2 tháng 2, 2022

An trú

Bạn thân mến. Thực hành tâm linh ít ra là hướng tới trạng thái thăng bằng giống với trạng thái “cân bằng” đã có trước sự sáng tạo. “Sự cân bằng” mà chúng ta đang nói tới là gì? Ở cấp độ vật lý, một vật cân bằng khi trọng tâm của nó được nâng đỡ. Nếu tâm đó mất đi điểm tựa, thì hệ mất thăng bằng. Trong cuộc sống, giữ được thăng bằng có nghĩa là giữ sự tập trung vào trung tâm của chúng ta. Nhưng trung tâm của chúng ta là gì?


Thân vật lý (sthoola sharira) có một trọng tâm, nhưng đó không phải là trung tâm chung của bản thể chúng ta. Xét cho cùng, thân vật lý là lớp vỏ giúp cho sự tồn tại của chúng ta ở thế giới vật lý. Điều cần thiết hơn đối với bản thể chung của chúng ta là các thân vi tế bên trong (sookshma sharira), với các cấu phần chính là tâm trí (manas), trí năng (buddhi), và cái tôi (ahankara). Ba thân vi tế này cùng tồn tại trong một thân vi tế thứ tư, đó là ý thức (chit). Các thân vi tế là công cụ của linh hồn (atman hay purusha). Chính linh hồn mới là trung tâm thực sự của chúng ta.

Có một trung tâm không tự động khiến chúng ta có được sự an trú. Sự an trú là thể hiện mức độ ý thức an định tại trung tâm. Tập trung vào trung tâm là ý thức tương đương với việc tạo ra sự cân bằng của một vật. Đó là nguồn gốc sự cân bằng cá nhân.

Nếu một tảng đá đang thăng bằng trên bề mặt của một vách đá mà đánh mất trọng tâm, thì tảng đá có thể rơi xuống và vỡ vụn. Khi sự tập trung của chúng ta chệch hướng khỏi trung tâm và thay vào đó nghiêng về những mức độ ít thiết yếu hơn của tồn tại, chúng ta cũng trở nên mất ổn định. Khi đó chúng ta trở nên dễ bị tổn thương. Trong những lúc như vậy, những khuyết điểm của chúng ta tự bộc lộ và chúng ta sa ngã.

Bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng có thể chuyển hướng sự chú ý của chúng ta ra khỏi trung tâm tinh thần của mình. Thủ phạm trắng trợn nhất là ham muốn, nhưng ngay cả những bổn phận chính đáng cũng có thể làm chệch hướng và làm chúng ta chao đảo nếu chúng ta cho phép điều đó. Một cuộc sống bình thường, với vô số trách nhiệm, giống như một hành tinh quay quanh nhiều mặt trời; bị đẩy và kéo bởi nhiều trung tâm hấp dẫn. Chúng ta bị cuốn đi trong dòng chảy bất tận của cuộc sống. Nhưng quay lưng lại với thế giới có phải là giải pháp?

Từ xa xưa, Chúa Krishna đã chỉ ra năng lực thực hiện các bổn phận thế tục trong khi vẫn bình thản và thiết định trong Yoga. Sahaj Marg có thể được hiểu là sự hiện thực hóa ý tưởng này và là phương tiện để đạt được nó.

Ngày 12 tháng 1 năm 1946, từ Cõi sáng, Lalaji Tôn kính đã giao tiếp và chia sẻ với Babuji Maharaj hai câu thơ tiếng Ba Tư:

“Ta không yêu cầu con phải rời bỏ thế gian

chỉ cần con dự phần vào mọi việc với ý thức về Đấng Thiêng liêng.”

Thông điệp này là phương thuốc cho cuộc sống cân bằng. Nó mô tả sự an trú vững chắc mà có thể đạt được thông qua Sahaj Marg, một hệ thống trải qua quá trình kết tinh trong những ngày đó, ngày nay chúng ta gọi là Heartfulness.

Tinh túy của Sahaj Marg là Dòng truyền, ý thức thần thánh được truyền cho chúng ta từ trái tim của Master. Để duy trì ý thức đó chúng ta phải thực hành Sahaj Marg hàng ngày, gồm các thực hành chính là thiền, thanh lọc và cầu nguyện. Thông qua thiền buổi sáng, chúng ta điều chỉnh và hòa hợp với bản thân để luôn ở trong sự an trú. Thanh lọc buổi tối quét sạch mầm mống phân tâm trong tương lai, nếu không những trạng thái chúng ta được ban tặng sẽ bị hỏng. Cuối cùng, trước khi đi ngủ, chúng ta đối diện với bản thân và đánh giá các hành động đã qua của mình, trong trạng thái cầu nguyện, thiết lập ý định cho ngày hôm sau, từ đó tạo ra trường năng lực tâm linh. Tổng các tác động này là sự an trú.

Thiền giải phóng ý thức. Ý thức là cây cầu nối giữa thể xác và linh hồn. Ở trạng thái thức, nó vươn ra ngoại vi của bản thể. Trong khi ngủ mơ, ý thức bị ngắt khỏi các giác quan và vẫn gắn với chính nó. Trong giấc ngủ sâu, không mộng mị, ý thức thu rút và nghỉ ngơi trong linh hồn. Trong thiền sâu, ý thức cũng nghỉ ngơi trong linh hồn đồng thời mở rộng theo nhiều hướng. Ý thức thiền sâu có trong sự tỉnh thức và tập trung sâu sắc của giấc ngủ sâu. Trạng thái này được gọi là Turiya. Khi chúng ta có thể mang trạng thái Turiya từ trong thiền vào trạng thái thức năng động, điều đó được gọi là Turiyatit. Trong Sahaj Marg, chúng ta gọi trạng thái Turiyatit là thường niệm. Thông qua thường niệm, chúng ta vẫn thiền sâu trong khi thực hiện mọi hoạt động, thản nhiên và thiết định trong Yoga. Đó là cách chúng ta có thể thực hiện các bổn phận trong ý thức về Đấng Thiêng liêng, và ngộ ra chân lý được tuyên bố trong chân ngôn khuyết danh của triết học Liber XXIV thời Trung cổ: “Thượng đế là quả cầu vô giới hạn có tâm ở khắp mọi nơi và chu vi bất định.”

Yêu thương và trân trọng,

Kamlesh Patel

Nguồnhttps://cdn-prod.heartfulness.org/hfn/files/2022/English_Basant_2022_message.pdf