4 tháng 6, 2017

Sự quan sát

Swami Vivekananda giải thích cơ sở khoa học của Raja Yoga và tầm quan trọng của sự quan sát trong quá trình này.


Tất cả kiến thức của chúng ta đều dựa trên kinh nghiệm. Cái gọi là kiến thức suy luận, ở đó chúng ta đi từ cái tổng quát ít hơn đến cái tổng quát nhiều hơn, hoặc từ cái chung đến cái cụ thể, lấy kinh nghiệm làm cơ sở. Trong những gì được gọi là khoa học chính xác, người ta dễ dàng tìm ra sự thật, bởi vì nó kêu gọi kinh nghiệm cụ thể của mỗi con người. Nhà khoa học không bảo bạn tin vào bất cứ điều gì, nhưng ông ấy có những kết quả nhất định đến từ kinh nghiệm của chính ông ấy, và lý luận về chúng khi ông ấy yêu cầu chúng ta tin vào kết luận của ông ấy, ông ấy kêu gọi một số kinh nghiệm chung của nhân loại.

Trong mọi khoa học chính xác, đều có một cơ sở chung cho toàn nhân loại, để chúng ta có thể ngay lập tức nhìn ra sự thật hay sai lầm của những kết luận được rút ra từ đó. Bây giờ, câu hỏi đặt ra là: Tôn giáo có cơ sở nào như vậy hay không? Tôi sẽ phải trả lời câu hỏi cả ở thể khẳng định và phủ định. Tôn giáo, như được dạy chung trên toàn thế giới, được cho là dựa trên đức tin và niềm tin, và, trong hầu hết các trường hợp, chỉ bao gồm các bộ lý thuyết khác nhau, và đó là lý do tại sao chúng ta thấy tất cả các tôn giáo đều tranh cãi với nhau. Những lý thuyết này, một lần nữa, dựa trên niềm tin. Một người nói rằng có một Đấng Vĩ đại đang ngồi trên những đám mây và cai quản toàn vũ trụ, và anh ta yêu cầu tôi tin điều đó chỉ dựa vào thẩm quyền sự khẳng định của anh ta. Theo cách tương tự, tôi có thể có ý tưởng của riêng mình, mà yêu cầu người khác tin, và nếu họ hỏi lý do, tôi không thể đưa bất kỳ lý do nào.

Đây là lý do tại sao tôn giáo và triết học siêu hình mang tiếng xấu ngày nay. Mỗi con người có học dường như nói, “Ồ, những tôn giáo này chỉ là một mớ lý thuyết mà không có bất kỳ tiêu chuẩn nào để đánh giá chúng, mỗi người rao giảng những ý tưởng con cưng của riêng họ.” Tuy nhiên, có một cơ sở của niềm tin chung vào tôn giáo, chi phối tất cả các lý thuyết khác nhau và tất cả các ý tưởng khác nhau của các giáo phái khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Đi đến ngọn nguồn của chúng, chúng ta thấy chúng cũng dựa trên kinh nghiệm chung.

Trước hết, nếu phân tích tất cả các tôn giáo khác nhau trên thế giới, bạn sẽ thấy rằng những tôn giáo này được chia thành hai nhóm, một nhóm có kinh sách và nhóm còn lại không có kinh sách. Nhóm có kinh sách mạnh nhất, và có số lượng tín đồ lớn nhất. Nhóm không có kinh sách hầu hết đã lụi tàn, và một vài tôn giáo mới xuất hiện thì số lượng tín đồ rất nhỏ. Tuy nhiên, ở tất cả các tôn giáo này, chúng ta tìm thấy một sự đồng quan điểm, rằng những sự thật mà họ dạy là kết quả từ kinh nghiệm của những con người cụ thể. ... Nếu đến đầu nguồn của Thiên Chúa giáo, bạn sẽ thấy rằng nó dựa trên kinh nghiệm. Chúa Giê-su nói rằng ngài đã thấy Thượng đế; các con chiên cho biết họ đã cảm thấy Thượng đế; v.v. Tương tự, trong Phật giáo, đó là kinh nghiệm của Đức Phật. Ngài đã kinh nghiệm những sự thật nhất định, thấy chúng, tiếp xúc với chúng, và giảng chúng cho thế giới. Với người theo đạo Hindu cũng vậy. Trong sách của họ, các tác giả được gọi là hiền triết, tuyên bố rằng họ đã trải nghiệm những sự thật nhất định, và họ giảng về những thứ này. Vì vậy, rõ ràng tất cả các tôn giáo trên thế giới đều được xây dựng dựa trên một nền tảng chung và kiên cố của tất cả kiến thức - kinh nghiệm trực tiếp. Các bậc thầy đều đã thấy Thượng đế; tất cả họ đều đã thấy linh hồn của chính họ, họ đã thấy tương lai của họ, họ đã thấy sự vĩnh hằng của họ, và họ giảng về những gì họ thấy.

Chỉ có sự khác biệt, đó là hầu hết các tôn giáo này, đặc biệt là trong thời hiện đại, một tuyên bố lạ kỳ được đưa ra, đó là, những kinh nghiệm này là không thể xảy ra vào thời đại ngày nay; chúng chỉ có thể với một vài người, là những người sáng lập đầu tiên của các tôn giáo mà sau này mang tên họ. ... Đây là điều tôi hoàn toàn phủ định. Nếu có một kinh nghiệm trên thế giới này trong bất kỳ nhánh cụ thể nào của kiến thức, thì kinh nghiệm đó hoàn toàn có thể xảy ra hàng triệu lần trước đó, và sẽ vĩnh viễn được lặp lại. Sự đồng dạng là quy luật khắt khe của thiên nhiên; những gì đã từng xảy ra luôn có thể xảy ra.

Do đó, các bậc thầy của khoa học về Yoga, tuyên bố rằng tôn giáo không chỉ dựa trên kinh nghiệm của thời cổ đại, mà không ai có thể mộ đạo cho đến khi bản thân anh ta có cùng nhận thức. Yoga là môn khoa học dạy chúng ta cách để có được nhận thức này. Sẽ không có ích gì nếu nói về tôn giáo cho đến khi một người cảm nhận được nó. Tại sao lại có quá nhiều lộn xộn, quá nhiều cuộc chiến và tranh cãi trong cái danh của Thượng đế?

... Con người muốn sự thật, muốn tự mình trải nghiệm sự thật; khi anh ta đã nắm bắt được nó, nhận ra nó, cảm thấy nó trong trái tim của những trái tim mình, rồi một mình, tuyên bố kinh Vệ-đà, mọi nghi ngờ tan biến, mọi bóng tối được xua tan, và mọi quanh co được duỗi thẳng. “Hỡi em thơ của sự bất tử, ngay cả người sống trong giới cao nhất, con đường được tìm thấy; có một con đường thoát ra khỏi mọi bóng tối, và đó là bằng việc chứng nghiệm Ngài, Đấng vượt ra ngoài mọi bóng tối; không có cách nào khác.”

Khoa học của Raja Yoga đề xuất đưa ra trước nhân loại một phương pháp thực tế và khoa học để đạt được sự thật này. Trước hết, mỗi khoa học phải có phương pháp điều tra riêng. ... Tôi có thể giảng cho bạn hàng nghìn bài, nhưng chúng sẽ không làm cho bạn mộ đạo, cho đến khi bạn thực hành phương pháp. Đây là thực tế của các hiền triết của mọi quốc gia, mọi thời đại, những người trong sáng và không ích kỷ, những người không có động cơ nào ngoài việc làm điều tốt lành cho thế giới. Tất cả họ đều tuyên bố rằng họ đã tìm thấy sự thật nào đó cao hơn những gì giác quan có thể mang lại cho chúng ta, và họ mời xác minh. Họ đề nghị chúng ta thực hiện phương pháp và thực hành một cách trung thực, và sau đó, nếu không tìm thấy sự thật cao hơn này, chúng ta sẽ có quyền tuyên bố rằng không có sự thật, nhưng trước khi làm điều đó, chúng ta không có lý do gì để phủ định sự thật trong những khẳng định của họ. Vì vậy, chúng ta phải làm việc một cách trung thực, sử dụng các phương pháp được quy định, và ánh sáng sẽ đến.

Trong việc lĩnh hội kiến thức, chúng ta khái quát hóa, và sự khái quát hóa dựa trên quan sát. Đầu tiên, chúng ta quan sát các sự việc, sau đó khái quát hóa, và rồi rút ra kết luận hoặc nguyên tắc. Không bao giờ có được kiến thức về tâm trí, về bản chất bên trong của con người, về suy nghĩ, cho đến khi chúng ta có khả năng quan sát các sự việc diễn ra bên trong trước hết. Tương đối dễ dàng để quan sát sự kiện ở thế giới bên ngoài, vì nhiều công cụ đã được phát minh cho mục đích này, nhưng trong thế giới bên trong chúng ta không có công cụ nào để giúp mình. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng chúng ta phải quan sát để có một khoa học chân chính. Nếu không có sự phân tích thích hợp, bất kỳ khoa học nào cũng sẽ vô vọng, chỉ là lý thuyết suông. Và đó là lý do tại sao tất cả các nhà tâm lý học tranh cãi với nhau ngay từ buổi ban đầu, ngoại trừ một số ít người tìm ra phương tiện quan sát.

Khoa học về Raja Yoga, ngay từ đầu, đề xuất cung cấp cho chúng ta một phương tiện quan sát các trạng thái bên trong. Công cụ là chính tâm trí. Sức mạnh của sự chú ý, khi được hướng dẫn đúng cách, và hướng vào thế giới bên trong, sẽ phân tích tâm trí và soi sáng sự việc cho chúng ta. Sức mạnh của tâm trí giống như những tia sáng phân tán; khi được tụ lại, chúng soi sáng. Đây là phương tiện kiến thức duy nhất của chúng ta.

Mọi người đều đang sử dụng nó, cả thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, nhưng đối với nhà tâm lý học, sự quan sát cùng lúc phải được hướng vào thế giới bên trong, cái mà nhà khoa học chỉ hướng ra bên ngoài. Điều này đòi hỏi rất nhiều công phu. Từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, chúng ta được dạy chỉ chú ý đến những thứ bên ngoài, mà không bao giờ chú ý đến những thứ bên trong; do đó, hầu hết chúng ta đã gần như mất đi khả năng quan sát cơ chế bên trong. Để xoay tâm trí, như nó đã là, bên trong, ngăn nó đi ra bên ngoài, và sau đó tập trung mọi sức mạnh của nó và mang chúng vào chính tâm trí, để tâm trí có thể biết được bản chất của chính nó, phân tích chính nó, là một công việc rất khó khăn. Tuy nhiên, đó là cách duy nhất đối với bất cứ thứ gì mà sẽ là cách tiếp cận khoa học đối với chủ đề này.

Lợi ích của kiến thức đó là gì? Trước hết, bản thân kiến thức là phần thưởng cao nhất của kiến thức, và thứ hai, cũng có lợi ích trong nó. Nó sẽ mang đi tất cả khổ đau của chúng ta. Bằng việc phân tích tâm trí của chính mình, như nó đã là, con người đối mặt với cái gì đó không bao giờ bị phá hủy, cái gì đó, tự bản chất của nó, vĩnh viễn thuần khiết và toàn hảo, con người sẽ không còn khổ đau, không còn bất hạnh. Mọi khốn khổ đều xuất phát từ sợ hãi, từ ham muốn không được thỏa mãn. Con người sẽ thấy rằng họ không bao giờ chết, và khi đó họ sẽ không còn sợ cái chết. Khi con người biết rằng họ toàn hảo, họ sẽ không còn ham muốn viển vông, và cả hai nguyên nhân này vắng mặt, sẽ không còn khổ đau - sẽ có hạnh phúc trọn vẹn, ngay cả khi ở trong thân xác này.

Chỉ có một phương pháp duy nhất để đạt được kiến thức này, được gọi là sự tập trung. ... Làm thế nào mà tất cả kiến thức trên thế giới lại có được chỉ bằng sự tập trung sức mạnh của tâm trí? Thế giới sẵn sàng từ bỏ những bí mật của nó một khi chúng ta biết cách gõ, cách cho nó một cú đánh cần thiết. Sức mạnh và lực của cú đánh đến từ sự tập trung. Sức mạnh của tâm trí con người là vô hạn. Tâm trí càng được tập trung, sức mạnh được tập trung vào một điểm càng lớn; đó là bí mật.

Thật dễ dàng tập trung tâm trí vào những thứ bên ngoài, bởi vì tâm trí hướng ra bên ngoài một cách tự nhiên, nhưng không phải vậy trong trường hợp của tôn giáo, tâm lý học, hay siêu hình học, nơi chủ thể và đối tượng là một. Đối tượng là ở bên trong, bản thân tâm trí là đối tượng, và tìm hiểu chính nó là cần thiết - tâm trí tìm hiểu tâm trí.

Chúng ta biết rằng sức mạnh của tâm trí được gọi là sự phản chiếu. ... Sức mạnh của tâm trí nên được tập trung và quay trở vào chính nó, và khi những nơi tăm tối nhất bộc lộ bí mật của chúng trước những tia nắng xuyên qua, tâm trí được tập trung sẽ thâm nhập vào những bí mật sâu thẳm nhất của chính nó. Như vậy, chúng ta mới đi đến nền tảng của niềm tin, một tôn giáo chân chính thực sự. Chúng ta sẽ nhận thức chính mình dù chúng ta có linh hồn hay không, dù cuộc sống là 5 phút hay vĩnh cửu, dù có một Thượng đế trong vũ trụ hay không. Tất cả sẽ được bộc lộ cho chúng ta. Đây là những gì Raja Yoga đề xuất dạy. 

Mục tiêu của tất cả việc giảng dạy là làm thế nào để tập trung tâm trí, tiếp đó, làm thế nào để khám phá những nơi thâm sâu nhất của tâm trí, sau đó, làm thế nào để khái quát nội dung và hình thành kết luận của chính chúng ta từ chúng. ... Mỗi người đều có quyền và sức mạnh để tìm kiếm tôn giáo. Mỗi người đều có quyền hỏi lý do tại sao, và tự trả lời câu hỏi của chính mình, nếu như họ không ngại khó khăn để làm điều đó.

Cho đến nay, chúng ta thấy rằng trong việc tìm hiểu Raja Yoga không có đức tin hay niềm tin nào cần thiết. Không tin bất cứ điều gì cho đến khi tự mình tìm ra điều đó; là những gì nó dạy chúng ta. Chân lý không cần cột chống để làm cho nó đứng vững. ...

Đích đến và mục tiêu của mọi khoa học là tìm ra sự Thống nhất, cái Một mà từ đó cái đa dạng được tạo thành, cái Một đó tồn tại như nhiều. Raja Yoga đề xuất bắt đầu từ thế giới bên trong, để tìm hiểu bản chất bên trong ...

Tâm trí là một công cụ, như nó đã là, nằm trong tay linh hồn, thông qua đó linh hồn nắm bắt các đối tượng bên ngoài. Tâm trí luôn thay đổi và dao động và khi được hoàn thiện, có thể tự gắn vào một số cơ quan, với một, hoặc không. ... Tâm trí hoàn thiện có thể được gắn với tất cả các cơ quan đồng thời. Nó có năng lực phản chiếu để nhìn lại vào sâu chính nó. Năng lực phản chiếu này là cái mà các Yogi muốn đạt được; bằng việc tập trung sức mạnh của tâm trí, và quay chúng vào bên trong, họ tìm kiếm để biết những gì đang xảy ra bên trong. ... Vì mỗi khoa học đòi hỏi những sự chuẩn bị nhất định và có phương pháp riêng, phải được tuân theo trước khi có thể hiểu được, ngay cả trong Raja Yoga cũng thế. 

NguồnObservation