức thanh tịnh (sattvic) có khả năng phục hồi nhanh chóng.

Để nhận thức phát triển thành sự nhạy cảm tinh tế, cần phải thiết định một mức độ chấp nhận cao. Thật dễ dàng chấp nhận những điều đáng ao ước, nhưng chấp nhận thực sự đòi hỏi phải chấp nhận cả những nỗi đau. Người nhạy cảm dễ bị tổn thương trước mọi thứ. Tính nhạy cảm với nỗi đau tăng lên. Nếu nỗi đau vượt quá sức chịu đựng của một người, Thiên nhiên sẽ đáp lại bằng cách tử tế loại bỏ sự nhạy cảm của người đó, nhưng bị mất đi sự nhạy cảm là một điều bi đát và gây ra nỗi đau có một không hai.

“Khát vọng trong lòng con là gì? Chính là sự sẵn sàng của trái tim, tiếng gọi tha thiết của nó đã thu hút sự chú ý của chúng ta và khiến chúng ta đặc biệt chú ý đến nó.”

—Babuji Maharaj

Thứ Năm, ngày 8 tháng 4 năm 1999 – 8 giờ sáng.

Từ ngữ dòng truyền trong tiếng Sufi là tavajjoh, được dịch là “sự chú ý”, được Master ban cho môn đệ. Mọi người đã hiểu sai câu nói của Babuji trong Reality at Dawn: “Chúng ta yêu kính Ngài bằng đức tin và lòng mộ đạo, cố gắng bằng mọi cách thu hút sự chú ý và ưu ái của Ngài”. Có thể dễ dàng hiểu được nếu thay từ “dòng truyền” bằng “sự chú ý” và “ân sủng” bằng “sự ưu ái”: Chúng ta yêu kính Ngài bằng đức tin và lòng mộ đạo, cố gắng bằng mọi cách thu hút dòng truyềnân sủng của Ngài.

Một số người làm việc vì sự chú ý và ưu ái của ông. Một số người hò hét và vẫy tay từ xa. Sự chú ý như vậy không có giá trị gì, và nếu một người lao lực vì điều đó, kết quả của nó sẽ là trái đắng. Sự theo đuổi thực sự nằm ở việc thu hút dòng truyền và ân sủng của Master, biểu hiện tinh tuý của sự chú ý. Sự nội trú của một người càng sâu - pratyahara (sự thu rút các giác quan vào bên trong) - hiện tượng này càng bộc lộ nhiều hơn. Pratyahara đòi hỏi phải dành sự chú ý thích đáng cho bên ngoài trong khi dành sự tập trung chính vào các chiều kích bên trong. Các hoạt động thế tục - công việc, trò chuyện, đọc sách, ăn uống, v.v. - đòi hỏi một mức độ chú ý nhất định, nhưng không vượt quá, có thể nói là, 5%. Tinh tuý của Pratyahara nằm ở việc nâng cao nhận thức bên trong và dành trọn sự chú ý cho thế giới bên trong, vì đó là nơi một người gặp được Master. Sẵn sàng đối với sự hiện diện bên trong này chỉ có thể xảy ra khi một người ở trạng thái pratyahara.

Bạn có thể hiện diện về vật lý với Master nhưng vắng mặt về tinh thần. Bạn có thể hiện diện về tâm trí nhưng vắng mặt về trái tim. Hiện diện về trái tim mới là quan trọng. Trong bữa ăn, các thành viên trong gia đình quây quần, nhưng ở một số gia đình, mỗi người vẫn mải mê với chiếc điện thoại của họ, đắm chìm trong thế giới ảo của riêng họ. Gia đình có thể ở bên nhau về vật lý, nhưng trong giây phút đó không có sự gắn kết. Tương tự như vậy, Babuji nói rằng một môn đệ ở nhà mà nhớ đến Master còn hơn là ở bên Master mà nhớ nhà. Ở trong sự hiện diện vật lý của Master là một kiểu salokyata - ở trong cõi giới của ông. Tuy nhiên, ở cấp độ tâm linh, trái tim của một người phải sẵn sàng và hòa hợp với trái tim của ông. Đây là trạng thái sayujyata, dung thông với Đấng Yêu dấu.

Lời cầu nguyện của tôi là cho tất cả mọi người thể hiện được tinh thần của người ăn mày trong câu chuyện “Sự giàu có của Thầy tu”. Một người đứng trước Thầy nhưng quên mất chiếc bình bát trên tay và mục đích chính mà anh ta đến. Cho dù phụng sự hay được phụng sự, anh ta không nhớ. Nhưng anh ta vẫn đứng trước Thầy với sự trần trụi và sẵn sàng bất thối chuyển.

“Phụng sự bằng cả tâm hồn là để có trái tim rộng mở trước Đấng Thiêng liêng và tuyệt đối sẵn sàng, mà không băn khoăn về cách thức và lý do của những gì phải thực hiện.”

—Đấng Tôn kính

Thứ Ba, ngày 11 tháng 4 năm 2000 – 8:30 sáng

Thông điệp kỷ niệm 68 năm ngày sinh của Daaji

Nguồnhttps://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2023/Sep23-BhandaraMessage-English.pdf