Bạn thân mến. Tôi nhớ lần đầu tiên mình hiểu được ý nghĩa thực sự của trải nghiệm. Khi ấy tôi vẫn đang học đại học. Những ngày đó, tôi thiền hàng ngày. Cha mẹ tôi nhận thấy tôi ngồi nhắm mắt vào mỗi sáng. Họ không bao giờ làm phiền
tôi; cũng không hỏi tôi đang làm gì.
Một ngày đẹp trời, tôi đề nghị đưa cha tôi đến một người dẫn thiền Heartfulness ở gần nhà chúng tôi. Cha tôi vui vẻ thiền. Khi bước ra từ buổi thiền đầu tiên ấy, ông đã không nói nên lời.
Sau đó, háo hức học hỏi từ cha mình, tôi hỏi ông rằng liệu
ông có muốn truyền đạt bất cứ kiến thức về nghi lễ nào mà ông đã tích lũy được suốt cả cuộc đời hay không.
Tôi có thể thấy mắt ông rưng rưng khi ông trả lời rằng buổi
thiền đó là lần đầu tiên ông cảm thấy được thứ gì đó thực sự sâu sắc. Buồn bã, ông nhìn lại những năm tháng hiến dâng cho các nghi lễ, cảm thấy rằng
quá nhiều thời gian đã lãng phí một cách vô ích.
Kiểm tra điều này kỹ lưỡng hơn, quan trọng là phải hiểu mọi
thứ có vị trí như thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Khi
còn nhỏ, cha mẹ thấm nhuần các giá trị trong chúng ta và dạy chúng ta về
việc thờ phụng Thượng đế theo nhiều cách khác nhau. Nếu bạn là một người Thiên chúa
giáo, cha mẹ có lẽ đã dạy bạn cách đi nhà thờ, cách cư xử trong nhà thờ và
cách cầu nguyện trước khi ăn. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình theo đạo Hindu,
cha mẹ có lẽ đã dạy bạn cách cư xử trong đền thờ và hát những bài tụng ca.
Nhiều người trong chúng ta lớn lên với các nghi lễ và truyền thống khác
nhau được thực hiện bởi gia đình của mình. Bằng cách này, chúng ta được dạy tuân theo những niềm tin và
giá trị nhất định.
Khi còn nhỏ, chúng ta đầy sự ngạc nhiên và tò mò về thế giới. Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ đang chơi với con quay,
bạn sẽ nhận thấy mắt chúng lấp lánh khi chúng nhìn nó quay. Chúng sẽ thử quay nó trên sàn gỗ, trên thảm hoặc trên ghế; chúng sẽ cố gắng quay ở các
góc khác nhau với các lực khác nhau. Giống như nhà khoa học, chúng kiểm tra đồ chơi của mình kỹ lưỡng trong các môi trường khác nhau, cẩn thận quan sát từng kết quả.
Hiển nhiên, chúng ta thể hiện sự tò mò tương
tự khi lần đầu chúng ta được dạy về niềm tin và giáo lý. Với rất nhiều sự hồn nhiên và tình yêu, chúng ta háo hức đặt câu hỏi, "Tại sao chúng ta đến đền
thờ (hoặc nhà thờ)? Tại sao chúng ta được sinh ra? Thượng đế là ai?" Giống
như kiểm nghiệm con quay khi chúng ta còn nhỏ, giờ đây chúng ta đặt nhiều câu hỏi
về tôn giáo tương ứng của mình. Theo cách tương tự, chúng ta cố gắng kiểm nghiệm và hiểu các truyền thống mà mình được dạy. Sự tò mò chỉ bị vùi lấp khi ai đó không khuyến khích chúng ta thử nghiệm, hoặc khi chúng ta được yêu cầu ngừng đặt câu hỏi. Đây là một
trong những lý do chính mà rất nhiều người trong chúng ta nổi loạn khi lớn
lên. Là thanh thiếu niên, chúng ta trở nên hoài nghi về câu trả lời của cha
mẹ. Chúng ta trở nên vỡ mộng trước những truyền thống, và thất vọng vì không có khả
năng kiểm nghiệm những giáo lý và niềm tin đó.
Đó là nơi trải nghiệm là cần thiết. Niềm
tin và giáo lý có thể đóng vai trò nền tảng, nhưng bước tiếp theo là bắt đầu xây dựng dựa trên nền tảng đó. Hãy tưởng tượng một bác sĩ tiếp tục nghiên cứu sách y khoa mà chưa một lần chạm tay vào ống nghe! Bạn có thể coi một người như thế là bác sĩ không? Tương
tự, trong yoga và tâm linh, kiến thức về luân xa, nói liên miên về Thượng đế
hay sự giải thoát có ích gì nếu chúng ta không hướng tới việc hiện thực hóa kiến thức đó?
Bất cứ khi nào ngồi thiền với một
trái tim rộng mở, chúng ta sẽ nhận được một trải nghiệm khác biệt. Chúng ta bước vào với một giả thiết rằng có một nguồn sáng hiện diện trong trái tim của chúng ta. Giống như nhà khoa học, chúng ta kiểm nghiệm niềm tin này mỗi khi nhắm mắt lại và
cố gắng để kết nối bên trong. Khi chúng ta tự tìm ra câu trả lời, kiến thức thực sự trở thành của chúng ta.
Khi tiếp tục với một trái tim rộng mở
và đón nhận, chúng ta bắt đầu đạt đến một điểm mà trải nghiệm không còn đủ nữa.
Nếu một trải nghiệm không biến đổi chúng ta, thì nó có thực sự có giá trị? Trải nghiệm luôn phản ánh bản chất bên trong của chúng ta. Chúng cho
chúng ta thấy cái chúng ta là. Theo cách này, chúng là công cụ trong
quá trình chuyển đổi của chúng ta. Tối hậu, chúng ta nhận ra rằng chúng ta càng ít cái tôi, trải nghiệm của chúng ta càng trở nên tốt hơn. Trở thành không gì cả,
chúng ta ở trong phúc lạc hoàn toàn.
Nhưng trong trường hợp đó, ai ở đó để trải
nghiệm nó?
Chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất,
Daaji