Ngày xửa ngày xưa ở Tây Tạng có một cậu bé muốn bay. Câu chuyện kể rằng một ngày đẹp trời cậu nhìn thấy một con chim khổng lồ bay oai vệ trên bầu trời, nhưng khi tới gần hơn, cậu nhận ra đó là một người bay giống như chim, vì vậy cậu đi từ làng này sang làng khác tìm vị thầy biết bay đó. Cuối cùng, sau nhiều tháng tìm kiếm, cậu gặp được vị thầy. Cậu nài nỉ với sự háo hức được học thuật khinh công dưới sự chỉ dẫn của thầy.
Cậu tận tụy phục vụ thầy trong nhiều năm, cho đến ngày định mệnh vào một đêm trăng tròn, vị thầy truyền dạy cho cậu kiến thức về phương pháp để bay được như chim. Ông yêu cầu cậu biến kiến thức này thành hành động bằng việc thiền vào lúc nửa đêm. Rồi ông dặn dò thêm: "Nguyên tắc duy nhất để kỹ thuật này vận hành là con không được phép nghĩ về những con khỉ."
Quá đỗi vui mừng với kiến thức đó, cậu xin phép trở về nhà. Trên đường đi cậu tự nhủ, "Tại sao mình lại nghĩ về khỉ được chứ? Mình chưa từng nhìn thấy khỉ. Mình sẽ không nghĩ về khỉ," và theo cách này dòng suy nghĩ của cậu tuôn chảy. Đêm hôm đó, khi ngồi thiền, mọi sự tập trung và suy nghĩ của cậu đều là "không được nghĩ về khỉ", vì vậy thời cơ đến rồi đi và cơ hội bị tuột mất.
Hành trình tâm linh của chúng ta cũng đầy cạm bẫy như thế, chủ yếu là kết quả từ mong muốn của chúng ta và ý nghĩ khởi sinh từ chúng. Thay vì thiền một cách đơn thuần, chúng ta thiền với mong muốn có được và đạt được điều gì đó. Ví dụ, nếu một ngày nào đó chúng ta có một trải nghiệm sâu sắc khi thiền, sau đó chúng ta mong muốn có thêm nhiều trải nghiệm giống như thế. Chúng ta muốn những buổi sitting (thiền với người hướng dẫn) sâu hơn, tầm nhìn sâu sắc và nguồn cảm hứng bên trong. Danh mục mong muốn tiếp tục tăng.
Mong muốn hoạt động như vật cản đối với trải nghiệm. Mong muốn tước đi những món quà mà Thiên nhiên muốn ban tặng cho chúng ta. Khi không có được trải nghiệm mình mong muốn, chúng ta không chỉ mất đi món quà mà lẽ ra mình được nhận mà còn cảm thấy thất vọng và sinh ra sự hoài nghi. Chúng ta nghi ngờ địa điểm, con người, phương pháp và thậm chí là Master. "Có điều gì đó không ổn với thực hành của tôi?" "Có lẽ nhóm mà tôi đang thiền cùng không tốt", "Tôi có mất kết nối với bên trong không?" Đây là những điều tôi đã nghe từ người tìm kiếm.
Rồi chúng ta xào xáo vấn đề bằng việc trao đổi trải nghiệm với người tìm kiếm khác và so sánh trải nghiệm của mình với của họ. Khi ai đó mô tả một trải nghiệm tuyệt đẹp, chúng ta nghĩ, "Tại sao mình không được trao cho thứ như thế?" So sánh và mong muốn là bạn chí cốt và giở thủ đoạn không thương xót đối với tâm trí.
Bây giờ, làm thế nào để vượt qua vấn đề thực tế và rắc rối này? Câu trả lời thật đơn giản: thái độ. Thái độ chúng ta tiếp cận thiền sẽ quyết định chiều cao mà chúng ta đạt được. Babuji Tôn kính đã trao cho chúng ta sự hướng dẫn rất hay về điều này. Trong cuốn Commentary on the Ten Maxims of Sahaj Marg (tạm dịch: Bình giảng Mười Chân ngôn Sahaj Marg), Ngài nói hãy thực hành "với một trái tim chan chứa yêu thương."
Mỗi buổi thiền có thể là một hành động quy thuận. Khi thiền với một thái độ như vậy, chúng ta phủ định sự tồn tại của chính mình, vô hiệu hóa mong muốn của bản thân và tạo ra khoảng trống bên trong để những chiều kích cao hơn giáng hạ.
Khái niệm quy thuận thường bị hiểu lầm. Chúng ta không quy thuận ai đó hay điều gì đó. Thay vào đó, mỗi hành động được thực hiện bằng tình yêu chính là sự quy thuận. Đây là nơi chúng ta nhận thấy sự lỗi lạc trong câu nói của Babuji Tôn kính khẩn thiết yêu cầu chúng ta hãy thực hành với một trái tim chan chứa yêu thương. Khi thiền với tình yêu, một cách tự nhiên chúng ta tạo ra trạng thái quy thuận. Trong trạng thái như vậy, không còn bất kỳ phiền trược nào về những trải nghiệm chúng ta nhận được. Thiền không còn là đổi lấy sự Thiêng liêng. Chúng ta cởi mở để mọi thứ cần thiết xảy ra. Lúc này con đường chính là đích đến và khi con đường trở thành đích đến, chúng ta có thể coi chính mình được quy thuận.
Trong trạng thái quy thuận như vậy, bất cứ phiền trược nào cũng là sự xúc phạm Chúa. Vậy hãy thiền với tình yêu và để phép mầu xảy ra!