Các con yêu quý. Anh Prakash vừa nói với các con rằng một tháng nữa là ta sẽ tròn 50 năm trong Sahaj Marg. Điều đó cho thấy 50 năm đời người dành cho mục đích tu tập, thực hành tâm linh là ít ỏi như thế nào.
Ta đã từng băn khoăn khi
nghe hoặc đọc về các hiền triết trong quá khứ thiền trong 20.000 năm - một
số thiền từ kỷ này qua kỷ khác. Và thời gian đó so với thời gian của chúng ta
là gì?
Từ kỷ Treta đến kỷ Dwapara - kỷ, hàng trăm nghìn năm! Họ chỉ ngồi thiền, và khi mở mắt ra họ thực sự đã ở trong một kỷ khác. Khoảng thời gian trong những kỷ xuất sắc ngập tràn hòa bình, bình yên, đức hạnh, nhân cách, đạo đức mới dài làm sao.
Thời gian đó rất dài - hàng kỷ. Và bây giờ, trong cuộc đời của chúng ta, ở kỷ Kali,
đầy rẫy sự thối nát, vô đạo đức, thiếu hòa bình, bạo lực, tham lam, với tất cả tính chất tiêu
cực này, các Master của chúng ta đã làm cho thiền thật dễ dàng, Babuji
Maharaj nói với sự chắc chắn rằng nếu thực hành Sahaj Marg đúng đắn, hàng
ngày, một cách có hệ thống như được quy định, chúng ta có thể đạt được mục tiêu thậm
chí cao hơn những gì các hiền triết đã đạt được, ngay trong cuộc đời này.
Thực hành thiền
đã được điều chỉnh theo thời đại thậm chí từ thời Lalaji Maharaj tới thời
Babuji. Nếu đọc sách của Hiệp hội một cách thích đáng, con thấy, Lalaji Maharaj đã truyền pháp môn tùy theo từng người ngồi trước mặt Ngài. Đối
với một số người Ngài quy định thần chú, đối với một số khác Ngài quy định puja, v.v.
Nhưng Babuji Maharaj đã tinh chỉnh nó, cho đến ngày nay chúng ta chỉ phải ngồi như
thế này trong 1 giờ - Ta hy vọng thực sự thiền, bởi vì nếu chúng ta
ngồi trong 1 giờ và không thiền, thì cũng chẳng ích gì. Con phải thiền, có
nghĩa là, hãy hình dung ánh sáng thiêng liêng trong trái tim và giữ nó ở đó
trong suốt buổi thiền.
Vì vậy, đây chẳng phải là một điều kỳ diệu - một sự chuyển đổi tuyệt vời trong thực hành yoga, một trong những thứ mà Ấn Độ nổi tiếng, là quyền thừa kế của chúng ta, hay sao? Từ hàng kỷ tới còn 20, 30, 40, 50 năm thiền nếu được thực hiện đúng đắn, chúng ta tới đích. Và tuy nhiên, ta phải nói 'tuy nhiên' - thật đáng tiếc, nhiều người không trân trọng những gì họ có, món quà họ nhận được.
Thời gian được rút xuống còn một đời
người ngắn ngủi. Ngay cả nói ‘đời người’ cũng là quá dài, bởi vì 18 năm đầu đời chúng ta chưa được phép thiền; có lẽ 10 năm cuối đời, chúng ta không thể thiền. Vì vậy, nếu con tính thời gian khả dụng - ngay cả với người sống thọ, có lẽ khoảng 60 năm thiền thực sự tích cực, có hệ
thống, chuyên tâm - điều mà các hiền triết xưa không thể đạt được
trong hàng nghìn năm, chúng ta đạt được, chúng ta có thể đạt được trong
vỏn vẹn 60 năm. Thậm chí ít hơn, bởi vì Babuji Maharaj từng nói,
"Con chỉ phải quay đầu từ đây (tâm trí) tới đây (trái tim) và con ở Đó,
nơi con phải ở.” Nhưng, giống như mọi sự ngu ngốc, khi chúng ta có của cải
trong tay, dù là sức khỏe thể chất, tinh thần hay tâm linh, chúng ta đều phung phí nó.
Chúng ta phung phí thời gian, chúng ta lãng phí
sức lực vào các mưu cầu dại dột. Ý ta là, một kiến thức phổ biến rằng con người sở
hữu khối óc và sức mạnh ý chí được cho là sẽ dẫn dắt họ trên con đường tiến hóa, nhưng chúng
ta dường như sử dụng cả hai sai cách. Mặc dù biết điều gì là
đúng, chúng ta vẫn làm những điều sai. Chẳng phải thế sao? Chúng ta sẵn
lòng làm những điều sai. Không phải là chúng ta bị ép buộc hay cưỡng bức làm những
điều sai. Chúng ta sẵn lòng tham gia vào những hoạt động dại dột, những
hoạt động phi đạo đức, những hoạt động tội phạm. Và sau đó, điều gì xảy ra?
Chúng ta đánh mất một cơ hội nữa; một cuộc đời nữa bị phung phí.
Sức mạnh ý chí bị sử dụng sai cách và dẫn đến một
kiếp sống nữa, khiến Master thật đau lòng. Bởi vì ta chắc
chắn các Master rất buồn, rất không vui, về những gì đang xảy ra ở đây trên
trái đất này. Chúng ta thấy trong những thông điệp của Babuji, được lặp đi lặp lại, rằng
một đời người không là gì so với cái vô hạn và nếu muốn tiến
hóa, chúng ta phải sử dụng thực hành thiền này một cách chính xác, có hệ thống, chuyên tâm,
hiến dâng, làm theo những chân ngôn của Sahaj Marg. Nhưng quan trọng nhất, hãy vứt
bỏ mọi định kiến. Không giận ai; không định kiến, không hận thù. Duy
nhất tình yêu dành cho người khác phải ở trong trái tim chúng ta -
abhyasi hay không, điều đó không quan trọng.
Một con người thậm chí đáng được tôn thờ, bởi
vì kiếp người là rất khó đạt được. Phải mất rất nhiều - Ta không
biết bao nhiêu kỷ tiến hóa trước khi chúng ta trở thành con
người. Vì vậy, bởi chính bản chất là con người, anh ấy hay chị ấy xứng đáng được tôn thờ. Đây là lý do tại sao chúng ta thực hiện Namaskar ở Ấn Độ khi nhìn thấy một người - "Tôi cúi chào bạn." Nhưng nếu đó chỉ là tay và ở đây, trong trái tim có sự hận thù, giận, bực bội, thì đó chỉ là hành vi đạo đức giả. Đây là điều quan trọng nhất trong Sahaj
Marg.
Khi con thực hiện Namaskar, phải có sự tôn trọng đối
với người đối diện, và quan trọng nhất, là tình yêu đối với người mà chúng ta
chào. Nghi thức này trở thành một hệ thống - chính trị gia thực hiện nó, tội phạm thực hiện nó, cảnh sát thực hiện nó, tất cả mọi người thực hiện nó. Nó trở nên vô nghĩa
trong bối cảnh Ấn Độ. Mặc dù chúng ta có phương pháp tiến hóa tâm linh cao nhất, dễ nhất, đơn giản nhất, sự suy đồi vẫn đang tăng lên và
sự tiến hóa con người đã đi xuống tới mức như Ấn độ ngày nay - con biết Ấn Độ là gì, ta không muốn nói điều đó. Ta xấu hổ khi phải nói ra.
Vì vậy, ít nhất bây giờ con nên thức giấc.
Hãy vứt bỏ tất cả mọi hận thù, sự khước từ người khác, sự phán xét người khác ra khỏi trái tim. Hãy nhìn vào gương và xem con là gì, giống như nữ hoàng trong phim Bạch Tuyết. Đối với bà ấy, sự hận thù dâng lên và bà ấy muốn tiêu diệt Bạch
Tuyết. Nhưng đối với chúng ta, càng thấy mình trong gương bằng con mắt chân
thật, với nhu cầu biết cái chúng ta nhìn thấy, trước tiên chúng ta sẽ có khả năng tự đánh giá
bản thân, sau đó tự điều chỉnh để tiến từng bước
trên nấc thang tiến hóa. Nếu không thì điều đó trở nên vô nghĩa.
Thật là một bi kịch lớn khi chúng ta được trao tặng những viên kim cương và ném chúng đi, rồi nhặt những viên đá lên và nâng niu chúng.
Người Thiên Chúa giáo nói, "Đừng ném ngọc trước mõm heo". Nếu con ném viên ngọc trước mõm heo thì chúng sẽ làm gì với nó? Chúng sẽ
bỏ đi và làm những gì chúng thích. Con người có nên hành xử giống như thế không?
Chúng ta có ý định hành xử như vậy không? Chúng ta ở đây để hành xử như
vậy sao? Chúng ta đã được ban cho khối óc và sức mạnh ý chí để hành xử
như thế sao?
Mỗi khi biết mình phải
làm gì, chúng ta chỉ nói, "Được rồi, tôi sẽ bắt đầu nó từ ngày mai," và
ngày mai đó không bao giờ đến. Nếu con không thể thực hiện ý chí ngày hôm nay để làm
những gì con phải làm hôm nay, bây giờ, thì điều đó sẽ không bao giờ được thực hiện. Bởi
vì sự trì hoãn là kẻ trộm thời gian - một câu ngạn ngữ cổ. Sự trì hoãn có
nghĩa là gác lại những gì phải làm hôm nay sang ngày mai, ngày mai,
ngày mai, ngày mai. Và khi thời điểm đến, chúng ta hoàn toàn không được chuẩn
bị, không xứng đáng, không đáng giá, và do đó chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ nếu đủ ân sủng; hoặc chúng ta thụt lùi.
Do đó, số năm chúng ta dành cho thiền không quan
trọng; mà chúng ta thiền sâu như thế nào. Thiền càng sâu chúng ta
càng thăng tiến; nếu không thì 50 năm cũng không là gì cả. 50 năm là
gì chứ? Rùa sống được 100 năm, 200 năm. Có nhiều sinh vật, vật chất hữu cơ
sống rất lâu; những cây ở California đã sống 4000 năm - chúng không lên thiên
đường hay bất cứ đâu.
Đời người không nên được đo bằng năm,
mà nếu có thể, bằng bao nhiêu bậc trong nấc thang tiến hóa chinh phục được trong
một thời gian nhất định. Trong năm thiền thứ nhất, 5 bậc; có lẽ năm thiền thứ
hai, 20 bậc; năm thiền thứ ba, 100 bậc. Tốc độ tiến hóa ngày càng tăng tiến. Nếu không, ít nhất là 5 bậc mỗi năm thiền. Nhưng nếu nó là
5 bậc, 4 bậc, 3 bậc, 2 bậc, thì chúng ta phải hỏi, “Tôi sẽ đi tới đâu?”
Bởi vậy, số năm không có ý nghĩa gì cả. Từ thời
điểm chúng ta bắt đầu thiền, sự tiến hóa phải đã bắt đầu. Ngay từ buổi thiền đầu tiên với người hướng dẫn, sự tiến hóa của chúng ta phải đã bắt đầu. Khi tên lửa được phóng lên, nó vẫn tiếp tục cho đến khi vượt ra khỏi lực hút của trái đất. Sau đó, nó ở trên
quỹ đạo của riêng nó mà không bị cản trở; không gì có thể kìm hãm nó. Tương tự như
vậy, chúng ta cũng có một biên độ hấp dẫn được tạo ra bởi ham muốn. Thật đáng tiếc, ham
muốn cản trở trí tuệ và năng lực sức mạnh ý chí, và trong hoàn cảnh đó, chúng ta không tiến triển. Sức mạnh bị dùng sai.
Nó giống như động cơ ô tô đi số lùi thay vì số tiến. Nó phải
được cài số tiến và rồi nhấn ga, để nó không chỉ tiến về phía trước mà còn đi với tốc độ tăng dần.
Nói về 50 năm và 40 năm này không có ý nghĩa gì cả. Ta nhắc đi nhắc lại rằng, điều đó giống như sự phát triển của một đứa trẻ. Con có một em bé, sinh ngày
hôm nay. Sau một năm vẫn là đứa trẻ, sau 10 năm vẫn là đứa trẻ. Con sẽ nghĩ gì về đứa bé? Con sẽ chạy chữa từ bác sĩ này tới bác sĩ
khác, đau lòng, và cầu xin tất cả các vị thần mà con có thể nghĩ đến, tham khảo các nhà thần học: "Con tôi như thế này." "Vâng, thưa bà, cháu
bao nhiêu tuổi? Cháu có vẻ là 10 ngày tuổi." "Không, không, thưa
bác sĩ, cháu 10 tuổi rồi." "10 tuổi ư?!" Và sau đó bác sĩ
không biết phải làm gì.
Đời sống tâm linh của chúng ta không nên như
thế. Tính cách của con có cải thiện, có thay đổi không? Con có yêu thương mọi người, tất cả mọi người - bạn bè, kẻ thù, tất cả không? Không
còn phân biệt giữa bạn và thù. Không còn phân biệt giữa abhyasi và không
phải abhyasi. Không còn phân biệt giữa 'ưa thích' và 'không ưa thích'. Nếu
điều này không đạt được, tất cả những năm tháng đã qua chỉ là đùa giỡn với thực hành tâm linh. Ta nhắc lại, đó là sự đùa giỡn đối với thực hành tâm linh.
Ta không có thông điệp sâu sắc nào để nói. Đây là
thông điệp quan trọng hơn. Con đang làm gì với cuộc đời mình? Ta biết ta rất vui khi nhìn thấy
nhiều nghìn người ở đây, nhưng đó không phải là thước đo thực sự của tâm linh.
Một lần, ta ở cùng Babuji ở Shahjahanpur. Khi đó, ta là Tổng Thư ký của
Hiệp hội. Ngài nói với ta, "Parthasarathi, con phải thật nghiêm
khắc." Ta nói, "Babuji Maharaj, khi con nghiêm khắc, rất nhiều điều tồi tệ xảy ra, mọi người bỏ đi. Nếu con rất nghiêm khắc, sẽ chỉ còn lại rất
ít người trong Hiệp hội này." Ngài nói với ta, "Không có vấn đề gì nếu còn lại mình con trong Hiệp hội; thế là đủ rồi." Ta đã
tự hỏi ý nghĩa của câu nói này là gì. Sau đó, ta nhận ra rằng một cái cây phải cho ít
nhất một hạt giống để từ đó một cái cây khác có thể phát triển; nếu không thì giống đó bị mất, loài đó bị tuyệt chủng. Nếu có ít nhất một cặp giống loài nào đó, chúng có thể giao phối và sinh ra vài con và nếu chúng được bảo
vệ, có thể trong một vài năm thay vì chỉ hai con sư tử sẽ có cả trăm con sư tử. Nhưng
nếu con cái đó bị giết, thì giống loài đó bị tuyệt diệt, mãi mãi.
Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải giữ cho ngọn lửa nhỏ này
vĩnh viễn ở đây, ngày càng lớn dần cho đến khi, nếu con tin ta, nó sẽ chiếu sáng cả vũ trụ - không phải bằng ánh sáng nhìn thấy, mà bằng ánh sáng mà Babuji thường gọi là "ánh sáng không có độ sáng”. Ngay cả trong ánh sáng
vật lý, nếu không có vật phản xạ ánh sáng, con không thể nhìn thấy ánh sáng đó.
Đó là lý do tại sao ánh sáng gần nhất với ánh sáng tâm linh. Và Babuji Maharaj nói,
"ánh sáng này sẽ chiếu sáng cả vũ trụ" - ánh sáng không có độ sáng.
Chúng ta có nó, hay chúng ta làm cho nó ngày càng tàn lụi?
Thực hành tâm linh là đơn giản. Nó mất rất
ít thời gian; tối đa 2 giờ một ngày: một giờ vào buổi sáng để thiền, nửa
giờ cho thanh lọc buổi tối và cầu nguyện trước khi đi ngủ. Nếu có nhiều
thời gian hơn ở giữa, con có thể thiền thêm một giờ nữa, một giờ nữa -
nhưng nghỉ giữa 2 lần thiền; con không nên thiền liên tiếp.
Thông điệp tâm linh thậm chí là ngắn.
Nó không giống như các bài diễn thuyết dài của các bậc thầy trên sân khấu. Chúng ta nói đây là những lời dạy thực tiễn. Nếu ta nói chuyện với con
trong nửa giờ, Babuji nói ba câu trong Thông điệp. Một dòng là đủ: 'Đừng lãng phí thời gian’. Còn cần gì nhiều hơn thế? Người có trí tuệ hiểu. 'Đừng lãng phí thời gian.’ Điều đó tốt cho học sinh, tốt cho bà mẹ nội trợ, tốt cho người đi làm; tốt cho người tu tập. Đừng lãng phí thời gian. Điều đó là không đủ ư?
Chúng ta không cần những câu nói tuyệt vời bằng tiếng Phạn rút ra từ kinh Vệ Đà: hãy dẫn tôi từ vô thường tới thực tại. Điều đó là tốt đối với học giả. Đối với học giả, điều đó là cần
thiết, nhưng hãy dẫn tôi từ bóng tối tới ánh sáng, thế là đủ? Hầu hết mọi người
không biết ngay cả ý nghĩa của câu đó. Đi từ bóng tối tới ánh sáng là quan trọng nhất - hãy dẫn
tôi từ cái chết tới sự bất tử. Chà, Sahaj Marg ở đây là để làm điều đó.
Họ lặp lại nó giống như những gì chúng ta nói
trong U.P. - giống như con vẹt nói: Ram. Những con vẹt này được thưởng cho số lần Ram mà chúng lặp lại trong đời, chúng nên
ở Vùng Trung tâm trong kiếp sống sau! Vì vậy, nếu con muốn đi từ
bóng tối tới ánh sáng ...
Tamas - đó là hành vi chi phối cuộc sống của
chúng ta về mọi mặt: ghét thứ này, ghét thứ kia, hận anh ấy, hận cô ấy, định kiến. "Anh ta là một kẻ ngốc, anh ta là một con lừa, anh
ta là cái này, anh ta là cái kia, anh ta là người Ấn giáo, anh ta là người Thiên Chúa giáo, cô ấy đến từ Nga, họ đến từ Mỹ." Đây là cái gì?
Ta không nói về sự thống nhất chính trị, ta nói về sự thống nhất tâm linh, nơi tất cả chúng ta là anh chị em trong một
thế giới, có thể được chia thành các đơn vị chính trị để quản trị,
để dễ quản lý - cũng như chúng ta có một chiếc áo với 3 túi, nhưng là một chiếc áo.
Mọi thứ là định kiến; chỉ có tình yêu là không định kiến.
Ta chỉ có hai thông điệp - 'Yêu Ngài người yêu thương tất cả', rất dễ. Ít nhất ai cũng tuyên bố rằng họ yêu Babuji Maharaj. Ta không biết là từ trái tim hay từ chóp lưỡi đầu môi, nhưng cứ cho là từ trái tim. Nhưng 'yêu thương tất cả
những người mà Ngài yêu' - đã ai hiểu ý nghĩa của nó hoặc cố gắng đưa nó vào thực tiễn chưa? Vì vậy, ta có hai thông điệp hôm nay: "Đừng lãng phí thời gian," và
"Yêu thương tất cả những người mà Ngài yêu."
Phước lành cho tất cả các con.
Chariji Maharaj
Ngày 1 tháng 1 năm 2014, Chennai, Ấn độ