27 tháng 7, 2021

Cuộc hành trình đích thực: Tiến bước trên con đường tình yêu

Bạn thân mến. Tất cả những người tìm kiếm tâm linh đều có chung một mục đích, đó là biến đổi bản thân. Nhiều con đường tâm linh ủng hộ sự phụ thuộc vào một Guru, nhưng sự biến đổi là không thể nếu chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. 


Chỉ khi chúng ta tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và nói, "Tôi phải hành động", thì sự biến đổi mới có thể xảy ra. Ngay cả phụ thuộc vào Thượng Đế cũng là "đẩy trách nhiệm sang người khác".

Nếu tôi cho rằng Guru, hoặc bất kỳ ai khác, phải có trách nhiệm về sự tiến hóa hoặc biến đổi của tôi, thì sự biến đổi đó sẽ không xảy ra. Lý do rất đơn giản: Thượng Đế và Guru đã làm mọi thứ cần thiết. Bây giờ, công việc của tôi, với tư cách người tìm kiếm, là nhận ra những gì đã được trao tặng dưới dạng hạt giống trong trái tim tôi, đồng nhất với nó và cho phép những hạt giống đó nảy mầm và đơm hoa kết trái. Ỷ vào số phận thậm chí còn vô ích hơn - mặc dù đúng là, chúng ta đã tạo ra số phận của mình thông qua karma (nhân quả).

Có một khát vọng mãnh liệt để thay đổi bản thân, chúng ta thấy rằng tâm linh (đặc biệt là trong truyền thống Ấn Độ) nói về Karma, Jnana, hoặc Bhakti Yoga - Yoga về hành động, kiến ​​thứctình yêu. Con đường Heartfulness thực sự là sự kết hợp tuyệt đẹp của cả ba. Tuy nhiên, ngay cả khi đang đi trên con đường đẹp đẽ như vậy, chúng ta vẫn quan sát thấy nhiều cạm bẫy trên đường đi bởi vì chúng ta quá chú trọng vào cách tiếp cận KarmaJnana. Khi bị cường điệu hóa, chúng mâu thuẫn với sự tinh tế của con đường Heartfulness.

Bạn có thể đã nghe nói về những người bà-la-môn rơi từ những đỉnh cao tâm linh trở thành brahm-rakshashas (la sát), và những yogi rơi từ những đỉnh cao vời vời trở thành yog-bhrasht (suy đồi). Hành trình Yoga của họ không hoàn thành vì vô số lý do. Jnani (người tu dưỡng theo con đường kiến thức) và karmi (người tu dưỡng theo con đường hành động) có thể ngã, nhưng bạn đã bao giờ nghe nói về cú ngã của một bhakta, một người mộ đạo chưa? Không có từ bhakti-brasht, vì bhakta (người tu dưỡng theo con đường tình yêu) được Chúa chăm sóc.

Chúa sẽ bảo vệ bất cứ ai đã đạt được saranagati, tức là người thực sự quy thuận bằng sự cảm phục bất khả kháng. Vấn đề chỉ khởi sinh khi chúng ta trở thành karta (người làm). Không có bhakta nào từng trải qua cú ngã tâm linh; nó có thể đơn giản là không bao giờ xảy ra. Nếu nó từng xảy ra, điều đó chỉ cho thấy sự thiếu bhakti hay saranagati thực sự.

Lần đầu tiên khi tôi được giới thiệu về Sahaj Marg, người dẫn thiền của tôi, chị Draupadi, đã hỏi tôi một câu hỏi căn bản: "Tại sao em muốn thiền?"

“Em đang kiếm tìm Thượng Đế,” tôi trả lời.

Hôm nay, khi suy ngẫm về một số niềm tin cá nhân của mình, tôi đã hiểu mọi thứ theo một cách khác, và nhận ra rằng tôi đã sai lầm như thế nào vào thời điểm đó. Mặc dù hầu hết chúng ta đều nói rằng mình đang kiếm tìm Thượng Đế, bây giờ, điều này nghe có vẻ vui nhộn đối với tai tôi. Những thứ nhỏ hơn có thể không nhìn thấy bằng mắt, nhưng làm sao chúng ta có thể bỏ lỡ một đấng toàn diện? Đồng thời, chúng ta không thấy được đấng ấy khi ngài ở khắp mọi nơi, giống như cá không có ý tưởng về đại dương nơi nó sống cả cuộc đời ở đó. Ngoài ra, chúng ta tưởng tượng Thượng Đế ở một cõi vô cực và trở nên bối rối, vì chúng ta chưa từng thấy và không thể nhận thức được những đích đến xa nhất của tồn tại. Sự Thiêng Liêng thậm chí còn bất thị hiện hơn nữa ở các cấp độ rất tế vi của nó.

Ngay cả khi tôi bắt đầu tìm kiếm Ngài, làm thế nào để nhận ra được Cái Vô Hạn với nhận thức hữu hạn của tôi, trừ khi có một mức độ tìm kiếm nào đó từ phía Ngài? Cái Vô Hạn nằm ngoài sự nắm bắt - làm thế nào để hiểu được rằng nó nhỏ hơn cái nhỏ nhất và lớn hơn cái lớn nhất? Tuy nhiên, một khó khăn khác nảy sinh bởi vì cái thô không bao giờ có thể nhận biết được cái tế.

Vì vậy, ý tưởng về saranagati với sự tôn kính và kính phục là cách duy nhất:

Làm thế nào để chuẩn bị một trái tim mà có thể nhận ra người?

Ngoài tất cả những điều này, chúng ta có một câu đố căn bản cần giải: Ngay từ đầu làm sao chúng ta bị chia cách khỏi Ngài, để giờ đây chúng ta thấy cần phải kiếm tìm Ngài? Để nối lại sự liên kết đã mất đó, chúng ta phải nhận ra và loại bỏ các yếu tố gây ra sự phân ly. Đây là khởi đầu của cuộc hành trình đích thực.

Hãy tưởng tượng bạn đang ở bãi biển tận hưởng những con sóng đang nhảy múa. Nhưng bạn không thể nhìn thấy nước ở dưới sâu, bởi vì bạn chỉ có thể nhìn thấy sóng trên mặt nước. Những con sóng cũng vậy, chúng cứ hỏi, "Đại dương ở đâu?" Chúng cũng miệt mài đi tìm. Thời điểm chúng chậm lại và ngừng lại, sóng trở thành một với đại dương và sự trong trẻo của làn nước lộ ra.

Sóng quên mất rằng nguồn gốc của mình là đại dương - rằng chúng khởi nguồn từ đó và nhập trở lại đó. Để sóng và đại dương hòa làm một, điều quan trọng là chậm lại, ngừng lại và trở nên phẳng lặng. Sự ngừng lại tối hậu là cái chết. Vì vậy, nếu ít nhất chúng ta có thể bắt chước và thấm nhuần các thuộc tính của cái chết, trở thành marjeeva (chết khi đang sống), thì sự đón nhận sẽ tự động nảy sinh trong trái tim chúng ta. Giờ đây, khoảnh khắc tốt lành của việc trở thành một với Đại Dương Xưa sẽ bắt đầu, một trạng thái giống như trạng thái Samadhi nguyên thủy. Cái chết của thân xác không giải quyết được vấn đề. Trên thực tế, vấn đề vẫn nằm trong thân vi tế của chúng ta, và vòng sinh tử tiếp diễn cho đến vô cùng tận.

Nghệ thuật ngừng lại, để bản thân trở nên dịu dàng trong tình yêu dành cho Người Yêu Dấu, là bhakti. Chính khi chúng ta vượt lên chính mình thì giải pháp được tìm thấy.

Khi ‘tôi’ ở đó, không có Ngài; bây giờ Ngài ‘ở’ và ‘tôi’ thì không.

Tất cả bóng tối [ảo tưởng] tan dần khi tôi thấy ánh sáng [sự soi sáng] bên trong.

Ảo tưởng cái “tôi” là bóng tối che khuất tầm nhìn của chúng ta về Chúa. Khi Ngài hiện diện trong trái tim, chỉ có ánh sáng, và bóng tối về sự hiện diện của chính chúng ta vắng bặt.

Biên giới cuối cùng của cái biết là sự thánh hóa hoàn toàn. Những tầm cao và chiều sâu nhận thức sẽ được tìm thấy trong chính Đại dương ý thức. Khi nào hiểu được phần lớn điều này, chúng ta nhận ra ý nghĩa của câu hỏi sâu sắc của Babuji dấu yêu: "Cái gì nâng đỡ ý thức này?" Chỉ khi chối từ tình yêu và Cái Siêu Phàm, chúng ta mới đánh mất tầm nhìn về những tầm cao và chiều sâu của bản thể, để lại chúng ta với một giới hạn nhận thức hạn hẹp.

Không ai nghèo khổ hơn (tuchch, khốn khổ và cô độc hơn, tầm thường) người bị mất la bàn bên trong hoặc người có la bàn bên trong tập trung vào một hướng hoàn toàn nghịch lại với Sự Thiêng Liêng. Bhakti, tình yêu nồng nhiệt dành cho Người Yêu Dấu, làm bình lặng những làn sóng cảm xúc thăng giáng, hiện hữu và trở thành một thể thuần nhất đồng dạng của Sự Thiêng Liêng. Ngược lại, chính việc rời xa nhận thức về Người Yêu Dấu sẽ mang lại đớn đau và phiền não.

Truyền thống Do Thái khá cụ thể trong định nghĩa của họ về ‘tội lỗi’, là đi lạc khỏi đấng xứng đáng được tôn thờ. Babuji nói rằng sự bội bạc là tội lỗi. Chính khi chúng ta trở nên bội bạc thì nhiều kiểu lệch lạc khỏi mối quan hệ chân chính xuất hiện. Bội bạc là khởi đầu của sự lệch lạc; do đó, là tội lỗi. Tình yêu lúc này không tồn tại và vì vậy mối quan hệ kết thúc. Bạn sẽ đi về đâu khi kết thúc mối quan hệ đó? Hãy tưởng tượng nếu một con sóng được hỏi, "Con sóng mến yêu và hùng vĩ kia, ngươi sẽ đi đâu khỏi Đại Dương này?"

Từ quan điểm này, bất cứ sự lệch lạc nào trong đó chúng ta gắn nhận thức của mình với của cải thế gian, thân xác, tâm trí, trí năng và cái tôi, đều giống như đi lạc khỏi Trung Tâm, Cội Nguồn của sự sống, linh hồn (atman). Chúng ta thấy vẻ đẹp mà Babuji đơn giản hóa sự gắn bó của bản thể với mayaego (cái tôi), thể hiện nó bằng biểu đồ kiểu Samkhya gồm 23 vòng tròn. Trong biểu đồ này, các vòng tròn của maya chỉ là 5, trong khi các vòng tròn của ego là 11. Điều đó chỉ có nghĩa là cái tôi, ahankar, lái chúng ta ra ngoại biên, rời xa Trung Tâm. Ahankar là rào cản lớn hơn nhiều so với maya. Đây là một loại ảo tưởng.

Nhà hiền triết Patanjali gọi cái tôi là bhrantidarshan, nghĩa là sự nhầm lẫn. Tôi không phản đối việc đạt được các mục tiêu thế tục, nhưng việc gắn bản thân với sự giàu có và tài sản bên ngoài là phản ảnh của daridrata (sự nghèo khổ khốn cùng) nội tâm. Sự giàu có như vậy chỉ tạo ra bhranti, nghĩa là ảo tưởng hoặc sự mất an toàn. Cuộc sống tiếp tục dưới sự ngụy biện do sự đồng hóa này gây ra. Ngay cả những người giỏi nhất trong chúng ta cũng không thể thành công trong việc nhận ra thực tế này.

Một cuộc sống được dẫn dắt dưới cái bóng của ảo tưởng, vô minh, tăm tối và không tỉnh thức giống như sống trong địa ngục, trong khi cuộc sống được dẫn dắt với sự trong sáng, hồn nhiên và vui vẻ là một cuộc sống chốn bồng lai. Đây là vẻ đẹp của bhakti và những gì nó mở ra trên hành trình của nó. Ngày mà chúng ta thực sự chán ngấy cuộc sống trong bóng tối, chúng ta thất vọng tột cùng, tuyên bố, “Từ nay trở đi, tôi sẽ sống một cuộc đời giúp ích cho sự hướng nội.”

Đó là sự bắt đầu của việc lặng sóng trên mặt Đại Dương. Những xung đột nảy sinh từ nỗ lực hàng ngày để đáp ứng tất cả các đòi hỏi có thể trở thành một kiểu tapasya hay sự sám hối. Nếu nó trở thành tapasya, thì chúng ta chắc chắn sẽ chuyển từ thực hiện bổn phận của mình sang hoàn thành bổn phận đó với tình yêu chỉ vì Người Yêu Dấu. Và cùng một quỹ đạo có thể chín muồi thành bhakti không tì vết.

Bhakti cũng có nghĩa là dẫn dắt một cuộc sống với ánh sáng của cái biết, hoàn toàn nhận thức được việc trải qua tất cả các mặt đối lập trong cuộc sống, với sự đón nhận. Thiền không chỉ là hoạt động của tâm trí mà còn là một cái gì đó siêu vượt thân và tâm. Nhiều người phàn nàn rằng việc thiền của họ thường bị chệch hướng bởi nhiều kiểu sao lãng, nhưng thiền được thực hiện với bhakti khiến một người nhận ra cái ‘bất thị hiện’ với độ chính xác cao hơn, vì tâm trí thoát khỏi mọi thành kiến do nhận thức và bốc đồng. Sự sao lãng là kết quả cuối cùng của nhiều kiểu lệch lạc tinh thần khác nhau. Sự lệch lạc tinh thần là do sự điều kiện hóa của chính chúng ta, mà chúng ta gọi là samskara (dấu ấn).

Thuần hóa tâm trí, trong khi từ từ giải phóng samskara, trong hầu hết các trường hợp là một quá trình chậm chạp. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để làm cho bản thân phù hợp với môi trường bên trong khi samskara dần nhường chỗ cho sự rỗng rang nội tâm. Đó là lúc chúng ta nhận ra rằng mình có những hạn chế không chỉ trong việc chịu đựng nỗi đau mà còn cả niềm vui nữa.

Việc đi đến trạng thái vui hay buồn liên quan đến thực hành, và người trao tặng thực hành đó, vốn dĩ đã đan xen những phức cảm. Chừng nào mong muốn được đáp ứng, niềm tin của chúng ta trở nên lớn hơn. Khi mong muốn nào đó nằm trong danh sách chờ trong một khoảng thời gian đáng kể, chúng ta bắt đầu không tin vào tổ chức, phương pháp hoặc Guru. Tôi thấy điều này hàng ngày. Ví dụ, một người hành thiền đã viết, “Daaji, tình trạng của tôi rất tốt. Với phúc lành của ngài, giờ đây con gái tôi đã kết hôn và tôi hoàn toàn tự do. Tôi không còn mối bận tâm nào nữa và tôi đã quyết định phụng sự ngài suốt đời”. Vài tuần sau, cũng chính người đó than phiền, thậm chí buộc tội tôi không công bằng! Và khi tôi hỏi về lý do để làm sáng tỏ điều này, ông ấy thẳng thừng nói, “Ngài đã không giúp vợ tôi trong thời gian bà ấy đau ốm. Bây giờ bà ấy không còn nữa. Tôi đã cầu nguyện tới ngài bằng cả trái tim mình và xem điều gì đã xảy ra. Bây giờ tôi đã mất niềm tin và không thể thiền. Tôi ước gì Babuji ở đây. Chắc chắn ngài ấy đã chữa khỏi bệnh cho vợ tôi”.

Chứng kiến ​​những va chạm như vậy hàng ngày, chúng ta có thể thực sự nhận ra minh triết trong Kinh Narada Bhakti, câu 54:

Bhakti không có phẩm tính duy vật và sự thỏa mãn giác quan.

Nó ngày càng tăng, rất vi tế và có thể trải nghiệm được.

Bhakti đích thực không dao động cho dù thiếu phần thưởng hoặc thêm phần thưởng. Nó tăng lên trong mọi tình huống. Nó không ngăn bạn tận hưởng mối liên kết với vợ hoặc chồng và con cái của mình. Với một bhakta như vậy, khi nghịch cảnh ập đến, họ đón nhận tất cả với sự nhã nhặn và biết ơn. Bhakti không bao giờ có thể là điều kiện hóa. Bhakati siêu vượt cả lý trí và trái tim, cả logic và cảm xúc. Bhakti là yếu tố duy nhất có ảnh hưởng nhất đến sự làm giàu thêm cuộc sống - đạt đến ý thức thuần khiết.

Tình yêu là đặc quyền của một bhakta. Yêu có nghĩa là cho đi. Bi là cho đi. Trái lại, si là chiếm đoạt và lợi dụng người khác. Trái tim nhân ái biết cách chờ đợi, trong khi một người si mê không thể chế ngự được sự chờ đợi này. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận một cách an toàn rằng có một hiện tượng vĩnh cửu, cho dù đó là Kali Yuga hay Sat Yuga thì một người bị khuất phục bởi si mê không bao giờ có thể tự tin. Một người với tình yêu lớn dần vẫn chưa chắc tự tin, đôi khi tin bản thân mình và đôi khi tin người khác (cũng có nghĩa là đôi khi không tin bản thân mình và đôi khi không tin người khác). Một người được sở hữu bởi bhakti, có niềm tin trọn vẹn ở Chúa, đặt niềm tin của mình nơi Chúa. Một sự phó thác như vậy thật cao cả và đáng ngưỡng mộ. Niềm tin của một bhakta không bao giờ giảm sút, nó ngày một gia tăng.

Một lần, Babuji đã truyền tải một thông điệp giản dị khi Người ở Ahmedabad vào năm 1981. Người đang trên đường đến Nam Phi cùng với ngài Khusalbhai Patel và chỉ ở lại với chúng tôi hai đêm. Thông điệp giản dị này vẫn còn văng vẳng bên tai tôi:

Họ hoang mang trong cuộc kiếm tìm, 

ngay cả khi đã đến đích, họ vẫn đi tìm!

Tôi đã vui mừng khôn xiết khi nghe những lời đó. Nó đảm bảo rằng chúng ta đã đến đích! Đối với một người mộ đạo, trên thực tế, con đường có thể trở thành đích đến, và đây chắc chắn là kết quả của ân sủng và lòng thương xót của Ngài. Mặt khác, từ phía mình, chúng ta đã không làm gì cả.

Còn Guru và Thượng Đế thì sao? Nếu Thượng Đế đòi hỏi bất cứ điều gì, thì Ngài cũng chỉ là một kẻ ăn xin. Chúng ta không thể đưa Ngài xuống bình diện của chúng ta. Liệu một Guru đã siêu vượt các mặt đối lập và trạng thái ‘chết khi đang sống’, và cũng hợp nhất với Cái Tối Thượng, có bao giờ cho phép bất kỳ học trò nào tôn thờ mình? Ông ấy không tìm kiếm sự thỏa mãn của việc tự coi mình là quan trọng, cũng như danh lợi, hoặc tiếng tăm. Có lẽ ghi nhớ những phẩm chất như vậy của một Guru xứng đáng có thể cứu chúng ta khỏi bị mắc bẫy. Là người mộ đạo, chúng ta phải học cách cộng hưởng với một người mà chúng ta thấy đáng để mình chú ý, cảm phục và yêu thương.

Bất cứ điều gì chúng ta đạt được nhờ nỗ lực của bản thân sẽ luôn nhạt nhòa trước những món quà mà Thượng Đế trao tặng. Với sự sám hối và thực hành tận tâm trong nhiều năm, chúng ta vẫn không thể đòi hỏi rằng Cái Tối Thượng phải giáng hạ nơi trái tim mình một cách toàn diện. Tất cả sự luyện tập của chúng ta là để chuẩn bị một trái tim tôn kính, hiến dâng và quy thuận. Chính sự chuẩn bị sẵn sàng của trái tim rỗng rang thu hút Cái Tối Thượng. Cuối cùng, tột bực, chỉ vì lòng từ và sự thương xót của Ngài, mà không phải vì chúng ta đã sẵn sàng và được chuẩn bị. Ở đây, chúng ta nhận ra minh triết trong câu thơ nổi tiếng từ Bhagavad Gita, chương II, câu 47:

Ngươi có quyền thực hiện bổn phận, 

nhưng ngươi không được quyền đối với kết quả của hành động đó.

Đừng bao giờ coi mình là nguyên nhân dẫn đến kết quả của hành động, 

và cũng đừng bao giờ bị dính mắc vào việc không thực hiện bổn phận.

Với lời cầu nguyện chân thành,

Kamlesh

24 tháng 7 năm 2021

Kanha Shanti Vanam

Thông điệp kỷ niệm 94 năm ngày sinh Pujya Shri Chariji Maharaj 

Ghi chú:

Kali Yuga: Suy đồi và tan rã, chu kỳ thứ tư trong 4 chu kỳ sinh diệt của Vũ trụ.

Sat Yuga: Cực thịnh, chu kỳ đầu tiên trong 4 chu kỳ sinh diệt của Vũ trụ.

Maya: Sự biểu hiện thuộc hiện tượng. Đó thực sự là quyền năng của Thượng Đế. Tất cả những biểu hiện hoặc sự mở rộng tựa hồ như ảo tưởng đều là trò chơi của Maya.

Samkhya: Một trường phái của triết học Ấn Độ.

Shri Chariji Maharaj: Guru đời thứ 3 của Heartfulness

Nguồnhttps://www.sahajmarg.org/chariji-birthday